Tin điện ảnh

Phim Tết Việt Nam - Điểm nào đáng khen, điểm nào đáng chê?

Lại một mùa phim Tết nữa đã trôi qua và khán giả lại có dịp được “thưởng thức” “drama” đầu năm của các phim khi bàn chất lượng thì ít nhưng bàn “lùm xùm” thì nhiều. Qua thời gian, chuyện ồn ào của phim ảnh Việt, đặc biệt trong mùa Tết có vẻ vẫn không hề thuyên giảm, mà càng lúc càng được đẩy mạnh. Tuy nhiên, đến nay thì nhiều khán giả có vẻ đã ít nhiều thất vọng với phim Việt mà quyết định chỉ tin tưởng phim ngoại sau nhiều dịp mất tiền oan.

Scandal thì khán giả vẫn đọc và bàn luận, việc “hóng hớt” đã trở thành phương thức giải trí của nhiều người. Tuy vậy, điều đó cũng không đảm bảo được khán giả có chịu bỏ tiền đi xem sau khi đọc những chuyện xấu xí như thế về phim hay không.

Cua Lại Vợ Bầu được khán giả lựa chọn nhiều trong dịp Tết Nguyên Đán năm nay.

Một trong những yếu tố khiến phim Việt xa rời khán giả trong nước cũng vì nhà sản xuất luôn nghĩ mình có thể làm ra một bộ phim hay mà hiếm khi nào lắng nghe ý kiến trái chiều để hiểu khán giả cần gì, bị thu hút bởi những nội dung như thế nào, phim mình làm ra có chạm đến được công chúng hay không. Cho dù là phim nghệ thuật hay phim giải trí, thì vẫn cần phải kết nối được với khán giả, thấy được bản thân trong nhân vật trên phim.

Lý do tiên quyết, quan trọng và phổ biến mà đa phần phim Việt thất bại nằm ở khâu kịch bản. Khi thì thiếu sáng tạo, thiếu ý tưởng, hoặc nếu có ý tưởng thì lại xử lý kịch bản quá vụng về, lộn xộn. Thêm nữa là khó khăn trong việc kiểm duyệt khiến nội dung ban đầu phải thay đổi nhiều, bất đồng giữa phía sản xuất và phía nhà làm phim…

Kịch bản phim nếu không quanh đi quẩn lại chuyện tình cảm, ngôn tình phong cách Hàn với trai nhà giàu yêu gái nhà nghèo hung hăng, hợp đồng tình tiền các kiểu thì cũng là remake từ kịch bản gốc của nước ngoài nhưng làm không phù hợp với góc nhìn và gu phim của khán giả Việt, khiến phim trở nên xa lạ. Nhận ra được điều đó, nhiều phim Việt như Tháng Năm Rực Rỡ, Chàng Vợ Của Em.. đã khắc phục được nhược điểm này, thay đổi cho phù hợp, giúp phim tiến gần hơn đến khán giả. Một số phim như Song Lang, Nhắm Mắt Thấy Mùa Hè… thì đáng khen ở sự sáng tạo nội dung.

798Mười (2018) - 1 trong những phim Tết Việt trong thời gian gần đây có nội dung khác biệt.

Tết là dịp để các nhà làm phim thỏa sức thực hiện các ý tưởng sáng tạo mà mình đang ấp ủ. Tuy nhiên, do đặc thù của dịp lễ đặc biệt này nên nhiều năm, chủ đề vẫn thường giới hạn trong gia đình sum vầy, về quê ăn Tết. Năm 2019 thì ý tưởng của các phim đã đổi khác đôi chút, lấy cảm hứng từ lịch sử, điển tích như Trạng Quỳnh hay tình cảm vợ chồng như Cua Lại Vợ Bầu. Tuy vậy, cách làm phim vẫn còn nhiều vấn đề khiến nhiều khán giả chưa hài lòng. Nội dung mà đã kém thì xem như phim đã “tạch” hết 50-60%. Đa phần gu phim khán giả vẫn khá dễ tính, chỉ cần không quá tệ thì họ vẫn sẽ quyết định bỏ tiền ra xem, đặc biệt là trong dịp lễ, các hình thức giải trí ít nên xem phim được nhiều người lựa chọn. Thế nhưng, nhiều phim cạnh tranh thì khán giả hẳn sẽ chọn phim nào hay nhất hoặc phim nào ít dở nhất để xem. 

Nội dung yếu nên nhiều phim Việt thường dùng mặt hình ảnh để lấp liếm. Phim Việt thường nghiêng về yếu tố hình ảnh đẹp nhưng quên mất rằng đẹp cũng phải đi đôi với thực tế hoặc nếu cần thì phải sát sử. Một số phim nước ngoài có mặt hình ảnh đẹp, đáng học hỏi có thể kể đến Ông Anh Trời Đánh (2018) hay Tân Vua Hài Kịch (2019), với bối cảnh đơn giản, gần gũi và sát với cuộc sống khán giả. Trạng Quỳnh năm nay cũng là phim với mặt hình ảnh, nước non Việt Nam đẹp, nhưng do nội dung không xứng tầm, nên vẫn không đủ khiến khán giả thỏa mãn bởi dù đẹp thế nào hình chúng vẫn chỉ là yếu tố phụ, nội dung của phim mới là yếu tố chính.

Trạng Quỳnh làm tốt ở mặt hình ảnh, nhưng chưa tốt ở mặt nội dung.

Sáng tạo nội dung, chăm chút hình ảnh, cải tiến công nghệ, đồng thời lắng nghe ý kiến phản hồi của khán giả để tiến bộ từng ngày, mới là con đường đúng đắn nâng cao khả năng làm ra những bộ phim hay để phục vụ người xem.

Tuy nhiên, có vẻ như nhiều nhà làm phim tự xưng vẫn chưa nhận ra được điều đó, vẫn mang tư tưởng làm phim kiếm tiền dựa trên sự thương hại của khán giả, chiêu trò tố nhau để PR phim, seeding, sử dụng thủy quân để tạo đánh giá giả, ăn vạ… nhằm tìm kiếm doanh thu, chứ không chọn sử dụng thực lực, vốn là con đường vững chắc hơn để tiến bước trong ngành công nghiệp điện ảnh.

Đến một lúc nào đó, chiêu trò không còn tác dụng nữa thì chỉ có khả năng và sự ủng hộ thực sự từ khán giả mới giúp các nhà làm phim tiến xa. Họ thực sự mới chính là các cá nhân quyền lực bảo vệ cho một bộ phim, không cần các nhà làm phim tốn một đồng quảng bá nào nhờ cái mà người ta gọi là “hiệu ứng truyền miệng”. Nếu không thể nhận thức được những điều này thì chẳng những không thể cạnh tranh với phim nước ngoài, mà cả đối đầu với phim trong nước cũng không thể nào làm được và dần dần, bị đào thải là chuyện tất yếu.

Nhìn doanh thu nói lên nhiều điều về phim, bên cạnh đánh giá chất lượng từ phê bình và khán giả.

Khi phim Việt đã bắt đầu được nâng tầm thì việc ưu tiên cho phim Việt, tăng suất chiếu cho phim nội địa trước phim ngoại như các nước lân cận Hàn, Nhật, Trung (ở Trung Quốc còn giới hạn số lượng phim nước ngoài được chiếu trong một năm) thì mới không còn làm khán giả “la ó”.

Bước sang năm Kỷ Hợi, hi vọng phim Việt trong năm 2019 nói chung và phim Tết 2020 nói riêng sẽ biết thay đổi và ngày càng phát triển, đừng mãi dậm chân tại chỗ mà làm khán giả thất vọng.