Lấy bối cảnh về một Việt Nam những năm 1950, Mùi Đu Đủ Xanh kể về câu chuyện xoay quanh cuộc đời của nhân vật Mùi – một cô bé chỉ mới 10 tuổi đã đi ở cho một gia đình khá giả buôn vải gốc Bắc sinh sống tại Sài Gòn. Mùi từ nhỏ đã là một cô bé ôn hòa, siêng năng, chịu thương chịu khó và luôn rất tò mò, thích thú với thế giới xung quanh mình. Ở cái tuổi lên 10 đầy thơ ngây, khờ dại ấy, cô đã chứng kiến những góc khuất của một gia đình tưởng chừng êm ấm, hạnh phúc nhưng sâu bên trong là những mất mát, tổn thương, là nỗi đau hằn sâu nhiều năm, là sự thờ ơ, lạnh nhạt nơi cô đang theo ở.
Thời gian thấm thoát trôi qua, đến năm Mùi lên 20 tuổi và đây cũng chính là cột mốc đánh dấu bước chuyển trong cuộc đời cô. Mặc dù rất gắn bó với gia đình chủ cũ nhưng về sau gia đình cô đang theo ở gặp phải khó khăn nên bà chủ quyết định để Mùi qua giúp việc cho nhà Khuyến, đây cũng là người mà Mùi đã có những rung cảm đầu đời lúc còn thơ bé. Khuyến là một chàng nghệ sĩ dương cầm tài hoa và cũng rất hào hoa, một tình yêu trong sáng, thuần túy của một cô gái tuổi đôi mươi từ đó đã được đơm hoa, kết trái. Tuy thế, điều làm “Mùi Đu Đủ Xanh” xứng đáng đại diện cho Việt Nam để nhận đề cử tại Oscar năm 1993 không chỉ đơn thuần là nội dung câu chuyện mà đó còn là những ẩn ý, những bài học trong nhiều tầng nghĩa, là tình yêu mang tinh thần rất "Việt Nam" được lồng ghép khéo léo trong từng phân cảnh, từng tuyến nhân vật dù nhỏ nhất.
Trong phim Mùi Đu Đủ Xanh, ngay từ khi còn nhỏ, Mùi của năm 10 tuổi đã được khắc họa là một cô bé với những suy nghĩ sâu sắc và luôn biết lắng nghe, cảm thông với mọi người xung quanh. Những tình yêu nhỏ bé vụn vặt của cô bé dành cho thế giới tự nhiên quanh mình cũng cho thấy được sự tinh tế, tỉ mỉ, để ý từ những điều nhỏ nhất trong con người cô. Chất thơ của phim thể hiện qua vẻ đẹp trong đôi mắt hồn nhiên của Mùi. Đôi mắt ấy trong trẻo, nhìn sự vật với một cái nhìn tò mò và đầy yêu thương. Giống như một người lần đầu tiên tồn tại trên đời, Mùi trân trọng những điều nhỏ bé trong cuộc sống.
Cô say sưa nhìn đàn kiến tha mồi, lặng ngắm chú ếch sau nhà, tò mò chạm tay vào những hạt đu đủ non. Những chi tiết ấy khắc họa nên tâm hồn của một cô Mùi đầy non nớt, ngây thơ và trong trẻo. Mười năm sau khi Mùi đã chuyển đến làm thuê cho nhà Khuyến, những phẩm chất tốt đẹp ấy vẫn luôn còn mãi bên trong người thiếu nữ xinh đẹp này như một câu nói trong phim “Những cây anh đào chìm trong bóng râm. Tỏa ra, thu lại, uốn lượn, cong queo theo nhịp nước. Nhưng điều lý thú nhất là dù đổi thay thế nào, cây vẫn nguyên vẹn là cây anh đào” (Trần Anh Hùng, Mùi đu đủ xanh).
Cũng từ khi cuộc đời Mùi bước sang trang mới, ta như được nhìn thấy bi kịch của người phụ nữ ở một góc nhìn khác, một khía cạnh sâu và rộng hơn. Sự xuất hiện đồng thời của Mùi và bạn gái cũ của Khuyến như đại diện cho sự hiện hữu của hai giá trị khác nhau. Mùi luôn xuất hiện trong nhà một cách lặng lẽ, cô chăm sóc cho Khuyến cùng gia đình một cách thầm lặng. Trong khi sự hiện diện của bạn gái Khuyến hầu như ở khắp mọi nơi, tự tin, không giấu diếm và luôn muốn thu hút mọi sự chú ý từ Khuyến. Cuối cùng, Khuyến lại chọn Mùi, chọn cái thầm lặng của một người phụ nữ Á Đông thuần túy, chọn sự lặng lẽ, chịu đựng mà phản bội lại vị hôn thê của mình.
Từ đây, góc nhìn về thân phận của người phụ nữ dường như được mở rộng hơn, dù cho họ có là người phụ nữ độc lập, sắc sảo và tiến bộ đến đâu, thân phận của những người phụ nữ trong xã hội ấy vẫn luôn có điểm chung chính là phải phụ thuộc thật nhiều vào người đàn ông để có được hạnh phúc của riêng mình.
Quay lại với nhân vật Mùi, một người con gái được đạo diễn Trần Anh Hùng khắc họa thủy chung, sắt son một lòng khi suốt 10 năm trời, cô chỉ yêu một mình Khuyến, bạn của cậu cả tên Trung. Hai lần Mùi diện đồ đẹp nhất, trở nên xinh đẹp nhất đều là những lần gặp Khuyến, tình yêu của đời mình. Dù cho Mùi có khoác lên mình một bộ áo khác, bôi thêm chút son môi thì cô vẫn là cô của 10 năm trước: Tâm hồn luôn rung động với cỏ cây hoa lá, luôn sẵn lòng trắc ẩn, luôn tỉ mỉ và chăm chút từng thứ bé nhỏ, vẫn lặng lẽ với tình yêu dành cho chàng trai mình từng rung động năm 10 tuổi. Sự thủy chung và son sắt ấy cũng chính là phẩm chất cao quý của người phụ nữ Việt Nam dù trải qua bao nhiêu thế hệ: Từ hình ảnh của bà nội, của bà chủ nhà cũ cho đến Mùi. Sự keo sơn chung thủy, sắt son một lòng chính là những giá trị cốt lõi đã tạo nên thương hiệu của người phụ nữ Việt Nam. Họ luôn dồn tất cả tâm tư, tình cảm, sức lực cho việc vun đắp hạnh phúc gia đình cũng như chăm lo cho những người thân yêu bên cạnh.
Trong Mùi Đu Đủ Xanh, có lẽ tình yêu đẹp nhất, làm nhẹ lòng người nhất, khiến cho người xem như được ru vào một bản tình ca ngọt ngào, nhè nhẹ và dịu êm chính là tình yêu của Khuyến và Mùi dành cho nhau, đấy chính là nét chấm phá tốt đẹp nhất trong toàn bộ mạch phim, một tình yêu dành tặng lại cho sự hy sinh thầm lặng của Mùi nói riêng và cho thân phận những người phụ nữ nói chung.
Phân cảnh làm ta cảm thấy tâm đắc nhất trong phim có lẽ là cảnh Khuyến dạy Mùi học viết, vượt qua những suy nghĩ thông thường về khoảng cách vai vế giữa người chồng và người vợ trong gia đình, có thể thấy tình yêu mà Khuyến dành cho Mùi không chỉ khiến cô ấy hạnh phúc như bao người phụ nữ khác, mà còn là một sự tân tiến trong suy nghĩ khi anh đã trao cho cô một thứ quyền lực mang tên tri thức. Cả phim, Mùi lúc nào cũng gù vai khép nép nhưng khi cô ngồi học, Khuyến đã chỉnh cho cô ngồi thẳng, cái dáng cũng khiến phong thái của người phụ nữ khác đi. Tình yêu của Khuyến có phần tiến bộ, thách thức lề lối xưa cũ, lỗi thời khi bất chấp sự khác biệt về gia cảnh để yêu Mùi, trân trọng cô bằng cách dạy chữ cho cô, trao cho cô phong thái tự tin của một người phụ nữ thông minh và hạnh phúc. Hành động đó không đơn thuần là sự quan tâm, mà còn là cử chỉ của sự tôn trọng và bình đẳng dành cho người phụ nữ.
Tuy thế, dù đã được tiếp xúc với chữ viết, được Khuyến yêu thương và trân trọng hơn nhưng ai dám khẳng định: Cuộc đời của Mùi sẽ không rơi vào bi kịch giống như bà nội, giống như bà chủ nhà trước ki? Tất cả họ đều bị những người đàn ông quay lưng, chính Khuyến cũng là một chàng trai hào hoa, đa tình, đã từng bỏ rơi vị hôn thê của mình để đến với Mùi? Có ai cam kết được cuộc đời của cô sẽ không quay vòng theo số phận của bao người phụ nữ, trở về giống như bà chủ của cô? Việc Khuyến yêu thương và trao cho Mùi sự tôn trọng chính là nét chấm phá mới cho cuộc đời Mùi, song không một ai biết được nét chấm phá ấy sẽ mãi vẹn nguyên như vậy hay chỉ đang bắt đầu cho vòng lặp trong cuộc đời người phụ nữ thời xưa tiếp diễn.