Đối với điện ảnh, phần nhìn là điều quan trọng nhất của loại hình nghệ thuật này, bạn có thể xem một bộ phim câm nhưng không ai xem một bộ phim không có hình cả. Do vậy mà yếu tố hình ảnh, màu sắc của phim là một trong những yếu tố quan trọng nhất để tạo nên một bộ phim.
Trong thực tế, màu sắc ảnh hưởng khá nhiều đến cảm xúc, tâm lý của con người tuy nhiên chúng ta thường không nhận ra điều đó. Điều này có thể được chứng minh thông qua một số ví dụ nho nhỏ như khi bạn vui vẻ, hạnh phúc bạn sẽ có xu hướng tìm đến những màu sắc tươi sáng như hồng, đỏ, xanh,… Ngược lại, để biểu đạt những cảm xúc tiêu cực, buồn rầu còn người ta thường nghĩ ngay tới những màu tối như đen, xám, nâu,… Từ những điều này, màu sắc trở thành một công cụ hoàn hảo được các nhà làm phim áp dụng để truyền tải cảm xúc, dẫn dắt câu chuyện và tạo sự hài hòa, độc đáo cho từng thước phim.
Và tất nhiên, không phải cứ ngẫu nhiên thả những màu sắc vào khung hình là có những thước phim đẹp mắt, màu sắc trong điện ảnh cũng được sắp đặt theo những quy luật nhất định nhằm tạo nên tính thống nhất, sự hài hòa. Một số màu sắc được sắp xếp nhằm làm bật lên sắc thái, cảm xúc của sự vật chúng biểu thị. Màu xanh lam biểu hiện cho sự thuần khiết, nhẹ nhàng, cho tính trung thực và lòng trung thành. Ngược lại, màu vàng biểu hiện cho cảm giác nguy hiểm, sự phán xét. Màu cam là sự e dè, thận trọng. Màu đỏ biểu hiện cho sự nguy hiểm, bạo lực, giận dữ. Tuy nhiên cũng không phải lúc nào cũng như vậy.
Ở những trường hợp bối cảnh khác nhau thì mỗi màu sắc mang lại những hiệu ứng khác nhau. Không chỉ vậy, màu sắc còn có thể gợi lên các khái niệm về không gian, thời gian hoặc trở thành biểu tượng của một sự vật, sự việc trong một bộ phim. Để tạo nên được những điều này, các nhà làm phim đã thống nhất tạo nên 5 kiểu phối màu cơ bản nhất của điện ảnh.
1. Phối màu tương phản (Complementary Color)
Đây là cách thức phối màu bằng cách chọn hai màu đối diện nhau trong bảng màu để làm trung tâm màu cho hình ảnh. Có thể hiểu nôm na rằng những màu nằm đối diện nhau chính là cặp màu tương phản. Cách phối này cũng được áp dụng nhiều trong các bộ phim, ví dụ điển hình như poster của Thiên Thần Hộ Mệnh được thiết kế dựa trên cách phối màu tương phản này. Có thể thấy màu xanh đậm và màu vàng là hai màu chủ đạo của khung hình. Màu xanh đậm tạo nên sự u ám, bí hiểm đôi phần lạnh lẽo. Bật lên đó là vệt sáng vàng chiếu thẳng vào mặt nhân vật chính, tạo nên một sắc thái e dè, thận trọng và nguy hiểm.
Hay ta có thể nhìn rõ điều này trong cảnh phim Mai Ly (Trúc Anh) cùng bạn thân Huyền (Amee) đến một căn phòng được coi là nơi thầy luyện bùa Kumanthong. Cảnh sắc ở đây vô cùng u ám, tối tăm và lạnh lẽo, những ánh nến vàng le lói cháy dựng lên một khung cảnh ghê rợn. Nó cũng báo hiệu cho những nguy hiểm, dự cảm không lành sắp xảy đến với họ.
Đối với một bộ phim kinh dị, thì cách phối màu theo lối tương phản có thể giúp truyền tải được những cảm xúc sợ hãi lẫn lộn, sự lạnh lẽo, u mê làm nên một không khí ghê rợn. Trong màu xanh tối tăm và ánh vàng nguy hiểm đó, không biết điều gì đang chờ đợi họ?
2. Phối màu tương đồng (Analogous Color)
Màu tương đồng là những màu nằm kế nhau trên bảng màu, chúng có sự liên kết hài hòa với nhau, tạo nên một tổng thể hoàn chỉnh. Người ta thường chọn ra một màu chính nhất để làm màu chủ đạo, những màu khác thì làm nền, bổ trợ cho màu chính.
Những bộ màu tương đồng giúp cho khung cảnh trở nên đồng nhất, với những bộ màu tông lạnh sẽ khiến cảm giác trở nên u tối, lạnh lẽo, cô quạnh. Ngược lại, những bộ màu nóng tạo nên sự vui tươi, ấm áp.
Như trong Bẫy Ngọt Ngào – bộ phim làm mưa làm gió trong thời gian vừa qua cũng áp dụng cách phối màu tương đồng để nào nên những thước phim chất lượng và ấn tượng. Nhằm nhấn mạnh vào cảnh nóng của hai nhân vật Quỳnh Lam và Đăng Minh, cảnh phim nóng mắt này được đầu tư rất nhiều từ diễn viên cho đến góc máy và cách tạo dựng màu sắc cũng góp phần tạo nên điểm nhấn cho cảnh quay khó nhằn này. Bao trùm trên khung hình là sự nồng cháy, tội lỗi, xấu xa và đặc biệt là nỗi đau của Quỳnh Lam khi bị xâm hại. Bộ ba màu tím, hồng, xanh đen được đưa vào bối cảnh làm bật lên cảm xúc vừa nồng nàn vừa chất chứa nỗi đau và lòng thù hận của cảnh quay.
3. Phối màu bộ ba ( Triadic Color)
Cách phối này sử dụng ba màu được xếp cách đều nhau trên bảng màu, tạo thành một hình tam giác đều. Đây là cách phối màu khá khó dùng và cũng ít khi được sử dụng vì chúng tạo cảm giác chói, ngay cả khi sử dụng độ bão hòa màu thấp, với một màu làm chủ đạo, 2 màu khác để nhấn mạnh.
Tiệc Trăng Máu sử dụng cách phối màu bộ ba thông qua trang phục của các nhân vật. Màu đỏ áo của diễn viên Hồng Ánh màu đỏ - một người phụ nữ trung niên nhưng quyến rũ mặn mà. Cặp đôi Kiều Minh Tuấn, Kaity Nguyễn lại khoác lên mình sắc cam, vàng thể hiện sự tươi mới, trẻ trung. Màu xanh áo của Hứa Vĩ Văn cùng một số chi tiết trong khung hình cân bằng lại những màu nóng, tạo nên sự nhu mì, nhẹ nhàng. Thông qua màu sắc, cũng đôi phần thể hiện được tính cách của từng nhân vật. Việc sử dụng bộ ba màu vừa thể hiện được sự liên kết, thống nhất, song song cũng cho thấy được sự đối lập của họ.
4. Phối màu bổ túc (Split-complementary Color)
Là một kiểu khác của phối màu tương phản, phối màu bổ túc không sử dụng cặp màu tương phản được đặt đối diện nhau trên bảng màu mà lại sử dụng 2 màu kề bên. Điều này giúp những cảnh phim vẫn giữ được độ tương phản nhưng có phần ít căng thẳng hơn. Giống như cách phối bộ ba, phối màu bổ túc cũng được sử dụng với một màu chính và 2 màu bổ sung. Bộ phim Việt gần đây nhất sử dụng cách phối màu này rõ ràng nhất là Bẫy Ngọt Ngào.
Không phải tự nhiên mà Bẫy Ngọt Ngào được ví von là bộ phim đậm chất MV âm nhạc, bởi lẽ về phần nhìn của bộ phim thực sự có phần mờ ảo vừa bắt mắt với ý nghĩa riêng. Bố cục màu sắc được sắp xếp vô cùng hợp lý ở mỗi cảnh quay, giúp biểu đạt rõ tâm lý nhân vật. Hãy để tâm đến các nhân vật trong cảnh quay Camy do Bảo Anh thủ vai bị chồng bạo lực tình dục, khiến cô vô cùng đau đớn và tuyệt vọng. Khung cảnh được bao phủ bởi một màu xanh đen đậm thể hiện được thực tại bi thảm, tối tăm của cuộc hôn nhân mà cô đang phải trải qua. Sắc đỏ của những quả cà chua làm nền để làm nổi bật lên chiếc đầm vàng mà camy đang mặc. Màu vàng thể hiện cho sự tiêu cực, một cảm giác nguy hiểm, phán xét, chịu đựng.
5. Phối màu chữ nhật/phối màu bộ đôi tương phản (Tetradic Color)
Phối màu chữ nhật sử dụng 4 màu, với 2 cặp màu đối diện nhau trên bảng màu, tạo ra một khung cảnh đầy màu sắc. Để làm giảm bớt sự mất cân đối, các nhà làm phim thường chỉ lấy 1 trong 4 màu làm chủ đạo.
Cách phối màu này khiến người xem phải “mắt chữ a mồm chữ ô” vì nó sẽ tạo nên những thước phim vô cùng đẹp mắt. Bởi có sự hòa trộn giữa nhiều màu sắc, những cách phim được sử dụng cách phối này sẽ vô cùng hoành tráng và nổi bật. Tiêu biểu như ở Gái Già Lắm Chiêu III, để làm nổi bật lên sự giàu có, hào nhoáng của gia tộc nhà họ Lê. Là một dòng gia tộc giàu có, với truyền thống lâu đời bậc nhất kinh đô xưa, Lê gia xuất hiện trên màn ảnh với những bảo vật gia truyền quý giá. Trong cảnh quay này, sử dụng những màu sắc chủ đạo như xanh lá của ngọc bích, xanh dương của gốm, đỏ quý phái, vàng chói chang những màu sắc thể hiện cho sự giàu có, xa xỉ của gia tộc tiếng tăm bậc nhất xứ Huế. Dù chất lượng có thể trung bình, nhưng về mặt hình ảnh, Gái Già Lắm Chiêu III lại rất mát tay sử dụng màu sắc để truyền tải thông điệp.
Có thể thấy việc phối màu dựa theo những quy luật nhất định góp phần nào nên những thước phim chất lượng và đẹp mắt. Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa là các nhà làm phim thiếu đi sự sáng tạo ám chỉ chăm chăm vào các công thức sẵn có. Việc sáng tạo dựa trên một nền tảng, quy luật có sẵn giúp đạo diễn có những định hướng đúng, tránh việc bị lộn xộn về màu sắc lúc quá nổi bật, lúc lại quá tầm thường.
Tóm lại, các nhà làm phim luôn cẩn trọng, khéo léo trong việc sử dụng màu sắc trong từng cảnh quay nhằm truyền tải cảm xúc chân thật nhất đến người xem và không hề bị kìm kẹp bởi những công thức phối màu. Đồng thời, việc nhận biết được cách phối màu trong một bức hình hay đoạn phim sẽ giúp bạn hiểu về ý nghĩa của chúng một cách sâu sắc hơn.