Người Bất Tử là tác phẩm điện ảnh mới nhất của Victor Vũ khai thác đề tài tâm linh bùa ngải, kể về cuộc đời của người đàn ông tên Hùng (Quách Ngọc Ngoan) sống qua 3 thế kỷ. So với mặt bằng chung phim Việt hiện nay, đây có thể được xem là một trong những phim chất lượng nhất với cốt truyện mới lạ, kĩ xảo, hiệu ứng xuất sắc, bối cảnh được đầu tư công phu, tỉ mỉ và dàn diễn viên với diễn xuất tạm ổn. Thế nhưng khi ra rạp phim đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều và chưa thể nào chinh phục được hết khán giả đại chúng.
Vậy điều gì khiến Người Bất Tử vẫn chưa thể trở thành một bộ phim xuất sắc mặc cho được đầu tư chỉn chu như thế này?
1. Cốt truyện rối rắm, không thể truyền tải được thông điệp rõ ràng đến với người xem
Người Bất Tử có tới 2 tuyến truyện với 2 nhân vật chính, đó là An (Đinh Ngọc Diệp) và Hùng. Câu chuyện về cuộc đời của Hùng được kể thông qua nhân vật An. Ở đầu phim, An liên tục bị mộng du và thức giấc ở những nơi xa lạ. Theo lời của bà thầy bói, cô đang bị triệu hồi. Lúc bấy giờ, con gái của An bị ung thư và đang chết từng ngày trong bệnh viện. Quá tuyệt vọng, cô quyết định tìm đến hang động mà mình đã từng mơ thấy để tìm hiểu lý do tại sao mình lại bị mộng du, đồng thời tìm hy vọng cứu con gái mình. Tại đây, cô tìm thấy quyển nhật ký do Hùng viết, và từ đó phim chỉ tập trung kể câu chuyện của nhân vật Hùng.
Đến cuối, phim lại quay trở về với nhân vật An trong khi tuyến truyện của Hùng vẫn còn khá bỏ ngỏ, và sau đó tuyến truyện của An cũng chẳng đi tới đâu. Khán giả không biết được rốt cuộc ai mới là nhân vật chính của phim, và phải bám vào tuyến truyện nào để theo dõi. Bên cạnh đó, nhiều chi tiết và nhân vật trong phim cũng khá dư thừa và đến cuối không được giải quyết gọn gẽ. Con gái của An bị bệnh thì có liên quan gì đến Người Bất Tử? Tại sao cuối cùng lại khỏi bệnh một cách thần kỳ? Vai tay sai của Cường Seven có góp ích gì cho câu chuyện?
2. Kết thúc lơ lửng, không giải quyết được những vấn đề mà phim đã đặt ra ngay từ đầu
Đây là lý do chính gây ra nhiều ý kiến trái chiều xung quanh bộ phim này. Có thể nói, kết phim đã phá nát những cái hay từ đầu tới cuối phim và cả cốt truyện gần như vô nghĩa. Khán giả phải bỏ ra gần 2 tiếng đồ hồ dài đăng đẳng để theo dõi, nhưng rốt cuộc lại bị biên kịch "tạt một gáo nước lạnh vào mặt" khi mọi chuyện không rõ là mơ hay thật. Vậy mục đích của việc kể câu chuyện này là gì?
Một vài khán giả cho rằng cái kết "hack não" như thế này thể hiện sự sáng tạo và mới lạ, người xem có thể tự suy luận theo ý mình, như cái kết của Inception chẳng hạn. Nhưng cốt truyện của Người Bất Tử, như đã nói ở trên, có tới 2 tuyến truyện và quá nhiều nhân vật phụ khiến người xem không biết bám vào đâu để suy luận. Cái kết này không thể giải quyết được những vấn đề mà phim đã đặt ra và không giải thích được các bí ẩn một cách thoả đáng.
Theo nhiều người, cái kết như thế này là để qua được vòng kiểm duyệt, không mang tính tuyên truyền mê tín dị đoan. Chính vì thế, cũng không thể trách biên kịch và đạo diễn khi phải tạo ra cái kết này. Người viết chỉ cảm thấy tiếc cho một bộ phim đã có thể hay hơn thế này.
3. Giọng nói của Jun Vũ
Trong số 3 nữ diễn viên chính trong phim là Đinh Ngọc Diệp, Jun Vũ và Thanh Tú, thì chỉ có Thanh Tú là nhận được nhiều lời khen nhất và là nhân tố giúp bộ phim hấp dẫn hơn nhiều nhất. Đinh Ngọc Diệp thì chỉ đóng tròn vai, không dở, nhưng cũng chưa thể gọi là xuất sắc. Còn Jun Vũ là người bị phàn nàn nhiều nhất, về diễn xuất thì ít, nhưng giọng nói và đài từ thì nhiều.
Ở vai diễn điện ảnh đầu tiên, Jun Vũ có biểu cảm khá tốt ở những cảnh cận mặt, đặc biệt là những đoạn hù doạ jumpscare. Trong phim, nữ diễn viên cũng có vẻ đẹp khiến người xem phải trầm trồ khen ngợi cho đến khi cô...mở miệng nói chuyện. Đài từ của Jun Vũ vẫn còn khó nghe, chưa chuyên nghiệp, lạc quẻ với tất cả các diễn viên khác và trật tông cả bộ phim. Những đoạn đáng lẽ ra là buồn hoặc lãng mạn thì giọng nói của cô khiến người xem khá "tụt mood".
Tuy vậy, nhìn chung Người Bất Tử vẫn là bộ phim đáng khen ngợi và phần nào đã khiến khán giả thay đổi suy nghĩ về phim Việt. Vẫn còn nhiều sạn, nhưng không thể phủ nhận là ý tưởng kịch bản và đề tài khá sáng tạo. Riêng phần quay phim và bối cảnh, kĩ xảo thì phải nói là hoành tráng và tốt nhất trong các phim Việt hiện tại. Hay hay dở, đó là tuỳ vào cảm nhận của mỗi khán giả, nhưng có một điều người viết có thể chắc chắn, chính là sau này mỗi khi nhắc đến các tác phẩm có tính chất mở đường cho một nền điện ảnh Việt trưởng thành hơn, chuyên nghiệp hơn, thì Người Bất Tử là một trong các tác phẩm đó.