Bẫy cấp 3 không phải là trường hợp đầu tiên bị Cục Điện ảnh đưa lệnh cấm, và fan của dòng phim kinh dị tại Việt Nam chỉ còn biết thở dài 'biết rồi, khổ lắm, nói mãi'.
Cấm – câu chuyện quen thuộc của phim kinh dị tại Việt Nam
Sau những ngày gây sốt trên mặt báo với thông tin có thể bị cấm chiếu, bộ phim Bẫy cấp 3 của đạo diễn việt kiều Lê Văn Kiệt đã chính thức nhận lệnh cấm phát hành từ Cục điện ảnh.
Nếu tính luôn cả phim quốc tế, thì đây là bộ phim thứ 3 bị giới kiểm duyệt "cấm cửa" trong chưa đầy nửa năm 2012. Trước đó, Ghost Rider 2 và The Hunger Games cũng có chung số phận này. Các yếu tố được đưa ra để cấm chiếu những bộ phim này tại Việt Nam vẫn là lý do quen thuộc liên quan đến sex và bạo lực.
Cũng trong năm nay, khi bộ phim kinh dị Ngôi nhà trong hẻm (cũng của đạo diễn Lê Văn Kiệt) được cấp phép phát hành dù có khá nhiều cảnh bạo lực, khán giả đã thấp thỏm hy vọng cho một tương lai của dòng phim kinh dị tại Việt Nam. Nhưng kết quả của Bẫy cấp 3 khiến nhiều fan của dòng phim này thở dài buồn thảm.
Tuy nhiên, đứng trước quyết định của Cục điện ảnh, nhiều khán giả yêu mến dòng phim này vẫn lạc quan và hóm hỉnh: "Thà cấm khỏi chiếu còn hơn chiếu mà bị cắt cúp tùm lum, hết sạch mấy cảnh kinh dị thì... cũng như không".
Điều này, một lần nữa cho thấy nhận định "dòng phim kinh dị tại Việt Nam gần như không có hướng phát triển" một lần nữa lại chính xác. Với những phim kinh dị Việt Nam hay nước ngoài được phát hành tại Việt Nam, số phận cũng chẳng sung sướng hơn là bao, thậm chí xét về một số khía cạnh, nó có phần còn... tệ hơn.
Tính đến hiện tại, có không ít tác phẩm kinh dị dù được công chiếu nhưng bị "cắt, cúp" không thương tiếc. Ngay cả với Ngôi nhà trong hẻm, theo những chia sẻ của đoàn làm phim thì họ đã phải tiết chế rất nhiều bởi lệnh cấm. Vì lý do này mà hiệu ứng kinh dị của phim đã không được như mong muốn, theo đúng hướng mà ê-kip thực hiện hứa hẹn trước đó.
Cấm cũng như không
Nội dung của Bẫy cấp 3 cho đến giờ vẫn gây nhiều tranh cãi. Nhưng nếu nói chính xác, những tranh cãi này không có tác dụng vì đơn giản bởi phim chưa chiếu, làm sao có thể biết trọn vẹn nội dung bộ phim muốn chuyển tải.
Trên thế giới có không ít bộ phim bị các nhà chuyên môn đánh giá nội dung kém (thậm chí là tệ, nhảm nhí) nhưng vẫn hút được khán giả đến rạp, vì lẽ này, muốn đánh giá một bộ phim "hay" hay "dở", chỉ có cách đợi nó được ra rạp. Tuy nhiên, với lệnh cấm của hội đồng duyệt phim, khán giả Việt sẽ không có cơ hội thưởng thức tác phẩm dù nó thực sự dở, mà chỉ được nghe kể lại qua những lời phê bình của thành viên hội đồng thẩm định mà thôi.
Nếu cấm Bẫy cấp 3 và những bộ phim kinh dị trên màn ảnh rộng vì yếu tố sex, bạo lực, thì trên màn ảnh nhỏ, giới duyệt phim phải cấm thế nào? Không khó để khán giả kiếm được một bộ phim với đầy đủ cảnh "nóng", bản gốc, dù thực tế tác phẩm ấy đã bị "cấm cửa" bằng văn bản. Điều này được minh chứng rõ ràng ở bộ phim Bi! đừng sợ, khi thị trường đĩa lậu với các bản phim full đã đánh sập công "cắt, cúp" của các nhà thẩm duyệt
Thực tế này chứng minh, công sức của Cục điện ảnh đã trở thành công cốc. Khán giả vẫn xem được bộ phim họ mong đợi, thậm chí xem rõ nét, với màn hình lớn và âm thanh nổi mà không lo phim bị cắt cúp từa lưa như khi chiếu ở hệ thống rạp.
Vậy thì... cấm để làm gì khi công chúng vẫn xem được như thường? Thậm chí, nhờ lệnh cấm mà các phim bị đóng mác 18+ còn trở nên hot hơn trên thị trường băng đĩa.
"Biết rồi, khổ lắm, nói mãi"
Chuyện Bẫy cấp 3 bị cấm công chiếu không phải là trường hợp duy nhất bị Cục gạch tên trong danh sách phát hành.
Bộ phim kinh dị Shark Night 3D khi công chiếu tại Việt Nam cũng khiến nhiều người lo lắng sẽ bị cắt. Nhưng khi ra rạp, đây lại là bộ phim khiến nhiều khán giả vốn quen với cách duyệt của Cục Điện Ảnh ngạc nhiên nhất, bởi trong phim có vô số cảnh máu me và chẳng hề cắt cúp gì so với bản gốc HD. Thậm chí, các nữ diễn viên trong phim ăn mặc gợi cảm vượt qua quy định, cũng không có một lời phàn nàn từ hội đồng kiểm duyệt.
Bản thân dòng phim kinh dị đã là một dòng phim đặc biệt mà khi nhắc đến, người yêu phim đủ hiểu tính chất của thể loại này. Trên thế giới, dòng phim kinh dị cũng phân loại độ tuổi xem rõ rệt. Và công việc của các nhà kiểm duyệt phim là xác định đối tượng thưởng thức để không làm ảnh hưởng tới tinh thần người xem, chứ không phải là người quyết định khán giả "nên" hay "không nên" xem một bộ phim.
Lý do cuối cùng, bởi khán giả của dòng phim kinh dị đều là những người trưởng thành, có nhận thức rõ ràng chứ không phải là những đứa trẻ chỉ biết xem hoạt hình.