Trong khi các nhà làm phim Châu Á xem mối quan hệ giữa một chàng phi công trẻ cùng một phụ nữ lớn tuổi hơn là một đề tài khai thác có sức cuốn hút đặc biệt thì các nhà làm phim phương Tây lại có hướng tiếp cận khá dè dặt. Đề tài này không hiện hữu nhiều trong các tác phẩm điện ảnh như mối quan hệ ngược lại giữa ông chú già với nữ tình nhân trẻ của phương Tây. Cảm xúc tuy được thể hiện chân thật và mãnh liệt, nhưng số lượng happy - ending trong các mối quan hệ này lại dường như không tồn tại, kết cục nếu không phải đổ vỡ thì cũng hủy hoại gia đình hoặc địa vị xã hội của nhân vật nữ. Sau đây Moveek xin giới thiệu với các bạn những tác phẩm kinh điển về những mối tình “khi em 20, anh vừa mới ra đời” kinh điển nhất trong điện ảnh phương Tây.
1. The Graduate (1967)
The Graduate đưa chúng ta theo chân cậu sinh viên Benjamin Braddock (Dustin Hoffman). Trở về nhà sau khi tốt nghiệp đại học, Ben cảm thấy lạc lõng và mất định hướng trong chính cuộc đời của mình. Cậu cố tìm sự giải thoát trong mối quan hệ vụng trộm cùng Mrs.Robinson (Anne Bancroft), vợ của đồng nghiệp cha mình. Dù bị tình nhân ngăn cản nhưng Ben không ngờ mình lại yêu cô con gái Elaine (Katharine Ross) thay vì người mẹ từ lúc nào không hay. Cảnh Ben và Elaine cùng nhau chạy trốn khỏi đám cưới được ông bà Robinson sắp đặt, nét bối rối hiện lên trên khuôn mặt của hai người khi cùng ngồi trên chiếc xe buýt đến ngày nay vẫn là một cái kết kinh điển gây tranh cãi bậc nhất của Hollywood.
Cách quay phim độc đáo của Mike Nichols làm cho phim dù đã ra đời hơn nửa thế kỷ vẫn là nguồn cảm hứng lớn cho những tác phẩm sau này, giúp Mike Nichols nhận được tượng vàng Oscar danh giá dành cho đạo diễn xuất sắc nhất. Không thể không thể kể đến diễn xuất kinh điển của Dustin Hoffman trong vai cậu sinh viên Benjamin vẻ mặt lúc nào cũng ngờ nghệch, bối rối trước mọi chuyện đã trở thành cảm hứng lớn cho các diễn viên hài thế hệ sau. Anne Bancroft hóa thân thành Mrs.Robinson đầy quyến rũ trong lúc mời gọi Ben cũng để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng khán giả.
Phần nhạc phim cũng xuất sắc không kém khi hai ca khúc The Sound Of Silence và Mrs.Robinson (đứng thứ 6 trong danh sách 100 ca khúc nhạc phim hay nhất của Viện phim Mỹ) được sử dụng tài tình góp phần tạo nên không khí buồn man mác đặc trưng xuyên suốt bộ phim.
2. La Pianiste/The Piano Teacher (2001)
Chuyển thể từ tác phẩm từng đoạt giải Nobel văn học Die Klavierspielerin (Cô gái chơi dương cầm) của nữ văn sĩ người Áo Elfriede Jelinek, La Pianiste kể về Erika (Isabelle Huppert) cô giáo dạy nhạc tài giỏi bậc nhất tại nhạc viện Vienna. Ẩn sau vẻ ngoài lạnh lùng, nghiêm khắc đối với học trò là một người phụ nữ có tính cách phức tạp, có phần biến thái xuất phát từ tuổi thơ bất hạnh bị kiểm soát khắc nghiệt đến cực đoan từ mẹ cô. Erika thường lén lút đến một cửa hàng phim khiêu dâm, nhìn trộm các cặp đôi làm tình rồi tự rạch da thịt mình như một hành động khổ dâm nhằm tìm khoái cảm cho bản thân. Do ngưỡng mộ trước tài năng của Erika, cậu học trò Walter Klemmer vẫn tìm cách chiếm lấy tình cảm từ Erika mà không hề hay biết mối quan hệ nguy hiểm mà cậu đang vướng vào.
Dù chiến thắng của La Pianiste tại LHP Cannes danh giá với 3 giải đến nay vẫn còn gây tranh cãi chủ yếu từ những cảnh nóng quá táo bạo, nhưng không ai có thể phủ nhận tài năng của đạo diễn Michael Heneke khi chuyển thể tác phẩm này. Diễn xuất tuyệt vời từ Isabelle Huppert trong vai Erika đã giúp nữ diễn viên thắng giải nữ diễn viên xuất sắc nhất đầy thuyết phục.
Bằng việc sử dụng đa phần nhạc cổ điển từ Bach, Beethoven, Schubert đến Chopin, đặc biệt bản Trio in E Flat Op. 100 từ Schubert trong phân cảnh Erika đi đến tiệm phim khiêu dâm nhằm thể hiện sự lạc lõng của cô sẽ còn gây ám ảnh cho khán giả trong một thời gian dài sau khi xem phim.
3. The Reader (2008)
Chủ đề về cuộc thảm sát người Do Thái trong thế chiến II không còn quá xa lạ với khán giả qua những tác phẩm như Schindler’s List (1993), Life is Beautiful (1997), The Pianist (2002)... nhưng The Reader vẫn để lại dấu ấn của mình trong lòng khán giả bằng mối tình kì lạ giữa Hanna (do Kate Winslet thủ vai) và cậu học sinh yếu ớt trẻ tuổi Michael Berg (David Kross). Cả hai gặp nhau lần đầu trong một lần Michael trên đường đi học về, gặp mưa và nôn thốc bên vệ đường. Hanna đưa cậu về nhà, từ đó giữa hai người nảy sinh một mối quan hệ tình cảm kì lạ để rồi kết thúc khi Hanna đột nhiên biến mất. Gặp nhau nhiều năm sau, lúc này Michael (Ralph Fiennes) đã là một sinh viên trường luật tình cờ gặp lại tình nhân năm xưa trong một phiên tòa xét xử các thành viên trong tội ác diệt chủng người Do Thái năm xưa. Lúc này những bí mật về Hanna mới dần hé lộ, khi cô là một thành viên cũ trong chế độ Đức Quốc Xã cũ.
Chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên, dự án mạo hiểm của đạo diễn Stephen Daldry đã trổ ra quả ngọt khi đem về tượng vàng Oscar danh giá cho Kate Winslet nhờ vai diễn Hanna Schmitz. Phim trở thành tác phẩm kinh điển khi là phép ẩn dụ hoàn hảo cho cuộc “đối mặt” giữa hai thế hệ mang những số phận khác nhau của nước Đức hiện đại.
4. Sunset Boulevard (1950)
"Những gì tồi tệ nhất của Hollywood được kể bằng những thứ tuyệt vời nhất của Hollywood" là mô tả tờ Time đã dành tặng cho phim. Kiệt tác phim noir với tựa đề Sunset Boulevard, được đặt theo Đại Lộ Hoàng Hôn nổi tiếng của Hollywood, phim còn ám chỉ đến sự đào thải đầy khắc nghiệt đối với những diễn viên hết thời trong giới điện ảnh tưởng chừng chỉ đầy ánh hào quang.
Khi thi thể tay biên kịch hạng B Joe Gillis (William Holden) được tìm thấy trong dinh thự tưởng như bỏ hoang trên Đại Lộ Hoàng Hôn, do nữ diễn viên phim câm đã hết thời Norma Desmond (Gloria Swanson) sở hữu. Phim dần hé lộ về bi kịch của nữ diễn viên lập dị tuy đã gần 50 nhưng vẫn tự phụ, hoang tưởng về quá khứ vàng son trong thời đại phim câm đã qua. Cạnh bên Norma chỉ có duy nhất vị quản gia Max Von Mayerling (Erich von Stroheim), người mà sau này được tiết lộ là đạo diễn phim câm và chồng cũ của Norma, vì vẫn còn yêu nên cố bảo vệ bà. Norma biến Joe trở thành tình nhân nhằm để hắn viết cho bà một kịch bản phim, con đường mà Norma tin có thể đưa bà quay trở lại thời hoàng kim. Nhưng khi biết Joe yêu nữ biên kịch trẻ Betty Schaefer (Nancy Olson), Joe đã phải trả giá cho hành động của mình.
Táo bạo và trung thực trong từng tình tiết – lời thoại, đạo diễn Billy Wilder và biên kịch Charles Brackett đã tạo nên một kiệt tác của thể loại phim noir. Sự táo bạo còn được thể hiện qua việc dàn diễn viên trong phim đều là những diễn viên, đạo diễn nổi tiếng trong thời đại phim câm trước đó. Điều này đã đem lại diễn xuất chân thật nhất cho phim, từ sự cường điệu hóa của Norma hay sự lạnh lùng, tỉnh táo của Joe Gillis, hai hình ảnh biểu hiện nét đối lập giữa hai thời đại khác nhau ở Hollywood. Sunset Boulevard sẽ còn mãi tồn tại như một kiệt tác hàng đầu mà theo lời tạp chí Commonweal nhận xét “trong tương lai Thư viện Quốc hội Mỹ sẽ vui mừng vì có trong kho lưu trữ của họ một phiên bản của Sunset Boulevard."
5. Breakfast at Tiffany’s (1961)
Câu chuyện về cuộc chạy trốn nhằm mong muốn đổi đời của cô gái tỉnh lẻ đã có gia đình Holly Golightly (Audrey Hepburn) và tình yêu mù quáng dành cho cô từ anh chàng nhà văn nghèo trẻ tuổi Paul Varjak (George Peppard) vẫn cuốn hút biết bao thế hệ khán giả. Đã hơn 50 năm từ ngày màn hóa thân của Audrey Hepburn trở thành biểu tượng trong cả điện ảnh và thời trang, nhưng sức hút kì lạ từ hình ảnh chiếc váy đen mỏng manh bó sát cơ thể, đôi găng tay đen kéo dài quá khuỷu, chuỗi ngọc trai màu trắng, chiếc tẩu hút thuốc kỳ dị vẫn làm say đắm lòng người, trở thành cảm hứng cho nhiều thế hệ diễn viên sau này.
Thành công của đạo diễn Blake Edwards trong việc chuyển thể nguyên tác cùng tên từ nhà văn Truman Capote giúp Breakfast at Tiffany’s nhận được 5 đề cử Oscars. Trong số đó phim chiến thắng ở hai hạng mục nhạc phim và ca khúc hay nhất với Moon River (đứng thứ 4 trong danh sách 100 ca khúc nhạc phim hay nhất của Viện phim Mỹ).
Ngoài ra còn có thể kể đến những tác phẩm nổi tiếng khác như: Malèna (2000), Adore (2001)... Dù gì đi chăng nữa, khán giả hâm mộ điện ảnh phương Tây vẫn mong chờ những tác phẩm về những mối tình "chị ơi, anh yêu em" với kết thúc tươi sáng hơn đến từ các nhà làm phim, đặc biệt là khi mối tình cô - trò cách nhau 24 tuổi của tân tổng thống Pháp mới đắc cử Emmanuel Macron đã trở thành một câu chuyện cổ tích giữa đời thực, minh chứng mạnh mẽ nhất cho câu trả lời tình yêu không phân biệt tuổi tác trong xã hội hiện đại ngày nay.