Siêu phẩm Thor: Ragnarok dưới bàn tay của đạo diễn Taika Waititi trong hơn 2 tuần qua đã làm mưa làm gió ở khắp các phòng vé tại Việt Nam khi nhận được rất nhiều phản hồi tích cực cùng những lời khen có cánh từ đông đảo các khán giả. Ragnarok chính là phần kết của một trilogy về vị Thần sấm hùng mạnh của Asgard và cũng chính là sự chuộc lỗi từ phía MCU khi đã vô tình biến 2 phần trước thành những quả bom xịt. Tươi sáng hơn, hài hước hơn cùng với kịch bản chặt chẽ hơn rất nhiều là những yếu đã tạo nên thành công cho bộ phim. Tuy nhiên, Ragnarok cũng như các sự kiện khác trong một số bộ phim của MCU như Civil War, Age of Ultron... đã được thay đổi rất nhiều so với nguyên tác, mục đích là có thể tiếp cận đến phần lớn khán giả trên thế giới.
Hãy cùng Moveek xem qua sự khác nhau của Ragnarok phiên bản điện ảnh so với trong thần thoại và comic.
Ngày tận thế trong thần thoại Bắc Âu
Không hề tươi sáng và hài hước như phiên bản điện ảnh, Ragnarok trong thần thoại Bắc Âu là một cuộc chiến tàn khốc, là sự chấm hết cho gần như toàn bộ cư dân ở Asgard. 3 dấu hiệu khởi động cho sự kiện này chính là: Sự ra đời của 3 đứa con Loki (Fenrir, Jormungand và Hel), cái chết của thần quang minh Balder và cuối cùng là Fimbulvetr (3 mùa đông lạnh lẽo, khắc nghiệt xảy ra liên tiếp nhau). Odin cùng các vị thần muốn trì hoãn Ragnarok bằng cách giam cầm những đứa con của Loki ở 3 nơi khác nhau.
Fenrir ở đây không còn là thú cưng trung thành của Hela mà chính là anh trai cả trong số 3 con quái vật nguy hiểm nhất của Asgard. Fenrir bị xích bởi dải lụa Gleipnir và trả giá cho việc này chính là sự hy sinh một bàn tay của thần Dũng cảm Tyr.
Con rắn khổng lồ Jormungand là đứa con thứ của Loki bị các vị thần ném xuống vùng biển ở Midgard ngay từ lúc mới sinh. Nó còn được gọi là Midgard Serpent vì kích thước nó lớn đến nỗi có thể quấn một vòng quanh Trái Đất. Thật đáng tiếc khi chúng ta không được chứng kiến sự xuất hiện của con quái vật khổng lồ này trên phim.
Hel (Hela) là cô em gái út trong số 3 đứa con của Loki và tên khổng lồ Angrboda, được Odin giao nhiệm vụ cai quản địa ngục ở Niflheim, nơi chứa đựng linh hồn của những người chết vì già yếu vì bệnh tật. Khi thời khắc đến, 3 anh em đã thoát khỏi sự giam cầm và hội tụ với cha mình.
Loki trên phim như một người hùng khi giúp Thor đánh bại Hela và cứu sống được rất nhiều Asgardian. Tuy nhiên, trong thần thoại, Loki lại chính là kẻ phát động cuộc đại chiến ấy và Hel như một vị tướng đắc lực trong đội quân quái vật của hắn. Loki đã hợp tác với quỷ lửa Surtr (Surtur), quân đoàn địa ngục của Hel và những “bà con” của hắn ở Jotunheim tạo thành một liên minh nhằm hủy diệt toàn bộ Asgard.
Thất bại trong việc ngăn chặn 2 lời tiên tri đầu tiên (thần Balder bị Loki giết chết bởi một cành tầm gửi), Odin đã tạo ra Vahalla và đội quân Valkyrie gồm những trinh nữ từ nhiều chủng tộc khác nhau kết hợp với đội quân của người lùn, con người và tiên tộc (Elves) sẵn sàng cho cuộc chiến.
Khi tiếng tù và Gjalarhorn của Heimdall cất lên cũng là lúc Ragnarok bắt đầu nổ ra. Thor là người đã người đã giết chết Jormungand nhưng vị Thần sấm đã nhiễm độc của con rắn và đã ngã gục sau 9 bước đi. Ở phía bên kia chiến tuyến, Odin trong lúc giao chiến đã bị Fenrir nuối chửng và ngay lập tức, Vidar – vị thần Trầm lặng trả thù cho cha mình bằng cách xé toạc hàm con sói. Tại cây cầu Bilfrost chính là cuộc tử chiến giữa Heimdall và Loki. 2 người đã ngã xuống bởi chính lưỡi kiếm của đối phương. Và sau cùng là Surtr dùng thanh gươm Laevateinn thiêu rụi tất cả. Chỉ một vài người sống sót sau trận đại chiến đó và họ đã cùng nhau lập nên một Asgard mới.
Ragnarok trong comic
Trong comic, Thor không chết mà ngược lại còn nhận được một nguồn sức mạnh vượt lên trên tất cả, đủ sức một mình chấm dứt toàn bộ Ragnarok. Với sự trợ giúp của Odin Force (nguồn sức mạnh chính của Odin được truyền cho Thor sau khi ông hy sinh để giết Surtur), Thor đã tìm đến Giếng tri thức Mimir để học được toàn bộ tri thức của Cửu giới và khả năng nhìn trước được tương lai. Đây cũng chính là con đường mà Odin đã bước đi và ông đã hiến đi một con mắt để đổi lại tri thức và quyền năng khổng lồ ấy. Nhưng Thor cần phải làm nhiều hơn cha mình - hiến cả hai mắt cho Mimir. Tuy nhiên, để ngăn chặn Ragnarok thì bấy nhiêu đó là chưa đủ. Thor tiếp tục hiến cả mạng sống của mình và đổi lại, anh nhận được sức mạnh từ Ma thuật Rune huyền thoại (thứ ma thuật mà ngay cả Odin cũng chưa lãnh hội được) và trở thành một vị thần thật sự - Rune King Thor.
Mang trong mình tri thức của Mimir và khả năng thay đổi thực tại (và cả tương lai) từ ma thuật Rune, Thor nhìn ra Ragnarok là một vòng tuần hoàn không có hồi kết do những thực thể toàn tri và toàn năng (chỉ giới hạn trong Cửu giới) được gọi là Those Who Sit Above In Shadow tạo ra và hút lấy năng lượng từ đó. Họ nhận ra quyền năng của Thor lúc này còn vượt lên cả họ và bắt đầu sợ hãi. Those Who Sit Above In Shadow đề nghị Thor lên ngồi ngang hàng với mình và tiếp tục để cho Ragnarok xảy ra như nó vẫn như thế. Thor thẳng thừng từ chối, và với một đòn duy nhất đã bại “những kẻ bề trên ấy”, chấm dứt vòng lập vô hạn của Ragnarok.
Ngoài ra, Hulk trên phim chính là một yếu tố do đạo diễn Waititi thêm vào, lấy cảm hứng từ sự kiện Planet Hulk. Trong sự kiện này, do nhận thấy nguy hiểm tiềm tàng từ Hulk, hội Illuminati, gồm những nhận vật thông minh nhất của Trái Đất như: Iron Man, Pro.X, Namor, Black Bolt, Mr. Fantastic, Dr.Strange lập kế hoạch tống anh ra thật xa ngoài không gian (lúc này Namor và Pro. X không tán thành). Hulk trôi dạt đến hành tinh Skaar, bắt đầu cuộc sống của một chiến binh thực thụ và trở thành vua của nơi đây. Có thể nói Thor: Ragnarok là sự kết hợp rất khéo léo và thông minh của 2 trong số những sự kiện rất nổi tiếng của Marvel Comics.
Những thay đổi trong phiên bản điện ảnh đã tỏ ra có hiệu quả khi vừa làm hài lòng được các fan comic cũng như có thể truyền tải đến đa số khán giả non-fan, và quan trọng nhất chính là sự liên kết hoàn hảo với cuộc chiến cuối cùng Infinity War sẽ diễn ra trong năm sau.