Se7en của đạo diễn David Fincher vẫn được xem là một tượng đài bất hữu. Không chỉ đơn thuần nằm ở cách xây dựng cốt truyện, nhân vật, cách triển khai hình ảnh và mạch phim, Se7en còn để lại trong tâm trí người xem những dư vị rất khó quên nếu không muốn nói là ám ảnh, sau đó lại khiến người ta cứ phải suy nghĩ đến và tìm xem phim lần nữa, lần nữa rồi lại lần nữa. Điều đặc biệt giúp bộ phim luôn nằm trong top những bộ phim càng xem càng cuốn là mỗi một lần trải nghiệm phim sẽ là một cảm giác khác nhau, gợi mở có, giải đáp có và xoắn não theo các hình ảnh bỏ nhỏ trong phim cũng có.
Một trong số đó phải kể đến kẻ đã làm “biết bao con tim nhung nhớ” John Doe – sát nhân khét tiếng trong Se7en, kẻ đã “phá đảo” không những văn phòng thám tử của David Mills và William Somerset mà còn cả một xã hội lúc bấy giờ. Vậy, John Doe là kẻ sát nhân đặt biệt thế nào và cách chọn lựa “con mồi” của hắn dị biệt ra sao?
Se7en kể về cuộc hành trình truy tìm kẻ gây ra hàng loạt các vụ án mạng liên quan đến 7 tội lỗi được đề cập đến trong Kinh Thánh của hai thám tử Mills và Somerset. 7 tội lỗi đó bao gồm: tham ăn (Gluttony), ghen tị (Envy), dâm dục (Lust), kiêu ngạo (Pride), lười biếng (Sloth), tham lam (Greed) và tức giận (Wrath). Mỗi một vụ án mạng kết thúc, kẻ thủ ác sẽ đều để lại một manh mối nào đó như một lời thách thức dành cho tất cả cảnh sát.
Mặc dù vậy, như một cỗ máy thời gian đã được thiết lập sẵn, các vụ án vẫn lần lượt xảy ra trước sự bất lực của cả hai vị thám tử và các cảnh sát. Và rồi, các thám tử cũng “được dịp” đối đầu trực diện được với John Doe - kẻ chủ mưu cho hàng loạt những cái chết ghê rợn, hắn lộ diện từ khá sớm và chỉ cần tinh ý một chút, chúng ta có thể sẽ nhận ra hắn lộ diện khi phim chưa đến hồi cao trào. Nhưng dù hắn có lộ diện, rồi chạy trốn, hay ngang nhiên đến sở cảnh sát nộp mình rồi dẫn dắt cảnh sát đi đến cái bẫy do hắn dàn dựng từ trước, thì sự hấp dẫn và ám ảnh chỉ có tăng chứ không hề giảm. Cái kết của bộ phim cực kỳ bất ngờ và rất có thể sẽ gây shock và thậm chí là ức chế đối với nhiều người, đặc biệt là những "mọt" yếu tim.
Nếu như Hannibal Lecter trong Sự Im Lặng Của Bầy Cừu có khả năng thâu tóm tâm lý người khác siêu phàm thì John Doe cũng sở hữu một năng lực vô cùng đặc biệt, đó là có thể dắt mũi cảnh sát đi theo những gì mà hắn sắp đặt một cách hoàn hảo đến mức không để dư thừa bất kỳ một dấu vết nào. Ở mỗi một vụ án mạng mà hắn đi qua, John Doe chỉ để lại đúng một dấu vết duy nhất là chữ viết “báo danh” tội trạng kế bên thi thể nạn nhân như một lời khiêu khích, báo hiệu với các thám tử và cảnh sát về những cái chết tiếp theo.
John Doe chuẩn bị cái chết cho các nạn nhân kỹ lưỡng và điềm tĩnh như hễ nó vốn dĩ là một trò chơi mà mọi người bắt buộc phải tham gia cùng hắn, hắn sắp đặt hoàn hảo tất cả mọi thứ rồi sau đó lại lộ diện tự thú một cách khó hiểu. Tiếp đến, dùng tâm lý của một kẻ điên đối diện với những con người bình thường, hắn lại muốn dẫn Mills và Somerset đến nơi cất giữ hai cái xác cuối cùng, thậm chí còn thỏa thuận rằng sẽ thú nhận mọi tội lỗi nếu cả hai thám tử chấp nhận lời đề nghị.
Tại sao mọi manh mối điều tra đang dần đi vào ngõ cụt lại bỗng trở nên dễ dàng và xán lạn đến vậy. Làm gì có món quà nào lại tự dưng từ trên trời rơi xuống? Ngay khi Somerset mở chiếc hộp được gửi đến ra, người xem và cả Somerset như dần giác ngộ. Hóa ra, kẻ điên ấy mới chính là sói, tất cả những con người "bình thường đến nỗi tầm thường" đều là những chú cừu non lọt thỏm trong cái bẫy đã được giăng kỹ càng kia. Mills bất đắc dĩ trở thành mảnh ghép cuối cùng trong chuỗi vụ án 7 tội lỗi mà John Doe bày ra.
Từ một viên thám tử với tiền đồ xán lạn đang chờ đợi phía trước, có một mái ấm gia đình ngọt ngào với người vợ mà anh hết mực thương yêu, thậm chí anh còn sắp được làm bố, phút chốc Mills mất tất cả mọi thứ và lọt thỏm vào cái bẫy mà John đã chờ sẵn. Khó trách tâm trạng của một người làm chồng, làm cha của Mill lúc ấy, một người đàn ông liệu có thể tha chết cho kẻ đã giết vợ mình cùng với đứa con trong bụng chưa kịp thành hình? Thậm chí còn dửng dưng mang thái độ kiêu ngạo, đắc thắng đáng chết của hắn ra để thử thách sức chịu đựng của Mills?
Với việc Mills lại là người kết thúc chuỗi thảm sát 7 tội lỗi cũng đã khẳng định một điều: Trong "trò chơi" này, John Doe mới là kẻ chiến thắng chung cuộc. Nhìn gương mặt đáng thương của Mills lúc bị áp giải đi ở cuối phim thật khiến con người ta cảm thấy đau lòng. Người thực thi công lý cuối cùng lại là kẻ giết người, kẻ giết người lại có một cái chết quá nhẹ nhàng và hoàn toàn theo đúng mong cầu của hắn, chết một cách đầy mãn nguyện.
Sau khi xem hết bộ phim, nhìn thấy được kết cục, nhìn thấy được cái được và mất sau chuỗi vụ án này người ta mới chững lại và suy nghĩ. Hóa ra, nhìn thì có vẻ con mồi của John Doe được ngắm rất cụ thể song lại không phải như vậy, ai trong số chúng ta cũng đều có thể là đối tượng của John bởi ai cũng mang một phần nào đó mầm mống của các tội trạng trong “Thất đại tội”, ai cũng có thể là đối tượng của John Doe bởi là con người, việc vướng vào một trong bảy tội trạng trên là điều không thể nào tránh khỏi.
Ranh giới giữa bản chất “phần con” vốn có trong mỗi con người và tội lỗi nghiêm trọng vốn rất mong manh và điển hình Mills là một minh chứng cho điều đó. Sự giận dữ của anh đã vượt khỏi mức độ của “phần con”, biến thành tội lỗi nghiêm trọng mà anh phải trả giá sau này.
Chính John Doe đã cho Mills tự định đoạt số phận về sau của mình và cũng chính Mills đã không thể vượt qua được cơn nóng giận đó. John thắng, chiến thắng của kẻ sát nhân này chính là mấu chốt gợi mở cho việc tự suy ngẫm nơi tâm tư mỗi con người chúng ta, về cái gọi là bản chất. John Doe tàn nhẫn, tâm thần và dị biệt nhưng có phải ở cả 7 cái chết, một phần lại đến từ chính “cái cốt” bên trong của các nạn nhân?