Vừa qua, điện ảnh Hàn Quốc ra mắt toàn cầu bộ phim về thể loại zombie đầu tiên của họ, với một đất nước mà thế mạnh sản xuất phim tình cảm, đây hẳn là bước tiến nhảy vọt. Bom tấn Train to Busan (tựa Việt: Chuyến Tàu Sinh Tử) do đạo diễn và biên kịch Sang-ho Yeon thực hiện được nhiều lời khen ngợi từ giới phê bình, thậm chí là đạt điểm số 8/10 trên IMDb, một con số đáng tự hào cho nền điện ảnh Hàn Quốc. Tuy nhiên, kể cả các bom tấn của Hollywood cũng mắc phải sai lầm, thì Train to Busan cũng có một vài “hạt sạn” nho nhỏ làm ảnh hưởng tới mạch phim.
Điểm sơ lại nội dung, Train to Busan là hành trình của 2 cha con từ Seoul tới Busan trong bối cảnh đại dịch xác sống bùng nổ ở Hàn Quốc, trên chuyến tàu có sự xuất hiện của mỗi nhân vật đại diện cho mỗi tầng lớp của xã hội, từ già trẻ lớn bé, từ thượng lưu tới hạ lưu, mỗi người đều bộc lộ mỗi sắc thái, tính cách cho những giai cấp trong xã hội mà đáng để suy ngẫm. Phải công nhận là bộ phim khai thác rất thành công phần tính cách nhân vật, thay vì chạy trốn zombie, đó còn là cách ứng xử giữa người với người khi rơi vào tính cách nhân vật, người Hàn đã thành công trong việc đem thế mạnh của họ lồng ghép vào một bộ phim kinh dị, hành động.
Bên cạnh đó, họ mắc phải một vài chi tiết sau đây:
1. Hình tượng zombie
Sau khi xem Train to Busan, có thể rút ra kết luận rằng, đặc trưng zombie của mỗi nước mỗi khác, nhưng zombie Hàn là độc đáo nhất. Thứ nhất, về thời gian lây nhiễm, có người sau khi bị cắn thì lập tức biến đổi, có người thì quằn quại cả chục phút (như cô gái trốn lên tàu), có lẽ vì cô ấy là nhân vật đầu tiên nên biến hình chậm chạp để người xem dễ hình dung, nhưng còn nhân vật ông giám đốc có tuổi ác nhất phim, nhân vật ác nhất không chỉ sống gần như dai nhất mà còn biến hình lâu nhất, dù đôi mắt đổi màu, tay chân nổi gân hết cả lên nhưng vẫn giữ được ý thức, nói chuyện 1 hồi rồi mới bay vào cắn xé. Thứ hai, đó là kỹ năng của zombie, nếu xác sống trong các bộ phim như The Walking Dead, World War Z, chúng chỉ biết tiến về những đối tượng sống (hay còn não), thì xác sống của Train to Busan biết cả nắn xương, sợ bóng tối và phi thân toa xe lửa để tiến đến con mồi.
2. Nguồn cơn dịch bệnh vài vai trò của giám đốc đầu tư Seok Woo
Theo như đầu phim, khán giả chứng kiến hình ảnh con nai bị tông chết, nhưng vài giây sau đột ngột thức tỉnh, bẻ xương các kiểu và bò đi, có thể ngầm hiểu là thí nghiệm lên động vật thất bại, nhưng nó lây qua người bằng cách nào? Đâu là trung tâm ổ dịch? Tại sao không ngăn cản được mà lại lây lan đến cả nước với một tốc độ quá nhanh? Và tại sao Busan là trung tâm đầu não gì đó mà phân tích Kim đề cập lại an toàn? Còn giám đốc đầu tư Seok Woo có vai trò gì trong việc bùng phát bệnh dịch? Biên kịch nên làm rõ phần này để mạch phim được logic hơn.
3. Sự dai dẳng của nhân vật phản diện
Không cần nói nhiều, ai đi xem về cũng xác định đây là người đàn ông đáng ghét nhất bộ phim, một đối tượng đúng chuẩn ích kỷ, có tiền lạm quyền, mặc kệ đến sự sống còn của người khác. Theo motif, những vai ác thường sống lâu, nhưng sống lâu một cách khó hiểu và đầy hoang mang. Sau đoạn tranh cãi gay gắt, 6 nhân vật đáng thương phải ra hành lang, những người sống sót tưởng chừng như thoát thân cho đến khi nhân vật bà lão mở cửa cho zombie tràn qua. Thế nhưng, bằng cách nào mà nhân vật này lại chui lọt vào nhà vệ sinh cùng nam tiếp viên 1 cách trót lọt khi ông đứng gần zombie hơn và có một đám người đang chắn ngang nhà vệ sinh? Chẳng lẽ họ để ông ấy lọt qua một cách dễ dàng? Một điểm khó hiểu nữa là họ trốn vào nhà vệ sinh nào? Hệ thống nhà vệ sinh trên xe lửa nằm giữa 2 toa xe, mà một đầu thì đầy zombie, 1 đầu thì đã cột cửa? Thật bối rối! Cuối cùng, là ông ta bị cắn hồi nào và biến hình sao lâu vậy, như đã đề cập ở trên? Chắc biên kịch muốn tăng độ căm ghét cho nhân vật này.
Chốt lại, có thể lần đầu làm phim về xác sống nên phim cũng vấp phải một vài tình tiết thiếu logic. Tuy vậy, tổng thể cả bộ phim rất là đáng coi và cảm động không thể tả, người phụ nữ mang bầu sống sót cùng cô bé Su-an nhưng ký ức của họ sau này sẽ như thế nào? Và Su-an sẽ đối diện ngày sinh nhật hằng năm của mình đồng thời là ngày đại nạn và cái chết của cha mình ra sao?