[PHÂN TÍCH] Tháng Năm Rực Rỡ - Cảm hứng từ chủ nghĩa hiện sinh

Tuổi trẻ luôn là quãng thời gian tươi đẹp nhất mà khi quay đầu lại, ta thường hay ngắm nhìn với ánh mắt tiếc thương, rồi thở dài bất lực thay cho câu hỏi “đã từng có một thời rực rỡ đến thế hay sao?”. Thanh xuân vốn dĩ rất ngắn, cuộc đời mỗi người đẹp nhất là thời thanh xuân và đẹp hơn khi thời thanh xuân ấy, xuất hiện bóng hình những người bạn hay một người đặc biệt nào đó để ta nhung nhớ và yêu thương. Khi đã trưởng thành, sẽ có đôi lúc, chúng ta nhớ lại thời gian thanh xuân tươi đẹp mà cũng đầy tiếc nuối ấy, rồi mỉm cười, thật nhẹ nhàng và thanh thản. Có những người bạn, sau khi mất liên lạc thì sẽ không còn là bạn của nhau, nhưng lại có những người bạn, cho dù năm tháng vô tình thế nào đi chăng nữa, tình cảm ấy trước sau vẫn như một. Và đó cũng chính là câu chuyện trong Tháng năm rực rỡ của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng.

Trong tác phẩm lần này, xen lẫn những cảm xúc thăng hoa của một thời thanh xuân đầy nhiệt huyết, cảm hứng hiện sinh cũng được thể hiện hết sức tinh tế nhưng không kém phần mãnh liệt. Không sớm thì muộn, các tác phẩm xuất hiện cảm thức hiện sinh sẽ đi đến đề tài về sự tự do. Tự do của con người, mối đe dọa đối với tự do và tất cả các nhà hiện sinh, dù thuộc trường phái nào, cũng đều ưu tiên đến hành động mở rộng phạm vi tự do của nhân loại.

(nguồn ảnh: Zingnews.vn)

Tháng năm rực rỡ là phim điện ảnh Việt Nam của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng khởi chiếu năm 2018 và là tác phẩm được làm lại từ bộ phim Sunny rất ăn khách của Hàn Quốc, phát hành vào năm 2011. Bộ phim là hành trình đi tìm lại những ký ức thanh xuân của Hiểu Phương (Hồng Ánh) và nhóm nữ quái có biệt danh Ngựa Hoang gồm sáu thành viên: Hiểu Phương, Mỹ Dung, Tuyết Anh, Bảo Châu, Thùy Linh và Lan Chi. Trải qua nhiều thay đổi vào khoảng thời gian giai đoạn thập niên 1970, nhóm bạn đã tan rã, mỗi người có một cuộc sống riêng. 25 năm sau, vào một lần tình cờ gặp lại cô bạn cũ Mỹ Dung và biết bạn đang mắc bệnh ung thư giai đoạn cuối, Hiểu Phương quyết tâm tìm lại các thành viên, bạn bè cũ của mình để thực hiện tâm nguyện cho người bạn.

Hành trình đi tìm lại những người bạn cũ cũng chính là hành trình đưa Hiểu Phương trở về với những “tháng năm rực rỡ” nhất của cuộc đời mình. Tháng Nam Rực Rỡ mang đến hai bối cảnh song song nhau về cuộc đời của cùng một con người nhưng ở hai giai đoạn: Giai đoạn khi còn là những cô nữ sinh trẻ tuổi tràn đầy hoài bão và mộng mơ bên cạnh giai đoạn cuộc sống sau khi đã trưởng thành của họ, những người phụ nữ trung niên đã nếm trải qua cay, đắng, ngọt, bùi cuộc đời. Câu chuyện thời tuổi trẻ được đặt trong bối cảnh những năm 1970, còn câu chuyện thời hiện tại diễn ra vào năm 2000, khi Việt Nam chuẩn bị bước sang thế kỷ 21.

Poster phim Tháng Năm Rực Rỡ - Nguyễn Quang Dũng (nguồn ảnh: Internet)

Trong dự án phim Tháng Năm Rực Rỡ lần này, cảm quan về chủ nghĩa hiện sinh của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng bật lên khá rõ nét. Sự ra đời của chủ nghĩa hiện sinh là hiện tượng xã hội tất yếu và phù hợp với xu hướng phát triển tâm lý thời đại, khi mà các nhà nghiên cứu chỉ mải mê tìm kiếm nguồn gốc cao xa để lý giải cho quá trình nhận thức mà bỏ quên thân phận và kiếp sống con người, không lý giải mối quan hệ phụ thuộc giữa cá nhân và xã hội, giữa tự do và tất yếu. Chủ nghĩa hiện sinh cho rằng, tự do là bản chất của sự hiện sinh ở cá nhân mỗi người, cũng không phải chịu sự ràng buộc của bất cứ tính tất yếu khách quan nào.

Nó là tuyệt đối. Triết lý của chủ nghĩa hiện sinh xoay quanh chủ đề về giá trị con người, trọng tâm là bản tính, thân phận, thế giới nội tâm, quan hệ giữa con người và hoàn cảnh sống. Con người là một thực thể tự do và không có gì khác ngoài đời sống của chính mình. Con người cũng là một tồn tại, nhưng tồn tại người khác tồn tại vật ở chỗ, con người có lý trí, nên nó ít bị chi phối bởi quy luật tất yếu mà có tự do - tự do lựa chọn, tự do hành động.

VnExpress

Trường đoạn lấy bối cảnh khu Hòa Bình ở Đà Lạt với quy mô lớn trong Tháng Năm Rực Rỡ có thể xem là đại cảnh lớn nhất của cả bộ phim khi đã tái hiện lại một giai thoại lịch sử đầy biến động của đất nước. Dù khắc họa tới 2 cuộc đụng độ ác liệt của bộ phim, một là cuộc chiến giữa các cô gái nhóm Ngựa hoang và nhóm Lôi Báo bên cạnh cuộc biểu tình của học sinh – sinh viên với đội ngũ lính Việt Nam Cộng Hòa giai đoạn những năm 1975. Thế nhưng, cảnh quay không vì thế mà trở nên quá nặng nề hay căng thẳng, trái lại còn khá duyên dáng và có phần hài hước. Thành phố Đà Lạt trong Tháng Năm Rực Rỡ của thời quá khứ hiện lên vừa tràn đầy mơ mộng qua những khung hình lãng mạn nhưng cũng chất chứa những bạo loạn ngấm ngầm chực chờ bùng nổ.

Từ sự mâu thuẫn ý thức hệ trong gia đình của Hiểu Phương, khi bố cô cùng anh trai luôn không cùng tiếng nói cho đến phong trào sinh viên biểu tình chống lại sự đàn áp của quân đội Việt Nam Cộng Hòa, thể hiện việc theo đuổi chủ nghĩa “hiện sinh” trong giới trẻ. Tất cả bọn họ dường như đều phải đối mặt với một thực tại cay đắng và không mấy hạnh phúc trong cá nhân mỗi người. Khi chính quyền Ngô Đình Diệm “tiếp nhận” miền Nam từ tay thực dân Pháp, trong nhận thức của công chúng lúc đó, chủ nghĩa hiện sinh quả thực vẫn còn là một cái gì mơ hồ. Những người trí thức trẻ lúc bấy giờ là những người hiểu biết nhất, họ nhìn nhận ra được vấn đề là cần phải đứng lên từ chính sự tự do của cá nhân, sống là phải thực hiện những dự phóng, những bước nhảy vọt để giành lại cái được xem là tự do, là hạnh phúc đích thực của dân tộc nói chung và của mỗi con người nói riêng. Nếu không như thế, ta sẽ đánh mất đi giá trị sống đích thực, sẽ bỏ cuộc, sẽ không còn cái gọi là “hiện sinh” nữa.

Thể thao văn hóa

Cộng đồng các trí thức trẻ miền Nam Việt Nam đã từng chứng kiến nhiều phong trào đấu tranh của giới học sinh - sinh viên trong giai đoạn 1954-1975, đặc biệt nổi bật với các phong trào đấu tranh chính trị vô cùng rầm rộ. Cuộc biểu tình của học sinh - sinh viên Việt Nam ở bối cảnh được dựng lại trong phim chính là một ví dụ điển hình cho các phong trào lúc bấy giờ. Giới sinh viên miền Nam Việt Nam đóng vai trò như một lực lượng “chính trị xung kích”, là ngòi pháo tiên phong trong các phong trào đấu tranh của đồng bào ở các đô thị. Trong số các phong trào đấu tranh đó, có những phong trào sinh viên đấu tranh đòi quyền tự trị, tự do cho giáo dục đại học cũng như cho chính sinh viên, đấy chính là tiếng nói xuất phát từ cảm thức "hiện sinh" trong tinh thần của những nhà trí thức trẻ.

Chưa hết, tuổi trẻ chính là giai đoạn đẹp nhất của cuộc đời mỗi người. Tuổi trẻ, chúng ta có quyền được mắc sai lầm, có quyền được ngông cuồng, tự do yêu thương, được quyền vấp ngã, được làm lại, và được sống hết mình không sợ hãi. Ở tuổi trẻ, chúng ta sẽ gặp được những người mà bản thân vì họ có thể làm tất cả mọi điều, kể cả những điều điên rồ nhất. Nhưng cũng ở tuổi trẻ ấy, chúng ta cứ mãi loay hoay định hình bản thân, vội vã đi tìm một con đường để khẳng định giá trị của chính mình mà đôi khi quên mất đâu mới là hạnh phúc, là tự do đích thực của đời người. Chúng ta hay đứng giữa ngã ba đường của sự lựa chọn trong cuộc đời: Theo ý mình, theo ý những người xung quanh mình và nghe theo xu hướng của xã hội và đa phần, chúng ta thường rất hay bỏ qua việc nghe và làm theo những quyết định xuất phát từ chính bản thân ta, ta luôn chọn làm những việc bị tác động bởi thế giới xung quanh.

Trường đoạn đại cảnh của phim ở khu Hòa Bình (nguồn ảnh: Saostar.vn)

Chúng ta đã từng tham lam, muốn cất cánh chinh phục thế giới rộng lớn nhưng lại quên mất bản thân mình liệu sẽ thực sự hạnh phúc vì điều đó hay không. Đến khi nhìn lại mỗi một mơ ước thật sự đều phải được xây dựng vì một người duy nhất, chính là bản thân mình. Khi đó ta mới đang thật sự hạnh phúc. Thế nhưng chủ nghĩa hiện sinh là như vậy, dù chúng ta lựa chọn cái nào trong 3 luận điểm nêu trên, tất cả đều do chính bản thân ta tự quyết định, chính ta đưa ra sự lựa chọn từ tự do trong tâm hồn của mỗi con người và ta phải chịu trách nhiệm với lựa chọn ấy, dù đúng hay sai.

Trong Tháng Năm Rực Rỡ cũng vậy, Hiểu Phương cũng đứng trước rất nhiều những sự lựa chọn trong cuộc đời mình và những quyết định mà cô đưa ra đã luôn hướng đến cái tốt đẹp chung nhất, sự viên mãn và hạnh phúc cho tất cả mọi người, dù rằng có một vài quyết định sẽ làm bản thân Hiểu Phương đau lòng. Đó là khi cô đưa ra con đường trong câu chuyện của cô cùng mối tình đầu. Khi biết được tình yêu đầu đời của mình chính là người yêu của bạn thân, cô chọn cách lùi lại để không phá vỡ hạnh phúc của bạn mình, lúc cô bạn Tuyết Anh tỏ ra ghét cô chỉ vì cô có giọng nói giống với mẹ kế của Tuyết Anh, thay vì lựa chọn mặc kệ, thậm chí là ghét người bạn ấy, Hiểu Phương lại chọn cách tìm đến nhà của Tuyết Anh để giãi bày mọi chuyện… Và 25 năm sau, khi đứng trước quyết định giúp hay không giúp Mỹ Dung tìm lại những người bạn để toại nguyện mong ước, cô đã chọn cách đi tìm lại những người bạn năm nào, dù phải trải qua vô vàn khó khăn.

Cũng chính từ đó, ta mới có được một câu chuyện hay và ý nghĩa về tuổi thanh xuân nồng nhiệt như vậy để xem, để nhớ và để chiêm nghiệm. Mặc dù biết rõ “Đời không như là mơ, nên đời thường giết chết mộng mơ” hay “Chúng ta thường phản bội lại tuổi trẻ của mình” nhưng đó là hiện thực của cuộc sống, ai cũng phải vượt qua để trưởng thành. Và cũng từ chính những giây phút khắc nghiệt trong cuộc đời ấy, cái nhân đạo cũng như những giá trị thiết thực trong cảm thức hiện sinh càng sục sôi và lan tỏa năng lượng tích cực hơn bao giờ hết để kéo con người ra khỏi những vòng luẩn quẩn không lối thoát, những ích kỷ hèn mọn của bản thân để đi 12 tìm lại giá trị thiện lương, cái tốt đẹp trong chính bản thân mỗi người, giúp ta trở nên cứng cáp, biết suy nghĩ và trưởng thành hơn.

Sẽ đến một lúc nào đó, tự ngồi ngẫm nghĩ lại một thời thanh xuân rực rỡ của mình, thời còn đang tận hưởng tình yêu đầu tiên ngây ngô và khờ dại, gặp gỡ và trở thành những người bạn có thể gọi là tuyệt nhất trong cuộc đời của nhau, dù có khi không thể đi cùng nhau đến cuối cùng nhưng ta vẫn sẽ cảm thấy thật ngưỡng mộ chính mình. Ta sẽ thấy ngưỡng mộ tình yêu mà mình đã dành cho một vài người, những tháng năm cuồng nhiệt mà ta có thể dốc hết sức, hết lòng vì một tình yêu mà khi ấy, ta hay phi thường hóa nó lên thành lý tưởng. Đó chắc chắn là những tháng ngày rực rỡ nhất bởi đôi khi thật lâu mãi về sau này, hoặc có khi là không bao giờ nữa, ta sẽ không thể tìm được chính mình với tất cả sự chân thành, nồng nhiệt và không toan tính như xưa.

Chúng ta, ai cũng có thanh xuân cho riêng mình (nguồn ảnh: Internet)

Tất cả chúng ta, ai cũng đều có những Tháng Năm Rực Rỡ của riêng mình và những điều tuyệt vời thường chỉ đến duy nhất một lần trong đời, bỏ lỡ một lần, dang dở cả thanh xuân. Người ta nói rằng "thời gian có thể làm thay đổi tất cả", chứng kiến hành trình tìm bạn của Hiểu Phương, khán giả sẽ cảm thấy điều đó đúng hơn bao giờ hết. Các thành viên của nhóm là đại diện cho các ngã rẽ của số phận, dẫu thành công hay thất bại, người xem cũng không khỏi nuối tiếc khi thấy những năm tháng rực rỡ nhất của những cô gái trẻ bị bỏ lại phía sau dòng chảy thời gian. Đó chính là hiện thực, hiện thực rất vô tình, nó bắt chúng ta phải đánh đổi. Và rất nhiều người trong số chúng ta, đã buộc phải đánh đổi nhiều lần như vậy trong cuộc đời chỉ để đổi lấy sự hạnh phúc tạm bợ trong tâm hồn.

Nhìn chung, Tháng Năm Rực Rỡ của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng đã gặt hái được khá nhiều thành công cũng như chứng tỏ được sự đầu tư đúng mực, sự tiếp thu, sáng tạo để làm lại một tác phẩm điện ảnh theo người viết là đáng xem và đáng nhớ trên thị trường phim Việt hiện nay.