Bạn nhớ gì về lễ trao giải Oscar năm 2022? Những quán quân xứng đáng với tượng vàng Hàn lâm? Những bộ phim khiến người ta phải khóc, giận dữ, trầm ngâm, duy mỹ được gọi tên? Những cái tên được đề cử nhưng khiến fan ngậm ngùi vì trượt giải? Một bộ phim mà dàn diễn viên là người khiếm thính được vinh danh trong hạng mục Phim hay nhất? Không, sự kiện được quan tâm nhất của Oscar 2022 là cái tát Will Smith tặng cho đồng nghiệp Chris Rock ngay trên sóng truyền hình. Đó là sự kiện đã in dấu vĩnh cữu trong lịch sử của một trong những giải thưởng danh giá nhất của điện ảnh Âu Mỹ.
Song, giải Oscar không phải lúc nào cũng trở thành trò cười như vậy. Lịch sử Oscar từng ghi nhận những khoảng khắc mang ý nghĩa biểu tượng, buồn cười một cách hài hước, hoảng hốt và thậm chí là tràn đầy nghị lực hơn thế.
Xem lịch chiếu và mua vé tại Moveek
1. Oscar 1940: Hattie McDaniel làm nên lịch sử
Bộ phim Gone with the Wind năm 1939 làm nên rất nhiều kỷ lục, ví như doanh thu cao nhất phòng vé bấy giờ, một trong những cột mốc đáng nhớ của bộ phim lẫn lịch sử Oscar là Hattie McDaniel, nữ diễn viên da màu đầu tiên giành tượng vàng Hàn lâm nói chung và ở hạng mục Nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất nói riêng cho vai diễn Mammy.
Đó là năm 1940, năm mà nước Mỹ vẫn chịu chế độ phân biệt chủng tộc hà khắc. Chính vì thế mà trong lễ trao giải, McDaniel không được ngồi cùng bàn với dàn diễn viên mà phải lầm lũi ở bàn phía sau, gần khu của những người phục vụ.
2. Oscar 1943: Bài phát biểu dài hơi nhất lịch sử Hàn lâm
Bạn có biết mỗi người chiến thắng các hạng mục chỉ có 45 giây cho bài phát biểu nhận giải của mình? Nhưng đây không phải là luật lệ ra đời cùng lúc với giải Oscar. Trên thực tế, viện Hàn Lâm đưa ra giới hạn này là vì bài phát biểu của nữ diễn viên Greer Garson, người đã giành tượng vàng hạng mục Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất cho vai diễn bà thể hiện trong Mrs. Miniver (1942). Nữ diễn viên đã có bài phát biểu dài đến tận 7 phút. Viện Hàn lâm chưa từng nghĩ đến giới hạn cho bài phát biểu nhận giải cho đến thời điểm của Garson – người đã phát biểu trong sự xúc động và nó đã kéo dài đến 7 phút như thế. Thế là viện Hàn lâm đã đề ra giới hạn từ đó đến nay.
3. Oscar 1968: Alfred Hitchcock và bài phát biểu ngắn nhất lịch sử Oscar
45 giây chẳng thể làm khó được đạo diễn huyền thoại Alfred Hitchcock khi ông lên nhận tượng vàng tri ân cuộc đời dài cống hiến cho điện ảnh. Điều thú vị là trong suốt sự nghiệp dài hơi của bản thân, ông đã được đề cử và hụt chiến thắng đến 5 lần cho Đạo diễn xuất sắc nhất. Có lẽ điều này khiến ông hoàng kinh dị và giật gân cảm thấy đôi chút thất vọng, nên Hitchcock đã bước lên bục nhận giải và phát biểu bài văn nhận giải ngắn kỷ lục trong lịch sử Oscar: “Cảm ơn!”, hết.
4. Oscar 1969: Trận hoà giữa hai minh tinh thời đại
Không cần phải bàn cãi, hai cái tên nổi bật nhất Hollywood thập niên 60 là Barbra Streisand và Katharine Hepburn. Hai huyền thoại này không chỉ là những diễn viên có tầm, mà còn là những biểu tượng đến nay vẫn chưa ai bì kịp của Hollywood và hai cái tên này cũng điểm một dấu son đáng nhớ trong lịch sử lễ trao giải Oscar. Và khoảnh khắc đáng nhớ nhất của Oscar năm 1969 chính là thời khắc hai nữ diễn viên đều được xướng tên ở hạng mục Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất.
Hepburn, khi đó 62 tuổi và là một huyền thoại điện ảnh, đã được đề cử Oscar 11 lần tại thời điểm bấy giờ, trong đó có vai diễn Eleanor of Aquitaine trong The Lion in Winter bà được vinh danh vào năm 1969. Và Streisand, 26 tuổi, không chỉ được đề cử Oscar đầu tiên năm đó mà bộ phim bà được vinh danh còn phim điện ảnh đầu tiên trong sự nghiệp – Funny Girl. Trước đó, nữ diễn viên chỉ xuất hiện trên truyền hình. Trên hết, đó là năm đầu tiên buổi lễ trao giải được trực tiếp trên truyền hình.
Cả hai minh tinh đã khiến hội đồng phải đau đầu và cuối cùng mỗi người đã nhận được đúng 3030 phiếu bầu. Quả là một trận hoà hi hữu. Đến nay, Oscar chỉ ghi nhận tổng cộng 6 lần hoà giữa các những cái tên trong danh sách đề cử và trận đối đầu giữa Hepburn và Streisand là nổi tiếng nhất. Tuy nhiên, lần trao giải năm ấy chỉ có Streisand xuất hiện và lên nhận giải. Tất nhiên đây chỉ là màn khởi đầu cho nữ diễn viên. Sau sự kiện đó, sự nghiệp của Streisand rực rỡ hơn bao giờ hết. Hepburn cũng không hề kém cạnh, đàn chị huyền thoại này tiếp tục thắng thêm vài tượng vàng nữa và trở thành cái tên vĩ đại trong Hollywood.
5. Oscar 1972: Vinh danh một trong những cái tên vĩ đại nhất điện ảnh
Năm 1972 là năm mà thời đại phim câm đã chấm dứt được 43 năm. Nhưng điều đó không có nghĩa là điện ảnh đã lãng quên những bóng hình đã tiên phong cho nó từ những ngày đầu tiên. Oscar năm 1972 gọi tên Charlie Chaplin với niềm cảm kích vô hạn và trao cho ông một tượng vàng vinh danh những gì ông đã cống hiến cho điện ảnh.
Khi ông lên bục nhận giải, đám đông đã tặng cho đạo diễn, diễn viên trang vỗ tay nhiệt liệt kéo dài tới 12 phút. Đây cũng là màn tán dương dài nhất trong lịch sử Oscar đến tận hôm nay. Chaplin nói trong bài phát biểu của mình: “Từ ngữ dường như trở nên vô nghĩa và thiếu sức nặng (dễ diễn tả cảm xúc của tôi lúc này). Tôi chỉ có thể nói lời cảm ơn vì vinh dự được mời đến đây."
Sự xuất hiện của Chaplin năm đó tại buổi lễ không dễ dàng gì vì đây là một trong những lần xuất hiện công khai đầu tiên của ông tại Hoa Kỳ sau hai thập kỷ bị thu hồi giấy phép tái nhập cảnh vào nước này do tranh cãi xung quanh các mối quan hệ giữa ông và cộng sản.
6. Oscar 1974: Người chiến thắng trẻ nhất lịch sử Oscar
Diễn viên chính trong Paper Moon, Tatum O'Neal đã giành giải Oscar Nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất khi mới 10 tuổi. Cô nhận giải thưởng trong bộ lễ phục Tuxedo và có một bài phát biểu ngắn gọn: "Tất cả những gì tôi thực sự muốn cảm ơn giám đốc của tôi, Peter Bogdanovich và cha tôi. Cảm ơn." Đến nay, kỷ lục này vẫn chưa có người vượt qua.
Xem lịch chiếu và mua vé tại Moveek
7. Oscar 1993: Phân ranh giới rạch ròi với chính trị
Oscar là một sự kiện được trình chiếu rộng rãi và khi phim ảnh ngày càng đào sâu những vấn đề xã hội, chính trị, buổi lễ trao giải cũng không tránh được chạm đến những vấn đề chính trị. Những người chiến thắng Oscar thường sử dụng lễ trao giải như một nền tảng phát biểu về những góc nhìn chính trị của họ. Ví như Jared Leto đã dành bài phát biểu chiến thắng hạng mục Nam diễn viên phụ xuất sắc nhất cho màn thể hiện trong Dallas Buyers Club cho những người dân Ukraine đang sống trong cuộc xung đột Crimea. Oscar 2020 là những bài phát biểu chống lại tư tưởng phân biệt và bảo thủ của chính quyền Donald Trump. Song, có một giai đoạn mà Oscar đã “nổi khùng” với ảnh hưởng chính trị.
Đó là năm 1993, lễ trao giải danh giá này đã cấm Richard Gere, Susan Sarandon và Tim Robbins đến sự kiện vĩnh viễn. Nguồn cơn cho lệnh cấm này xuất phát từ việc Gere và Saradon đã dành spotlight của mình để nâng cao nhận thức về HIV – cụ thể hơn là những người Haitian đang vật lộn với căn bệnh mà xã hội bấy giờ vẫn từ chối nhắc đến, trong khi Robbins nói đến cuộc câm lược của Trung Quốc trên đất Tây Tạng.
Tuy nhiên, lệnh cấm không mang sức nặng như người ta tưởng. Sarandon giành giải Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất ba năm sau đó với Dead Man Walking và Robbins giành chiến thắng vào năm 2004 với Mystic River. Gere đã không giành chiến thắng nào, nhưng nam diễn viên đã tham dự chương trình nhiều lần kể từ lệnh cấm đó.
8. Oscar 2002: McDaniel sẽ tự hào với Halle Berry
2002 là khoảng thời gian dài kể từ chiến thắng của McDaniel. Mọi thứ đã thay đổi. Oscar 2002 một lần nữa vinh danh một nữ diễn viên da màu cho hạng mục Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất. Đó là Halle Berry (cho phim Monster’s Ball) và lần này cô không phải ngồi ở bàn ngoài rìa nữa. Berry cũng là nữ diễn viên da màu từng giành tượng vàng ở hạng mục trên.
Sẵn nhắc đến Halle Berry. Vào năm 2005, Berry cũng lãnh trọn một cúp Mâm Xôi Vàng – người anh em trái ngược của Oscar – cho Nữ diễn viên chính tệ nhất với vai diễn Catwoman trong bộ phim cùng tên. Cô cũng là một trong những gương mặt “có gan” đến nhận chiếc cúp này. Khi được hỏi tại sao cô lại làm thế, Berry chỉ nói, “Nếu tôi có thể đến Oscar, tôi cũng có thể đến Mâm Xôi” (tạm dịch).
9. Oscar 2009: Chiến thắng của Heath Ledger
Tại thời điểm này, về lý thuyết là chưa từng có phim siêu anh hùng nào thắng giải Phim hay nhất. Joker (2019) và The Birdman (2014) không được coi là thuộc thể loại phim siêu anh hùng. Nhưng những diễn viên trong đó vẫn được cân nhắc cho các giải thưởng. Và Oscar năm 2009 đã gọi tên Heath Ledger cho hạng mục Nam diễn viên phụ xuất sắc nhất trong The Dark Knight. Tại thời điểm này, Ledger đã mất một năm. Đây không phải là một màn tri ân. Phản diện Joker đã được Ledger thể hiện một cách xuất sắc và là màn trình diễn đến nay vẫn chưa có đối thủ, tính luôn cả màn diễn xuất thượng thừa của Joaquin Phoenix.
10. Oscar 2010: Nữ đạo diễn đầu tiên thắng Đạo diễn xuất sắc nhất
Trong lịch sử gần 100 năm của Oscar, chỉ có 2 phụ nữ từng thắng Đạo diễn xuất sắc nhất. Người đầu tiên là Kathryn Bigelow với bộ phim The Hurt Locker. Khoảnh khắc chiến thắng của nữ đạo diễn diễn ra vào năm 2010. Trong đây, bộ phim của cô cũng chiến thắng cả hạng mục Phim hay nhất.
11. Oscar 2016: "Ơn giời" anh ấy cuối cùng cũng có Oscar
Không thể phủ nhận trong số những diễn viên xuất sắc của Hollywood, Leonardo DiCaprio nhất định phải có một chân. Song, bất chấp đã miệt mài với nghiệp diễn và có nhiều lần được đề cử, anh vẫn chưa cầm được tượng vàng nào…cho đến năm 2016. Với bộ phim The Revenant, DiCaprio cuối cùng cũng có một chiến thắng cho hạng mục Nam diễn viên chính xuất sắc nhất. Khi lên nhận giải, anh còn nhận được màn tán dương cuồng nhiệt của đồng nghiệp.
12. Oscar 2020: Một bộ phim nói tiếng nước ngoài thắng Phim hay nhất
Theo thông lệ, những bộ phim nói tiếng Anh, nhưng Oscar 2020 đã có một kỳ tích – Parasite, bộ phim tiếng Hàn, do một đạo diễn Hàn cầm trịch, quy tụ những diễn viên Hàn Quốc, đã chiến thắng hạng mục Phim hay nhất. Đó cũng là năm đánh dấu điện ảnh Hàn Quốc tròn 100 tuổi.
13. Oscar 2021: Chloé Zhao chiến thắng
Quay lại việc chỉ có 2 phụ nữ từng chiến thắng hạng mục Đạo diễn xuất sắc nhất, người thứ hai chính là Chloé Zhao, đồng thời là phụ nữ người châu Á đầu tiên từng chiến thắng ở hạng mục này. Bộ phim đã làm nên chiến thắng của Zhao là Nomadland, được đánh giá cao không chỉ vì những cảnh quay đẹp tự nhiên giàu ý nghĩa, mà còn vì thông điệp hàm xúc và sâu sắc về con người chật vật trong chủ nghĩa tiêu dùng và ám ảnh bởi tài sản đi tìm tự do thật sự. Nomadland cũng là Phim hay nhất Oscar năm đó.
Xem lịch chiếu và mua vé tại Moveek
14. Oscar 1973: Đẳng cấp Marlon Brando
Khi Marlon Brandon giành chiến thắng cho vai diễn hiện được coi là một trong những vai diễn để đời của ông, vai Don Vito Corleone trong The Godfather, nam diễn viên đã không có mặt để mang về tượng vàng Nam diễn viên chính xuất sắc nhất. Thay vào đó, người phụ nữ mà anh cử đến thế chỗ cũng không nhận cúp, mà đến với một thông điệp đánh thẳng vào mặt hạn chế của Hollywood bấy giờ. Brandon đã cử Littlefeather, một nhà hoạt động người Mỹ bản địa Apache và là chủ tịch của Ủy ban hình ảnh người Mỹ bản địa quốc gia, thay mặt anh ấy phát biểu. "Anh ấy (Brando) rất tiếc khi không thể nhận giải thưởng rất hào phóng này," cô nói. "Và lý do cho điều này là do ngành công nghiệp điện ảnh đối xử với người Mỹ da đỏ ngày nay."
Đó là một bài phát biểu hàm xúc về Hollywood đã làm sai lệch hình ảnh của người Mỹ bản địa. Hành động của Brando bị chỉ trích nhiều như những lời đồng tình của từ các đồng nghiệp. Ở phe chỉ trích có John Wayne, ngôi sao của thể loại phim Viễn Tây – thể loại chính trong việc huỷ hoại hình ảnh của người Mỹ bản địa. Có nhận định rằng Wayne còn cố gắng sử dụng bạo lực với Littlefeather.
Brando trên thực tế đã ủng hộ phong trào bình đẳng cho người Mỹ bản địa tận những năm 60 và hành động ở Oscar năm 1973 được coi là hành động mạnh mẽ của nam diễn viên trong việc lột trần Hollywood thời bấy giờ. Đây cũng là hành động chứng tỏ đẳng cấp của một tên tuổi đã đi vào huyền thoại của Marlon Brando. Điều này không thay đổi, Oscar hay không Oscar. Hơn nữa, hành động này chắc chắn mang sức nặng và tinh tế hơn cái tát tai tiếng của Will Smith – sự kiện mà trên thực tế không phải gây sốc nhất lịch sử Oscar.