Tin điện ảnh

Phan Đăng Di nói về điện ảnh Việt trên báo Mỹ

Bên lề sự kiện LHP Quốc tế Hà Nội, Phan Đăng Di đã chia sẻ với phóng viên quốc tế về những cơ hội và thách thức mà các nhà làm phim trẻ Việt Nam đang phải đối mặt trong nền điện ảnh đang phát triển và cởi mở với thế giới.

Đây là nội dung bài phỏng vấn của đạo diễn trẻ Việt Nam Phan Đăng Di (đạo diễn của Bi, đừng sợ!) được đăng trên tờ Hollywood Reporter của Mỹ:

Ấn tượng của anh về LHP Quốc tế Hà Nội lần này như thế nào?

Về tổng thể, tôi nghĩ LHP lần này được tổ chức khá tốt. Như bạn biết, đây là một LHP rất trẻ và chúng tôi vẫn đang phải học hỏi, nhưng điều quan trọng là LHP đã được tổ chức. Đây là cơ hội cho khán giả Việt Nam được xem những bộ phim Việt hay từ rất lâu trước đó, và những bộ phim thú vị khác đến từ nhiều nền điện ảnh trên thế giới. Một bước đi quan trọng nữa của LHP là Trại sáng tác trẻ và giao lưu các nhà làm phim trẻ - tôi cũng có những cuộc nói chuyện tại đây.

Anh nói là "bước đi quan trọng", cụ thể nó như thế nào?

Bây giờ, tham dự vào những hoạt động như thế này là cách duy nhất cho những nhà làm phim trẻ độc lập của Việt Nam được làm phim và được thế giới xem phim của mình. Trường hợp của tôi là một ví dụ. Tôi tham gia những hoạt động như thế tại LHP Pusan năm 2007 và Cannes năm 2008. Tại đây, tôi không chỉ học được cách làm thế nào để làm phim hay hơn, được gặp nhiều chuyên gia về điện ảnh, mà tôi còn học được rằng có rất nhiều cách để có được sự ủng hộ về tài chính từ các quỹ. Tôi đã xin được tới 600.000 đô la Mỹ để làm phim Bi, đừng sợ (năm 2010) từ rất nhiều tổ chức khác nhau như World Cinema Fund và nhờ các mối quan hệ từ các chuyến đi nước ngoài.

Phan Đăng Di tại Cannes

Trước đó, khi còn làm việc tại Việt Nam, tôi chưa từng bao giờ dám mơ rằng mình có thể xin được nửa triệu đô la Mỹ để sản xuất phim đầu tay của mình. Vì thế, một trại sáng tác chính là cơ hội để 24 nhà làm phim trẻ Việt Nam được gặp những chuyên gia giàu kinh nghiệm và có được hiểu biết thêm về các tiêu chuẩn quốc tế. Đó là một điều quá tuyệt vời.

Tất nhiên, không phải tất cả mọi người tham gia đều có những dự án để trình bày, không phải tất cả đều đã sẵn sàng. Nhưng chỉ cần một hoặc hai người trong số đó có thể tiếp tục làm những dự án thú vị, có thể tham dự các LHP, điều đó đã là quá đáng giá rồi. Thực tế là việc trại sáng tác được thêm vào chương trình LHP năm nay cho thấy chính phủ cuối cùng đã nhận ra rằng đầu tư vào các nhà làm phim trẻ là cách duy nhất để điện ảnh Việt phát triển và lớn mạnh như họ vẫn mong đợi.

Đâu là những thách thức mà các nhà làm phim trẻ phải đối mặt trong nền điện ảnh nước nhà hôm nay?

Trong nước, chỉ có 2 cách để có thể làm một bộ phim tại Việt Nam. Bạn chỉ có thể có phim sản xuất bởi một trong hai công ty phim lớn, đó là BHD và Thiên Ngân Galaxy, tại đó, họ rất tập trung vào việc làm những phim kinh dị, hài... mang đậm tính thương mại để thu lợi nhanh, hoặc bạn có thể nhận tiền từ nhà nước. Nhưng để được nhà nước hỗ trợ tiền, kịch bản của bạn phải được duyệt bởi Hội đồng duyệt phim quốc gia rất nhiều lần.

Qua một quá trình như thế, một kịch bản sống động và thú vị được thông qua là điều không tưởng. Các phim thương mại cũng cần được duyệt bởi hội đồng này trước khi được chiếu ngoài rạp. Các nhà sản xuất không muốn mạo hiểm đầu tư tiền của họ vào một phim có khả năng không được duyệt. Với những người làm phim như tôi, một người thích thú với việc kể những câu chuyện cá nhân, cách duy nhất để được làm phim là tới các quỹ quốc tế.

Anh có hứng thú với việc làm nhiều phim thương mại không nếu có nhiều lựa chọn về tài chính hơn?

Không hề (cười to). Để làm được một bộ phim thương mại thành công, tôi nghĩ cần một số thứ... Tôi không biết chính xác nên gọi nó là gì - một tư duy về điều mà tất cả mọi người đều muốn. Tôi không biết rằng tôi có thể có thứ đó không. Tôi chỉ làm phim cho chính tôi. Nếu một công ty nào đó đề nghị sẽ đưa cho tôi rất nhiều tiền để làm một phim thương mại, tôi nghĩ tôi sẽ làm họ thất vọng.

Anh nghĩ điện ảnh Việt Nam cần thay đổi gì để tiếp tục phát triển?

Đầu tiên, chúng tôi cần phải làm nhiều phim hơn. Hiện nay có khoảng 12-15 phim được làm tại Việt Nam mỗi năm - rất là ít. Để làm được điều này, chúng tôi cần tạo ra thị trường lớn hơn. Có khoảng 40-50 rạp chiếu phim ở Việt Nam, hầu hết nằm ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, trên tổng số dân là hơn 80 triệu người. Có rất ít rạp chiếu phim ở ngoài các thành phố lớn. Điều đó cần phải thay đổi.

Điều quan trọng nhất cho các nhà làm phim là khán giả Việt luôn muốn được xem các phim Việt Nam. Bất cứ khi nào các nhà làm phim Việt có thể làm ra các phim thương mại có chất lượng tốt, khán giả sẽ rất mong muốn và sẵn lòng xem chúng. Họ cũng rất thích phim Hollywood, nhưng họ cũng muốn xem các câu chuyện Việt. Vì thế, chúng tôi có nhiều thử thách, nhưng cũng chính là cơ hội lớn.

Liệu việc thay đổi chính sách duyệt phim có là một phần của sự thay đổi này?

Đúng thế, cách họ duyệt phim cũng cần thay đổi. Những người trong hội đồng duyệt phim rất muốn mang phim Việt ra với thế giới, nhưng họ không thể làm điều đó nếu cứ tiếp tục việc kiểm soát quá chặt. Điều đó là không thể. Thậm chí khi so với nhiều quốc gia Đông Nam Á khác, chúng tôi vẫn đang tụt hậu. Thái Lan, Indonesia và Philippines có rất nhiều phim được chọn tại các LHP quốc tế lớn mỗi năm, còn Việt Nam thì không. Nếu bạn muốn khuyến khích những điều mới mẻ, tự do, thì bạn không thể kiểm soát chặt những gì mọi người nói. Thứ chúng tôi cần bây giờ chính là sự cởi mở, ủng hộ và tự do.