Lưu ý: Bài viết có đề cập nhiều đến tình tiết phim.
Với những mọt phim thì có lẽ Oldboy 2003 của đạo diễn Park Chan Wook đã không còn xa lạ. Với nội dung kinh dị thì ít – ám ảnh thì nhiều, Oldboy gây tiếng vang lớn không chỉ ở khu vực Châu Á và còn ở các nước Âu Mỹ. Từ đó bản remake đầy tham vọng sau 10 năm được xúc tiến, nhưng không chỉ chẳng gây được ấn tượng và tiếng vang như bản cũ mà còn gây thất vọng cho fan của bản cũ và biến ý tưởng phim trở nên khá là lố bịch với những người không quen Oldboy.
Phim lấy ý tưởng từ bộ truyện tranh của Nhật nên có cách xây dựng hình ảnh như phim Nhật, với tiết tấu hơi chậm, diễn biến tâm trạng của nhân vật cũng chậm, có lẽ vì thế mà in nét vào tâm trí người xem hơn. Bản 2013 đúng kiểu phim hành động Mỹ, quá nhanh, nhưng nhanh mà lại nhiều chi tiết thừa thải. Đến bây giờ tôi vẫn thắc mắc tại sao họ dành quá nhiều thời lượng ban đầu của phim để nói về sự khốn nạn của nhân vật chính Joe. Điều mà tôi không thích của bản remake là không những họ sửa đổi nguyên tác kịch bản mà họ còn biến đổi tính cách nhân vật khiến họ trở nên lạ lẫm và góp phần làm bộ phim thêm phần lố bịch.
Đã nói về sửa đổi nguyên tác thì tôi cũng sẽ so sánh những chi tiết sau giữa 2 bản:
- Hình tượng nhân vật:
- Dae Soo - Joseph
Nói đến thì fan của bản cũ như tôi càng thấy thêm đau lòng. Cái plot twist đầu tiên khiến tôi yêu thích Oldboy chính là sự tưng tửng có phần ngờ nghệch của nhân vật chính Oh Dae Soo, cho nên xem đến nửa phim tôi vẫn nghĩ đây là một bộ phim hành động bạo lực xen lẫn tấu hài nên khi càng về sau bộ phim chuyển biến thành một thriller, thành một dạng phim khác vô cùng so với ban đầu, chính từ đây mới gây ra sự ám ảnh cho hầu hết người xem. Bản Mỹ biến Joe thành một “dick” chính hiệu, làm tôi có cảm giác hắn bị nhốt 20 năm là đáng vì có lẽ hắn đã gây thù chuốc oán với quá nhiều người, còn đâu một Dae Soo ngờ ngờ nghệch nghệch làm người xem thấy thương, thấy tội, thắc mắc mãi ông ta đã gây ra lỗi lầm gì mà bị nhốt đến 15 năm như vậy.
Thứ 2, biết là ở trong đó lâu và tập đấm vào tường 10 mấy năm nhưng Dae Soo lại mang đến kiểu dạng người bị dồn đến cuối cùng nên cứ phải gồng mình chống chọi, lấy cả tính mạng của mình mà chiến đấu, chính vì cái “điên” đó mới làm cho cảnh quay chiến đấu hàng chục người bằng búa trở thành kinh điển. Nhưng Joe thì khác, vừa ra ngoài đã đánh đấm vô tội vạ, mà tôi vẫn không hiểu, lúc bị giam cầm ông ta được cho ăn sủi cảo chiên chứ đâu phải trở thành mẫu vật cho vũ khí sinh học. Bước ra ngoài Joe cứ như Hulk hay Phồng Tôm, đấm phát mà vận động viên bóng bầu dục gần tắt, cảnh chiến đấu kinh điển thì như coi Super Man.
Cuối cùng, rõ ràng đã dành quá nhiều thời lượng từ đầu đến cuối biến Joe thành một “dick” thì tại sao còn cố gầy dựng ông ta như một người cha vô cùng yêu thương con gái? Ngay từ đầu ông ta chỉ là một kẻ ích kỷ không quan tâm đến ai trừ bản thân mình cơ mà. Cho là ông ta đã hối hận đi, dành hết mọi tâm trí cho con gái, nhưng cảnh gần cuối khi biết Marie là con gái mình, sự đau khổ và cố gắng van nài Adrian đừng nói cho cô biết vẫn chưa tới hay do người Mỹ không thể xây dựng hình tượng con người qua cúi đầu, quỳ mọp trước người khác. Nhưng so với sự hóa điên đến cắt lưỡi mình của Dae Soo thì tình yêu to lớn của Joe cho con gái ở đâu? Hay chỉ xây dựng như vậy cho phù hợp hơn với chi tiết loạn luân do đồng cảm của Marie, thay thế cho chi tiết thôi miên của bản 2003. So với sự hời hợt đó, tôi thích thôi miên hơn, có thể nhiều người thấy nó quá ảo nhưng thật sự rất thực tế, vì Dae Soo bị nhốt quá lâu, bị hít khí gây ức chế thần kinh quá nhiều, cộng với bản tính ngờ nghệch thì quá đơn giản để thôi miên và hợp lý luôn với cả Mi Do – cô gái mồ côi, được nhận nuôi, yếu đuối hay khóc, dễ tin người.
- Woo Jin – Adrian:
Đây là sự thay đổi thất vọng nhất của tôi với bản 2013 vì thật sự tôi thích nhân vật Woo – Jin rất nhiều, thích cách xây dựng cũng như diễn biến tính cách nhân vật này.
Đầu tiên, là ngoại hình, Woo – Jin là một kẻ thâm nho, tính cách điên điên và cà rỡn, ngoại hình thì quá xuất sắc cho nên đến cuối phim tôi vẫn ám ảnh tại sao một người có tất cả, đẹp trai, phong độ, tiền tài, sự thông minh vượt người bình thường lại dành 20 năm để lên kế hoạch và thực hiện để trả thù Dae Soo thấp kém và khờ khạo kia. Cuối cùng ta mới hiểu là do tình yêu, một tình yêu biết là sai trái, là loạn luân nhưng thật sự tình yêu của Woo Jin dành cho chị gái mình to lớn, dằn vặt và thống khổ như thế nào. Trái lại với Adrian, biết là phải xây dựng một kẻ điên dại, biến thái nhưng tôi thấy bản 2013 quá sức hủy hoại hình tượng. Adrian với giọng siêu hay thích hợp để kể chuyện Grimm cho trẻ nhỏ nhưng lại có quá nhiều cử chỉ “đồng bóng”. Giọng thì hay thật nhưng hắn nói quá nhiều quá thừa thãi, khác với Woo Jin, nói lời nào hàm ý lời đó, làm Dae Soo càng thêm tức, người xem càng thêm tò mò.
Thứ 2, bản Hàn hay ở chỗ khiến cho Woo Jin thành một “master puppet” chính hiệu, xoay Dae – Soo vòng vòng, hắn cho Dae Soo lựa chọn “chơi” tiếp hay giết hắn, rõ ràng hắn quá thông minh và tinh vi cho đến chi tiết cuối cùng cái nút bấm cũng phải khiến Dae Soo quằn quại trong đau khổ đến khốn cùng. Còn bản Mỹ, Adrian lại theo kiểu ép buộc, vậy rõ ràng Woo Jin thông minh và biến thái hơn Adrian rất nhiều.
Cuối cùng, cũng là tình yêu, không phải cổ súy cho sự loạn luân nhưng mà thật sự xem bản 2003 tôi cảm thấy tội và thương cảm cho hai chị em Soo Ah, biết tình yêu này là dơ bẩn nhưng cảm thấy vẫn không khinh miệt họ được vì tình yêu này quá đáng thương, cho đến cuối cùng sau khi hết lý do để sống tiếp là trả thù Dae Soo là chính nhưng tôi cảm nhận được sự thống khổ của Woo Jin, sự hy vọng được hiểu, được thông cảm, muốn được công nhận tình yêu sai trái đó, bởi vì quá thống khổ nên không thể làm gì ngoài tự vẫn. Còn với Adrian, tôi không hiểu được vì rõ ràng gia đình của hắn quá bịnh hoạn, quá biến thái. Biết là loạn luân sai trái mà cha đẻ đến thẳng trường con gái để làm chuyện đồi bại; lố bịch nhất là chi tiết thấy cha là auto – cởi của hai anh em Adrian. Tôi không cảm nhận được tình yêu, chỉ thấy các nhân vật bản 2013 ai cũng đáng bị trừng phạt như vậy (trừ Marie).
Ngoài hình tượng nhân vật thì còn một thứ khiến bản Hàn vượt trội so với remake yếu kém của mình đó là tính châm biếm và sự nhân văn. Từ những câu châm ngôn Woo Jin nói ra thì chi tiết Oh Dae Soo nhắc đi nhắc lại ý nghĩa tên mình là “mỗi ngày trôi qua vui vẻ, hạnh phúc” thì gây cho tôi ám ảnh rất nhiều, chẳng lẽ bộ phim khuyên người ta đừng đặt tên cho con kiểu tốt đẹp vì chẳng bao giờ thành được như mong muốn. Ngoài ra, kết phim uẩn khúc của Oldboy 2003 cũng gây ấn tượng mạnh cho tôi hơn là bản Mỹ. Tuy nhiên, xét về tổng thể, tôi cảm thấy bản remake này thà không làm còn hơn.
Thành viên: Candice Ho