Từ lâu mỗi khi nhắc đến một bộ môn nghệ thuật nào, ta cũng đều rất hay nghe nhắc đến cụm từ "chủ nghĩa hiện thực" trong tác phẩm. Từ văn học cho đến phim ảnh, thuật ngữ này luôn luôn hiện hữu và như một yếu tố tất yếu để có thể khai thác triệt để giá trị của một tác phẩm nào đó. Vậy thực chất, chủ nghĩa hiện thực là gì? Chủ nghĩa hiện thực khi vận dụng trong phim ảnh sẽ thế nào? Vậy ở bài viết này, hãy cùng Moveek tìm hiểu về thuật ngữ này cũng như hiệu quả của nó khi vận dụng vào trong phim ảnh nhé!
Chủ nghĩa hiện thực là trào lưu nghệ thuật lấy hiện thực xã hội làm tiền đề và chú trọng hóa những vấn đề có thực trong cuộc sống của con người để làm đối tượng sáng tác. Chủ nghĩa hiện thực hướng tới một góc nhìn sinh động và toàn diện nhất cho công chúng, những tín đồ yêu nghệ thuật những bức tranh chân thực, sống động, quen thuộc về cuộc sống và môi trường xã hội đang diễn ra xung quanh. Chủ nghĩa hiện thực né tránh và không đề cập những yếu tố, vấn đề giả tạo không mang vẻ đẹp tự nhiên, tránh những điều hư cấu, tưởng tượng và những yếu tố siêu nhiên không có thật. Chủ nghĩa hiện thực trong phim là một tiểu thể loại điện ảnh mà nhiều người gọi nôm na là “lát cắt của cuộc sống”. Chủ nghĩa hiện thực điện ảnh bắt nguồn từ các nguyên lý của phong trào nghệ thuật chủ nghĩa hiện thực, cũng như chủ nghĩa hiện thực triết học. Các khán giả có thể suy luận và đưa ra được đánh giá rằng một bộ phim có "chân thật và sát hiện thực" hay không dựa trên sự thật khách quan thông qua chủ nghĩa hiện thực được thể hiện trong tác phẩm đó.
Địa điểm được thuật lại chính là một trong những đặc điểm nổi bật của chủ nghĩa hiện thực trong phim. Giữa Thế chiến thứ nhất và Thế chiến thứ hai, hầu hết các bộ phim đều được quay trong các studio, tuy vậy cũng có một số bộ phim có cơ hội được quay tại các địa điểm thật, như bộ phim Chiến hạm Potemkin ở Liên Xô của Sergei Eisenstein. Nhà làm phim người Pháp Jean Renoir được nhiều người ví von như “Bố già” của chủ nghĩa hiện thực trong phim, mặc dù hầu hết các bộ phim của ông đều được quay trên phim trường. Các bộ phim cuối những năm 1930 của ông là La Grande Illusion và The Rules of the Game như những chất xúc tác vô cùng quan trọng trong quá trình thúc đẩy cũng như giới thiệu rộng rãi chủ nghĩa hiện thực trong phim ảnh.
Một số bộ phim từ thời kỳ Chiến tranh Thế giới thứ 2 đã khai sinh ra những trào lưu điện ảnh như chủ nghĩa hiện thực Ý Rome, Open City của Roberto Rossellini… Các nhà làm phim khác đã giúp xác định chủ nghĩa hiện thực Ý là Vittorio De Sica, Luchino Visconti và Giuseppe De Santis.
Trong suốt những năm 1990, chủ nghĩa hiện thực là một phần quan trọng của nền điện ảnh độc lập. Có lẽ chưa có nhà làm phim đương đại nào có thể hòa hợp với chủ nghĩa hiện thực hơn Richard Linklater. Bộ phim Before Sunrise (1995) của ông được nhiều người coi là một trong những bộ phim hay nhất của thập niên 90 và là một trong những bộ phim đã giúp phổ biến “chủ nghĩa hiện thực đi bộ và nói chuyện” rộng khắp đến trên toàn cầu, đây vừa là một tính hiệu đáng mừng khi đối tượng tiếp cận được chủ nghĩa này sẽ càng ngày càng rộng và sâu hơn. Từ đó thúc đẩy việc khai thác, chọn lọc những vấn đề nhức nhối trong xã hội để đưa lên màn ảnh sẽ diễn ra nhiều hơn. Tuy nhiên, cái bóng quá lớn của Richard Linklater cũng là một áp lực khủng khiếp đối với các nhà làm phim hậu bối, đặc biệt những đạo diễn “muốn” mang hơi thở của cuộc sống vào trong tác phẩm nghệ thuật của mình.
Trong Germany Year Zero, cậu bé Edmund chính là hiện thực tượng trưng cho sự rối loạn đến cùng cực của một nước Đức bại trận, cậu đã rời bỏ gia đình mình và lang thang trên khắp các nẻo đường ở Berlin. Tất cả dù có như thế nào cũng không thể ngăn nổi một thảm kịch trong cuộc đời của Edmund lao mình xuống từ một nóc nhà hoang và bỏ lại sau lưng cả thế giới đang đổ nát. Đó chính là hiện thực của nước Đức, một hiện thực xã hội đầy tàn nhẫn và khốc liệt mà cả nước Đức phải đối mặt, không được trốn tránh.
Phim Bicycle Thieves chỉ gói gọn trong mấy sự kiện chính Ricci bị đánh cắp và mất đi chiếc xe đạp – tài sản quý giá nhất của gia đình và sau những ngày tìm kiếm vô vọng, anh lại tự biến mình trở thành “kẻ cắp xe đạp” ngay trước đôi mắt ngơ ngác của cậu con trai. Sau tất cả những sự nỗ lực, vùng vẫy và chống chọi, anh lại “được” trở về với chỗ đứng ban đầu của mình, với một linh hồn đã tan nát vì đau đớn và tủi hổ. Con người ta thường hay trở nên cô đơn và bất lực với chính những khát vọng nhỏ nhoi mà mình đã đặt ra trong cuộc đời, cố gắng tìm kiếm, cầm nắm lại những hy vọng, những ảo ảnh của sự hạnh phúc đã thoáng vụt qua trong đời. Kết quả thì sao? Chẳng có một cái kết nào thực sự trọn vẹn cả!
Đi sâu và rộng hơn một chút, nói về chủ nghĩa siêu hiện thực. Thật sự mà nói để định nghĩa được chính xác chủ nghĩa siêu hiện thực là gì là một câu hỏi rất khó, định nghĩa về thuyết siêu hiện thực có vẻ khá mơ hồ. Chủ nghĩa siêu hiện thực về cơ bản là sự tái tạo “nhiều hơn hiện thực” một hình ảnh thông qua một phương tiện khác. Lấy ví dụ trong bộ phim Birdman (2014) là một ví dụ “điển hình” về chủ nghĩa siêu hiện thực trong phim. Thành thật mà nói Birdman có rất nhiều yếu tố siêu thực và nó chắc chắn không phải là tự nhiên đơn thuần. Nhưng liệu nó sẽ có thật không? Nó có phải siêu thực tế mà hiện tại chưa thể nhìn thấy được không? Đó chính là đề tài để chúng ta tranh luận đấy!
Nhìn lại, thành quả quan trọng nhất của một trào lưu như chủ nghĩa hiện thực chính là một kiểu tư duy nghệ thuật mới, một triết lý mới đầy sáng tạo trong điện ảnh. Từ đó, điện ảnh không chỉ đơn thuần là xem để giải trí, xem để đẹp mà còn phải có nghĩa và thấy được cuộc sống của chúng ta đang hiện hữu trong đó. Và còn cao hơn thế nữa là đưa điện ảnh lên một tầm cao mới, nơi mà hiện thực có thể được khai thác một cách tối đa và triệt để hơn bất kỳ loại hình nghệ thuật nào.
Hiện thực lúc này là hiện thực được và chỉ có thể truyền tải bằng các chất liệu và phương thức chuyên biệt của điện ảnh, thông qua cách dựng phim và dàn cảnh, cách lựa chọn và ứng xử thật khác lạ với đạo cụ – bối cảnh và cả diễn viên. Và từ đó, một thế giới thực sẽ mở ra trước mắt, một xã hội hoàn hảo tồn tại và tái hiện đầy sinh động trên một màn hình, khẽ chạm vào tâm hồn của người xem từ những điều chân thực nhỏ nhặt nhất đến hùng vĩ nhất.