Đã gần một thập kỷ Những Mảnh Ghép Cảm Xúc (Inside Out) khiến người xem khóc cười với câu chuyện dạt dào cảm xúc theo đúng nghĩa đen của cô bé Riley. Bộ phim là vì dụ điển hình cho sức mạnh lay động to lớn của điện ảnh hoạt họa đối với con người trong việc nói lên những khía cạnh có sức kết nối mạnh mẽ và lan tỏa.
Giữ vững tinh thần ấy, Những Mảnh Ghép Cảm Xúc 2 tiếp tục đem cột mốc hỗn loạn các cảm xúc tiếp theo của Riley đến khán giả – dậy thì. Nhưng bạn có biết, đằng sau bộ phim là một quá trình cũng ngập tràn cảm xúc như vậy đến từ nhà sản xuất nhiệt huyết của nó? Sau đây là những điều thú vị bạn có thể chưa biết về sự ra đời của Những Mảnh Ghép Cảm Xúc 2.
1. Bắt đầu lại từ đầu
Thông thường, làm một phần phim hoạt hình tiếp theo, “sequel” như cách chúng ta thường gọi, là một việc không quá nặng nề về kỹ thuật. Nhưng khi phần 1 và 2 cách nhau đến 10 năm, đó là một chuyện khác. Và đó là khó khăn đầu tiên của Những Mảnh Ghép Cảm Xúc 2.
Những nhân vật chúng ta yêu thích Joy (Vui Vẻ), Sadness (Buồn Bã), Anger (Giận Dữ), Fear (Sợ Hãi), Disgust (Chảnh Chọe) được thiết kế trong phần mềm đến nay đã hơn 10 năm tuổi, nên các họa sĩ không thể sử dụng lại các bản vẽ của phần 1. Họ phải update phần mềm và sáng tạo lại hoàn toàn từ nhân vật đến bối cảnh với các kỹ thuật hoạt họa, hội họa hiện đại hơn.
Song, yếu tố căng thẳng là họ phải vô cùng cẩn thận để không thay đổi các nhân vật này quá nhiều. Họ không muốn các nhân vật chúng ta yêu mến đánh mất đi giá trị cốt lõi ngay cả về mặt thẩm mỹ. Điều này quả thật không dễ.
Hãy tưởng tượng chữ ký của chúng ta. Dù cố cách mấy, chúng ta cũng thể ký một chữ ký y hệt nhau đến từng nét. Sẽ có những điểm nhấn khác biệt tinh mắt lắm mới nhận ra. Nên mọi thứ trong bộ phim sắp tới đều là sản phẩm mới, sống động hơn và tất nhiên có chút khác biệt. Dù gì đi nữa, tinh thần của đội ngũ sản xuất thật đáng quý.
2. Góc máy đặc thù
Nếu bạn nghĩ rằng phim hoạt hình không chú trọng góc quay, đó là một sai lầm. Những Mảnh Ghép Cảm Xúc 2 sẽ vận dụng các góc máy khác nhau và bố cục, màu sắc khác nhau để chuyển cảnh từ thế giới thực đến thế giới nội tâm của Riley.
Nhóm sử dụng các loại kiểu máy quay khác nhau để quay các thế giới thay thế trong phim. Thế giới con người sử dụng hiệu ứng cầm tay để tạo ra cảm giác vật lý không hoàn hảo, trong khi máy ảnh trong thế giới tâm trí thì đứng yên và bất động. Một ngoại lệ cho quy tắc này là Anxiety (Lo Âu).
Khi Anxiety chiếm quyền trong thế giới nội tâm trong Riley, Pixar sử dụng hiệu ứng cầm tay để phản ánh bản chất của nhân vật. Các nhà làm phim điều khiển tiêu điểm của máy quay hơi rung để phản ánh sự do dự và bối rối của Riley khi phải đưa ra quyết định nào đó.
3. Làm phim về dậy thì, thì phải tìm đến...
Không, không phải người đàn ông tên Hannibal, mà 2 nhà tâm lý thực thụ nha. Nếu phần 1 dựa trên kinh nghiệm của đạo diễn Pete Docter với con gái nhỏ của anh, thì để truyền tải trọn vẹn chủ đề của Những Mảnh Ghép Cảm Xúc 2, đạo diễn Kelsey Mann và nhà sản xuất Mark Nielsen tham chiếu hẳn hai chuyên gia tâm lý tuổi dậy thì để khắc họa Riley trong giai đoạn ẩm ương này.
Không dừng lại ở đó, họ còn lần lượt đưa phiên bản phim cho những thanh thiếu niên từ 13 đến 18 tuổi – thường là những đứa con của họ - để thử phản ứng của những khán giả nhí này, Cái này có đúng không? Cái kia có hợp thời không? Nghe có giống một thiếu nữ 13 tuổi đang nói và làm không...và cuối cùng chúng ta có một bộ phim sống động như Những Mảnh Ghép Cảm Xúc 2.
4. Đằng sau những mảnh ghép cảm xúc
Điện ảnh là một ngành sáng tạo, nên ý tưởng đến cũng thật bất ngờ, lộn xộn và tùy hứng nhưng logic đến tuyệt vời.
Vui Vẻ là một ngôi sao tưng bừng luôn tỏa sáng. Giận Dữ có hình dạng một hình vuông màu đỏ chắc chắn. Chảnh Choẹ là một tam giác màu xanh lè và lấy cảm hứng từ một cây bông cải – đồng thời cũng là món ăn mà cô ấy ghét nhất. Sợ Hãi là một cọng mì màu tím và hình giọt nước chính là Buồn Bã vì gợi nhắc một giọt nước mắt.
Những Mảnh Ghép Cảm Xúc 2 tiếp tục truyền thống khi để Anxiety là một màu cam nổi bật vì trước đó đoàn làm phim chưa sử dụng đến màu này, đồng thời biểu thị tuổi dậy luôn trong trạng thái lo lắng đến đâu, Ennui (Chán Chường) lấy cảm hứng từ một cọng mỳ ống rũ rượi.
Xấu Hổ (Embarrassment) hồng chóe và to lớn nhất trong dàn cảm xúc, gợi nhớ đến sự ửng hồng không thể giấu được của chúng ta mỗi khi gặp tình huống trớ trêu nào đó. Ghen Tị (Envy) là cảm xúc bé nhỏ nhất vì cô bé luôn muốn cao hơn để chạm đến bảng điều khiến hoặc muốn có gì đó hơn người. Và tất nhiên Hoài Niệm (Nostalgia) là một bà lão vì lý do quá rõ ràng rồi.
5. Đảo Trì hoãn
Các vùng đất như Đảo Trung Thực, Đảo Trung Thực...đại diện cho những khía cạnh tính cách của Riley. Trong số những ý tưởng ban đầu của Những Mảnh Ghép Cảm Xúc 2, một ý tưởng khiến Mann và các cộng sự thích thú là Đảo Trì Hoãn (Procrastination Island).
Đó là nơi đại diện cho tính trì hoãn của Riley, được biểu hiện bằng một công trình đảo mãi không thể hoàn thành vì các công nhân xây dựng luôn nấu cháo điện thoại. Đó được xem là một điểm nhấn hài hước. Tuy nhiên, tông giọng của phim lại rất sôi nổi và hỗn loạn, nên đội ngũ làm phim lại thấy chi tiết này khá gượng nên đã tiếc nuối cất vào góc. Đó và lo rằng sự trì hoãn sẽ ứng lên quá trình làm phim luôn.
6. Schadenfreude
Mann khi lên ý tưởng làm phim, anh muốn có đến 9 cảm xúc mới. Một trong số đó có tên là Schadenfreude, lấy cách diễn đạt tiếng Đức để chỉ cảm giác vui sướng trước sự tổn hại của người khác. Nhưng cuối cùng, Mann quyết định tinh giản để phim có thể truyền tải chủ đề của nó thật cô đọng và súc tích, không gây xao nhãng hoặc khó theo dõi.
7. Những Mảnh Ghép Cảm Xúc 2 đáng lẽ rất nặng nề
Những bộ phim của Pixar-Disney luôn rất màu sắc và tươi tắn trong hình ảnh lẫn nội dung, Những Mảnh Ghép Cảm Xúc 2 cũng không ngoại lệ. Nhưng bạn có biết, bộ phim đã có thể rất nặng nề nếu phản diện Shame (Tủi Nhục) được giữ lại thay vì Anxiety (Lo Âu).
Thuở đầu, trong các bản thảo nhân vật dành cho phim tồn tại một nhân vật mà họa sĩ huyền thoại ở Pixar, Jason Deamer, chưa kịp edit ra. Đó là Shame. Nhân vật này được dự định không chỉ là phản diện của phần phim mới, mà còn là một ác nhân đúng nghĩa trong câu chuyện.
Tuy nhiên, Mann và Nielsen đều đồng ý phát triển phim theo nhân vật này sẽ khiến câu chuyện vô cùng nặng nề và gần như không thể. Nhận định của họ đã được củng cố bởi nhận định của bác sĩ tâm lý Dacher Keltner – một trong hai bác sĩ tâm lý cộng tác với phim – “Tủi nhục không phải là một cảm xúc thực sự”.
Đối với Deamer, vị họa sĩ không muốn giữ lại Shame vì tính kết nối của bộ phim. Deamer nói. “Tủi nhục là một điều có thật trong cuộc sống nhưng không phải ai cũng trải qua điều đó. Nhưng sự lo âu luôn ở trong tất cả chúng ta. Nó chỉ tốt hơn tủi nhục thôi. Tôi nghĩ có điều quan trọng hơn để nói đến hơn là một loại thông điệp nào đó về việc đừng thấy tủi hổ về bản thân. Nó quá mang tính thuyết giáo. Lo âu, bạn cần nó. Nó không hẳn tệ 100% đâu.”
Một cảm giác mà chúng ta từng cảm nhận ở một lúc nào đó trong đời và quá trình đó thật đáng sợ. Chẳng trách mà Mann không muốn hướng đứa con tinh thần của mình trở nên ám ảnh đến vậy. Trong một khoảnh khắc, Những Mảnh Ghép Cảm Xúc 2 đã rất khác.
Nguồn: deadline, the wrap, joblo, pixardpost, awn.com, mensjournal, animationmagazine