Khác với các thể loại phim thông thường, những phim thể loại thriller thường có cấu trúc độc đáo và không theo một trình tự nhất định nào. Để phá được một vụ án hoặc làm rõ một sự việc nào đó, cần có những cảnh phim hồi tưởng từ góc nhìn của nhiều nhân vật. Và nếu đã xem qua nhiều ở thể loại này, bạn có thể dễ dàng nhận ra một điểm chung rằng, đa số các phim đều bắt đầu bằng lời khai của một hoặc nhiều nhân vật. Trong bài viết này, Moveek sẽ đem đến cho bạn 5 bộ phim độc đáo được bắt đầu bằng việc lấy lời khai.
1. Rashomon (1950)
Rashomon được xem là bộ phim mang tính cách mạng đối với điện ảnh thế giới. Chỉ với một câu chuyện nhưng nó lại được kể từ góc nhìn của nhiều nhân vật khác nhau – cách xây dựng trước đó chỉ xuất hiện trong tác phẩm văn học. Nội dung phim được dựa theo hai truyện ngắn Rashomon (Cổng Đền Rashomon - 1914) và In A Grove (Trong Rừng Trúc - 1922) của nhà văn Akutagawa Ryunosuke. Hashimoto Shinobu và Akira Kurosawa viết kịch bản và bộ phim do chính Akira Kurosawa làm đạo diễn.
Phim xoay quanh một vụ án: Vợ của một Samurai bị tên cướp Tajomaru cưỡng bức trong rừng. Hiện trường vụ án là xác người Samurai bị một thanh gươm đâm vào ngực. Vụ án được kể lại trước công đường qua bốn lời khai của người trong cuộc và nhân chứng, bao gồm: Tajomaru (Toshiro Mifune) – tên cướp, Massago (Machiko Kyo) – người vợ, bà đồng (Noriko Honma) được người chồng nhập hồn, và người tiều phu (Takashi Shimura) – nhân chứng. Thế nhưng cả bốn lời khai đều khác nhau khiến cho khán giả không thể biết được đâu là thật giả. Cho đến kết phim, câu hỏi cũng không có lời giải đáp.
Rashomon là một trong những tác phẩm xuất sắc nhất của Akira Kurosawa và là một trong những kiệt tác của điện ảnh thế giới. Phim đoạt giải Sư Tử Vàng tại Liên hoan phim Venice 1951, giải Oscar ở hạng mục Phim nước ngoài xuất sắc nhất. Bộ phim đã có ảnh hưởng lớn đến điện ảnh thế giới về cách xây dựng cốt truyện, khuôn hình và ánh sáng để đặc tả nhân vật, đồng thời đưa tên tuổi Akira Kurosawa lên vị trí những đạo diễn hàng đầu thế giới.
2. Slumdog Millionaire (Triệu Phú Khu Ổ Chuột - 2009)
Slumdog Millionaire là bộ phim Anh do Danny Boyle làm đạo diễn và được chuyển thể từ tiểu thuyết Q&A của nhà văn và nhà ngoại giao Ấn Độ - Vikas Swarup. Lấy bối cảnh năm 2006 tại Ấn Độ, bộ phim mở đầu với cảnh một cảnh sát đang tra tấn Jamal Malik (Dev Patel) – người xuất thân từ khu ổ chuột Juhu và đang là người chơi trong chương trình truyền hình Who Wants To Be A Millionaire? (Ai Là Triệu Phú) do Prem Kumar (Anil Kapoor) dẫn chương trình. Jamal đã thắng được 10 triệu rupee và đang chuẩn bị tiến tới câu hỏi cuối cùng. Prem Kumar đã tố cáo với cảnh sát vì nghi ngờ anh gian lận. Jamal sau đó giải thích rằng lý do anh biết được đáp án cho các câu hỏi là vì những điều đó đã xảy ra trong cuộc đời anh.
Đây là bộ phim với nhiều bài học đắt giá và chứa đựng những ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Bộ phim đã trở thành một hiện tượng của Oscar năm 2009 khi được đề cử tới 10 giải và vượt mặt The Curious Case Of Bejamin Button (Dị Nhân Benjamin) để trở thành quán quân với 8 giải. Bên cạnh đó, phim còn giành được 4 giải Quả Cầu Vàng. Tính đến thời điểm hiện tại, Slumdog Millionaire nhận được tổng cộng 95 giải thưởng lớn nhỏ.
3. I Just Didn’t Do It (Soredemo Boku Wa Yattenai - 2007)
I Just Didn’t Do It là bộ phim của Nhật do Masayuki Suo làm đạo diễn, dựa trên một câu chuyện có thật và kể về quá trình tìm lại công lý của anh chàng công chức tên Teppei Kaneko (Ryo Kase) bị buộc tội quấy rối một cô bé tuổi thiếu niên trên tàu điện ngầm. Teppei liên tục bị cảnh sát mớm cung nhưng chỉ chống lại một các yếu ớt. Bộ phim không chỉ đơn giản nói về giá trị đạo đức của con người khi hành xử ở nơi công cộng, mà còn phơi bày thực trạng pháp luật Nhật Bản. Một chế độ tòa án mà không đứng về lẽ phải mà chỉ phụ thuộc vào những phỏng đoán của quan tòa và mối quan hệ của những kẻ phạm tội với cảnh sát và công tố viên.
I Just Didn’t Do It được tạp chí về điện ảnh lâu đời nhất tại Nhật Bản – Kinema Junpo, vinh danh là tác phẩm Nhật Bản hay nhất năm 2007. Ngoài ra, cả đạo diễn Masayuki Suo và nam diễn viên Ryo Kase đều giành được nhiều giải thưởng nhờ bộ phim này. Phim không đánh mạnh vào thể loại thriller nhưng vấn khiến khán giả nín thở hồi hộp theo dõi hành trình kháng cao của nam chính.
4. Bad Genius (Thiên Tài Bất Hảo - 2017)
Nhìn sơ qua thì nhiều người sẽ lầm tưởng Bad Genius là một phim học đường với nội dung nhẹ nhàng phù hợp với lứa tuổi mới lớn. Nhưng không, đây là bộ phim có nội dung vô cùng gay cấn khi nói về phi vụ gian lận với quy mô quốc tế và thù lao lớn khủng khiếp.
Lynn (Chutimon Chuengcharoensukying) – nữ sinh xuất sắc nhất tại một trường trung học, sau một vài phi vụ thành công chỉ bài cho bạn bè trong các buổi thi, cô và nhóm bạn quyết định “chơi lớn” – gian lận trong kỳ thi quốc tế STIC. Việc gian lận này không chỉ tạo điều kiện cho Pat (Teeradon Supapunpinyo) và bạn gái của cậu – Grace (Eisaya Hosuwan) được đi du học, mà còn đem lại cho cả đám số tiền khổng lồ. Nhưng Lynn không thể thực hiện phi vụ này trót lọt mà cần phải có sự trợ giúp của Bank (Chanon Santinatornkul) – nam sinh cũng xuất sắc không kém gì Lynn nhưng tính tình ngay thẳng. Và từ đây hàng loạt rắc rối bắt đầu xảy ra.
Bad Genius là bộ phim ăn khách nhất tại Thái Lan trong năm 2017 và là minh chứng cho thấy khả năng làm phim của người Thái đã đạt đến trình độ quốc tế. Bộ phim biến một chủ đề hết sức bình thường và nhàm chán: thi cử, thành những màn kịch tính và hấp dẫn đến nghẹt thở. Bên cạnh đó, phim còn khơi gợi nhiều thông điệp đầy ý nghĩa.
5. Contratiempo (The Invisible Guest – Sát Thủ Vô Hình – 2017)
Trong năm nay, không chỉ có điện ảnh Thái Lan tiến xa vượt bậc mà còn có điện ảnh của Tây Ban Nha. Bộ phim xoay quanh doanh nhân trẻ tuổi và thành đạt tên Adrián Doria (Mario Casas). Anh là mẫu người khiến biết bao nhiêu người đàn ông cùng tuổi khác phải mơ ước khi có trong tay một công ty lớn, sự nghiệp thăng hoa cùng vợ đẹp và cô con gái xinh xắn. Nhưng dường như đối với Adrián bao nhiêu đó vẫn chưa đủ bởi anh còn có một người tình xinh đẹp – Laura Vidal (Bárbara Lennie), để rồi một ngày kia phát hiện mình đang nằm trong phòng kín cùng với thi thể của cô nàng. Để cứu vãn sự nghiệp và cuộc sống hạnh phúc đang trên đà đổ nát, Adrián phải nhờ đến luật sư uy tín Virginia Goodman (Ana Wagener) để bào chữa. Nhưng sau 180 phút lật lại sự việc trong căn phòng ngột ngạt, một sự thật ghê rợn khác dần được phơi bày.
Được thực hiện bởi đạo diễn tài năng của Tây Ban Nha – Oriol Paulo, Contratiempo đã gây tiếng vang lớn trên thế giới, khiến cho các nhà làm phim của kinh đô điện ảnh Hollywood phải khâm phục. Phim dẫn dắt người xem đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác, không thể nào rời mắt khỏi màn ảnh cho đến khi biết được hung thủ thực sự. Bên cạnh đó, khả năng diễn xuất tuyệt vời của các diễn viên cùng với khung cảnh xinh đẹp của châu Âu chắc chắn sẽ khiến khán giả thỏa mãn.
Contratiempo sẽ khởi chiếu tại Việt Nam từ ngày 6.10 tại các rạp trên toàn quốc.
Nếu yêu thích thể loại thriller thì bạn chắc chắn không nên bỏ lỡ 5 tác phẩm này. Còn nếu đã thưởng thức hết cả 5 tác phẩm thì hãy chia sẻ với Moveek bạn yêu thích tác phẩm nào nhất nhé!