Moveek

[PHÂN TÍCH] Ý nghĩa đằng sau những góc quay thường được sử dụng nhất trong phim ảnh

Một trong những yếu tố quan trọng tạo thêm nhiều cảm xúc cho các thước phim, bên cạnh những thành tố tiên quyết như: nội dung, diễn viên, bối cảnh,...góc quay cũng là một yếu tố vô cùng quan trọng tạo nên những góc nhìn, cảm nhận khác nhau nhằm truyền tải được rõ hơn ý nghĩa và thông điệp của bộ phim. Mỗi góc máy quay đều mang một góc độ tâm lý và vật lý riêng, ẩn chứa những ẩn dụ nghệ thuật, giúp khán giả dễ dàng đi vào mạch diễn biến của câu chuyện cũng như phân cách các sự việc riêng biệt với nhau.

(nguồn ảnh: Internet)

Đa phần những bộ phim vươn tầm thế giới của Hollywood đều chú trọng rất nhiều đến việc sắp đặt, bố trí và sử dụng các góc máy. Vậy các góc máy quay trong phim có những ý nghĩa nào, cùng Moveek tìm hiểu qua một vài các góc máy được sử dụng phổ biến trong các bom tấn điện ảnh nhé!

Eye Level

Eye Level shot (nguồn ảnh: Internet)

Đầu tiên, ở một góc máy căn bản nhất là Eye level angle – góc máy ngang tầm nhìn, đây có thể được xem là góc quay dễ thực hiện nhất, cho hình ảnh trung thực nhất do ít bị hội tụ hóa trong quá trình quay. Góc máy này thường được đặt ở độ cao ngang tầm mắt của chủ thể, có thể được xem là góc quay cận cảnh tốt nhất song cũng ít hấp dẫn và “non” ý nghĩa biểu tượng nhất vì tính sát thực của nó. 

Nếu bạn muốn tìm một vị trí để người xem có thể dễ dàng, thoải mái nhìn nhận và đánh giá chân thật nhất thông qua ánh nhìn trực diện của họ đối với bộ phim thì góc máy ngang là một lựa chọn lý tưởng. Tuy nhiên như đã nói trên, do tính chân thực và quá lộ trước mắt người xem nên chúng ta sẽ phải cân nhắc khi sử dụng góc máy này nếu muốn kể một câu chuyện gì đó cần nhiều ẩn ý nghệ thuật trong hình ảnh hơn, bởi góc máy ngang sẽ không thể tạo được sự kịch tính và gay cấn cần thiết mà chúng ta mong đợi. Thế nên, mặc dù có mặt ở hầu hết tất cả các phim với đa dạng thể loại, góc máy này không được đánh giá cao cũng như dùng để lồng ghép, đặt để nhiều ẩn ý bên trong.

High angle shot

High angle shot (nguồn ảnh: Internet)

Tiếp theo, một góc quay cũng được sử dụng khá nhiều trong điện ảnh là High angle shot – góc máy cao. Ở góc máy này, máy quay sẽ được đặt để nhìn xuống chủ thể và sẽ đặt thấp hơn tầm mắt của người xem. Nếu góc máy cao khi được sử dụng cho cảnh để quay những vật thể dạng mô phỏng như vườn hoa, vòng xoay... giúp khán giả làm quen với địa hình, cảnh trí và dễ dàng định hướng, nhìn thấy được các lớp cảnh từ xa tới gần không bị che khuất nhau, thì khi được dùng lên nhân vật trong phim, nó sẽ tạo một cảm giác đè nén, áp lực khiến nhân vật trở nên thật nhỏ bé, yếu đuối, thể hiện sự cô đơn, lẻ loi hay bị hạ bệ uy thế. 

Từ Âu đến Á, góc máy này luôn nhận được rất nhiều sự ưu ái của các đạo diễn khi mô tả sự bế tắc, hoang mang, khốn cùng của nhân vật như trong Parasite, Harry Potter,… đều sử dụng góc máy này để đặc tả lên diễn viên.

Low angle shot

Low angle shot (nguồn ảnh: Internet)

Một góc máy trái ngược với High angle là Low angle shot – góc máy thấp. Ở góc máy này, máy quay sẽ được đặt từ dưới để ngước dưới nhìn lên chủ thể, một vài trường hợp zoom cận chủ thể để cách ly diễn viên hay đồ vật để làm mất hậu cảnh. Tính chất vật lý trái ngược nên về ý nghĩa trong tâm lý cũng khác. Ở góc máy này, diễn viên và các vật thể sẽ trông cao lên. Nếu là các công trình, kiến trúc sẽ được xuất hiện một cách đồ sộ và hùng vĩ hơn rất nhiều so với góc nhìn thực tế, từ đó sẽ làm tăng độ kịch tính một cách đầy hiệu quả, tạo cảm giác uy nghiêm, quyền lực, đáng kính nể và ngưỡng mộ nhân vật cho người xem. 

Đây cũng chính là lí do vì sao Low angle shot luôn là “con cưng” của nhà Marvel, hầu như tất cả các cảnh phim về siêu anh hùng luôn có sự xuất hiện của nó. Bởi lẽ khi các anh hùng nằm trong góc máy này sẽ hiện lên to lớn, hiên ngang và oai vệ hơn. Với việc sẽ ăn gian được bối cảnh khi sử dụng góc máy này, Low shot thể hiện sự thống lĩnh trọn vẹn đầy năng lượng, một góc máy như được đặt riêng cho các dòng phim về các anh hùng, từ viễn tưởng đến thực tế lịch sử.

Dutch angle shot

Dutch angle shot (nguồn ảnh: Internet)

Một góc máy đặc sắc tiếp theo có thể kể đến trong việt kể chuyện bằng ngôn ngữ điện ảnh có thể kể đến là Dutch angle shot – góc máy nghiêng. Ở Hollywood, góc máy này còn được  gọi là góc độ của người say. Khi sử dụng Dutch angle cần phải rất cẩn trọng và có chủ đích rõ ràng. Góc máy này thường được áp dụng trong những cảnh ma quái, điên loạn, thiên tai, hỏa hoạn, mất ổn định... Nó thường được sử dụng trong các tình tiết xảy ra biến cố trong phim, được dùng vô cùng hiệu quả với góc nhìn chủ quan của một nhân vật bất thường hoặc đang mất ổn định ví dụ một kẻ say xỉn, mất bình tĩnh, ngã xe, trúng đạn... 

Có nhiều góc độ máy nghiêng khác nhau, mỗi góc độ là một ẩn ý riêng cần được truyền đạt. Nếu góc máy đặt nghiêng từ trái qua phải nó có thể đang biểu đạt một sự tích cực, mạnh mẽ, tiến về phía trước của chủ thể… Ngược lại, khi góc máy được đặt nghiêng từ phải qua trái, nó biểu lộ sự thất thế, thụ động và đè nén trong nhân vật, nghiêng xuống thể hiện sự bế tắc, mất ổn định trong tâm lý…Góc máy này được đánh giá là sử dụng hiệu quả nhất khi máy đặt ở góc thấp.

Over the shoulder shot

Một phân cảnh góc qua vai trong Back to the Future

Còn rất nhiều những góc máy đặc sắc khác phải kể đến như Over the shoulder shot – góc qua vai giúp người xem như đang được hóa thân vào một nhân vật trong phim và đang tự mình chứng kiến toàn vị trí khung cảnh đang được diễn ra, giúp khán giả nhận biết được cảnh ấy đang diễn ra ở đâu.

Những cú máy như thế này xuất hiện để định hướng người xem và cung cấp một quan điểm mới về nhân vật hay sự kiện liên quan. Chúng cũng giúp người xem theo dõi phản ứng của những người tham gia cuộc trò chuyện. Có những lúc công dụng của chúng mang tính thực tế hơn là cảm tính. Ví dụ, khi quay một cuộc trò chuyện nhóm, có thể khó theo dõi ai đang nói chuyện với ai. Góc máy qua vai có thể giúp làm rõ từng nhân vật đang hướng ánh nhìn của họ vào đâu và họ đang nói chuyện với ai. 

Vì đối thoại là một phần không thể thiếu của một bộ phim, những góc máy này cũng nhiều và quan trọng không kém. Một ví dụ rõ nhất của góc máy này là Back to the Future (1985). Góc máy này giữa Marty McFly (nhân vật chính của phim) và Biff (một kẻ chuyên bắt nạt) thể hiện sự manh động giữa cả hai. Các góc máy khác nhau được sử dụng trong cuộc trao đổi của họ mô tả sự mất cân bằng sức mạnh giữa hai nhân vật.

Wide shot

Một cảnh wide shot trong Dunkirk

Một cảnh quay rộng, wide shot là một kiểu góc quay mà trong đó một nhân vật hoặc một nhóm nhân vật nằm hoàn toàn trong khung hình. Cảnh quay rộng còn được gọi là cảnh quay dài hoặc cảnh quay đầy đủ và các nhà làm phim sử dụng kiểu dựng cảnh điện ảnh này để cung cấp cho khán giả bối cảnh, không gian, tỷ lệ hoặc khoảng cách của chủ thể hoặc các đối tượng trong cảnh. Các nhà làm phim cũng sử dụng những cảnh quay rộng để khán giả có cái nhìn đầy đủ về những đặc điểm quan trọng khác của bộ phim chứ không chỉ là các nhân vật.

Những cảnh quay rộng nhấn nhá mối quan hệ giữa nhân vật và khung cảnh xung quanh. Wide shot là một sự lựa chọn tuyệt vời cho những cảnh thể hiện sự cô đơn, tách biệt ra khỏi tổng thể của nhân vật.

Ví dụ nổi tiếng nhất của việc ứng dụng là phân cảnh trận chiến trên không trong Dunkirk. Trên thực tế, bộ phim này được xem là mẫu mực của việc quay phim hiện đại. Và những cú wide shot được sử dụng nhiều lần để nhấn mạnh bối cảnh khốc liệt của Dunkirk, nơi mà mỗi khoảng đất, trời và biển đều là chiến trường khốc liệt. Nhưng hào quang tại nơi đây thuộc về những cú one-take (quay liên tục, không ngừng nghỉ). 

Ngoài ra, điện ảnh còn có Long shot – góc quay toàn thân, Medium shot – góc trung bình, Cowboy shot, Detail shot, Point of view shot… Mỗi một góc quay là một ý nghĩa riêng biệt mà nhà làm phim muốn truyền đạt qua từng khung ảnh. Hiểu rõ và kết hợp được các nguyên tắc trong việc sử dụng các góc máy lại với nhau, thành phẩm mà chúng ta nhận lại được chắc chắn sẽ rất “xịn sò”, thỏa mãn được cả phần nhìn, phần nghĩa, giúp tác phẩm điện ảnh sẽ trở nên đặc sắc và có giá trị hơn rất nhiều. Nhất là trong bối cảnh thị trường phim đang chạy theo xu hướng quay dựng phim đại trà, “góc nào đẹp thì quay”, không hề có một ý nghĩa và hình ảnh ẩn dụ gì trong từng cảnh quay. 

Đừng biến ngôn ngữ hình ảnh trở thành một mớ dư thừa, hãy nhìn và sử dụng chúng một cách hợp lý để tôn vinh được tối đa từng phân cảnh trong tác phẩm của mình.