Chick-flick là thuật ngữ không chính thống dùng để chỉ kiểu phim (không phải thể loại) hướng đến khán giả trẻ, đặc biệt là nữ giới. Trong đó, nhân vật nữ thường đóng vai trò trung tâm. Thuật ngữ này hiện được sử dụng và chấp nhận khá rộng rãi, nhưng hiếm người biết đến những “bí ẩn” phía sau cụm từ này.
Thuật ngữ chick-flick xuất hiện lần đầu vào cuối những năm thập niên 80, và đương nhiên là cũng giống như nhiều từ ngữ khác trong tiếng Anh, theo thời gian, ý nghĩa của nó đã không còn mang tính nguyên bản. Trước đây, chick-flick được dùng để miêu tả các phim nặng yếu tố tình dục và thường hướng đến đối tượng nam giới như Beyond the Valley of the Dolls (1970), Twilight People (1972)…
Đầu những năm thập niên 90, ý nghĩa của chick-flick bắt đầu thay đổi khi bộ phim với rất nhiều nhân vật nữ và thu hút một lượng lớn khán giả nữ ra đời mang tên Steel Magnolias. Từ đó trở đi, chick-flick khi thì được dùng để chỉ các phim có nhân vật nữ mạnh mẽ (Thelma and Louise), khi thì được dùng để chỉ phim hài, lãng mạn (While You Were Sleeping), xuất phát chủ yếu do truyền thông và cả một bộ phận lớn khán giả sử dụng cụm từ này khá bừa bãi và không thống nhất. Từ những năm 2000 trở đi, chick-flick gần như được dùng để chỉ tất cả các phim có nhân vật nữ là trung tâm. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, định nghĩa phim chick-flick một lần nữa chuyển mình, và nhiều người hiểu kiểu phim này theo hướng phim chỉ dành cho phụ nữ dù cho nhân vật chính là nam hay nữ.
Đương nhiên, điều này hoàn toàn không chính xác, các ngộ nhận về phim chick-flick càng lúc càng nhiều đến độ khi nhắc đến chick-flick, người ta không thể tháo bỏ định kiến đã ăn sâu vào tiềm thức từ lâu rằng, đây là một bộ phim tình cảm hài nhảm nhí và chẳng có chút yếu tố nghệ thuật nào. Một bộ phim hài nếu xoay quanh nhân vật nam chính, người ta sẽ chỉ gọi đấy là phim hài. Nhưng nếu phim hài xoay quanh nhân vật nữ chính, người ta sẽ gọi đấy là chick-flick chứ không gọi đấy là phim hài.
Đối với cách hiểu hiện giờ thì một phim chick-flick thường bao gồm các yếu tố như các mối quan hệ tình cảm, gia đình, bè bạn, trải nghiệm cảm xúc… mặc dù không phải bộ phim nào có nữ trung tâm hoặc hướng đến khán giả nữ cũng có thể gọi là chick-flick và không phải phim chick-flick nào cũng tệ hại. La La Land là một trong những phim chick-flick hay đã chứng minh được sức hút của mình khi thắng lớn tại nhiều giải thưởng quan trọng như Oscar, Quả Cầu Vàng… năm 2017. Phim không chỉ là bản tình ca dành cho “những kẻ khờ mộng mơ”, mà còn là hình ảnh hoài niệm về những bản nhạc kịch kinh điển của một thời đã qua, mang gia điệu hoài cổ và cảm xúc nhẹ nhàng tuyệt đẹp.
Hoặc bộ phim khác đen tối hơn khá nổi tiếng Heathers cũng bị xem là chick-flick. Heathers sở hữu đề tài học đường thế nhưng, nội dung của nó lại u ám và có chút kinh dị. Đưa bối cảnh đáng báo động của giáo dục Mỹ trong những năm 90 lên màn ảnh, Heathers xoay quanh cuộc chiến giữa Veronica Sawyer (Winona Ryder) và 3 chị em gái xấu tính Heather Duke (Shannen Doherty), Heather McNamara (Lisanne Falk), Heather Chandler (Kim Walker).
4 cô nữ sinh này từng chơi một nhóm, nhưng Veronica dần tách ra do không chịu nổi những hành động quá quắt của 3 chị em. Lúc này, trường có một cậu học sinh mới chuyển đến tên Jason Dean (Christian Slater) và Veronica ngay lập tức bị cậu ta thu hút. Cả hai trở thành tình nhân, và Jason quyết định giúp cô hạ bệ băng đảng của chị em nhà Heathers. Thế nhưng, hành động của Jason bắt đầu chuyển sang hướng tiêu cực khi cậu ta đi đến mức giết người và việc Veronica nói lời chia tay chỉ khiến mọi chuyện càng lúc càng tồi tệ. Mặc dù phim không mấy thành công về mặt doanh thu, nhưng lại được giới phê bình khen ngợi bởi những vấn nạn tiêu cực trong môi trường giáo dục, cũng như tính chân thật của nó.
Nếu nghĩ rằng đây chỉ là một phim chick-flick giải trí đơn thuần thì chắc chắn bạn đã lầm. Bộ phim chứa đựng nhiều ý nghĩa và những câu hỏi không lời giải đáp khiến khán giả phải suy ngẫm.
Nhưng lật xuôi rồi cũng phải lật ngược, không phải tự dưng mà định kiến về phim chick-flick chiếm số đông và tồn tại lâu dài đến thế. Có nhiều bộ phim được gắn mác chick-flick, và nó dở thậm tệ. Đơn cử như All About Steve (2009) của Sandra Bullock. All About Steve là phim tình cảm không chút hài hước, khắc họa kiểu nữ chính khá khó chịu, nói nhiều, nhạt nhẽo và cuồng một anh chàng đến độ cứ theo đuôi anh ta mọi lúc mọi nơi. Mặc dù phim cũng truyền tải một vài thông điệp ý nghĩa như hãy luôn là chính mình, nhưng cách dẫn dắt và xây dựng nhân vật có vấn đề đã khiến người ta gán cho All About Steve hình ảnh một phim chick-flick mất thời gian.
Bạn tưởng phim chick-flick chỉ có ở phương Tây? Nhầm to. Ở đâu cũng có thể bắt gặp một phim chick-flick nếu nó hợp với tiêu chí hướng đến khán giả nữ. Chẳng đâu xa, ngay cả 2 bộ phim gần đây mới ra của điện ảnh Việt cũng có thể bị người ta xem là chick-flick, đó là Tháng Năm Rực Rỡ và Thử Yêu Rồi Biết. Điều khác biệt duy nhất của hai phim này đó là một phim thì được đánh giá là bản remake hay nhất từ trước đến giờ, phim còn lại bị vùi dập không thương tiếc do tình tiết cẩu thả, nhân vật ấu trĩ cũng như cách xây dựng phim nhàm chán và chẳng có chút gì mới mẻ.
Hay mới đây nhất là bộ phim hợp tác giữa Việt Nam và Hồng Kông Girl 2 – Những Cô Gái Và Gangster của đạo diễn Hoàng Chân Chân. Phim xoay quanh ba cô gái trẻ Hi Vấn (Trần Y Hàm), Kimmy (Tiết Khải Kỳ) và Gia Lam (Trương Quân Ninh) đến Việt Nam tổ chức tiệc độc thân trước khi cưới, có sự góp mặt của một đại gia bí ẩn (Trần Bảo Sơn). Sau một đêm ăn chơi đã đời, họ tỉnh dậy và phát hiện mình đang ở ngoài bãi biển, không mảnh vải che thân. Bị tay đại gia truy đuổi, họ được một người đàn ông bất ngờ giúp đỡ (Mike Tyson). Với cốt truyện cóp nhặt và ăn theo The Hangover, thêm chút biến tấu cho ra dáng hành động, phim là một tổ hợp hổ lốn của sự ngô nghê trong diễn xuất, làm lố, gượng gạo và phi logic trong tình tiết phim. Phim gần như chả mang thông điệp gì đặc biệt, chẳng có ý nghĩa gì ngoài những phân đoạn cười thọt lét và cảnh đẹp Việt Nam. Chắc họ nghĩ khán giả nữ dễ tính nên thích làm sao thì làm chăng?
Thế nhưng, dù gì thì thuật ngữ chick-flick vẫn mang nặng tính phân biệt cũng như tính tiêu cực. Không lý gì một phim chick-flick lại bị mặc định dở hơn một phim guy-cry. Guy-cry là thuật ngữ đối lập với chick-flick, nhưng mang ý nghĩa tích cực hơn, một số phim được xem như phim guy-cry là Logan, Fast and Furious 7. Điều đáng buồn là nếu các phim tương tự hay, người ta gọi là guy-cry, nếu dở, người ta gọi là chick-flick, bất kể đối tượng khán giả của phim đó là nam hay nữ. Có lẽ đã đến lúc bỏ cách sử dụng này mà thay vào đó, hãy chỉ nhìn nhận bộ phim theo hướng hay là hay mà dở thì là dở, đơn giản thế thôi.