Sau gần 10 năm vắng bóng trên màn ảnh nhỏ để tập trung sản xuất, đạo diễn Lê Cung Bắc đã trở lại với khán giả cùng phim bộ dài 49 tập Mỹ Nhân Sài Thành. Với kinh nghiệm đạo diễn hơn 30 năm, tên tuổi Lê Cung Bách gắng liền với những bộ phim có bối cảnh Việt Nam cận đại như Người Đẹp Tây Đô, Dòng Đời, Vó Ngựa Trời Nam... Dựa trên cuộc đời đầy hồng nhan bạc mệnh của cô Ba Thiệu hay còn gọi là cô Ba xà bông, Lê Cung Bắc kể câu chuyện về ba mỹ nhân Sài Gòn thời bấy giờ là Hồng Trà, Bạch Trà và Thanh Trà mà trong đó nhân vật trung tâm chính là Hồng Trà.
Phim bắt đầu với cảnh Hồng Trà lúc về già đang trò chuyện với cô cháu gái Hồng Anh và từ đó, quá khứ lẫy lừng bắt đầu hiện về. Với vẻ ngoài xinh đẹp cùng tính cách đầy đủ phẩm chất công, ngôn, dung, hạnh, Hồng Trà nổi lên từ một cuộc thi sắc đẹp danh tiếng tại Sài Gòn trong những năm 1950. Tuy nhiên, trong một Sài Gòn đầy hoa lệ với những vinh hoa phú quý và lệ sầu của những mảnh đời bi kịch, một người vừa có sắc vừa nhu mì như Hồng Trà ắt không tránh khỏi nanh vuốt của những thế lực xấu xa. Thủ vai mỹ nhân bậc nhất đất Sài thành không ai khác chính là Hoa hậu Áo dài Khánh My. Sở hữu một gương mặt có chút lai Tây là thế nhưng khi khoác lên mình những bộ trang phục truyền thống, vẻ đẹp của Khánh My bỗng đậm chất Á đông thanh tú, phù hợp với thần thái mê đắm thực dân của các cô gái Sài Gòn xưa. Tuy là hoa hậu nhưng diễn xuất của Khánh My lại xuất sắc hơn hàng loạt bình hoa di động đại trà, cô từng gây tiếng vang cùng các bộ phim như Cuối Đường Băng, Trót Yêu, Thiên Môn Truyện của Trung Quốc.
Thanh lịch, trang nhã và xinh đẹp không kém Hồng Trà lúc bấy giờ là người chị kết nghĩa Bạch Trà do người đẹp Dương Mỹ Linh thủ vai. Nàng chính là hình mẫu của người phụ nữ Việt Nam quyến rũ, bất khuất trong hành trình chống lại thực dân và đế quốc. Với nhan sắc và trí thông minh vượt bậc, Bạch Trà sẵn sàng hy sinh mối tình tri kỷ để làm người tình phòng nhì của những quan chức cấp cao trong bộ máy cầm quyền của Pháp tại Sài Gòn hòng moi thông tin cho cách mạng. Đạo diễn Lê Cung Bắc đã sáng suốt khi chọn người đẹp Dương Mỹ Linh cho vai diễn Bạch Trà. Nàng hậu này vốn nổi tiếng với việc luôn cống hiến hết mình vì nghệ thuật và ngoại trừ lùm xùm với chồng cũ Bằng Kiều, đời tư Dương Mỹ Linh khá là trong sạch. Kinh nghiệm diễn xuất của Hoa hậu Dương Mỹ Linh có thừa khi cô từng xuất hiện trong các bộ phim như Anh Và Em, Vũ Khí Sắc Đẹp và Người Mẫu.
Không phải là hoa hậu như hai nàng trên nhưng ca sĩ, diễn viên Ngân Khánh luôn là nghệ sĩ được đông đảo khán giả Việt Nam yêu mến. Với vẻ đẹp mong manh có chút cứng đầu, cô thích hợp với những vai diễn trong các bộ phim như Tường Vy Cánh Mỏng, Gọi Giấc Mơ Về, Khi Yêu Đừng Quay Đầu Lại , Nhà Có 5 Nàng Tiên... Đến với Mỹ Nhân Sài Thành, Ngân Khánh được đạo diễn Lê Cung Bắc giao cho vai diễn Thanh Trà mà phải gọi là đo ni đóng giày cho cô. Ngoại hình của Ngân Khánh hoàn toàn phù hợp với nhân vật em út trong bộ ba mỹ nhân Sài Gòn. Khác với người chị Bạch Trà sắc sảo và chị Hồng Trà thông minh, Thanh Trà sớm bị nhà tài trợ cuộc thi là Lý Tắc đe doạ, buộc cô phải trở thành tình nhân của hắn ta. Có thể nói trong bộ ba mỹ nhân, Thanh Trà có cuộc đời bất hạnh nhất khi tuổi thơ vốn đã không bình lặng, nay nhờ chút nhan sắc vươn lên nhưng cũng không thể thoát khỏi sự đưa đẩy của dòng đời.
Để kể câu chuyện ba số phận khác nhau của ba người đẹp có cùng một cái tên, đạo diễn Lê Cung Bắc đã chọn lấy bối cảnh Sài Gòn xưa và mạch truyện đi ngược dòng thời gian. Bối cảnh hiện tại trong phim là vào năm 1998, vốn cách đời thật 20 năm nhưng câu chuyện chính của phim diễn ra vào thời điểm 40 năm trước nữa. Để tái hiện được quá khứ huy hoàng của Hòn ngọc Viễn đông năm nào, đạo diễn Lê Cung Bắc đã chọn Sa Đéc và Gò Công để dựng bối cảnh và quay phim một cách khéo léo để tránh lọt vào khung hình những yếu tố hiện đại như nhà cao tầng, ăngten và dây điện... Một yếu tố đặc sắc khác mà không thể bỏ qua trong Mỹ Nhân Sài Thành chính là những tà áo dài thướt tha của các mỹ nhân trong phim, hoặc tà áo dài trơn, hoặc những hoạ tiết nổi bật cỡ lớn cùng lối trang điểm không chạy theo xu hướng 2010 nhưng rất phù hợp, tất cả đều làm nên một hình ảnh kiêu sa của người phụ nữ Sài Gòn ngày xưa. Bên cạnh đó, cách chọn màu phim có phần hơi ngả màu, cũ hoá trong phần lớn các phân cảnh giúp Mỹ Nhân Sài Thành mang lại cảm giác thật cho khán giả. Người xem có cảm giác đang thưởng thức một phim kinh điển năm xưa của Việt Nam và sống lại những cảm giác rạo rực xưa cũ.
Hậu thuẫn cho cuộc đời bạc mệnh của các hồng nhan là những yếu tố xã hội mang đậm tính thời cuộc như việc tổ chức cuộc thi sắc đẹp chỉ nhằm mục đích trục lợi cá nhân, phần thi áo tắm đi ngược lại với những truyền thống kín đáo, e ấp của phụ nữ Á đông và các cô gái phải đấu tranh tâm lý trước phần thi đó như thế nào. Nổi bật hơn cả là tinh thần yêu nước của người Việt Nam nói chung và những người phụ nữ da vàng thấp bé nhỏ con nói riêng. Trong một bối cảnh tình hình chính trị căng thẳng giữa hai miền Nam Bắc trước sự can thiệp của thực dân Pháp, những người phụ nữ tưởng chừng như e dè, không có tiếng nói ấy hoá ra chính là quân bài chiến lược cực kỳ quan trọng.
Trong thời điểm ra mắt này, Mỹ Nhân Sài Thành đụng phải đối thủ cực kỳ đáng gờm chính là bộ phim Mộng Phù Hoa đang được phát sóng trên đài VTV3 với sự góp mặt của các diễn viên chất lượng như Kim Tuyến, Thân Thuý Hà và Hà Việt Dũng. Nếu Mỹ Nhân Sài Thành là câu chuyện được lấy cảm hứng từ cô Ba xà bông, Mộng Phù Hoa cũng dựa trên cuộc đời của một cô Ba khác chính là kỹ nữ Trần Ngọc Trà. Đài truyền hình Vĩnh Long cũng không kém cạnh với Duyên Nợ Ba Sinh cùng các diễn viên miền Nam nổi tiếng như Thuý Diễm, Mai Sơn, Thanh Bình và cố diễn viên Nguyễn Hậu. Phim cũng lấy bối cảnh xưa và nói về tình yêu trắc trở của cô ca sĩ phòng trà và chàng thư sinh nghèo bị cha con bá hộ phá bĩnh. Xem ra cùng một bối cảnh với những nội dung na ná nhau nhưng thành công sẽ do khán giả quyết định.
Mỹ Nhân Sài Thành đã chính thức lên sóng VTV1 vào mỗi tối thứ hai, ba, tư hàng tuần.