Một bộ phim làm lại tầm cỡ với một dàn diễn viên toàn người Châu Á, xếp hạng PG-13 và một diễn viên chính vướng vào những rắc rối chính trị sẽ luôn ẩn chứa những nguy hiểm tiềm tàng to lớn. Rồi sự xuất hiện của virus corona đã làm đảo lộn hoàn toàn kế hoạch công chiếu của nó.
Lưu Diệc Phi (Liu Yifei), ngôi sao của bộ phim live action remake của Mulan (Hoa Mộc Lan), sống ở Bắc Kinh, nhưng cô lại đến từ Vũ Hán, trung tâm của đại dịch virus corona. Vào tháng 1, nữ diễn viên 32 tuổi đã rời khỏi Trung Quốc và đến Los Angeles để bắt đầu quảng bá bộ phim, nhiều tuần trước khi virus bùng phát, gây nhiễm hơn 77000 người, giết chết hơn 2500 người và gây khủng hoảng tại quê nhà cô. Cô nói rằng cô không có bất kì người thân hay bạn bè bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh - cô rời khỏi Vũ Hán lúc 10 tuổi - nhưng cơn đại dịch đã đặt ra một dấu hỏi lớn về ngày khởi chiếu toàn cầu 27.03 của bộ phim.
Ở Trung Quốc, Lưu Diệc Phi là một cái tên nổi tiếng, với biệt danh "Thần tiên tỷ tỷ" vì vẻ đẹp và sự tao nhã. Làm người mẫu từ năm 8 tuổi, cô có vai diễn đột phá trong bộ phim truyền hình Hoa Ngữ vào 2003 Thiên Long Bát Bộ (Demi-Gods and Semi-Devils), một thành công thương mại ở Trung Quốc và phim chính kịch Hoa Ngữ có rating cao nhất ở Đài Loan lúc bấy giờ. Từ đó, cô đã không ngừng tham gia vào các bộ phim điện ảnh và truyền hình, cùng lúc hợp tác với các hãng thời trang như Adidas, Shiseido và Armani.
Disney và đạo diễn Niki Caro đã lựa chọn Lưu Diệc Phi từ hơn 1000 ứng viên trên khắp thế giới để vào vai Hoa Mộc Lan, nữ anh hùng người Trung Quốc đã cải trang thành nam nhân để chiến đấu cho quân đội triều đình, trong một bộ phim được thiết kế cẩn thận để làm hài lòng cả khán giả phương Tây và Trung Quốc. Nhưng câu hỏi đặt ra lúc này là khi nào Mulan sẽ được ra mắt ở Trung Quốc. Với việc virus Corona đã làm đóng cửa cả 70000 rạp chiếu phim của nước này từ 24.01, không biết khi nào các hệ thống rạp sẽ mở cửa trở lại kịp lúc với kế hoạch ra mắt của bộ phim.
"Bộ phim chắc chắn có sức hút trên toàn cầu, nhưng không thể phủ nhận rằng đây là một bộ phim rất quan trọng đối với thị trường Trung Quốc," nhà phân tích của Comscore Paul Dergarabedian nói. "Sẽ là một thất vọng lớn cho Disney nếu như bộ phim không được ra mắt tại Trung Quốc." Chủ tịch sản xuất của Disney Sean Bailey nói rằng ông đang theo dõi rất sát sao tình hình.
Dĩ nhiên, điều nãy đã gây áp lực lên bộ phim có kinh phí $200 triệu - đắt nhất trong số các bộ phim live action remake gần đây của Disney. Lưu Diệc Phi, người tự gây rắc rối cho bản thân sau một bài đăng trên mạng xã hội về cuộc biểu tình ở Hồng Kông, nói rằng cô đang rất cố gắng để không suy nghĩ về điều đó. "Sẽ là một mất mát nếu tôi để áp lực đè nén lên những cơ hội của bản thân," nữ diễn viên nói, người học tiếng Anh lúc sống ở New York khi còn là một đứa trẻ trong bốn năm với mẹ của cô, một vũ công, sau khi ba mẹ cô ly hôn.
Ngay cả trước khi virus bùng phát, Mulan - bộ phim với một dàn diễn viên toàn là người châu Á và được xếp hạng PG-13 (cho những cảnh chiến đấu) đầu tiên của Disney - sẽ đánh dấu một trong những bộ phim live action rủi ro nhất của hãng phim cho đến thời điểm hiện tại. Trong khi phiên bản gốc năm 1998 thành công cả về mặt phê bình và thương mại, nhận được một đề cử Oscar và Quả Cầu Vàng cũng như thu về hơn $300 triệu trên toàn cầu ($475 triệu ở thời điểm hiện tại), bộ phim đã gặp khó khăn ở phòng vé Trung Quốc. Một phần do chính phủ Trung Quốc đã trì hoãn việc công chiếu trong gần 1 năm bởi vì sự tức giận chưa nguôi đối với bộ phim được ra mắt năm 1997 của Disney Kundun, bộ phim về Đức Đạt Lai Lạt Ma của đạo diễn Martin Scorsese với nội dung về sự xâm chiếm của Trung Quốc đối với Tây Tạng. Cho đến khi Mulan được chiếu tại các rạp vào cuối tháng hai năm 1999, hầu hết trẻ em đã quay trở lại trường học sau Tết Nguyên Đán và các bản phim lậu đã xuất hiện ở nhiều nơi. Đối với phiên bản làm lại này, kế hoạch để đối phó với việc xem phim lậu là sẽ ra mắt bộ phim ở Trung Quốc cùng ngày với cả thể giới, một chiến lược đã không còn mang tính khả thi.
Việc phiên bản này của Mulan là một bộ phim chiến tranh sử thi với quy mô to lớn được truyền cảm hứng bởi bài thơ dân gian của Trung Quốc hơn là bộ phim hoạt hình gốc cũng có thể giúp giành được lòng tin người hâm mộ ở Bắc Kinh, nhưng lựa chọn này cũng chứa đựng những rủi ro không kém: bộ phim cần phải làm hài lòng những khán giả Trung Quốc lớn lên với truyền thuyết này cũng như không làm thất vọng một thế hệ những người hâm mộ bộ phim hoạt hình ở Châu Á (và những nơi khác). "Nhiều người đã đến thử vai và nói rằng, 'Xin lỗi, tôi biết thế này thật không chuyên nghiệp, nhưng trước khi bắt đầu, tôi chỉ muốn mọi người biết rằng, bộ phim hoạt hình là lần đầu tiên tôi thấy một ai đó giống như mình nói tiếng Anh trong một rạp phim,'" nhà sản xuất Jason Reed nói. "Đây quả là một thử thách cực kì to lớn."
Mulan cũng đánh dấu một bước tiến của đạo diễn Caro, với hai bộ phim trước đó của bà có kinh phí chỉ bằng 10% của Mulan (The Zookeeper's Wife và bộ phim thể thao chính kịch của Disney năm 2015 McFarland USA đều nằm khoảng từ $20 triệu - $25 triệu). Caro, 53 tuổi, không phải là lựa chọn hàng đầu của Disney. Trước khi thuê đạo diễn người New Zealand, hãng phim đã nhắm đến những đạo diễn gốc Á, bao gồm chủ nhân giải Oscar người Đài Loan Lý An (Ang Lee) và đạo diễn người Trung Quốc Jiang Wen. Tuy nhiên, Caro đã cho thấy tài năng trong việc thể hiện những nền văn hóa khác với bộ phim đầu tay năm 2002 Whale Rider, theo chân một cô gái trẻ người Maori muốn trở thành một tộc trưởng, một chức vị thông thường chỉ dành cho đàn ông.
Câu chuyện nữ quyền của Mulan đã tạo sự đồng cảm sâu sắc với Caro. "Khi tôi bắt đầu muốn trở thành một nhà làm phim, có rất ít phụ nữ đảm nhận dự án của các hãng phim lớn," bà nói. Mulan giờ đây đã trở thành bộ phim live action có kinh phí cao nhất do một nữ đạo diễn cầm trịch, giúp Caro gia nhập những cái tên như Kathryn Bigelow, Ava DuVernay và Patty Jenkins trong danh sách những người phụ nữ làm đạo diễn cho những bộ phim có kinh phí hơn $100 triệu. "Patty đã thay đổi cuộc chơi với Wonder Woman. Nó giống như một liều thuốc kích thích cho tôi với tư cách là một nhà làm phim," Caro nói, người đã tập hợp một ê-kíp với phần lớn là phụ nữ, bao gồm nhà quay phim Mandy Walker, nhà thiết kế phục trang Bina Daigeler, nhà thiết kế hóa trang Denise Kum và trợ lý đạo diễn Liz Tan.
Đối với những người vẫn phiền lòng vì một nhà làm phim người châu Á không được làm đạo diễn, Caro phản hồi: "Mặc dù đây là một câu chuyện rất quan trọng với bối cảnh thuộc văn hóa và lịch sử Trung Quốc, bộ phim vẫn mang trong mình một nền văn hóa khác, nền văn hóa của Disney. Người đạo diễn, mặc cho họ là ai, phải làm chủ được cả hai nền văn hóa này."
Không lâu sau khi Caro tham gia dự án, những tin đồn về bộ phim bắt đầu xuất hiện trên mạng. Hàng năm trời các studio thực hiện các bộ phim về châu Á với diễn viên chính là người da trắng (từ Ghost in the Shell của Scarlett Johansson cho đến The Great Wall của Matt Damon) đồng nghĩa với mối đe dọa ngày càng to lớn của việc tẩy trắng. Một báo cáo trên mạng ban đầu cho rằng, bản thảo đầu tiên, được viết bởi Elizabeth Martin và Lauren Hynek, có sự xuất hiện của một nhân vật nam chính là da trắng.
"Đây là lần đầu tiên tôi tham gia vào một bộ phim lớn với thực trạng internet như ngày nay. Tôi đã thử tra Google và phát hiện những thứ như, 'Ồ, ban đầu sẽ có một nhân vật nam chính da trắng sao, hay họ đang tuyển Jennifer Lawrence ư?' và tất cả đều là bịa đặt," Reed nói, bổ sung thêm rằng có thể đã có hai nhân vật không-phải-người Trung Quốc trong kịch bản ban đầu, nhưng cả hai đều là những vai phụ.
Những tin đồn tuy có thể là vô căn cứ, nhưng tranh cãi không mong muốn đã xảy ra: Câu chuyện Lawrence được nhắm vào vai Mulan đã dẫn đến đến một đơn kiến nghị năm 2016, "Hãy nói với Disney rằng bạn không muốn một Mulan bị tẩy trắng!" thu hút hơn 110000 chữ kí.
Trớ trêu thay, khi những tin đồn bắt đầu lan truyền, Caro gặp khó khăn trong việc tìm một nữ diễn viên để thủ vai Mulan. Cuộc truy lùng toàn cầu bắt đầu vào tháng 10.2016, khi Caro cử một đội ngũ các nhà tuyển diễn viên đến mỗi châu lục và gần như là mỗi ngôi làng nhỏ ở Trung Quốc. Họ muốn tìm một nữ diễn viên có thể thủ vai Mulan trong ba giai đoạn, từ một người phụ nữ trẻ không hiểu rõ về vị trí của mình cho đến một người lính cải trang thành nam nhân và cuối cùng, một chiến binh quả cảm. Cô phải thông thạo tiếng Anh, đáp ứng yêu cầu thể chất về võ thuật và những cảm xúc cần thiết khi tương tác với gia đình của Mulan. "Tuy phải mò kim đáy bể, chúng tôi nhất định phải tìm được cô ấy," Caro nói. "Bộ phim không thể được thực hiện nếu thiếu đi con người này."
Tuy hãng phim đã thực hiện một cuộc tìm kiếm đa quốc gia, Biil Kong - một nhà sản xuất kỳ cựu người Trung Quốc được biết đến với vai trò trong Ngọa Hổ Tàng Long (Crouching Tiger, Hidden Dragon) và Monster Hunt cũng như trong bộ phim Mulan lần này - khuyên nhủ Caro rằng để bộ phim có thể thành công ở Trung Quốc, không phải người gốc Á nào cũng phù hợp. "Điều đầu tiên mà tôi nói với cô ấy là, 'Hãy thuê một cô gái người Trung Quốc. Cô không thể thuê một cô gái người Nhật được,'" ông ấy nói.
Những nữ diễn viên vượt qua vòng thử vai đầu tiên đã được đưa đến Los Angeles, nhưng sau khi rà soát một số ứng viên hứa hẹn trong nhiều tháng, Caro quyết định bắt đầu lại từ đầu (cuộc tìm kiếm kéo dài lâu đến nỗi Disney phải dời lịch chiếu ban đầu vào tháng 11.2018). Cuối cùng, Lưu Diệc Phi, người không thể tham gia vào lần tuyển chọn đầu tiên do bận đóng một show truyền hình ở Trung Quốc, đã có thể thử vai.
"Tôi đã quyết tâm rằng bất kì ai thủ vai Mulan sẽ không mỏng manh và nữ tính," Caro nói. "Cô ấy phải chứng minh bản thân là một người đàn ông trong một quân đội toàn là nam giới." Nên vị đạo diễn và một người huấn luyện đã bắt Phi phải làm một bài kiểm tra thể chất 90 phút. Những nữ diễn viên khác thì thể hiện sự mệt mỏi. "Bọn họ như gục đi," Caro cười nói. "Nhưng Phi không phàn nàn một chút nào, không bao giờ nói 'Tôi không thể.' Cô ấy đã đi đến giới hạn của bản thân."
Với Phi, Disney đã tìm được một nữ diễn viên có thể nói tiếng Anh, biết võ thuật thông qua những bộ phim truyền hình của cô ở Trung Quốc và quan trọng nhất, nổi tiếng ở thị trường ở Trung Quốc.
Trong lúc Phi dành ba tháng tập luyện cho vai diễn ở New Zealand, Caro dần hoàn tất quá trình nghiên cứu dày công. Bà đã thực hiện nhiều chuyến đi đến Trung Quốc và nói chuyện với hàng tá các chuyên gia - bao gồm cả chuyên gia hàng đầu thế giới về chiến lược quân sự của triều đại nhà Đường (Tang dynasty). Bà cũng nghiên cứu bài thơ Trung quốc dài 360 chữ Bài Ca Mộc Lan (The Ballad of Mulan), tác phẩm đầu tiên kể về câu chuyện của nữ anh hùng trẻ. Truyền thuyết này bắt nguồn từ thế kỷ thứ 5 hoặc thứ 6 Công Nguyên, một câu chuyện quen thuộc ở Trung Quốc như Joan of Arc hay Paul Bunyan ở phương Tây, đã được chuyển thể nhiều lần thành các vở kịch, opera và phim.
"Tôi chắc chắn đã không nhận thức được tầm quan trọng của bài thơ đối với Trung Quốc đại lục - tất cả trẻ em đều được dạy nó," Caro nói. "Cô ấy có ý nghĩa to lớn đến nỗi ở nhiều nơi tôi tới, mọi người sẽ nói rằng, 'Cô ấy đến từ làng của tôi đấy.' Thật tuyệt vời khi có thể cảm nhận sự kết nối sâu sắc đó - nhưng đồng thời cũng rất đáng sợ."
Ngay sau khi đoạn trailer đầu tiên được tung ra, những lời than phiền tính chính xác về lịch sử cũng bắt đầu xuất hiện, ví dụ như lựa chọn đặt gia đình Mulan trong một cái Thổ Lâu (tulou), một công trình kiến trúc cổ hình vòng và nơi sinh sống của nhiều gia tộc. Những ngôi nhà này thường xuất hiện ở phía Nam Trung Quốc, hiện nay được gọi là tỉnh Phúc Kiến (Mulan được cho là đến từ phía Bắc) và chưa hề tồn tại ở thời điểm cô sinh sống.
"Tôi nói với Caro đừng quá lo lắng tính chính xác về lịch sử," Kong nói. "Mulan, mặc dù rất nổi tiếng, là một nhân vật giả tưởng. Cô ấy không phải là một nhân vật lịch sử."
Disney đã rất tận tâm với việc chiếu thử bộ phim cho các khán giả Trung Quốc, bao gồm cả những giám đốc điều hành địa phương của hãng. Trong một phiên bản ban đầu, Mulan đã hôn Chen Honghui (Yoson An) trên một cây cầu khi họ chuẩn bị tạm biệt nhau. "Cảnh quay rất đẹp, nhưng văn phòng ở Trung Quốc lại nói rằng, 'Không, bạn không thể, điều này không cảm thấy đúng với người Trung Quốc,' Caro nói. "Nên chúng tôi đã cắt cảnh đó đi."
Caro và các biên kịch, Amanda Silver và Rick Jaffa (cặp vợ chồng đứng đằng sau Rise of the Planet of the Apes và Jurassic World đã viết lại kịch bản ban đầu), cũng phải cân nhắc đến những người hâm mộ cuồng nhiệt của bộ phim năm 1998. Đa phần các bộ phim làm lại của Disney, như Beauty and the Beast, Aladdin và The Lion King, vẫn trung thành với tông và cấu trúc của bộ phim hoạt hình gốc, cùng lúc thêm vào một bài hát hay nhân vật mới. Rời xa công thức đó không phải là một quyết định dễ dàng. "Chúng tôi đã có rất nhiều cuộc bàn luận," Reed nói. "Cuối cùng, chúng tôi muốn kể một câu chuyện theo một cách thực tế và dễ liên hệ hơn, nơi mà chúng tôi không phải sử dụng những câu đùa để che dấu đi những vấn đề nhạy cảm và chúng tôi không bỗng bật hát để nói cho khán giả biết về một ẩn ý nào đó."
Họ đã hoán đổi những ca khúc nhạc kịch và những cộng sự động vật hài hước cho một bộ phim chiến tranh sử thi quy mô lớn mà ở đó Mulan thế chỗ cho cha cô trong quân đội triều đình. "Đó là một câu chuyện về phụ nữ đã được kể trong hàng thế kỷ nhưng chưa bao giờ được một người phụ nữ thực hiện, và chúng tôi cảm thấy rằng đã đến lúc để kể câu chuyện đó," Silver nói. Câu hỏi ở đây là liệu thế hệ Z và Y, những người đã phải lòng với những bộ phim hoạt hình này khi còn là một đứa trẻ và giúp đẩy doanh thu của Aladdin lên $1 tỷ toàn cầu, có hưởng ứng hướng đi này? "Thành thật thì, chúng tôi đã làm theo cảm tính và những gì thu hút đội ngũ làm phim về mặt sáng tạo," Bailey nói. "Tôi nghĩ nó cho thấy rằng có nhiều hướng tiếp cận có cơ sở khác nhau cho những bộ phim này."
Khi tin đồn về việc Mushu, chú rồng cộng sự ngốc nghếch (Eddie Murphy lồng tiếng), sẽ không xuất hiện, nhiều người hâm mộ đã bày tỏ sự thất vọng trên mạng xã hội. Nhưng sự vắng mặt của nhân vật này không phải là vô lý nếu đặt trong bối cảnh của Trung Quốc. "Mushu rất nổi tiếng ở Mĩ, nhưng người Trung Quốc lại ghét nó, giáo sư đại học USC Stanley Rosen nói, người có chuyên môn về chính trị và xã hội Trung Quốc. "Chú rồng nhỏ bé này đã tầm thường hóa nền văn hóa của họ."
Không giống với những bộ phim Marvel, các bộ phim live action của Disney phải làm hài lòng những đối tượng khán giả trẻ tuổi hơn. Thế nhưng Caro lại muốn làm một bộ phim chiến tranh thật sự. "Bạn phải cho thấy sự tàn khốc của nó," bà nói, "và làm thế nào để thực hiện điều đó với thương hiệu Disney khi bạn không được thể hiện bạo lực?" Bà đã tận dụng các địa điểm quay ấn tượng của bộ phim, như đặt một phân đoạn chiến đấu trong một thung lũng địa nhiệt, nơi mà hơi nước có thể che phủ trận chiến. "Những phân đoạn đó, tôi rất tự hào về chúng, rất đẹp đẽ và hoành tráng - nhưng bạn vẫn có thể mang trẻ em theo. Không một giọt máu nào rơi cả. Đây không phải là Trò Chơi Vương Quyền."
Các bộ phim live-action trước đây của Disney ở Trung Quốc thường không đạt thành công như nhau. Cả The Lion King (thu được $120.5 triệu) và Jungle Book ($148 triệu) đều thu hút một lượng khán giả lớn. Aladdin chỉ thu về được $53 triệu, trong khi Beauty and the Beast cũng thu về có $84 triệu (mặc dù doanh thu toàn cầu là $1.3 tỷ).
Dĩ nhiên, sự mong đợi dành cho Mulan ở Trung Quốc là cao hơn nhiều. "Bộ phim cuối cùng cũng sẽ được chiếu ở Trung Quốc, vấn đề chỉ là khi nào và sẽ chịu những ảnh hưởng gì." Dergarabedian nói. Nhiều nhà phân tích dự đoán bộ phim có thể thành công như series Kung Fu Panda. Phần phim thứ ba, ra mắt vào năm 2016, thu về khoảng $144.2 triệu và trở thành bộ phim hoạt hình lớn nhất từ trước đến nay của đất nước này. Bộ phim của Hollywood được ca ngợi là thấu hiểu và dành sự tôn trọng đối với văn hóa Trung Quốc. Panda, tuy nhiên, lại có lợi thế vì được Trung Quốc đồng sản xuất, đảm bảo một thị phần lớn hơn của thị trường - một lợi thế mà Mulan không hề có.
Caro nghĩ về số phận của bộ phim ở Trung Quốc không chỉ đơn giản là về mặt doanh thu. "Dĩ nhiên việc bộ phim thành công ở Trung Quốc là vô cùng quan trọng," bà nói, "bởi vì nó thuộc về Trung Quốc."
Nguồn: The Hollywood Reporter