Moveek
Đánh giá phim

[Oscar Rewind] Spotlight – Câu chuyện về những hiệp sĩ diệt rồng thời hiện đại

Thomas Paine nhà cách mạng người Anh đã từng nói: “Trong tất cả những kẻ bạo chúa tác động đến nhân loại, bạo chúa bằng tôn giáo là tồi tệ nhất”.

Đúng như vậy, tôn giáo luôn nằm 1 cách mong manh giữa lằn ranh của hư và thực, giữa thiện và ác mà khó khăn cho con người có thể cảm nhận được. Kẻ ác nhân danh tôn giáo dùng chính đức tin của con người để đè nén lại con người, đó là cái ác khó bị đánh bại nhất, khó chống trả nhất….

Vào thập kỷ 1990 và đầu những năm 2000, thế giới chúng ta đang sống từng rúng động khi những tội ác về các hành vi ấu dâm của những giáo sĩ Công giáo Roma bị phanh phui tại nhiều nước trên thế giới. Hơn 4000 đơn tố cáo về trường hợp lạm dụng tình dục trẻ em của các tu sĩ với hơn 3000 thông tin đích danh. Quả là 1 tiếng sét đánh thẳng vào tín ngưỡng của hàng triệu tín đồ trên thế giới.

Hơn 2000 năm tồn tại với lượng tài sản và quyền lực vô hạn, Công giáo Roma chính là 1 con rồng khổng lồ phủ cánh trên mọi bề mặt kiểm soát mọi thứ mà nó có thể vươn tới, từ chính trị, đời sống, tinh thần và cả địa lý. Uy tín của họ đã bị ảnh hưởng 1 cách nặng nề. Vụ việc bị phanh phui như 1 nhát kiếm chí mạng khiến những lãnh đạo quyền lực nhất của Vatican phải ngồi lại và xem xét chính mình. Thế đấy! Trong chuyện cổ tích, con rồng nào cũng sẽ bị đánh bại, và Spotlight là 1 câu chuyện như thế, câu chuyện về những hiệp sĩ diệt rồng của tờ The Boston Globe.

Về cốt chuyện, Spotlight có vẻ là 1 trong những bộ phim có nội dung trọn vẹn nhất trong số các phim từng đoạt giải phim hay nhất của Oscar 10 năm trở lại đây. Không có những bí ẩn cần hé mở, không có những Plot quá bất ngờ, xuyên suốt phim là hành trình của các nhà báo trong đội Spotlight nỗ lực vượt qua khó khăn và định kiến tôn giáo, thậm chí là cả đức tin của chính mình, đưa ra ánh sáng tội ác của những kẻ nhân danh thiên chúa để làm điều tội tệ.

Những thành viên của đội Spotlight ưu tú.

Rất rõ ràng, ngay từ khi mở đầu, người xem đã nhanh chóng nhận ra được những vấn đề nhức nhối: “Làm sao có thể nói lời từ chối với Chúa…” Câu hỏi tu từ gây cảm giác ám ảnh nhất cho người xem đã lột tả tất cả các mâu thuẫn mà các nhân vật trong phim gặp phải. Làm sao có thể tố cáo những kẻ đã lạm dụng bạn, hay con trai, con gái bạn khi họ chính là những người mà bạn vô cùng kính trọng; bạn đến nhà thờ 2 lần mỗi tuần chỉ để nghe họ thay Chúa giảng về tình yêu và lòng vị tha?

Những nạn nhân của hành vi ấu dâm.

Tồi tệ hơn nữa, tất cả tội ác đều được bao che bằng một hệ thống quyền lực trong các giáo phận bởi những thành viên cao cấp nhất. Điểm hay nhất của phim chính là cách nó khiến bạn phải sống cùng với những cung bậc mâu thuẫn trong tâm hồn mình, khiến bạn phải dằn vặt, phải tự đặt mình vào các nạn nhân khi họ kể lại, họ đã “sống sót” như thế nào sau những tổn thương cùng cực về tinh thần và thể xác ấy. Bạn tự hỏi, nếu là mình thì bạn sẽ làm gì? Sẽ im lặng và phục tùng hay lao đến đồn cảnh sát để báo rằng 1 tu sĩ của giáo hội hùng mạnh và quyền lực nhất thế giới với hơn 1 tỷ tín đồ vừa lạm dụng tình dục mình? Thật đau đớn khi qua phim bạn biết rằng có những nạn nhân vì bế tắc đã tìm đến con đường tự sát để giải thoát mình.

Mạch phim của Spotlight diễn ra khá chậm rãi nhưng lại gây ra sự cuốn hút đặc biệt. Sự cuốn hút ấy đến từ sâu thẳm trong tâm can giận dữ của mình. Bạn phải xem những nhà báo, những hiệp sĩ không bao giờ thoả hiêp với các ác kia tìm ra sự thật, bêu đầu con rồng khổng lồ ấy! Spotlight cũng có cho mình 1 kịch bản thông minh khi không cần quá nhiều lời thoại để diễn đạt hết ý tứ mà phim muốn truyền đạt. Và cũng không kém phần dí dỏm hài hước khi thông qua các tình huống đơn giản cũng khiến khán giả bật cười. Đơn cử như chi tiết nhân vật Matt Carroll (Brian d'Arcy James thủ vai) thành viên của đội Spotlight trong lúc điều tra phát hiện ra có 1 tu sĩ trong diện tình nghi ở gần nhà mình. Ngay lập tức anh viết mảnh giấy nhắc nhở những đứa trẻ của mình tránh xa ngôi nhà ấy và dán chúng lên tủ lạnh.

Dàn diễn viên hạng A của phim.

Nói đến thành công của Spotlight là phải nhắc đến dàn diễn viên hạng A của Hollywood đã có màn hoá thân cực kỳ xuất sắc.

Michael Keanton có bộ phim đoạt giải Phim hay nhất trong 2 năm liên tiếp.

Mark Ruffalo lần nữa khẳng định tài năng của mình trong phim.

Walter Robby Robinson, nhóm trưởng của spotlight là 1 thành công khác của Michael Keanton, trong 2 năm liên tiếp (Năm 2015, Michael Keanton nhận được 1 đề của Oscar nam chinh xuất sắc nhất trong phim Birdman). Walter là 1 người cẩn trọng, kiệm lời và sâu sắc nhưng chưa bao giờ thôi dằn vặt về việc đã bỏ qua những tố cáo về các hành vi ấu dâm trước đây cho đến khi ông thú nhận điều đó. Và từ trong tâm can, người xem hiểu rằng, Walter luôn nỗ lực để chuộc lại nỗi lầm của mình. Anh chàng Mike Rezendes là 1 người nóng nảy nhưng tràn đầy nhiệt huyết, sẵn sàng ở lại thâu đêm tại thư viện chỉ để là người đầu tiên đọc được tài liệu vụ án. Mark Ruffalo đã mang về cho mình đề cử Oscar thứ 3, qua đó thể hiện tài năng không thể chối cãi của mình, chàng Hulk chắc chắn sẽ còn tiến xa với dòng phim nghệ thuật.

Rachel McAdams có đề cử Oscar đầu tiên trong sự nghiệp.

Cô nàng Sacha Pfeiffeer chính là làn gió mát dung hoà những cái đầu nóng – lạnh, ở đội Soptlight. Xinh đẹp, tài năng, hết mình vì công việc và cũng đầy dằn vặt khi lo sợ người cô yêu thương nhất, bà ngoại của mình, 1 người sùng đạo sẽ ra sao khi biết chính cô là người vạch trần tội ác của nhà thờ, nơi cô và bà sinh sống. Rachel McAdams đã mang về cho mình đề cử Oscar đầu tiên trong sự nghiệp với vai diễn này. Còn nhiều những vai diễn khác nữa cũng thể hiện rất tốt cá tính nhân vật như tân tổng biên của The Boston Globe Marty Baron (Liev Schreiber thủ vai) kiệm lời, già dặn nhưng kiên quyết, thành viên còn lại của Spotlight Matt Carroll (Brian d'Arcy James thủ vai) điềm đạm, yêu thương gia đình, luật sư Garabedian (Stanny Tucci thủ vai), 1 người đàn ông mẫn cán, những tưởng cô độc trong cuộc chiến trước khi đội Spotlight tìm đến ông. Là tay luật sư Macleish (Billy Crudup thủ vai) thực dụng và giảo hoạt. Là những diễn viên vào vai nạn nhân bị quấy rối tình dục hết sức chân thực, từng câu chuyện kể, từng cử chỉ, hành động, nét mặt, những giọt nước mắt của họ như đi thẳng vào trái tim khán giả khiến chúng ta không khỏi căm giận bọn ác quỷ trong lốt người tu hành.

Spotlight còn ghi điểm bằng những góc máy tinh tế và đầy ẩn ý. Người viết thích nhất cảnh phim khi Sacha phỏng vấn 1 người đàn ông tại của nhà ông ta. Máy quay bắt đầu zoom ra toàn cảnh và ta thấy được nhưng tháp mái của nhà thờ vươn lên bầu trời, sừng sững trước những ngôi nhà thấp bé dưới chân nó như thách thức và khẳng định quyền lực của mình trước các hiệp sĩ kiên cường của đội Spotlight. “Làm sao họ thắng được khi chính họ còn đang sống dưới cái bóng của nó”. Và họ đã làm được!

Phim kết thúc bằng cảnh tượng đội Spotlight bận rộn với những cuộc điện thoại của các nạn nhân từ khắp nơi đã cho khán giả một tràng thở phào nhẹ nhõm sau những cảm giác nặng nề ám ảnh phải trải qua khi công lý cuối cùng cũng được thực thi. Tất cả trở nên vô cùng chân thực.

Sở hữu một kịch bản chặt chẽ, có tính thời sự cao cùng giàn diễn viên hạng A với diễn xuất chuẩn mực, chiến thắng của Spotlight tại Oscar 2016 là 1 minh chứng hùng hồn cho sức mạnh từ truyền thông nhân danh công lý. Bộ phim thành công và đi vào lòng người khi vinh danh những con người mang trên vai trách nhiệm đi tìm sự thật, lôi cái ác ra khỏi bóng tối dù nó có to lớn và khủng khiếp đến đâu – những người làm báo.

Các diễn viên chụp hình cùng các nhà báo thật sự của đội Spotlight năm nào.

Thiết nghĩ, làm sao những điều xấu xa có thể tồn tại trong 1 xã hội mà ở đó có 1 nền báo chí trung thực và công tâm.

Thành tích tại Oscar 2016: 2 chiến thắng/6 đề cử

  • Phim hay nhất – Chiến thắng
  • Kịch bản gốc xuất sắc nhất – Chiến thắng
  • Đạo diễn xuất sắc nhất: Tom McCarthy
  • Nam diễn viên phụ xuất sắc nhất: Mark Ruffalo
  • Nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất: Rachel McAdams
  • Biên tập phim xuất sắc nhất: Tom McArdle

Đoàn làm phim được vinh danh trong đêm trao giải Oscar lần thứ 88.

Góc "Oscar Rewind" là nơi chia sẻ lại những bộ phim đã đạt được hay được đề cử giải thưởng danh giá Oscar. 
Đã có rất nhiều những bài viết, thậm chí những bài bình luận từ các nhà báo, nhà phê bình lớn của Việt Nam, nhưng với góc Oscar Rewind, Moveek sẽ tiếp nhận đóng góp của tất cả các bạn có đam mê điện ảnh, có khả năng viết và muốn chia sẻ góc nhìn & quan điểm của riêng bạn. 
Để chia sẻ, hãy gửi bài viết của bạn về email: huyle@moveek.vn với tiêu đề [Oscar Rewind]