Dòng phim tiểu sử vốn chưa bao giờ là món ăn dễ nuốt với đa phần khán giả, nhất là những khán giả trẻ tuổi. Nhưng trong điện ảnh luôn có những ngoại lệ thú vị và bài viết này sẽ giới thiệu đến bạn đọc 1 bộ phim có thể cân bằng giữa tính giải trí và ý nghĩa nghệ thuật: Bài diễn văn của nhà Vua - The King’s Speech.
Lấy bối cảnh cuối những năm 1930 khi Thế giới đang đứng trước bờ vực của Thế chiến thứ II. Đế quốc Anh dưới sự trị vì của George V đã bước sang tuổi xế chiều phải đối mặt với nguy cơ của 1 cuộc chiến và vấn đề của chính hoàng tộc – người nối ngôi. Nhà vua có 2 người con trai là David và Albert, sẽ không có gì đáng nói khi người anh cả sẽ nối ngôi theo đúng thứ tự kế vị còn người em, Albert mắc tật nói lắp từ nhỏ hiển nhiên an phận với điều đó. David là kẻ trăng hoa và đặc biệt yêu thích những người phụ nữ có gia đình (theo cách nói của vua cha) và đó là điều tối kỵ khi ông trở thành Vua. Chỉ ít lâu sau khi nối ngôi với tước vị Edward VIII, David thoái vị đi theo sự vị kỷ cá nhân để lại 1 đất nước bộn bề khi bên kia eo biển Manche, Hitler tuyên chiến với cả châu Âu. Albert nối ngôi 1 cách bất đắc dĩ với tước hiệu George VI. Ông phải đối mặt với điều tưởng chừng như hiển nhiên nhất nhưng bất khả thi với chính bản thân ông, đọc cho toàn thể đế chế 1 bài diễn văn chiến tranh. Từ đây, Albert bắt đầu một hành trình đầy nghị lực nhằm chữa trị căn bệnh nói lắp của mình và cũng là lúc ông tìm thấy cho mình 1 người bạn tri kỷ, bác sĩ Lionel Logue…
Chính xác hơn, The King’s Speech là 1 bộ phim bán tiểu sử với lối kể chuyện không có gì quá đặc biệt diễn ra theo thứ tự thời gian cùng những nút thắt của cốt truyên. Phim ghi điểm khi miêu tả quá trình vượt qua khiếm khuyết nói lắp của vua George VI một cách đầy tinh tế và lôi cuốn. Dù là 1 sự kiện lịch sử đã diễn ra nhưng người xem chắc chắn sẽ không khỏi bất ngờ với những tình huống chuyển hướng của cốt truyện. Từ khi David lên ngôi rồi thoái vị, khi Albert tin tưởng Lionel rồi đột nhiên phát hiện ông ta không thực sự như lời quảng cáo về khả năng trị liệu. Tất cả được thể hiện hết sức tự nhiên, không gây nhàm chán, nặng nề như xem những bộ phim có đề tài lịch sử khác. Cách tiếp cận các sự kiện diễn ra trong phim hoàn toàn thông qua tâm lý của Albert, người tự ti với bản thân mình bất ngờ trở thành 1 vị vua bất đắc dĩ, phải đối mặt với những vấn đề mà ông không hề chuẩn bị tâm lý trước đó, khiến các nhân vật trở nên vô cùng gần gũi và chân thực.
Là phim có đề tài lịch sử nhưng không khí trong phim lại khá nhẹ nhàng, có lúc vui tươi và hài hước nhờ sự dí dỏm qua những câu thoại, hành động của các nhân vật. Nhất là các phân đoạn Albert cùng bác sĩ Lionel luyện tập tại nhà riêng.
Nhẹ nhàng, dễ xem nhưng các tình tiết phim cũng không thiếu đi sự sâu sắc của cốt truyện. Ta có thể thấy sự lo lắng, ánh mắt đầy tự ti khi Albert khi đã là vua vô tình xem được đoạn diễn thuyết của Hitler, 1 kẻ rất giỏi hô hào và khích lệ, trong đó còn phảng phất sự tức giận và quyết tâm thay đổi bản thân mình nơi nhà Vua.
Tình bạn của Albert và Lionel cũng hiện lên hết sức đặc biệt, một bên là vua của một nước, một bên là người nghệ sĩ hài thất nghiệp. Ở họ tưởng chừng như có khoảnh cách nhưng lại gần gũi đến lạ kỳ, đều là những con người nội tâm, sống cuộc sống luôn phải "diễn" trước đông người, thứ khác nhau duy nhất giữa họ có lẽ chỉ là xuất thân. Lionel hiểu Albert, hiểu những trăn trở trong lòng vị vua luôn tự ti này và Albert cũng hiểu điều đó, chỉ là ông không nói ra, vì địa vị xã hội và lòng tự trọng cao vời vợi của mình. Tuy vậy, cuối phim, tất cả đã được gỡ bỏ, họ đứng bên nhau trong phòng thu thanh như hai người bạn thân thiết nhất và trong ánh mắt họ biết mình đã tìm ra tri kỷ của cuộc đời mình...
The King’s Speech sở hữu 1 dàn diễn viên sáng giá và điều đó hiển nhiên trở thành ưu điểm tuyệt đối của phim. Những nhân vật được thể hiện hết sức chân thực và truyền cảm. Colin Firth, nam diễn viên gạo cội người Anh đã hoá thân xuất sắc vào 1 vị vua nổi tiếng trong lịch sử nước Anh không chỉ bởi sự anh minh và đức tính của mình, Colin còn thể hiện tật nói lắp bẩm sinh của Geogre VI một cách thật nhất có thể cùng tâm lý tự ty qua từng ánh mắt cử chỉ khi mang trong mình căn bệnh oái oăm, 1 căn bệnh dường như không được có trong hoàng tộc. Tuy Colin Firth có ngoạii hình không thực sự giống George VI nhưng cách thể hiện của Colin chắc chắn sẽ khiến Hoàng gia Anh hài lòng và xúc động. Vào vai vợ của Geogre VI, hoàng hậu Elizabeth (mẹ của Nữ hoàng Elizabeth II, hiện đang tại vị, các bạn đừng nhầm lẫn, Nữ hoàng lấy tên mẹ mình), Helene Bonham Carter, 1 diễn viên quen thuộc với các vai phụ nữ quái chiêu thì trong phim này lại vô cùng hiền dịu, tinh tế trong từng cử chỉ, lời nói, thậm chí cả cách xưng hô mang dáng dấp của 1 hoàng hậu thực thụ dù khi ở cạnh chồng, bà thừa nhận mình ghét cuộc sống hoàng gia. Helena và Colin đã cho người xem thấy 1 tình yêu tuyệt vời, sự ủng hộ tuyệt đối mà hoàng hậu Elizabeth dành cho George VI, đây xứng đáng là 1 trong những tình yêu đẹp nhất của điện ảnh thế giới những năm qua. Nam diễn viên có diễn xuất biến hoá Geoffey Rush đã rũ bỏ hình tượng hải tặc trong Pirates of Caribean để vào vai 1 bác sĩ trị liệu kiêm diễn viên hài tận tâm và đầy nguyên tắc. Ánh mắt ông nhìn George chưa bao giờ tỏ vẻ kính sợ, từng lời nói của ông nói ra luôn chắc nịch và đầy tự tin. Tình bạn chân thành mà ông dành cho nhà Vua dường như cũng chính là liều thuốc thứ 2 khiến George VI vượt qua được những mặc cảm tự ti của mình. Ngoài 3 diễn viên đóng vai trò chủ đạo, các vai diễn phụ khác cũng thể hiện tốt và sao cho giống nhất với các nhân vật lịch sử: Hoàng tử David trăng hoa, thủ tướng nối tiếng của Anh, Churchill hay 2 cô công chúa nhỏ Elizabeth và Magaret.
Về yếu tố nghe nhìn, The King's Speech là một bộ phim hết sức chỉnh chu, nhà quay phim nổi tiếng Danny Cohen mang đến những góc quay rất đẹp mắt và và chuẩn mực, âm thanh trong phim cũng rất trung thực, các đoạn nhạc nền nhẹ nhàng nhưng sâu lắng. Tất cả khiến 1 bộ phim trở thành một tác phẩm có tính sử thi cao và đi vào lòng người.
Dễ xem, dễ cảm nhận và sở hữu một cốt truyện mẫu mực cùng diễn xuất đỉnh cao, The King’s Speech được xem là bộ phim thành công nhất năm 2011 khi gặt hái rất nhiều giải thưởng danh giá, trong đó có 12 đề cử tại Oscar thứ 83 với kinh phí làm phim chỉ vỏn vẹn $15 triệu. Xem phim, chúng ta nhìn thấy ý nghĩa gửi gắm rằng bản thân mỗi người đều có trong mình những khiếm khuyết, điều quan trọng là chiến thắng chính bản thân mình. Đó là chiến thắng lớn lao nhất.
Thông tin thêm: Vua Geogre VI là cha của Nữ hoàng Elizabeth II hiện đang tại vị, ông chính là vị vua đã trị vì nước Anh trong suốt những năm tháng của cuộc Chiến tranh Thế giới thứ 2 khốc liệt, vì vậy, ông chiếm một vị trí quan trọng trong tình cảm của người dân Anh qua nhiều thế hệ. Có nhiều nguồn tin cho biết Nữ hoàng Anh có xem phim và hài lòng với nó.
Thành tích tại Oscar 2011: 4 chiến thắng/12 đề cử
- Phim xuất sắc nhất - Chiến thắng
- Đạo diễn xuất sắc nhất: Tom Hooper - Chiến thắng
- Nam diễn viên chính xuất sắc nhất: Colin Firth - Chiến thắng
- Kịch bản gốc xuất sắc nhất - Chiến thắng
- Nam diễn viên phụ xuất sắc nhất: Geoffrey Rush
- Nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất: Helena Bonham Carter
- Quay phim xuất sắc nhất
- Biên tập phim xuất sắc nhất
- Thiết kế phục trang xuất sắc nhất
- Nhạc phim xuất sắc nhất
- Hoà âm phối khí xuất sắc nhất
- Chỉ đạo nghệ thuật xuất sắc nhất