Nữ Luật Sư Kỳ Lạ Woo Young Woo gây chú ý với khán giả khi lần đầu tiên khai thác về một nhân vật mắc chứng rối loạn phổ tử kỷ (Asperger) và đồng thời cũng là một thiên tài học luật. Phim nhanh chóng thu hút đông đảo người xem bởi cách khắc họa tự nhiên, nhẹ nhàng về một người mắc tự kỷ thông qua những hành động và biểu hiện rõ nét của Woo Young Woo.
Bộ phim xoay quanh câu chuyện về Woo Young Woo – nữ luật sư đầu tiên của Hàn Quốc mắc chứng rối loạn phổ tự kỷ. Cô sở hữu bộ não thiên tài, đã tốt nghiệp thủ khoa và đạt số điểm tuyệt đối trong cuộc thi lấy chứng chỉ hành nghề. Kể từ khi làm việc tại công ty luật Hanbada, cô đã giải quyết nhiều phi vụ phức tạp theo cách riêng của mình và cũng đối mặt với hàng loạt rắc rối. Tuy nhiên sau cùng bên cạnh Young Woo luôn có những con người hết sức đáng yêu, luôn che chở và bảo vệ cô gái nhỏ.
Ngay từ khi phát sóng, bộ phim đã tạo làn sóng trái chiều về việc xây dựng hình tượng người tự kỷ khá hoàn hảo như Young Woo (tài giỏi, xinh đẹp, đáng yêu). Tuy nhiên phim cũng rất cố gắng và tâm huyết trong việc tìm hiểu về tâm lý, hành vi đặc biệt của người tự kỷ để có thể miêu tả nhân vật một cách sát với thực tế nhất. Dưới đây là những hành động đặc trưng của nhân vật Young Woo mà ta dễ dàng bắt gặp trong nhiều tập phim.
Woo Young Woo ngay từ nhỏ đã thể hiện niềm yêu thích đặc biệt với loài cá voi. Cô ghi nhớ mọi thói quen, lối sinh hoạt của chúng và có thể luyên thuyên về cá voi suốt cả ngày. Đây cũng chính là một trong những đặc điểm rất phổ biến của người tự kỷ. Họ sẽ có niềm say mê về một chủ đề cụ thể và tập trung hoàn toàn vào đó để khám phá, tìm hiểu.
2. Chỉ ăn cơm cuộn
Cơm cuộn là món ăn luôn được Woo Young Woo ăn bất kể ngày đêm. Dù trong một lần đi ăn nhà hàng sang trọng cùng đồng nghiệp nhưng cô nàng vẫn chỉ gọi món cơm cuộn. Giải thích cho hành động này bởi người tự kỷ rất dễ nhạy cảm về cảm giác với môi trường xung quanh. Vì vậy khi ăn một món ăn nào đó mà không nhìn thấy rõ nguyên liệu bên trong sẽ khiến Young Woo bị bất ngờ với những hương vị lạ. Và cơm cuộn là món ăn mà Young Woo thấy rất tin tưởng khi có thể nhìn rõ và kiểm soát được thứ mình sẽ ăn.
3. Nhại lời người khác
Chứng nhại lời cũng là một đặc điểm dễ dàng bắt gặp ở một người tự kỷ. Trong phim, Woo Young Woo luôn phải tự nhắc nhở và kiềm chế bản thân mình trước việc nhại lời người khác. Cô hiểu được hành động này là bất lịch sự và sẽ gây khó chịu với người đối diện. Tuy nhiên khi lên phim thì đặc điểm này đã được tận dụng thành một đặc điểm để thu hút sự chú ý và mang tính hài hước chứ không phải là một hạn chế quá đáng của nữ chính.
4. Đếm 5 giây trước khi bước vào
Đã có nhiều lời giải thích khác nhau về hành động này của Woo Young Woo, có người cho rằng cô làm vậy để tránh những trò đùa bắt nạt từ thuở đi học, nhưng số khác lại nghiêng về hướng Young Woo như thế chỉ để chuẩn bị tâm lý khi đối mặt với thử thách. Sau khi xem qua bộ phim thì dường như giả thuyết thứ 2 là hợp lý hơn. Vì nhìn chung người tự kỷ ít có khả năng đối mặt và xử lý áp lực, họ cần phải có thời gian để tự trấn an và lấy tinh thần để thực sự sẵn sàng. Ở một vài phân cảnh, Young Woo đi sau Jun Ho, Su Yeon hay người mẹ để vào phòng con trai ở tập 3 thì cô không đếm 5 giây nữa. Bởi khi đó cô tin tưởng và đang được che chắn bởi người đi trước nên không cần gồng mình để trực tiếp đối mặt với áp lực đó.
5. Không muốn bị chạm vào người
Như đã chia sẻ ở trên, người tự kỷ thường có mức độ nhạy cảm cao. Nếu có bất kỳ sự động chạm nào không được báo trước thì họ sẽ dễ rơi vào trạng thái cạn kiệt năng lượng và mất kiểm soát. Điều đó không có nghĩa là bạn không bao giờ được chạm vào người tự kỷ. Bạn cần phải thông báo và chờ họ sẵn sàng đồng ý trước khi thực hiện hành động đụng chạm đó. Như trong tập 10, khi Young Woo và Jun Ho bắt đầu hẹn hò, Young Woo sau khi chuẩn bị tâm lý đã sẵn lòng cho Jun Ho nắm tay dù chỉ trong 57 giây ngắn ngủi. Chi tiết đó giúp người xem có cái nhìn cởi mở hơn với người tự kỷ, họ cũng nỗ lực để hòa nhập và sống vui vẻ cùng những người thân yêu.