Oppenheimer đã tiến vào phòng vé và trở thành cái tên được bàn tán nhất giữa các mọt phim. Chúng ta đang chứng kiến một trong những bộ phim hay nhất của Nolan được trình chiếu trên màn ảnh rộng. Dù vậy, bộ phim vẫn khiến nhiều người bối rối và quay cuồng với hàng tá lời thoại dày đặc và lối kể phi tuyến tính qua lại giữa hai phiên tòa. Cho nên, nhiều thứ vẫn còn mơ hồ, hoặc khó hiểu với một số người. Bài viết này sẽ cung cấp cho bạn một cái nhìn thực tế hơn về sự đối đầu giữa Lewis Strauss (do Robert Downey Jr. thủ vai) và Oppenheimer (Cillian Murphy).
Định hình hai dòng thời gian
Một vài dòng tóm tắt toàn cảnh một chút lý do đằng sau hai phiên tòa này diễn ra. Dùng từ đúng hơn, cả hai lần lượt là một phiên điều trần và một phiên thẩm định.
Đối với Lewis Strauss, tại thời điểm này, nước Mỹ đã trải qua 3 đời tổng thống, với Franklin Roosevelt – người đã hạ lệnh tiến hành Dự án Manhattan, Harry Truman – người hạ lệnh vụ đánh bom Hiroshima và Nagasaki vào năm 1945, và chấp nhận đề xuất chế tạo bom nhiệt hạch (Hydrogen bomb), Dwight D. Eisenhower – người thừa hưởng di sản hạt nhân và kho vũ khí nhiệt hạch từ 2 người tiền nhiệm và đang điều hành Mỹ. Eisenhower cũng là người đề cử Strauss cho vị trí Bộ trưởng Thương mại Mỹ. Phiên điều trần trước Thượng viện xem xét liệu ông ta có thể nhậm chức hay không diễn ra vào năm 1959.
Phiên tòa thứ 2 chúng ta chứng kiến trong Oppenheimer là một hội đồng thẩm định xem xét liệu Robert Oppenheimer có nên được tiếp tục giữ mức bảo mật cấp Q – đồng nghĩa với việc liệu ông có thể tham gia, điều hành hoặc cố vấn cho bất kỳ dự án khoa học cấp quốc gia nữa hay không. Phiên thẩm định sẽ quyết định điều đó thông qua các nhân chứng và lời khai, cũng như điều tra mối quan hệ giữa Oppenheimer và phong trào Cộng sản đang diễn ra sôi nổi vào thời của ông. Tại đây, chúng ta được gặp gỡ những nhà khoa học đã từng cộng tác với Oppenheimer. Buổi thẩm định diễn ra vào năm 1954.
Lewis Strauss là ai (phiên bản ngắn gọn)
Lewis Strauss sinh năm 1896 tại Virgina, trưởng thành trong một gia đình người Do Thái di cư từ Đức - Áo. Thời còn niên thiếu, Strauss muốn trở thành một nhà vật lý, nhưng nền kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái đã đẩy Strauss vào công việc bán giày. Cuối cùng, đúng như dòng đời đưa đẩy, Strauss trở thành trợ lý của Herbert Hoover trong Thế chiến II. Sau chiến tranh, Strauss là một nhà đầu tư thành công và đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo tài chính cho các dự án nổi tiếng, chẳng hạn như sự ra đời của máy ảnh Polaroid.
Ông cũng từng là sĩ quan hải quân trong Thế chiến II. Năm 1946, ông được bổ nhiệm vào Ủy ban Năng lượng Nguyên tử (AEC), nơi ông nhiệt thành ủng hộ việc phát triển vũ khí nhiệt hạch, bao gồm cả bom Hydro. Trong Oppenheimer, Strauss được gọi kèm với chức vị quân đội của ông là Đô đốc Strauss chứng tỏ cho sự nghiệp quân sự dài hơi và danh giá ông đã trải qua.
Mẹ của Strauss qua đời vì bệnh ung thư năm 1935, cha ông cũng mắc bệnh tương tự năm 1937. Điều đó và niềm đam mê sớm của ông đối với vật lý đã khiến Strauss thành lập một quỹ mang tên họ, với mục đích nghiên cứu phương pháp điều trị bức xạ tốt hơn cho bệnh nhân ung thư. Hành động đã mở đường cho Strauss giao thiệp rộng rãi hơn với cộng đồng nhà khoa học Mỹ.
Lập trường về bom nhiệt hạch, nguyên tử, và vị thế của Mỹ khiến ông mâu thuẫn sâu sắc với Oppenheimer, người đóng vai trò then chốt trong việc thiết kế bom nguyên tử tàn phá hai thành phố Hiroshima và Nagasaki của Nhật Bản. Trong khi Oppenheimer bày tỏ sự hối hận về sự tàn phá do các phát minh của mình gây ra, thì Strauss ủng hộ việc phát triển các loại vũ khí thậm chí còn mạnh hơn, chẳng hạn như bom nhiệt hạch. Tuy nhiên, nguồn cơn sự bất hòa giữa cả hai đi sâu hơn cả việc bất đồng ý kiến.
Strauss v Oppenheimer
Bộ phim mới của Christopher Nolan là một màn tung hứng chóng mặt trong, ngoài và xung quanh dòng thời gian trải dài của Dự án Manhattan; cụ thể hơn là cuộc thử nghiệm Trinity vào ngày 16.07.1945. Mặc dù cách kể chuyện nhanh gọn có thể khiến bạn hơi choáng váng, nhưng có một điều khá chắc chắn: Lewis Strauss không thích J. Robert Oppenheimer. Và đây là lý do rõ ràng hơn mà Oppenheimer chưa kịp diễn giải.
Năm 1947, Strauss đề nghị Oppenheimer làm giám đốc tại Viện Nghiên cứu Cao cấp ở Princeton, một trong những vị trí có uy tín nhất ở Hoa Kỳ. Trong phim, cuộc gặp gỡ của họ đặc biệt lạnh lùng, bắt đầu chỉ bằng cuộc trao đổi tên và di sản Do Thái cả hai chia sẻ. Strauss cảm thấy như Oppenheimer đã tách mình ra khỏi cộng đồng Do Thái, trong khi ông ta luôn cảm thấy bản thân là một phần của nó.
Bộ phim tập trung đôi chút vào cuộc nói chuyện đầu tiên giữa Oppenheimer với Einstein trong phim, và khi nhà vật lý nổi tiếng bước đi, ông có vẻ lạnh nhạt với Strauss. Điều này làm Strauss khó chịu trong nhiều năm, nhưng hóa ra nó chẳng liên quan gì đến ông ta – Oppenheimer đã nói về nỗi sợ hủy diệt thế giới đang trở thành sự thật kể từ vụ đánh bom Hiroshima và Nagasaki.
Oppenheimer còn nhắc đến một buổi điều trần nữa mà trong đó Strauss và Oppenheimer đều tham dự. Phiên điều trần này diễn ra đâu đó trong năm 1949, khi Liên bang Xô Viết đã thử nghiệm thành công bom nguyên tử do họ sản xuất. AEC (Ủy ban Năng lượng Nguyên tử Hoa Kỳ) đã ngay lập tức bàn kế hoạch ứng phó. Strauss khi đó phản đối việc xuất khẩu đồng vị phóng xạ - thành phần quan trọng trong việc chế tạo bom nguyên tử lẫn bom khinh khí.
Nhưng Oppenheimer, người đang đứng đầu Ủy ban tham vấn của AEC vào thời điểm ấy, nhìn vào những ứng dụng tiến bộ hơn của đồng vị phóng xạ và muốn Mỹ cởi mở và chia sẻ chúng với đồng minh và thế giới. Oppenheimer sau đó không những không ủng hộ quan điểm của Strauss mà còn thẳng thừng chế nhạo nó trước mặt mọi người tham dự bao gồm đồng nghiệp, các nhà khoa học và các thành viên Quốc hội Mỹ. Sự kiện sau đó đã trở thành mầm mống cay đắng dẫn đến nỗ lực hủy hoại sự nghiệp và danh tiếng của ông.
Tuy nhiên, mọi thứ đến cuối cùng vẫn là vì mục đích chính trị. Strauss trở thành người đứng đầu AEC vào năm 1954, giữa lúc “Nỗi sợ màu đỏ” (Communism) càn quét qua nước Mỹ, Strauss mở phiên thẩm định về Oppenheimer, đặc biệt nhắm vào cáo trạng liệu Oppenheimer có phải một gián điệp của Xô viết hay không.
Có nhiều sắc thái nặng nhẹ trong mối bất hòa giữa họ, nhưng đây là phiên bản đơn giản nhất: Oppenheimer, bị dằn vặt sau thảm họa Hiroshima và Nagasaki và hậu quả lâu dài mà nó để lại, đã cố gắng ngăn chặn một cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân và cảm thấy sự minh bạch quốc tế cũng như nghiên cứu sâu hơn sẽ là biện pháp ngăn chặn hiệu quả nhất trong thời kỳ khủng hoảng và chiến tranh.
Nhưng, về cơ bản, Strauss là người ủng hộ nguyên tắc hủy diệt được đảm bảo lẫn nhau (MAD), tức nếu Mỹ có vũ khí, thì chắc chắn kẻ thù (trong trường hợp này là Liên Xô) cũng sẽ chế tạo chúng, vì vậy Mỹ cũng nên có chúng. Hãy tưởng tượng một cán cân quyền lực và sự đảm bảo, khi hai đầu đều có vũ khí hủy diệt, cán cân sẽ cân bằng. Oppenheimer ủng hộ chính sách cởi mở về số lượng và khả năng của vũ khí nguyên tử trong kho vũ khí của Mỹ. Strauss lại tin rằng sự thẳng thắn đơn phương như vậy sẽ không có lợi cho ai ngoài Liên Xô.
Đối với Strauss, Oppenheimer là vật cản mang tính cá nhân lẫn bất hòa trong công việc, nhưng trọng yếu hơn, Strauss nghi ngờ Oppenheimer là một gián điệp của Liên Xô, tồi tệ hơn nữa là một kẻ phản quốc. Cho nên, Strauss đã dàn dựng một kế hoạch công phu để hạ bệ nhà khoa học đang được trọng vọng nhất Mỹ.
Phiên thẩm định Oppenheimer diễn ra tại một tòa nhà ở tạm thời gần Đài tưởng niệm Washington của AEC. Phiên thẩm định bắt đầu vào ngày 12.04.1954 và kéo dài bốn tuần. Oppenheimer đã diễn giải phiên thẩm định sát với các tài liệu gốc, kể cả việc ngăn cản luật sự đại diện của Oppenheimer tiếp cận các loại tài liệu được sử dụng trong phiên thẩm định vốn dĩ là một quyền chính đáng của bên ông. Theo đó là một lòng thù địch ngút trời chỉ để đảm bảo sự nghiệp của Oppenheimer kết thúc trong hổ thẹn.
Nhiệm kỳ của Strauss tại AEC kết thúc vào năm 1958. Là người đứng sau ủng hộ nhiệt tình của Tổng thống Eisenhower kể cả về tài chính, Strauss được Eisenhower đề cử cho vị trí Bộ trưởng Thương mại Mỹ và phiên điều trần xem xét tư cách của ông diễn ra vào 1959.
Lời khai chấn động cùa David L. Hill
Strauss đã có một phiên tòa có thể nói là hủy hoại Oppenheimer về mặt tinh thần. Sau khi bị tước mã an ninh cấp Q, ông không thể làm việc, cố vấn hay chỉ đạo bất kỳ dự án khoa học nào nữa của chính phủ, danh tiếng của Cha đẻ bom nguyên tử đã bị ô uế vì những cáo buộc quan hệ với thành phần cộng sản. Tuy nhiên, hành động của Strauss không thể qua mắt được cộng đồng khoa học ở Mỹ, cụ thể là Federation of American Scientists.
Oppenheimer thể hiện câu chuyện ở ngôi thứ nhất, và ngôi thứ nhất trong đây được tung hứng qua lại giữa hai nhân vật là Lewis Strauss và Oppenheimer. Nên nhiều thứ đã bị khuất đi. Chúng ta không thể biết những gì mà hai người này không chứng kiến. Chính vì thế mà sự xuất hiện của David L. Hill ở phiên điều trần năm 1958 khiến mọi người ngạc nhiên. Lời làm chứng của Hill đã khiến Strauss mất đi chức vụ Bộ trưởng Thương mại. Câu hỏi khiến nhiều khán giả phải đau đầu là nhân vật này là ai và làm sao mang sức mạnh đến vậy.
Oppenheimer quy tụ rất nhiều sao và dàn nhân vật nên việc nắm bắt hết tình tiết khá khó khăn. Có thể bạn đã bỏ lỡ chi tiết David Hill đã theo sát Oppenheimer ngay từ ngày đầu. Ông là một trong 42 nhà khoa học đã xây dựng thành công lò phản ứng hạt nhân đầu tiên trên thế giới (phân cảnh Oppenheimer đến với phòng thí nghiệm nằm dưới sân vận động), một trong những nhà khoa học phản đối Truman sử dụng bom hạt nhân trên đất Nhật (phân cảnh Oppenheimer sắp đến cuộc họp lựa chọn mục tiêu cho hai trái bom nguyên tử).
Một chi tiết được gợi ý trong phim là Oppenheimer đã nhận thức được những gì Strauss đã gây ra, nhưng không có ý phản kháng như một cách để trừng phạt bản thân vì sự kiện Hiroshima và Nagasaki. Phim cũng gợi ý một số nhà khoa học đã nghe phong phanh những gì đã diễn ra trong phiên thẩm định quyền an ninh của Oppenheimer và 4 năm là khoảng thời gian đủ dài để họ nhìn nhận lại sự việc. Suy cho cùng, cộng đồng khoa học ở Mỹ bấy giờ vốn không lớn.
Ngoài đời, lời khai của Hill không được lấy từ nguyên tác tiểu sử đã thổi hồn cho Oppenheimer, mà lấy trực tiếp từ tài liệu lưu trữ của Mỹ về phiên điều trần. Điều đó chứng tỏ Strauss đã không dọn dẹp sạch sẽ màn nhúng tay của ông ta ở phiên thẩm định. Oppenheimer cũng "quên" đề cập đến việc Hill và Oppenheimer chia sẻ một tình bạn khá đẹp và lâu dài khi cả hai có cùng một đam mê khoa học.
Đến cuối cùng, sự giận dữ và bất mãn của giới khoa học Mỹ trong đó có cả Hill – người đang đứng đầu Federation of American Scientists khi đó, đã thúc đẩy Hill lột trần bộ mặt của Strauss trước Thượng viện. Lời khai của Hill hoàn toàn có chủ ý hạ bệ Strauss, vì họ đã cố tình khiến Strauss tin rằng họ đứng về phía ông ta, cho đến khi sự thật vỡ lỡ.
Hậu phiên điều trần
Việc thất cử của Strauss không chỉ chấm dứt sự nghiệp chính trị của ông ta, mà còn vả mặt chính quyền Eisenhower thời bấy giờ. Vị tổng thống sau đó đã nhắc đến với các thành viên Thượng viện bỏ phiếu chống lại Strauss có thể được mô tả là lời lẽ hoa mỹ nhưng rất sâu cay. Với tỷ lệ 46 phiếu thuận và 49 phiếu chống, Strauss đã không thể chính thức nhậm chức. Điều trớ trêu hơn là trong hàng ngũ phiếu chống, một thuộc về John F. Kennedy và một của Lyndon B. Johnson – lần lượt là tổng thống thứ 34 và 35 của Mỹ sau đó. Cả hai đều thể hiện lòng ngưỡng mộ đối với sự tận tâm của Oppenheimer.
Kennedy là người đã quyết định trao cho Oppenheimer giải thưởng Enrico Fermi vinh danh những nhà khoa học đã cống hiến cho nghiên cứu và khám phá vật lý trong thời gian ông đảm đương cương vị Tổng thống. Kennedy không may thiệt mạng trong vụ ám sát trứ danh và Lyndon B. Johnson là người đã trao giải thưởng tận tay Oppenheimer vào năm 1963 – khung cảnh chúng ta được thấy trong Oppenheimer với những đồng nghiệp cũ, dù có làm chứng chống lại hay ủng hộ ông, đến bắt tay với nhà vật lý sau gần một thập kỷ cay đắng.