Khi thị trường giải trí, đặc biệt là phim ảnh - phim chiếu rạp phát triển, các cụm rạp ở Việt Nam mọc lên nhanh hơn cả nấm. Từ đó, khán giả cũng được 1 phen chóng mặt với hàng loạt kỷ lục doanh thu mà phim Việt đạt được qua mỗi năm. Việc thu về doanh thu vài tỷ là chuyện dễ như ăn cơm đối với các phim Việt trong thời gian gần đây.
2010: Công Chúa Teen & Ngũ Hổ Tướng - Gần 40 tỷ
Tuy phải cạnh tranh với đối thủ siêu nặng ký Avatar nhưng bộ phim vẫn dễ dàng mang về gần 40 tỷ đồng cùng hơn nửa triệu lượt khán giả đến rạp.
Bộ phim hài có sự góp mặt của một loạt tên tuổi như Hoài Linh, Tấn Beo, Chí Tài, Bảo Thy, Ưng Hoàng Phúc...
Công Chúa Teen mang đến tiếng cười bình dân từ câu chuyện năm chàng vệ sĩ bất đắc dĩ phải bảo vệ cho cô ca sĩ đỏng đảnh Britney Bích (Bảo Thy). Thành công của tác phẩm được lý giải nhờ nhiều yếu tố nội dung dễ xem, danh hài Hoài Linh và đặc biệt ra rạp đúng dịp Tết cổ truyển.
2011: Long Ruồi - 42 tỷ
Long Ruồi đánh dấu phim ăn khách không cần Tết!
Sau thành công vang dội với Để Mai Tính, đạo diễn Charlie Nguyễn tiếp tục cộng tác với Thái Hòa trong bộ phim hài Long Ruồi.
Lần này, anh không hóa thân thành người đồng tính mà đóng đến hai vai: một gã khù khờ và một tên trùm giang hồ. Dù bị đánh giá không hấp dẫn bằng Để Mai Tính, nhưng Long Ruồi có doanh thu ấn tượng hơn bởi sức hút của cái tên Thái Hòa với 42 tỷ, từ đó xác lập công thức "cứ có Thái Hòa là bảo chứng doanh thu". Phim cũng được vinh danh là Cánh diều bạc 2012, cùng giải Đạo diễn xuất sắc nhất cho Charlie Nguyễn, Nam diễn viên chính cho Thái Hòa và Nữ diễn viên phụ cho Tinna Tình.
2013: Nhà Có Năm Nàng Tiên - Trên 60 tỷ
Năm 2013 khởi nguồn cho cuộc chiến phim Tết với sự cạnh tranh gắt gao của các phim Việt: Mỹ Nhân Kế của Nguyễn Quang Dũng và Nhà Có Năm Nàng Tiên của Trần Ngọc Giàu.
Cuối cùng, thể loại hài vẫn chiến thắng dù Mỹ Nhân Kế (52 tỷ) có lợi thế là phim 3D. Nhà Có Năm Nàng Tiên là câu chuyện về hai vợ chồng nghèo hiếm muộn nhận nuôi 5 bé gái, tất cả đều lớn lên trở thành những cô gái xinh đẹp. Một lần nữa, danh hài Hoài Linh lại chứng tỏ sự hút khách của mình. Trong 3 năm tiếp theo, Hoài Linh với Năm Sau Con Lại Về, Quý Tử Bất Đắc Dĩ và Tía Tui Là Cao Thủ, đều thắng lớn trong mùa Tết.
2013: Tèo Em - 80 tỷ
Johnny Trí Nguyễn và Thái Hòa những cái tên 'bạc tỷ'.
Ra mắt vào dịp Giáng sinh 2013, Tèo Em hoàn toàn lấn át phim ra cùng là Thần Tượng. Tác phẩm của Charlie Nguyễn mang phong cách hài hành trình và được xem là "Due Date" phiên bản Việt.
Điểm nhấn của phim vẫn là diễn xuất của Thái Hòa, cùng những mảng miếng hài thú vị theo đúng kiểu Hollywood. Tèo Em là bộ phim siêu lợi nhuận, khi chỉ đầu tư 10 tỷ mà doanh thu đến 80 tỷ, và cũng đánh dấu sự trở lại của Charlie Nguyễn sau những rắc rối với Bụi Đời Chợ Lớn.
2014: Quả Tim Máu - 85 tỷ
Cái tên 'bạc tỷ' - Thái Hòa tiếp tục càn quét phòng vé Việt, nhưng lần này không đi cùng Charlie Nguyễn, mà lại sánh đôi với một "đạo diễn bạc tỷ" khác là Victor Vũ.
Dự án điện ảnh Quả Tim Máu đặc biệt ở chỗ, nó được chuyển thể từ vở kịch do chính Thái Hòa viết và đạo diễn. Khi lên phim, anh tiếp tục hóa thân thành Cu Hù, chàng trai dân tộc khù khờ nhưng có tình yêu thủy chung, vai diễn có thể xem là hay nhất của Thái Hòa trong nhiều năm qua.
Ra mắt vào dịp Valentine, tác phẩm này giành đến 24 tỷ đồng trong ba ngày đầu tiên và cuối cùng dừng lại ở con số 85 tỷ.
2014: Để Mai Tính 2 - 101 tỷ
Một lần nữa Thái Hòa lại tỏa sáng trong vai "chị Hội"
Charlie Nguyễn và Thái Hòa quả thật là những "ông hoàng phòng vé" của điện ảnh Việt, khi đây đã là lần thứ ba họ phá vỡ kỷ lục doanh thu. Để Mai Tính 2 nối tiếp câu chuyện phần đầu, khi Phạm Hương Hội đã là doanh nhân thành đạt quay về Việt Nam làm ăn.
Dù phim nhận một số ý kiến trái chiều là dễ dãi hơn phần trước, song sức hâm mộ của khán giả dành cho "chị Hội" không hề suy giảm sau hơn bốn năm chờ đợi. Để Mai Tính 2 là phim đầu tiên trong lịch sử điện ảnh Việt cán mốc 100 tỷ, và cũng phá mọi kỷ lục của phim nước ngoài thiết lập tại Việt Nam, trước khi bị Furious 7 vượt mặt.
2015 - 2016: Em Là Bà Nội Của Anh - 105 tỷ
Trong cuộc phỏng vấn trước ngày công chiếu Em Là Bà Nội Của Anh, đạo diễn Phan Gia Nhật Linh từng nói đùa rằng anh mong phim đạt 100 tỷ. Thật bất ngờ khi ngày hôm qua, điều đó đã trở thành sự thật. Là bản remake từ tác phẩm Miss Granny của Hàn Quốc, Em Là Bà Nội Của Anh được đánh giá cao vì nét hài hước tinh tế và câu chuyện giàu ý nghĩa. Đặc biệt, phần nhạc phim với các bài hát kinh điển như Diễm Xưa, Còn Tuổi Nào Cho Em, kết hợp cùng những sáng tác mới như Mình Yêu Từ Bao Giờ đã khiến người xem xúc động.
Em Là Bà Nội Của Anh có ưu thế từ kịch bản Hàn Quốc, nhưng cách chuyển thể mượt mà của đạo diễn đã làm nên thành công cho bộ phim
Ra mắt từ đầu tháng 12, Em Là Bà Nội Của Anh khiến báo giới Mỹ cũng phải sửng sốt khi đánh bại Star Wars: The Force Awakens trong tuần công chiếu ở Việt Nam. Với hiệu ứng truyền miệng tốt, tác phẩm trụ lại đến hai tháng rưỡi (hiện vẫn còn suất chiếu), trong khi hàng chục phim khác đã "đến rồi đi" ở các cụm rạp. Trong mùa Tết Bính Thân, nhà sản xuất đã tung ra phiên bản đặc biệt, dài hơn 10 phút với nhiều cảnh quay mới, giúp phim thu về 5 tỷ đồng, vượt qua Để Mai Tính 2 và xác lập kỷ lục mới của điện ảnh Việt Nam.
Nguồn: Kenh14