Khi truyền thông bùng nổ với sự cố đưa nhầm phong bì dẫn tới việc trao nhầm giải thưởng quan trọng nhất, khán giả cũng bị chi phối và quên đi rằng giải thưởng Viện hàn lâm năm nay vẫn còn nhiều chi tiết quan trọng hơn. Dưới đây là những điểm nhấn trong lễ trao giải vừa qua:
- La La Land là bộ phim đầu tiên có 14 đề cử Oscar nhưng không thắng ở hạng mục Phim hay nhất (Best Picture)
Không những thế, bộ phim còn lỡ mất cơ hội phá kỷ lục của Lord of the Rings: Return of the King (2003), Titanic (1997) và Ben-Hur (1959) với 11 chiến thắng trên tổng số hơn 10 đề cử. Bên cạnh đó, nếu so sánh với 2 bộ phim nhận được 14 đề cử là Titanic và All About Eve, thì La La Land hơi thua thiệc khi không nhận được giải thưởng lớn nhất. Được kỳ vọng là thế, nhưng Viện hàn lâm đã không khiến truyền thông và khán giả dễ dàng “bắt bài”.
- Lần đầu tiên trong lịch sử có hơn 3 chiến thắng thuộc về người da màu
Những người chiến thắng đó bao gồm: Mahershala Ali cho Nam diễn viên phụ xuất sắc nhất trong Moonlight, Viola Davis cho Nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất trong Fences, đạo diễn Ezra Edelman với O.J.: Made in America cho Phim tài liệu hay nhất, bộ đôi Barry Jenkins và Tarell Alvin McCraney cho Kịch bản chuyển thể xuất sắc nhất của Moonlight. Hơn hết, Moonlight với giải thưởng Phim hay nhất chính là điểm nhấn đáng kể trong kỳ Oscar lần này. Cách đây 87 năm, nữ diễn viên da màu đầu tiên gây xôn xao khi nhận được giải Nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất là Hattie McDaniel cho vai diễn Mammy trong bộ phim huyền thoại Gone with the Wind (1939). Có vẻ như sau nhiều lần bị phản đối vì ưu tiên cho người da trắng, Viện hàn lâm đã có những bước thay đổi đáng kể.
- Damien Chazelle là đạo diễn trẻ tuổi nhất được nhận giải Đạo diễn xuất sắc nhất
Với cột mốc 32 tuổi, anh vinh dự trở thành đạo diễn trẻ nhất được chạm tay tới tượng vàng Oscar, điều mà ít ai làm được ngoài Chazelle và Norman Taurog. Vào năm 1930, Taurog nhận giải thưởng này với bộ phim Skippy, và nắm giữ kỷ lục này tới tận 86 năm cho tới khi có một đạo diễn trẻ hơn ông vài tháng.
- Mahershala Ali là nam diễn viên người Hồi giáo đầu tiên nhận giải Oscar
Với hạng mục Nam diễn viên phụ xuất sắc nhất, không còn nghi ngờ gì nữa khi anh hoàn toàn xứng đáng với tượng vàng. Có vẻ như lần Oscar này, nhiều kỷ lục mới được xác nhận.
- O.J.: Made in America là bộ phim dài nhất đoạt giải Oscar
Với thời lượng 7 tiếng 47 phút, bộ phim tài liệu này đã đánh bật độ dài 7 tiếng 12 phút của War and Peace từng đoạt Oscar vào năm 1969, trở thành bộ phim dài nhất chiến thắng Oscar.
- Hụt hết 21 đề cử, biên tập âm thanh Kevin O’Connell cũng đã có bức tượng đầu tay
Khi người người quan tâm Leo trượt bao nhiêu Oscar, nhà nhà chú ý Amy Adams lần này có bị trượt tiếp hay không, thì lần đầu tiên, biên tập âm thanh Kevin O’Connell đã nhận được Oscar, sau 21 lần lỡ hẹn, với bộ phim Hacksaw Ridge.
- Cuối cùng thì một bộ phim (có liên quan tới) Harry Potter cũng được một giải Oscar
Tuy được đánh giá cao nhưng chả có một bộ phim Harry Potter nào nhận được một giải Viện hàn lâm, kể cả vị đạo diễn David Yates. Đến khi Fantastic Beasts and Where to Find Them được đề cử thì nó đánh bại cả Allied lẫn Jackie để đoạt tượng vàng cho Phục trang xuất sắc nhất, dù mấy bộ đồ trong đó chả mấy ấn tượng.
- Viola Davis trở thành người phụ nữ da màu đầu tiên khi chiến thắng cả Oscar, Emmy và Tony cho các hạng mục diễn xuất
Davis đã từng thắng 2 giải Tony vào năm 2001 và 2010 cho Hedley II và màn trình diễn Fences trên sân khấu Broadway. Đồng thời, cô cũng nhận được một giải Emmy cho Nữ diễn viên xuất sắc nhất trong năm 2015 với series How to Get Away With Murder. Và năm nay, cô xuất sắc nhận giải Oscar cho Nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất trong Fences.
- Moonlight là bộ phim về chủ đề LGBTQ đầu tiên chiến thắng hạng mục Phim hay nhất
Không chỉ là một chiến thắng lớn với người da màu, đó còn là một vinh quang với cộng đồng đa sắc tộc trong Hollywood. Một chiến thắng đầy bất ngờ nhưng đúng với kỳ vọng của giới phê bình, dù họ dự đoán La La Land.
- Hai nhà đài Amazon và Netflix ghi điểm tại giải thưởng Viện hàn lâm
Netflix đã nhận được một tượng vàng Oscar cho Phim tài liệu ngắn xuất sắc với The White Helmets. Một bộ phim cảm động về những người anh hùng thầm lặng trong vai những người tình nguyện giải cứu các nạn nhân còn sống sót sau mỗi vụ đánh bom. Bên cạnh đó, Amazon cũng để lại ấn tượng với bộ phim Iran The Salesman cho giải Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất, và Manchester by the Sea cho giải Kịch bản gốc xuất sắc nhất. Cả The White Helmets lẫn The Salesman đều đề cập tới vấn đề chính trị đang nóng bỏng ở Mỹ.
Còn bạn, điều gì ở Oscar làm bạn ấn tượng nhất?
Nguồn: Vox