Con dẫu lớn vẫn là con của Mẹ
Đi hết đời lòng Mẹ vẫn theo con
Tình mẹ đã là nguồn cảm hứng cho biết bao tác phẩm thơ ca, âm nhạc và phim ảnh cũng không phải ngoại lệ. Trong nhịp sống hối hả hằng ngày, có những khi ta mải mê chạy theo đồng tiền và các mối quan hệ hời hợt xung quanh mà quên đi những người quan trọng nhất đối với mình. Có 5 bộ phim về tình mẫu tử đến từ các nền điện ảnh khác nhau, chắc chắn sẽ mang lại cho khán giả những giây phút lắng đọng trong dịp Giáng Sinh và nhắc nhở chúng ta đừng quên để tâm đến đấng sinh thành, người đã hi sinh tất cả vì ta.
1. The Blind Side – Góc Khuất
The Blind Side là câu chuyện dựa trên các tình tiết có thật, xoay quanh một gia đình da trắng giàu có tại Mỹ vô tình gặp và quyết định nhận nuôi một cậu bé da đen vô gia cư tên Micheal Oher, có biệt danh là Big Mike (Qinton Aaron).
Người mẹ nuôi của Mike, Leigh Anne Touhy (Sandra Bullock) đã hết lòng chăm sóc và cho cậu đến trường, thế nhưng Mike lại cảm thấy khó hòa nhập, điểm số của cậu rất tệ và cậu thường bị người khác chế nhạo. Điểm sáng duy nhất trong cuộc đời mới của Mike là điểm thể lực của cậu gần như hoàn hảo. Leigh ghi danh cho cậu vào đội bóng bầu dục và dạy cậu kỹ thuật chơi bóng cũng như cách đối nhân xử thế với những người xung quanh.
Từ một cậu bé to xác và ít nói, Mike dần trưởng thành thông qua sự dìu dắt và dạy bảo của Leigh. Dù không mang nặng đẻ đau Mike, nhưng Leigh vẫn yêu thương Mike bất kể màu da, bất kể xuất thân, bất kể quá khứ của cậu như thế nào, bởi đối với Leigh, Mike là con trai cô và là gia đình của cô. Tình yêu thương của Leigh đã dần đưa Mike ra khỏi bóng tối, mang đến cho cậu một cuộc đời mới và có thêm hi vọng về một tương lai tươi sáng hơn.
Câu chuyện nhẹ nhàng, hài hước nhưng không bi lụy của The Blind Side, cũng như thông điệp sâu sắc về tình mẫu tử vô điều kiện, đã mang đến nụ cười và cả những giọt nước mắt cho khán giả.
2. Áo Lụa Hà Đông
Là một trong những tác phẩm hay nhất của điện ảnh Việt Nam, Áo Lụa Hà Đông của đạo diễn Lưu Huỳnh đã in đậm dấu ấn trong lòng khán giả với câu chuyện xúc động về tình mẫu tử.
Nhân vật trung tâm của phim là Dần (Trương Ngọc Ánh), vốn là người ở, nhưng đã trốn đi cùng tình yêu của cô là Gù (Quốc Khánh). Họ có với nhau 4 đứa con và hằng ngày phải tìm mọi cách trang trải nuôi đám trẻ ăn học và khôn lớn giữa chiến tranh, loạn lạc và đói nghèo đeo bám.
Cuộc đời của Dần cũng giống như cuộc đời của bao người phụ nữ đói khổ nhưng nguyện hi sinh tất cả vì con của mình. Dần trong phim không biết đến cái gọi là chuẩn mực đạo đức hay phẩm hạnh, cô chỉ biết mỗi tình yêu thương và quyết tâm nuôi con khôn lớn thành người. Vai Dần trong Áo Lụa Hà Đông xứng đáng là vai diễn để đời của Trương Ngọc Ánh.
Ngôn ngữ điện ảnh nên thơ cùng tình mẫu tử được biểu tượng hóa qua hình ảnh chiếc áo dài trắng, đã đem đến cho bộ phim những phân cảnh có hồn. Ngoài các giải thưởng trong nước như Giải Cánh Diều Vàng ở các hạng mục quan trọng, phim còn là đại diện của Việt Nam tham dự đề cử giải Oscar cho Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất năm 2007.
3. Dearest – Con Yêu Dấu
Bộ phim xuất sắc về gia đình và tình mẹ con của nền điện ảnh Hoa ngữ, do Trần Khả Tân làm đạo diễn. Không chỉ có sự góp mặt của dàn diễn viên nổi tiếng và tài năng như Triệu Vy, Hoàng Bột, Đồng Đại Vỹ, Hác Lôi… Dearest còn mang trong mình cả một kịch bản và đề tài khó nhằn. Dựa trên câu chuyện và nhân vật có thật, phim xoay quanh đôi vợ chồng Điền Văn Huy (Hoàng Bột) với Lỗ Hiểu Quyên (Hác Lôi) cùng hành trình rong ruồi đi tìm đứa con trai Điền Bằng bị bắt cóc, và cũng từ lúc đó bọn họ bắt đầu quen thêm nhiều người cha người mẹ mất con giống như mình. Đến khi họ tìm lại được con thì đứa trẻ đã không còn nhận ra cha mẹ ruột của mình nữa. Tiếng “Mẹ” của Bằng giờ đã dành cho một người phụ nữ khác là Lý Hồng Cầm (Triệu Vy).
Phim đan xen giữa hai mảnh đời, hai hoàn cảnh, một bên là người phụ nữ nông thôn nghèo tên Lý Hồng Cầm và tình mẫu tử mà cô dành cho những đứa con không phải ruột thịt, bên còn lại là đôi vợ chồng mất con Điền Văn Quân (Hoàng Bột) và Lỗ Hiểu Quyên (Hác Lôi).
Hai người, hai số phận khác nhau bắt buộc phải đối đầu nhau, nhưng họ đều có điểm chung là đều phải chịu bi kịch do nạn bắt cóc trẻ em gây ra. Bộ phim là câu chuyện thấm đẫm nước mắt và sắc màu u tối của những mảnh đời bất hạnh, đã mang lại những phút giây lắng đọng và nhân văn trong lòng khán giả.
4. Her Love Boils Bathwater - Người Phụ Nữ Nhân Hậu
Là đại diện Nhật Bản tham dự Oscar hạng mục Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất, Her Love Boils Bathwater do Ryota Nakano làm đạo diễn, là câu chuyện về Futaba Kono (Rie Miyazawa), một người phụ nữ được chuẩn đoán mắc ung thư và thời gian còn sống của cô cũng không còn bao lâu nữa. Với những ngày còn lại ngắn ngủi trong đời, cô muốn những người xung quanh mình thực sự hạnh phúc, đặc biệt là hai cô con gái Azumi (Hana Sugisaki) và Ayuko (Aoi Ito).
Mạch phim cân bằng giữa bi kịch và tiếng cười, đã khắc họa tốt hình ảnh người mẹ, người phụ nữ mạnh mẽ, mong muốn quãng thời gian còn lại của mình trở nên thật ý nghĩa, gia đình mình thật hạnh phúc. Với tinh thần thép và lòng lạc quan, nội lực của cô đã chạm đến những người xung quanh, dù thân thiết hay xa lạ. Con gái lớn của cô, nhờ sự dìu dắt của mẹ mà đã trở nên mạnh mẽ hơn và can đảm đối mặt với những kẻ bắt nạt khác ở trường, còn cô con gái nhỏ đã mở lòng hơn với người mẹ nuôi. Trên đường đi, cô còn vô tình gặp và giúp đỡ một thanh niên khác tìm thấy ý nghĩa của cuộc đời mình.
Bộ phim đã lấy đi nhiều nước mắt của khán giả bởi họ nhìn thấy chính hình ảnh người mẹ bên cạnh mình bên trong Futaba Kono. Her Love Boils Bathwater có nhiều những phân đoạn và tình tiết bất ngờ, đã khắc họa tốt hình ảnh một người mẹ với tình yêu vô bờ bến dành cho những đứa trẻ cô coi như ruột thịt.
Mâu thuẫn gia đình, sự hi sinh và lòng quả cảm, tình yêu và sự đùm bọc lẫn nhau giữa các thành phim trong gia đình đã đem đến cho quãng đời còn lại của Futaba Kono những giây phút hạnh phúc nhất. Bản thân Futaba không chỉ là một người mẹ, mà còn là một đứa con. Sự sống và cái chết luôn tồn tại song hành và nối tiếp lẫn nhau, điều quan trọng là tình yêu còn lại sau khi ta nhắm mắt, Her Love Boils Bathwater đã truyền tải tốt thông điệp này.
5. The Preparation - Ngày Không Còn Mẹ
Là bộ phim mới nhất của điện ảnh Hàn sắp sửa ra rạp ở Việt Nam, và là tác phẩm đầu tay của đạo diễn Cho Young-jun. The Preparation là câu chuyện xoay quanh Ae Soon (Ko Du Shim) và người con thể xác đã 30 nhưng đầu óc vẫn còn kẹt lại ở năm anh còn là đứa trẻ 7 tuổi - In Gyu (Kim Sung Kyun). Chính vì vậy mà bà Ae Soon đã dành 30 năm cuộc đời để chăm sóc cho anh, điều này khiến bà trở thành người rất khó tính. Cho đến một ngày, khi nhận ra thời gian hai mẹ con còn bên nhau đang cạn dần, bà đã lo lắng biết bao.
Vì thế mà bà quyết định lập ra một danh sách các việc cần làm để chuẩn bị hành trình trưởng thành cho con, để con có thể tự lo cho mình khi bà không còn bên cạnh. Từng giây, từng phút In Gyu trưởng thành cũng là từng phút, từng giây anh chuẩn bị xa mẹ mình mãi mãi. Diễn xuất duyên dáng và tự nhiên của Kim Sung Kyun, kết hợp với màn trình diễn dày dạn kinh nghiệm của nữ diễn viên gạo cội Ko Du Shim hứa hẹn truyền tải thành công thông điệp nhân văn về tình cảm mẹ con và gia đình, mang đến cho khán giả một mùa Giáng Sinh cảm động và ý nghĩa.
Phim được khởi chiếu từ ngày 15/12/2017.