Mặc dù chỉ mới thông báo hạng mục mới dành cho Oscar, nhưng có vẻ như Viện Hàn Lâm đã nhận đủ “gạch” để xây cả sân khấu cho Lễ trao giải vào năm sau. Hạng mục mới này có tên gọi Outstanding Achievement in Popular Film (Tạm dịch: Thành tựu nổi bật của phim đại chúng).
Nhiều người cho rằng hạng mục này được đề ra nhằm:
- Đối phó với phim siêu anh hùng nói riêng và các phim bom tấn nói chung.
- Dựa vào phim siêu anh hùng và các phim bom tấn để kéo rating chương trình, vốn đang sụt giảm thảm hại trong nhiều năm trở lại đây.
Tuy nhiên, dù lý do là gì đi chăng nữa thì động thái này của Viện Hàn Lâm vẫn bị chỉ trích vì làm giảm đi giá trị của chính giải Oscar – đồng thời có khả năng trở thành hạng mục thiếu công bằng đối với những bộ phim chất lượng.
Có một sự thật đó là những bạn trẻ ngày nay thường cho rằng phim Oscar chỉ nhắm đến những phim “deep”, sâu sắc và đặc biệt là… khó hiểu. Tuy nhiên, có một sự thực là ngoại trừ những phim được làm ra đặc biệt để-săn-Oscar, thì khoảng thời gian tầm 5-10 năm trước, các phim đoạt giải Oscar chẳng khó hiểu và đôi khi cũng cực kỳ giải trí.
Định nghĩa Oscar thiên vị và không để tâm đến phim bom tấn chỉ đúng được phần nào. Thử nhìn vào các phim như The Lord of the Ring, The Godfather, The Exorcist (đề cử), Star Wars (đề cử), Rain Man, The Silence of the Lambs, Beauty and the Beast (đề cử)… tại thời điểm ra mắt, các phim này bom tấn cũng có, không bom tấn cũng có, nhưng có một điểm chung là đều mang tính giải trí chất lượng và cực kỳ dễ hiểu, chẳng phải suy nghĩ nhiều.
Những phim lọt vào “mắt xanh” của Oscar tầm 1 thập niên trở về trước không nhằm mục đích câu kéo giải thưởng, mà chỉ đơn thuần giải trí, nhưng đa dạng và có gu. Nhưng giải trí quá hay, quá xuất sắc, quá “đỉnh”, cả mặt thương mại và mặt phê bình đều vang dội nên không lý gì lại không thể lọt vào các hạng mục giải thưởng của Viện Hàn Lâm.
Cán cân làm phim đã thay đổi trong suốt 25 năm qua. Các studio lớn đã dần thay đổi cách làm phim, không còn quá nét, đại trà hơn và thiếu tính sáng tạo, chủ yếu để kiếm tiền là đầu tiên, nội dung và khán giả đôi khi chỉ ở hàng thứ yếu, giải thưởng lại càng không quan trọng. Các phim an toàn về doanh thu và các phim siêu anh hùng càng lúc càng dày đặc, đã không còn chỗ cho một bộ phim làm nên thương hiệu, làm nên tên tuổi hay làm nên thành tựu nghệ thuật nhất định cho studio đó nữa. Giờ thì gần như chỉ có những studio nhỏ lẻ, độc lập mới chuyên làm những phim nghệ thuật như thế này.
Những phim như A Few Good Men, Reds hay Black Swan, nếu như vẫn đạt được thành công doanh thu nhất định tầm 5-10 năm trước, đến giờ thì có thể gần như càng lúc càng ít khán giả. Họ lựa chọn ra rạp vì những phim bom tấn, cháy nổ đùng đoàng và thường không hứng thú xem những phim này tại rạp do sự xuất hiện của dịch vụ streaming hay VOD (Video theo yêu cầu). Nguyên nhân của xu hướng này là gì, nếu không phải phần lớn là nhờ định hướng làm phim và chiếu phim của các hãng lớn?
Những phim đoạt giải Oscar như The Shape of Water hay Argo dù vẫn rất thành công về mặt doanh thu, tuy nhiên, chúng vốn là ngoại lệ chứ không đại diện cho đa phần các phim nghệ thuật khác như Spotlight - thắng giải Phim hay nhất mà vẫn chỉ đem về có $42 triệu doanh thu nội địa. Gu lựa chọn phim của khán giả càng dễ dãi, thì gu lựa chọn người thắng giải của Oscar càng lúc càng khó.
Điều này dẫn đến các bộ phim đoạt giải thường chẳng ai biết tên và ngược lại, những phim càng nổi, càng bom tấn thì thường chẳng mấy có duyên với giải thưởng của Viện Hàn Lâm. Phim giải trí như Gone Girl không phải dễ dàng gì mà vượt qua được cửa ải của Oscar bởi định kiến dành cho các phim giải trí của Oscar hình như càng lúc càng nặng.
Vừa phải làm hài lòng ban giám khảo, vừa phải làm hài lòng khán giả, liệu có phải vì thế mà Oscar quyết định “đẻ” thêm một hạng mục mới? Giải thưởng của Viện Hàn Lâm có thêm hạng mục này thì bỗng chốc trở thành một menu bàn tiệc mà món gì cũng có, từ món cao cấp đắt tiền chỉ số ít người mới chọn ăn cho đến một món tráng miệng rẻ tiền nhưng đại trà, hợp khẩu vị của nhiều người.
Không hiểu những phim như The King Speech hay Slumdog Millionaire thành công có phải nhờ chiến dịch Oscar của nó? Bởi những phim này suýt nữa đã đi thẳng đến định dạng DVD mà không qua rạp, đủ để hiểu rủi ro về doanh thu của một bộ phim nghệ thuật lớn đến thế nào. Nếu Oscar là lý do duy nhất để các studio thực hiện những bộ phim hay và mang nhiều tầng cảm xúc, thế thì để các phim siêu anh hùng, bom tấn, hành động hạng trung bước chân vào, còn ai cố gắng làm các phim xứng đáng đoạt giải Oscar nữa?
Nói tóm lại thì hạng mục mới rất có vấn đề. Mỗi studio thay vì cố gắng làm một bộ phim thật hay để tranh Oscar thì bây giờ chỉ làm một phim trên mức trung bình để tham gia hạng mục quá dễ dàng này và giải thưởng sẽ càng lúc càng mất đi giá trị đã gầy dựng từ lâu của nó.
Nguồn: Tham khảo từ Forbes