"Phim này đáng lẽ phải được gọi là: một mùa nữa, tại sao?", "Còn gì để khai thác từ một bộ phim đang cố "iểu thuyết hoá những vấn nạn của học đường, tô hồng căn bệnh trầm cảm mà rất nhiều người gặp phải lại khiến khán giả có cái nhìn lệnh lạc về nạn tự vẫn?", "Netfix ạ, nên từ bỏ đi thôi vì có những thứ không thể nào cứu vãn!"
Đó là những phán ửng đầu tiên của vô số khán giả khi xem 13 Reasons Why mùa 3 phát hành vào 23/8 năm nay. Nhưng nó có thực sự tệ như những gì chúng ta nghĩ? Đã xem một bộ phim thì chẳng có gì đúng hay sai. Bạn xác định nó chán thì dù có viết hàng nghìn từ thì vẫn không bao giờ thuyết phục được bạn click tập đầu tiên.
Nhưng khi xem với tâm thế để thưởng thức, đừng đặt kỳ vọng nào cả, đơn giản bạn đang muốn nếm thử những gia vị khác nhau, thì cứ xem thôi. Vậy nên, thử cởi mở xem sao, biết đâu bạn lại thấy series này vẫn đọng lại một chút dư vị mới mẻ, độc đáo và gây sự tò mò?
13 tập mùa mới nhất của 13 Reasons Why được chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Jay Asher do Brain Yorkey sản xuất, tiếp tục đưa khán giả bước vào thế giới ngột ngạt, chật chội mang tên Liberty High. Tại nơi này, ta không cảm nhận được thời gian mà chỉ có trước và sau cái chết của Hannah Baker (Katherine Langford). 13 lý do trong cuốn băng casset của Hannah như một cơn bão ập tới, lột trần toàn bộ những góc khuất của học đường: nạn tự tử, bắt nạt, sở hữu súng, quấy rối, cưỡng bức và cả sự thờ ơ, vô trách nhiệm của giáo viên cũng như ban chủ nhiệm.
Mỗi một nhân vật trong 13 Reasons Why vẫn cứ lặp đi lặp lại cái vòng tròn luẩn quẩn, dày vò mang tên mặc cảm tội lỗi: mắc sai lầm dẫn đến nói nói dối, xấu hổ vì những lời nói dối ấy nên tìm cách chuộc lỗi, cố gắng sửa sai nhưng lại tạo ra lời nói dối lớn hơn, tệ hại hơn, cuối cùng quay về tự hỏi bản thân: liệu ta có phải người tốt? Câu thoại mở đầu có lẽ phần nào đã tóm gọi toàn bộ chủ đề chính của mùa 3: Người tốt hay kẻ xấu, chẳng ai phân biệt được.
Mở đầu phần 3, Clay Jensen (Dylan Minnette) bị cảnh sát giam giữ, tra hỏi về việc cậu bạn Bryce Walker (Justin Prentice) mất tích, khiến tất cả những người có liên quan đều hoảng loạn, cuống cuồng sợ bí mật giữa họ bị phát hiện. Bộ phim cố đánh vào sự tò mò của khán giả trước bí mật khủng khiếp này. Ai cũng có lý do để giết Bryce - một kẻ chuyên đi bắt nạt, cưỡng hiếp, ái kỷ. Nhưng thứ khiến ta quan tâm nhất chính là những lời nối dối, những bí mật chồng chất đến mức chẳng còn nhận ra mới là thật, đâu mới là giả. Thậm chí, ta không dám tin bất kỳ nhân vật nào ngay cả anh chàng tội nghiệp, tốt bụng Clay Jensen.
Một flashback (cảnh hồi tưởng) ấn tượng phải là tấm gương phản chiếu, cho khán giả nhìn thấy rõ điểm nhìn (POV) của nhân vật, cảm nhận được nỗi đau, sự tổn thương, mất mát của họ. Cái hay của 13 Reasons Why chính là nắm rất rõ khi nào thì cần đến flashback và những cú chuyển cảnh giữa hiện tại, quá khứ một cách tự nhiên và chính xác. Flashback là động cơ, là bằng chứng ngoại phạm giúp nhóm bạn của Clay thoát ra khỏi diện tình nghi. Nhưng đồng thời, mỗi một câu chuyện lại vẽ nên những mảng tối chân thực nhất của xã hội hiện đại: phá thai, vấn đề nhập cư, bắt nạt học đường, sử dụng chất kích thích và rối loạn tâm lý.
Điểm nhìn ở những tập đầu tiên hướng về nhân vật Chloe Rice (Anna Winters) - một trong những nạn nhân bị Bryce Walker cưỡng hiếp, người mà sau này phát hiện ra là đã có thai nhưng được loại ra khỏi đối tượng tình nghi bởi cô ấy đi phá thai. Đây là một quá trình đau đớn được thể hiện rõ nét qua những cảnh flashback: từ cuộc cuộc chạm vô cùng tồi tệ với những người biểu tình chống phá thai đến khi Chole bước lên bàn mổ. Công thức ấy tiếp tục được lặp đi lặp lại trong suốt 13 tập: hướng điểm nhìn đến những nhân vật khác nhau, động cơ khác nhau ẩn chứa mỗi một vấn đề xã hội đang cần được quan tâm.
Ai là người giết Bryce không hẳn là câu hỏi hấp dẫn, thu hút sự quan tâm của người xem mà đúng hơn phải là: Bryce Walker có thực sự thay đổi? Để kẻ xấu cố gắng trở thành người tốt - mô típ này không mới nhưng cái đáng nói chính là màn trình diễn xuất sắc của Justin Prentice khiến ta vừa căm ghét lại cảm thấy chua xót cho nhân vật phản diện này. Ông ngoại Bryce là một người gia trưởng, phân biệt chủng tộc, chuyên đi cay nghiến người khác, bố hắn lại là một người trăng hoa, vô trách nhiệm, hèn nhát, tham lam và ích kỷ. Rõ rằng Bryce Walker không hề có cơ hội. Cơ hội để được quan tâm, yêu thương cũng như học cách sống tử tế khi phải mắc kẹt trong một gia đình lạnh lẽo, độc đoán, chà đạp coi thường phụ nữ.
Mùa 3 chứa đựng rất nhiều những phân cảnh đắt giá, khắc hoạ sự giằng xé nội tâm của Bryce Walker. "Tôi đang cố gắng trở thành người tốt, trở nên xứng đáng được tồn tại trên cái thế giới này". Đó là một Bryce tử tế khi lên tiếng bảo vệ mẹ mình trước những lời nói cay nghiệt, xúc phạm của ông ngoại. Một Bryce yếu đuối, co mình, nằm trong lòng mẹ rồi khóc nức nở như một đứa trẻ. Và cuối cùng là một Bryce đau đớn, ân hận khi phải thốt lên sau khi nghe hết đoạn băng của Hannah: "Đáng lẽ tôi mới là người phải chết, không phải Hannah!"
Nhưng ai cho hắn làm người lương thiện? Sau tất cả những nỗi đau hắn gây ra cho Hannah và rất nhiều những cô gái khác nữa. Bryce Walker biết rất rõ bản thân có một con quỷ dữ nhưng đôi khi lại không thể khống chế nó. Một hai câu xin lỗi hay những hành động tử tế đâu có thể xoá mờ những vết sẹo đã hằn sâu trong tâm trí của Jessica hay những nạn nhân của những vụ tấn công tình dục. Suy cho cùng, Bryce Walker vẫn chỉ là kẻ reo rắc tổn thương cho người khác.
Cái bóng của Hannah Baker quá lớn đến mức hoàn toàn lấn áp lời dẫn chuyện của cô nàng mới toanh Ani Achola (Grace Saif). Giọng của Hannah chỉ xuất hiện vỏn vẹn trong vòng 2 phút ở mùa thứ 3 nhưng nó để lại một dư âm mạnh mẽ, khó có thể quên được. Chính sự chua xót, cô độc trong từng lời bộc bạch của Hannah đã khiến Bryce nhận ra những đau đớn hắn gây ra cho cô.
Ani Achola được giới thiệu là con gái của nữ y tá cho ông của Bryce, cũng mới chuyển đến trường trung học Liberty. Tuy nhiên, đây lại chính là nhân vật tọc mạnh, đầy mâu thuẫn, vừa là người cởi nút thắt do chính mình tạo ra. Có lẽ, biên kịch/đạo diễn khi đã tính toán sai lầm khi để Ani dẫn chuyện, nhúng quá sâu vào bí mật của Liberty High.
Clay, Tony, Jessica, Justin, Tyler, Alex và Zach gắn kết với nhau bởi một bi kịch. Clay ôm chặt và khóc cùng Tyler (Devin Druid) khi biết cậu ấy bị xâm hại tình dục. Justin (Brandon Flynn) nói yêu Clay như một người em trai và sẵn sàng làm tất cả để bảo vệ cậu ấy. Nó cho ta thấy một sợi dây liên kết khó có thể bị phá vỡ. Nhưng còn Ani? Cách xây dựng nhân vật này quá mơ hồ và chưa đủ thuyết phục. Chỉ nghe lỏm và quan sát đâu có thể khiến cô nàng thấu hiểu được hết những gì mà cả 7 người kia đã phải trải qua?
Xuất sắc hay dở, tranh cãi hay không thì ta không thể phủ nhận một điều, 13 Reasons Why có sức ảnh hưởng rất lớn đến giới trẻ, nhất là những người đang trải qua độ tuổi mới lớn: nhạy cảm và dễ bị tổn thương bởi nó khiến họ cảm thấy mình không hề cô độc. Nó dám đi sâu vào những mảng khuất trần trụi mà không phải ai cũng có đủ can đảm để nói.