Hollywood đã có một năm vô cùng mạnh mẽ tại thị trường này, với số lượng các bộ phim quốc tế chiếm 46% doanh thu, tăng lên từ con số 42% trong năm 2016. Phòng vé Trung Quốc hiện đã quay về trạng thái mở rộng một cách lành mạnh.
Tổng số vé bán ra trong năm 2017 tăng 22,3%, đạt 55,9 tỷ NDT ($8,59 tỷ), dựa theo số liệu công bố ngày 01/01/2018 bởi cơ quan truyền thông hàng đầu của Bắc Kinh.
Màn thể hiện vững chắc này đã đưa Trung Quốc trở lại cuộc đua vượt qua Bắc Mỹ để trở thành thị trường phim lớn nhất trên thế giới vài lần trong nhiều năm tới. Những con số này đồng thời trái ngược với sự suy giảm tại thị trường số 1 thế giới trong năm 2017: Theo comScore, tại Bắc Mỹ, doanh thu phòng vé giảm 2,3%.
Con số trong năm 2017 của Trung Quốc cũng thể hiện sự trở lại mạnh mẽ sau cú sốc năm 2016, khi mức tăng doanh thu phòng vé nội địa đột ngột chỉ ở mức 3,7% sau khi đã tăng trung bình mỗi năm 35% trong hơn một thập kỷ.
Các kết quả năm 2017 đặc biệt khích lệ cho Hollywood. Các bộ phim quốc tế, phần lớn là phim do Mỹ sản xuất, chiếm 46% doanh thu trong năm 2017, tăng lên so với 42% trong năm 2016 và 38,4% trong năm 2015.
Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng lớn của Trung Quốc một phần là do sự thay đổi cách tính của các “kế toán” Bắc Kinh. Vào đầu năm, cơ quan truyền thông của Trung Quốc, Ủy ban Truyền thông, Xuất bản, Phát thanh, Điện ảnh và Truyền hình lặng lẽ bắt đầu cộng thêm các khoản tính phí bởi dịch vụ bán vé trực tuyến khi báo cáo số liệu phòng vé. Trừ đi lệ phí trực tuyến, doanh thu phòng vé năm 2017 tăng 13,45% thay vì 22,3%.
Các nhà quản lý được cho là đã bắt đầu cộng thêm các khoản phí để bù đắp cho sự tăng trưởng chậm lại và phản ánh chính xác cách thức tiêu thụ phim trong nước. Mặc dù dữ liệu phòng vé Bắc Mỹ không bao gồm những khoản phí như vậy, nhưng ở Trung Quốc, trên 80% vé được mua online còn ở Mỹ chỉ có dưới 25%. Các khoản phí trực tuyến có thể chủ yếu là chi cho nền tảng bán vé, nhưng chúng vẫn đại diện cho số tiền khán giả đã chi cho việc làm phim.
Sự tăng trưởng vững chắc của đồng tiền Trung Quốc đối với đồng đô la tiếp tục định hình cho bức tranh về các hãng phim Hollywood. Tính theo đô la Mỹ, doanh thu phòng vé Trung Quốc tăng 30,5% từ $6,58 tỷ trong năm 2016 lên $8,59 tỷ vào năm 2017.
5 bộ phim thành công nhất của Mỹ tại Trung Quốc trong năm nay là The Fate of the Furious của Universal ($392,8 triệu, mức cao nhất của một phim không phải do Trung Quốc sản xuất), Transformers: The Last Kight của Paramount ($228,8 triệu), Pirates of the Caribbean: Dead Men Tell No Tales của Disney ($172,3 triệu), Kong: Skull Island của Legendary ($168,2 triệu) và Coco của Disney ($177 triệu). Nhấn mạnh việc thị trường Trung Quốc trở nên quan trọng ra sao với các phim của Mỹ, tất cả những phim kể trên, trừ Coco, đều kiếm được nhiều tiền ở Trung Quốc hơn là ở Bắc Mỹ (Tại Bắc Mỹ Coco thu về $178 triệu, nhưng vẫn đang công chiếu tại Trung Quốc, nơi sẽ trở thành thị trường hàng đầu của phim đầu năm 2018).
Câu chuyện lớn nhất năm trong ngành tại Trung Quốc, tất nhiên là màn trình diễn hoành tráng của bom tấn hành động yêu nước Wolf Warrior 2 (Chiến Lang 2), đạt kỷ lục $870 triệu – một kỷ lục trước đây chỉ những siêu phẩm lớn nhất của Hollywood mới có thể đạt tới. Một bộ phim thành công khác là Never Say Die ($333,9 triệu, mức cao nhất của một bộ phim hài tại một thị trường), Kung Fu Yoga của Thành Long ($254,5 triệu) và Journey to the West: The Demons Strike Back của Từ Khắc ($239,5 triệu).
Thị trường phim ảnh xứ Trung cũng chào đón sự đa dạng mới mẻ trong năm 2017 khi một số bộ phim không phải của Hollywood cũng tạo ra những con số khổng lồ. Bộ phim Dangal của Ấn Độ, với Amir Khan vào vai chính, một người cha huấn luyện hai cô con gái của mình trở thành nhà vô địch đấu vật, thu về $193,1 triệu. Trong khi đó, bộ phim học đường Thái Lan Bad Genius Thiên Tài Bất Hảo thu về $41,1 triệu, phim tội phạm của Tây Ban Nha, Contratiempo Sát Thủ Vô Hình thu về $26 triệu (gấp 5 lần doanh thu ở Tây Ban Nha).
Sự tăng trưởng đáng ngạc nhiên của ngành phim ảnh Trung Quốc những năm gần đây – từ $1,47 tỷ năm 2010 tới $8,6 tỷ năm 2017 – đã được thúc đẩy bởi việc xây dựng các rạp chiếu phim trong nước. Giữa năm, Trung Quốc vượt qua Mỹ để trở thành nước có nhiều rạp chiếu nhất trên thế giới. Trong năm 2017, trung bình, 26 rạp chiếu mới được xây dựng ở Trung Quốc mỗi ngày. Giờ đây, quốc gia này có tới 50.776 rạp chiếu phim.
Nguồn: Hollywood Reporter