Trong Người Nhện: Không Còn Nhà (Spider-Man: No Way Home), bên cạnh Spider-Man/Peter Parker (Tom Holland) thì Doctor Strange (Benedict Cumberbatch) là cái tên được chú ý nhiều nhất. Anh là một trong những siêu anh hùng quan trọng nhất Kỷ nguyên anh hùng IV (Phase 4) của Vũ trụ Điện ảnh Marvel (MCU) và từng có màn phô diễn sức mạnh bá đạo trong Avengers: Infinity War (2018) và mini-series What If…?. Tuy nhiên, vai trò của Doctor Strange không phải người thầy của Spider-Man như Iron Man/Tony Stark (Robert Downey Jr.) mà có một nhiệm vụ lớn lao hơn.
1. Doctor Strange nắm giữ bí mật đa vũ trụ
Mở đầu Spider-Man: No Way Home, Peter Parker (Tom Holland) phải đối mặt với việc danh tính bị Mysterio/Quentin Beck (Jake Gyllenhaal) công bố cho cả thế giới. Từ nơi ở cho đến trường học, mọi nơi “Nhện nhí” đi qua đều trở thành trung tâm của sự chú ý. Ngay cả nhóm bạn của Peter là Ned Leeds (Jacob Batalon), MJ (Zendaya) và Dì May (Marisa Tomei) cũng trở thành tâm điểm chỉ trích và bị điều tra vì cái chết của Mysterio.
Nghiêm trọng hơn, bộ ba mất đi cơ hội vào Đại học vì những tranh cãi của công chúng. Hết cách, Peter Parker đành tìm đến Doctor Strange (Benedict Cumberbatch) nhờ xóa ký ức của nhân loại. Sai lầm trong việc sử dụng phép thuật của vị Phù Thủy Tối Thượng khiến đa vũ trụ kết nối, hàng loạt ác nhân từ loạt phim Người Nhện cũ tràn đến đe dọa tính mạng của mọi người.
Với tư cách là Phù Thủy Tối Thượng, Doctor Strange nắm rõ các quy luật và sự nguy hiểm mà chúng mang đến cho thế giới. Vì thế mà anh quyết định nâng cấp cho Spider-Man bộ giáp phép thuật để có thể truy bắt nhóm phản diện. Spider-Man: No Way Home có thể là câu chuyện của Peter Parker nhưng chính sức mạnh của Stephen Strange mới là thứ mở ra và giải quyết mọi rắc rối cũng như tạo tiền đề cho một kỷ nguyên mới của cả Spider-Man lẫn MCU.
2. Doctor Strange đối xử với Spider-Man như một Avenger thực thụ
Trong Spider-Man: Homecoming (2016), Tony Stark xem Peter Parker chỉ là một đứa trẻ và ra sức bảo bọc cậu tránh xa khỏi rắc rối. Anh tự xem mình là một người thầy, người bảo hộ để dạy cho siêu anh hùng trẻ tuổi ý nghĩa của trách nhiệm khi Peter quá mong mỏi gia nhập Avenger mà gây họa. Cái chết của Peter trong Avengers: Infinity War (2018) ám ảnh Tony và khiến anh chấp nhận du hành thời gian trong Avengers: Endgame (2019).
Trong khi đó, Doctor Strange đã chiến đấu bên cạnh Spider-Man qua hai trận đại chiến với Thanos (Josh Brolin). Do đó, anh coi cậu ngang hàng và là một Avenger thực thụ. Do đó mà Phù Thủy Tối Thượng khuyến khích Peter Parker chiến đấu và tự giải quyết rắc rối của mình thay vì mong đợi vào người khác. Cả hai có màn kết hợp đặc sắc khi cùng phân chia nhiệm vụ chống lại nhóm ác nhân.
3. Doctor Strange góp phần vào sự trưởng thành của Peter Parker
Tuy không đóng vai một người thầy như Tony Stark nhưng Doctor Strange vẫn góp phần không nhỏ trong hành trình trưởng thành của Peter Parker ở Người Nhện: Không Còn Nhà. Anh là người tiết lộ số phận của dàn ác nhân gồm Green Goblin/Norman Osborn (Willem Dafoe), Doc Ock/Otto Octavius (Alfred Molina), Sandman/Flint Marko (Thomas Haden Church), Lizard/Curt Connors (Rhys Ifans) và Electro/Maxwell Dillon (Jamie Foxx) là chết khi đối đầu Người Nhện.
Do là Phù Thủy Tối Thượng, nhiệm vụ của Strange là bảo vệ thế giới bằng mọi giá và không quan tâm tới kẻ khác. Lúc này, Peter Parker lại muốn “sửa chữa” các ác nhân để họ tránh khỏi số phận bi thương sau khi về lại vũ trụ của mình. Hành động chống lại chính người đồng đội để bênh vực các ác nhân cho thấy sự trưởng thành vượt bậc của Spider-Man. Cậu đã biết dũng cảm làm những gì mình cho là đúng, cho dù có phải đối đầu với ai đi chăng nữa.
Cuộc chiến của Doctor Strange và Peter Parker không chỉ mãn nhãn về mặt hình ảnh khi phép thuật đối đầu khoa học mà còn cho thấy Spider-Man là một trong những siêu anh hùng gần gũi và cảm xúc nhất của Marvel. Câu luôn muốn bảo vệ tất cả mọi người, cho dù đó có là ác nhân hay bản thân phải chịu mất mát to lớn.
Người Nhện: Không Còn Nhà đang công chiếu tại các rạp trên toàn quốc.