Dạo gần đây, điện ảnh Việt Nam đã có những dự án dán mác “chuyển thể” được quảng bá rầm rộ. Các dự án cũng nhận được sự chú ý của khán giả Việt. Nhưng trái với các kỳ vọng, các dự án đều được đưa thẳng vào danh sách thảm họa. Kịch bản được xem là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến sự thất bại của những dự án ấy. Liệu đó có phải là nguyên nhân duy nhất?
Tại sao chọn chuyển thể?
Trước khi nói đến nguyên nhân dẫn đến thất bại của các bộ phim chuyển thể Việt Nam, chúng ta hãy nói đến khái niệm chuyển thể phim ảnh. Chuyển thể được hiểu đơn giản nhất là hành động biến một nguyên tác văn học, truyện tranh, game thành một bộ phim người thật đóng mà vẫn giữ nguyên giá trị tinh thần của các nguyên tác ấy.
Chuyển thể (Adaptation) là một phần không thể thiếu của điện ảnh quốc tế nói chung và điện ảnh Việt Nam nói riêng. Trong bối cảnh kịch bản gốc ấn tượng ngày càng trở thành một món hàng quý hiếm, các câu chuyện chuyển thể trở thành một lựa chọn lý tưởng không kém gì remake.
Nguyên tác văn học kinh điển, game hay, truyện tranh nổi tiếng đều có chất lượng cao, quy tụ một lực lượng người hâm mộ sẵn sàng bỏ tiền để được chứng kiến sách, truyện, trò chơi ưa thích của họ được đưa lên màn ảnh. Đối với văn học, câu chuyện còn mang ý nghĩa thời đại hoặc phản ánh những giá trị trường tồn của xã hội mà chúng được sinh ra. Và nếu nguyên tác đó phổ biến, việc quảng bá càng dễ dàng hơn nữa. Như vậy, về tính kinh tế, tương lai mà các câu chuyện này vẽ ra bớt được sự vô định mà các kịch bản gốc đem lại.
Về mặt chuyên môn, chuyển thể một cuốn sách, game hay truyện tranh tức phần kịch bản đã có sẵn. Biên kịch chỉ cần biến chuyển một chút cho phiên bản điện ảnh, như xem chi tiết nào khả thi, chi tiết nào không thể. Quá trình dựng phim sẽ bớt vất vả hơn. Thời gian sẽ được rút ngắn. Đội ngũ làm phim có thể tập trung vào chất lượng của dự án, vào bối cảnh, vào phần edit…. Đến nay, hơn 3 phần 4 các bộ phim chiến thắng hạng mục Phim hay nhất của Oscar đều là phim chuyển thể.
Thông thường, có hai loại phim chuyển thể. Một là các nhà làm phim có thể "bê" cả nguyên tác lên phim, tức không thay đổi bất cứ điểm nào của câu chuyện. Hai là các nhà làm phim có thể viết một kịch bản dựa trên nguyên tác – phương thức này còn gọi là phóng tác hay lấy cảm hứng.
Trường hợp thứ nhất là một lựa chọn rất khó và vô cùng khó. Cho nên, hầu hết các dự án chuyển thể đều thuộc trường hợp thứ 2, chỉ khác ở mức độ. The Return of the King thuộc trilogy The Lord of the Rings đã thay đổi và lược bỏ nhiều tình tiết của nguyên tác văn học, ví như cái chết của Gollum (Andy Serkin), để bộ phim có thể ngắn bớt và thêm phần kịch tính. Nhưng những điểm này đều nhỏ và hầu như chẳng thay đổi mấy bộ phim so với sách. Trong khi đó, The Lion King (1994) có thể được coi là phóng tác của vở kịch Hamlet của William Shakespeare.
Như vậy, việc chuyển thể một nguyên tác văn học là một việc cần phải cân nhắc giới hạn và khả năng. Giới hạn ở đây là sự sáng tạo. Phóng tác cho phép sự tự do nhất định để các biên kịch có thể tùy ý thêm thắt nhiều điểm nhấn riêng, nhưng họ phải cân nhắc đến linh hồn và giá trị của nguyên tác.
Việc sáng tạo hay cắt bỏ quá tay có thể làm hỏng cả bộ phim ấy, như trường hợp của Eragon (2006). Còn khả năng là liệu những nguyên tác đó có phù hợp cho định dạng phim ảnh. Ví như những tác phẩm kinh dị của nhà văn H.P Lovecraft. Chúng hầu hết đều có những thực thể quá siêu hình để các nhà làm phim có thể chuyển thành nhân vật thực tế, ngay cả với người có trí tưởng tượng phong phú nhất.
Và đó là chuyện đã xảy đến với nền điện ảnh Việt. Vấn đề lớn nhất của điện ảnh Việt Nam hiện nay là sự khan hiếm kịch bản chất lượng, một kịch bản khác biệt có thể tạo nên một bộ phim khác không nằm trong thể loại phim thường thấy nhất của phim Việt: tình cảm và hài.
Còn nền văn học Việt Nam thì giàu có và phong phú. Hơn nữa, các tình tiết của nguyên tác văn học có thể giữ phim khỏi trật sang làn ranh phi logic mà phim Việt rất hay gặp phải. Nhưng có điều kiện lý tưởng không có nghĩa là các dự án có thể được thực thi một cách dễ dàng. Dường như công tác chuyển thể ở điện ảnh Việt không tìm được giới hạn cho mình, khiến các bộ phim được phóng tác quá tay và trở thành thảm họa.
Cậu Vàng, Kiều @, Kiều: Linh hồn của nguyên tác ở đâu?
Đó không phải là câu hỏi, mà là một câu chất vấn. Lý do dẫn đến sự thất bại của Cậu Vàng, Kiều @, Kiều trong khoảng thời gian gần đây nằm ở phần kịch bản có thể nói là như muốn tát vào mặt khán giả.
Cậu Vàng lấy cảm hứng từ câu chuyện Lão Hạc của nhà văn Nam Cao, xoay quanh nhân vật cùng tên. Nói là lấy cảm hứng, trên thực tế, phim hoàn toàn có một kịch bản khác và lạ lẫm với câu chuyện mà khán giả từng quen thuộc. Thay vì một làng quê Bắc Bộ chìm trong nghèo đói và bất công, người xem được chiêm ngưỡng cảnh vật phông xanh khang trang của làng Vũ Đại. Người thì tươm tất, vui tươi. Nhiều khi người viết phải tự nhắc nhở mình Lão Hạc diễn ra ở bối cảnh nạn đói hoành hành.
Đó chỉ là phần bối cảnh. Nội dung của Cậu Vàng thì vừa lê thê, lan man và hoàn toàn đi lệch trọng tâm. Trong đây, Lão Hạc của nghệ sĩ Viết Luân nào có phải nhân vật chính. Vì nửa thời lượng của phim đã dành cho bà Ba Bá Kiến của Băng Di và quá trình đấu đá trong gia tộc giàu có này. Những nhân vật còn lại thì không đủ chiều sâu vừa được dựng sơ sài. Phải đến khi quá nửa thời gian trôi đi, phim mới quay về với Lão Hạc. Tuy nhiên, các cảnh quay quan trọng quanh nhân vật này cũng diễn ra vô cùng chóng vánh.
Nhưng không có lỗi nào lớn hơn việc phim đã phá hoại linh hồn của nguyên tác. Nhiều thay đổi trong đây góp phần phá hủy bộ phim, khiến nguyên tác của phim của cũng bị hủy hoại.
Hai nhân vật chủ chốt của nguyên tác là Lão Hạc và ông giáo lên phim chỉ còn là hình bóng mờ nhạt. Ông giáo thì bị biến dạng thành một người sợ sệt. Còn Lão Hạc và cậu Vàng thì phải tranh đất diễn với 10 nhân vật còn lại trong phim. Trọng tâm của Lão Hạc là nhân vật Lão Hạc, còn chú chó tên Vàng của lão chỉ đóng vai trò tác nhân dẫn đến cái chết của lão. Chú ta đại diện cho sự lương thiện của lão. Vì quá nghèo, quá đói mà lão phải lừa bán chú đi, khiến lão day dứt khôn nguôi.
Những tưởng đây chi tiết này có thể làm tiền đề cho một cuộc tranh đấu nội tâm dữ dội ở nhân vật, nhưng khi lên phim, cái chết của Lão Hạc diễn ra chóng vánh để nhườn đất diễn cho chú chó Cậu Vàng – nhân vật dường như có sức mạnh siêu nhiên ở cuối phim. Và rồi từ nhân vật trọng yếu với ý nghĩa lớn lao, Lão Hạc cũng trở thành một nhân vật phụ sau bà Ba Bá Kiến, con ông Bá Kiến, rồi sau cả Cậu Vàng.
Đạo diễn Trần Vũ Thủy nói Cậu Vàng không hướng tới cuộc sống nghèo khổ của năm 1945, mà muốn nói đến bài học đối nhân xử thế, quan hệ nhân quả. Như vậy, ý nghĩa mà Lão Hạc đại diện, cũng như ý nghĩa của nguyên tác văn học, coi như bị vứt đi. Chỉ để nhường chỗ cho một câu chuyện lủng củng.
Sáng tạo là một chuyện tốt, nhưng không thể nhân danh sáng tạo để phá hoại linh hồn của nguyên tác văn học. Giá trị của Lão Hạc là nói lên hình ảnh của người nông dân và trí thức trong xã hội lúc bấy giờ. Đạo diễn Trần Vũ Thủy hoàn toàn có thể sáng tạo một câu chuyện về luật nhân quả, đối nhân xử thế mà không cần phải trích dẫn tên của nguyên tác văn học. Điều này có thể tránh cho phim bị lan man, so sánh, soi mói không đáng có. Nhưng trọng yếu hơn là câu chuyện Lão Hạc và tinh thần hiện thực, nhân văn của Nam Cao được giữ nguyên trong lòng độc giả.
Trường hợp của nàng Kiều cũng nằm trong mớ rắc rối Cậu Vàng gặp phải. Chuyển thể hoàn toàn hay phóng tác hay kết hợp? Nếu chuyển thể hoàn toàn, Truyện Kiều là một nỗi ác mộng. Cho nên, chuyển thể một phần là lựa chọn đúng đắn.
Nhưng thông thường, phần đầu là phần được chọn và xoáy sâu. Vì đây là tiền đề để phim giới thiệu đến khán giả những nhân vật của phim. Kiều cũng chọn chuyển thể phần đầu, nhưng lại đẩy nhanh phân khúc Kiều bán thân chuộc cha đến mức không để cô chào từ biệt gia đình, và cũng không có phân đoạn giao mối nhân duyên của mình cho Thúy Vân, để "lạy rồi sẽ thưa" hay màn Kiều phản kháng Tú bà để giữ danh tiết như trong nguyên tác.
Đây là những phân đoạn phim có thể đào sâu nội tâm nhân vật, cho người xem nhiều cung bậc tính cách của nàng. Kiều hiếu thảo, tài sắc, đoan trang, thông minh, sắc sảo, đức hạnh. Nhưng không, nàng Kiều được khắc họa trên màn ảnh là một cái tát vào mặt nguyên tác văn học.
Người xem được "chiêu đãi" một nàng Kiều chỉ biết nhìn thế sự mơ màng, cam chịu rồi chờ người khác đến cứu. Sau đó là một màn đò đưa với Thúc Sinh trông thật thô tục. Nàng chẳng có lấy một cái hồn. Kiều của đạo diễn Mai Thu Huyền bị tước đi cả những tính cách làm khán giả cảm nhận được cô là một con người thật, thay vì chỉ là một hình ảnh – một điều trái ngược với nguyên tác. Chi tiết để Đạm Tiên xuất hiện một cách thường xuyên cũng làm Kiều không có cơ hội được bộ lộ bất cứ chuyển biến gì trong tâm trạng hay hành động.
Cải biên cho Thúc Sinh trở thành một người văn võ song toàn hay tô điểm cho mối tình giữa Kiều và Thúc Sinh thì quả là một màn cố đấm ăn xôi. Trong nguyên tác, Thúc Sinh chưa hẳn đã đem lòng yêu Kiều. Hắn cũng như các khách làng chơi, mê mẩn sắc đẹp và tài năng của nàng.
Nhưng trong đây, chuyện tình của Kiều và Thúc Sinh lại mang hơi thở của phim ngôn tình, khiến kịch bản trở có bước chuyển từ bi kịch sang tình cảm một cách gãy gượng. Hơn nữa, nếu phim đã xây dựng hình tượng Thúc Sinh trượng nghĩa, quả cảm như vậy, tại sao anh ta lại để Kiều bị Hoạn Thư ức hiếp, làm sao có thể làm ra hành động biến thái vừa mới ân ái Hoạn Thư rồi quay sang gọi Kiều?
Nhìn chung, các chi tiết đắt giá của nguyên tác văn học bị phim thổi bay đâu hết. Còn phần kịch bản sáng tạo cũng được thực hiện một cách gượng gạo, thiếu chiều sâu. Dĩ nhiên, một phần cũng là do diễn xuất quá non của diễn viên chính. Nhưng phần kịch bản của phim lại khiến người xem khó chịu nhiều hơn cả, vì phim đã nói thẳng (trên poster) là lấy cảm hứng từ Truyện Kiều của Nguyễn Du.
Kiều@ là một thảm họa còn kinh khủng hơn cả Kiều của đạo diễn Mai Thu Huyền. Chuyển câu chuyện của Kiều về thời hiện đại, thông qua tựa phim để người xem liên tưởng đến Truyện Kiều. Nhưng 2 câu chuyện này chỉ chia sẻ một chi tiết là một người con gái đẹp bị bắt đi bán thân. Còn lại là một màn các phân cảnh dung tục chẳng có tí giá trị nghệ thuật. Kiều@ còn không thể truyền tải được ý nghĩa mà bộ phim này muốn nói gửi đến người xem là gì với hàng loạt nhân vật được xây dựng nửa vời và các hành động, tình huống phi logic.
Kiều của Mai Thu Huyền ít nhất có trích vài câu thơ của Nguyễn Du, cũng cố gắng xây dựng bối cảnh. Còn Kiều@ thì trắng trợn mượn tên của tác phẩm để quảng bá cho bộ phim tệ hại này.
Cần hiểu rõ tác phẩm trước khi bắt tay vào viết kịch bản
Mặc dù làn sóng chuyển thể có vẻ như chỉ mới nổi lên gần đây, trên thực tế, điện ảnh Việt Nam đã có những bản chuyển thể chất lượng từ xưa cho tới nay. Điều đáng chú ý là chúng đều lấy cảm hứng từ tác phẩm văn học như Vợ Chồng A Phủ (1961), Mẹ Vắng Nhà (1979), Bến Không Chồng (2000), Thiên Mệnh Anh Hùng (2012), Mắt Biếc (2019)....
Những bộ phim này có chất lượng không hề tệ, dù một số được làm trong thời đại kỹ thuật điện ảnh còn hạn chế. Các dự án này còn để lại ấn tượng tốt đẹp với khán giả, dù phải chịu cái bóng của nguyên tác – những tác phẩm văn học không mang đậm hơi thở thời đại cũng được nhiều người biết đến (Hoa Vàng Trên Cỏ Xanh, Mắt Biếc). Như vậy, điện ảnh Việt vẫn có khả năng để chuyển thể. So với các bộ phim trên đây, Kiều, Cậu Vàng, Kiều@ như những trường hợp ngoại lệ tệ hại.
Nhưng có một thực tế chúng ta phải công nhận, công cuộc chuyển thể dù tốt đến mấy cũng sẽ có lắm những yếu tố biên kịch không thể kiểm soát được. Đầu tiên phải nói đến các fan cứng của nguyên tác đó. Họ là người hâm mộ quyết liệt của một nguyên tác và sẽ vô cùng khó chịu nếu chứng kiến các hình tượng nhân vật bị thay đổi. Man of Steel (2013) là một ví dụ điển hình.
Một lý do nữa là ba phim Cậu Vàng, Kiều, Kiều@, từ đầu đã có một khởi đầu gian nan. Kiều của Mai Thu Huyền thì gặp phải sự cố trang phục sai lịch sử nhưng không sửa. Cậu Vàng cast một chú chó Nhật khiến nhiều người không vừa lòng. Kiều@ thì tung trailer quá dung tục mà còn nhắc Truyện Kiều của Nguyễn Du. Như vậy, phim đã gây ác cảm ngay từ đầu. Phim đang giả định khán giả Việt không để tâm đến những chi tiết như bối cảnh lịch sử, tính dân tộc, tính thẩm mỹ... đó là một hành động không tôn trọng người xem đến từ đạo diễn và ê-kíp làm phim.
Các yếu tố ngoại cảnh không thể kiểm soát được, biên kịch phải giảm nguy cơ của chúng ở mức tối đa đối với phim. Để thuyết phục những người hâm mộ này cần một kịch bản chuyển thể không những chắc chắn mà còn có thể bền lâu theo năm tháng, càng ngắm nghía, người xem càng nhận ra sự hợp lý của những thay đổi trong đó hoặc giá trị mà chúng đem lại cho phim.
Chuyển thể chắc chắn không dành cho tay mơ. Hơn hết, các biên kịch phải biết đặt ra giới hạn. Có những chi tiết rất đắt giá nằm trong nguyên tác văn học. Biên kịch phải chọn lựa được chỗ nào nên được chuyển thể, phải được chuyển thể và không nên lược bỏ hay lược bỏ.
Điều đó đòi hỏi một sự hiểu biết nguyên tác không chỉ về mặt ngôn ngữ, mà còn về mặt linh hồn và giá trị của nguyên tác. Linh hồn của nguyên tác là thứ mà không một biên kịch nào được phép cải biên. Hơn nữa, kết cấu của nguyên tác được liên kết rất chặt chẽ. Bên cạnh đó, ngay cả khi nguyên tác là một câu chuyện viễn tưởng, mạch logic cũng được xây dựng hợp lý. Thay đổi một điểm có thể khiến cả kết cấu vỡ vụn, logic thất bại.
Nếu đạo diễn Trần Vũ Thủy có thể làm nên một Cậu Vàng kết cấu chặt chẽ hơn, giảm tải các nhân vật, đặt trọng tâm là Lão Hạc và Cậu Vàng, và truyền tải được ý nghĩa quan hệ nhân quả mà ông hướng tới, thì bộ phim chắc chắn sẽ không bị chỉ trích gay gắt đến vậy. Trường hợp này đã được chứng minh thông qua Làng Vũ Đại Ngày Ấy (1982) – một bộ phim chia sẻ ý tưởng gộp tác phẩm của Nam Cao là Lão Hạc, Sống Mòn và Chí Phèo.
Truyện Kiều có thể là một câu chuyện bằng thơ, nhưng cách mà các câu thơ mô tả Thúy Kiều được xâu chuỗi một cách hợp lý như mô tả Thúy Kiều là người thông minh, đoan trang, được nuôi dạy khuê các, "mai cốt cách", "tuyết tinh thần". Như vậy, làm sao một người con gái như vậy có thể cam chịu kiếp lầu xanh mà không ít nhất phản kháng một lần?
Nếu Kiều của Mai Thu Huyền có thể đề cao yếu tố nội tâm, diễn giải những phân cảnh nàng Kiều bán mình chuộc cha tình cảm, đau khổ mà trao duyên cho Thúy Vân, cương liệt với Tú Bà, thà chịu cực hình để ở bên Thúc Sinh thay việc về lại Lầu Xanh, thì phim đã dành được sự đồng cảm của khán giả. Rõ ràng những phân đoạn này cần thiết hơn một màn trình diễn ngôn tình nửa vời và vô nghĩa của phim.
Kịch bản chuyển thể không chỉ đơn thuần là một kịch bản. Kịch bản này còn chịu trách nhiệm với nguyên tác, gồng gánh linh hồn và giá trị của nguyên tác, chịu trách nhiệm với cả người xem về mặt sáng tạo có logic.
Kịch bản gốc có thể được tự do sáng tạo, nhưng kịch bản chuyển thể đòi hỏi sáng tạo trong khuôn khổ. Điều thứ hai luôn khó hơn cả. Biên kịch phải hiểu thật kỹ tác phẩm để vừa trung thành với nguyên tác, vừa có thể đem đến những sáng tạo của riêng mình. Một kịch bản chuyển thể chất lượng mới có thể thuyết phục người xem mở lòng với những thay đổi của biên kịch.