MCU - Marvel Cinematic Universe hay Vũ trụ điện ảnh Marvel thật không còn quá xa lạ với các tín đồ phim siêu anh hùng, khoa học viễn tưởng trên thế giới nói chung và tại Việt Nam nói riêng. Thành công mà Marvel đang có vượt ngoài những giới hạn, định luật cho phép của điện ảnh. Sức hút cũng như tầm ảnh hưởng của Vũ trụ điện ảnh này đến tư duy, nhận thức, cách nhìn nhận và đánh giá của khán giả đối với những dòng phim tương tự là vô cùng lớn. Từ đó xây dựng được một “thương hiệu cao cấp” vượt mặt hết tất cả các dạng phim cùng loại và bỏ xa các ông lớn khác về mặt doanh thu và độ phủ sóng rộng khắp.
Tuy nhiên, có phải phim của Marvel lúc nào cũng hoàn hảo với chất lượng vượt bậc về mọi mặt như cách mà các “khán giả tiềm năng” đã phản ánh hay thực chất là nó chỉ vĩ đại vì có lượng fan hùng hậu chống lưng? Nếu nhìn những bộ phim gần đây của Marvel, câu trả lời nằm ở vế thứ 2.
Không thể phủ nhận, Vũ trụ điện ảnh Marvel là một anh lớn không dễ gì có thể vượt qua của nền điện ảnh thế giới về sự đầu tư chỉn chu, đầy kỹ lưỡng trong từng tác phẩm. Ngay từ khi vừa mới “mở bát” với Người Sắt (2008), ngay lập tức Marvel đã thu về được một lượng fan hùng hậu và đeo đuổi vũ trụ này đến giờ. Kể từ Người Sắt, MCU đã gom góp không ít người hâm mộ có thể được gọi là tín đồ MCU. Đây là thế hệ đã lớn lên với MCU và chứng kiến những khoảnh khắc “Thượng vàng hạ cám” của Vũ trụ điện ảnh này. Đến nay, lực lượng này đã trỗi dậy mạnh mẽ thành một hậu phương vững chắc cho MCU bất kể phim có chất lượng hay không.
Có vẻ như Marvel đã nhận thấy được sự “cuồng bất chấp” đến từ Fanbase của mình nên cũng “tận dụng” triệt để để thu lợi. Chẳng khó để có thể nhận ra phim có Marvel càng ngày càng nhận về nhiều ý kiến tiêu cực như “cần phải thay đổi thôi”, “Marvel càng ngày càng chán” hay “được cái đẹp chứ không biết xem phần này để làm gì". Nhưng niềm tin bất di bất dịch của lượng fan hùng hậu đã cho Marvel sự tự tin không phải thương hiệu nào cũng có được.
Sự thổi phồng quá mức đến từ fanbase đã làm Marvel ngày một chủ quan vào chất lượng sản phẩm vì họ biết, cho dù sản phẩm đó có phần thiếu hụt về nội dung hoặc hiệu ứng, dàn cảnh song Marvel vẫn sẽ nhận được những cú đẩy mạnh mẽ từ fanbase lâu năm của mình. Chỉ cần một tung mồi nhử như cameo có ai, after-credit đặc sắc lắm, không nên bỏ lỡ… Việc còn lại, Marvel cứ để fanbase lo!
Không nói đâu xa, Spider-Man: No Way Home không hề có chiến dịch quảng bá rầm rộ như những phim MCU đời đầu. Một “tin đồn” về sự góp mặt của Sam Raimi hay các Người Nhện tiền bối lọt ra ngoài thì lực lượng fan đã ngay lập tức đưa tên phim lên hàng tìm kiếm hàng đầu với hàng loạt giả thuyết, bàn luận…
Nhìn lại để thấy, không ít lần Marvel khiến chúng ta thất vọng tràn trề vì hy vọng quá nhiều, thế nhưng chỉ cần nghe đến Marvel, người ta lại cứ cố gắng để chờ đợi vào một sự trở lại đầy bùng nổ. Điểm qua một vài cái tên “không mấy nổi bật” của Marvel như Iron-Man 2, một tác phẩm gần như chỉ là thứ để lấp vào chỗ trống với một cốt truyện tầm thường và gần như chỉ được tạo ra để cho mọi người được nhìn thấy Robert Downey Jr một lần nữa chứ không hề tập trung vào tinh thần vốn có của phần phim đầu tiên.
Các fan tại thời điểm ấy chắc hẳn không thể quên được cảm giác hụt hẫng và thất vọng đến chừng nào, tuy nhiên bộ phim đã giúp MCU có đủ thời gian để hoàn thành nốt các dự án còn lại, đó cũng là điều mà MCU cần nhất tại thời điểm lúc bấy giờ. Và nối tiếp thất vọng, Iron-Man 3 cũng làm fan buồn y chang!
Lật lại hết những tác phẩm mà Marvel đã công chiếu từ trước đến nay có thể nhận thấy, không phải tác phẩm nào của Marvel cũng thành “hit”, không phải bộ phim nào cũng là siêu phẩm và để lại trong lòng khán giả sự chực trào trong cảm xúc. Thế nhưng, chiêu vừa đấm vừa xoa này của Marvel vẫn luôn có tác dụng. Chỉ cần một màn cameo, những after-credit đắt giá, những trứng phục sinh về các hình tượng được yêu thích sau mỗi sự hụt hẫng về cốt truyện hay kỹ xảo, Marvel chắc chắn sẽ được quên hết những thiếu sót lúc đó và các fan nhanh chóng “yêu lại từ đầu”.
Không nói chi xa xôi, ngay trong phần phim Doctor Strange 2 thực sự không phải là một phần phim quá hay và hấp dẫn song vẫn chễm chệ với ngôi vị “quán quân phòng vé” khi vừa ra mắt. Mặc dù Doctor Strange 2 nối tiếp Spider-Man: No Way Home nhưng dường như lại đánh mất tất cả những điều thú vị làm lên sức quyến rũ của bộ phim. Không có cảm xúc của những cuộc hội ngộ đa vũ trụ, không có “keyman” lôi cuốn người xem, những phản diện được mong chờ lại xuất hiện quá sớm và bị loại khỏi cuộc chơi một cách đầy nhạt nhẽo. Những đa vũ trụ mà Doctor Strange lướt qua cũng chỉ là “cưỡi ngựa xem hoa”, hào nhoáng đấy nhưng cũng đầy chớp nhoáng, không thể đọng lại trong đầu những non-fan bất cứ điều gì.
Ấy mới nói có đánh giá cho rằng nếu không phải là fan của Marvel thì tốt nhất đừng xem phần phim này để hiểu vì chắc chắn bạn sẽ chẳng hiểu được gì nhiều hơn từ nó, nhưng nếu muốn xem vì những màn kỹ xảo đã trở thành thương hiệu của Marvel thì vẫn nên đi.
Cái mà tạo thành trend ở phần phim này lại đến từ chính after-credit “bất ngờ”. Điều này lại vô tình tạo được một hiệu ứng tò mò và đánh vào tâm lý “muốn biết” của khán giả. Có một số người đến rạp chỉ vì muốn biết thực chất nó có gì xong lại “tức anh ách” vì chẳng có gì. Thực sự Marvel không còn giữ được phong độ đỉnh cao như thời kì các phần Avengers đỉnh cao, dần về sau này phim từ Marvel làm ra không còn “đã” như trước nhưng sự đón chờ và mong đợi từ khán giả vẫn vẹn nguyên ngày nào. Tất nhiên, ngoài khả năng tạo “trend”, phong trào pop-culture, MCU cũng rất “tài tình” thuyết phục khán giả của nó có nghĩa vụ phải tham gia vào làn sóng những phim mang nhãn “tiến bộ” của Marvel để có thể theo kịp thời đại.
Nói chung, không phải MCU không giỏi, rất giỏi là chuyện khác, tuy nhiên chính vì sự thổi phồng quá mức, bất chấp từ phía các fanbase là một phần nguyên nhân dẫn đến sự chủ quan từ phía ông lớn này. MCU có thể ung dung làm phim 10 lần như 1 vẫn có thể đứng đầu phòng vé nhờ các fan lâu năm của mình bỏ qua cả những sự chỉn chu vốn có trước đó. Đến cuối cùng, những bộ phim tầm thường của nó chỉ đơn giản nhận được cái tặc lưỡi “tất cả vì một bức tranh toàn cảnh”. Nhưng đó là một bức tranh đơn điệu bị thổi phồng giá trị quá mức. Nhờ sự tận tụy của lượng fanbase hùng hậu mà giờ đây chúng ta đã có một vũ trụ siêu anh hùng quá lớn để thất bại như MCU.