404 Chạy Ngay Đi (404 Run Run) là một bộ phim giải trí bật lên nhờ sự kết hợp giữa phần lồng tiếng Việt bắt trend và xây dựng những thước phim hài hước vô tri, thế nên người xem chỉ nên tập trung vào tính giải trí của phim thay vì nghĩ nhiều về câu chuyện.
Bạn có ngạc nhiên không khi một bộ phim kinh dị hài Thái lại có phần lồng tiếng Việt, với sự tham gia của Lê Dương Bảo Lâm? Chính bản thân người viết cũng ngạc nhiên, thế nhưng đó lại là một điểm cộng to lớn của 404 Chạy Ngay Đi.
Lấy bối cảnh ở thời hiện đại, phim xoay quanh nhân vật chính Nakrob (Chantavit Dhanasevi), một kẻ thiếu nợ nhưng muốn một cuộc sống hạnh phúc với cô bạn gái. Để kiếm được tiền trả nợ, Nakrob và đồng bọn gồm 2 cha con và một gã ất ơ lên kế hoạch để có thể bán được một ngôi nhà xuống cấp với giá ngất ngưỡng. Thế nhưng kế hoạch thất bại dẫn đến việc cả bọn phải tìm đến một khách sạn ở vùng xa xôi mà dường như còn bị ma ám.
Khi xem phim cùng một bộ phận khán giả khác và nghe những tiếng cười liên tục của họ khi Lê Dương Bảo Lâm cất tiếng Tàu, người viết không khỏi suy nghĩ về việc bản thân mình có bị tác nhân bên ngoài ảnh hưởng đến việc đánh giá phim hay không?
Thế nhưng rồi các tình huống hài trong 404 Chạy Ngay Đi, theo một cách vô tri, lại ập tới, kết hợp với phần nhả thoại liên tục, khiến người viết quên bẵng điều đó đi và cứ bật cười theo lẽ tự nhiên.
Nhân vật chính đã cảm giác tưng tửng rồi, 3 gã đực rựa còn lại trong vai trò nhân vật phụ cũng vô tri không kém. Diễn xuất của các diễn viên trong phim không có gì để chê, và sự ăn ý tung hứng giữa họ cũng rất tự nhiên.
404 Chạy Ngay Đi thoạt đầu nhìn có vẻ như là một bộ sitcom hay hài tình huống với cảnh quay như một trích đoạn quảng cáo, thế nhưng nhờ tỷ lệ khung hình 4:3 và một bối cảnh khách sạn ma ám nhưng không quá u ám, phim tìm được cách để nhốt các nhân vật vào trong đó và tạo ra những tình huống hù dọa hài hước. Đặc biệt có vài phân đoạn mà có thể đẩy cảm xúc của người xem lên cao nhất có thể, qua việc kết hợp giữa dựng phim và âm nhạc.
Tận dụng con ma tới mức triệt để với những cách thức quen thuộc như ma hù, ma nhập,… biên kịch/đạo diễn của 404 Chạy Ngay Đi có vẻ nắm bắt rõ các nhịp cần thiết khi thể hiện các tình tiết kinh dị qua việc nhấp nhả, giả vờ rồi lại hóa thật, ngay cả những cái chết cũng được cho vào nhưng lại không gây cảm giác đáng sợ.
404 Chạy Ngay Đi được xây dựng trên cơ sở rằng bộ phim càng hù người xem bao nhiêu, họ sẽ càng thấy nó hài hước bấy nhiêu. Thế nhưng đó cũng là con dao hai lưỡi, bởi những tình huống hài hước có khuynh hướng tự lặp đi lặp lại, và không phải tình huống nào cũng kết nối được với khán giả.
Một mối nguy khác đó là trong một bộ phim đầy rẫy tiếng cười như này thì khi cái chết ập đến, dẫu cho nó có là cái chết của một nhân vật đóng vai trò không quan trọng trong kịch bản ngoài việc gây hài thêm, có làm bộ phim mất đi sự cân bằng về mặt cảm xúc? Liệu người xem nên thấy cái chết đó đáng sợ, hay là thấy nó hài hước?
404 Chạy Ngay Đi có chủ đề chính về tình yêu và việc chấp nhận buông bỏ. Phim xây dựng mối tương quan giữa những bí ẩn xoay quanh con ma ở khách sạn và mối quan hệ tình cảm của nhân vật chính với bạn gái. Thế nhưng, nội dung này chỉ được thể hiện rõ ở cuối phim, theo sau đó là một trường đoạn nhồi nhét người xem về những câu thoại tình cảm nổi da gà mà ta hay thấy trôi nổi trên mạng xã hội.
“Cảm ơn em vì đã đến bên anh” - kiểu như vậy. Ngay cả khi giọng hát của Phan Mạnh Quỳnh có cất lên trong phim một cách bất ngờ thì nó vẫn chưa đủ để khiến người xem rơi nước mắt. Chắc có lẽ người xem đã cười nhiều quá rồi, nếu mọi thứ đã ổn thì cần gì khóc nữa, đúng không?
Việc xem một bộ phim Thái và bật cười trước phần lồng tiếng Việt cũng đặt ra một câu hỏi khác về việc nó có cướp mất đi bản dạng thật của bản phim gốc? Liệu phiên bản phụ đề của 404 Chạy Ngay Đi có đạt được hiệu ứng tương tự? Câu trả lời là: phần lồng tiếng Việt chỉ tô điểm thêm cho những gì có sẵn của bộ phim.
Lồng tiếng giúp tạo một mối liên kết bền chặt hơn giữa bộ phim và khán giả địa phương, cụ thể ở đây là khán giả Việt. Điều đó cho ta thấy tầm quan trọng của việc bản địa hay địa phương hóa một sản phẩm sáng tạo. Phải chăng bộ phim này được ưu ái như vậy là do có sự tham gia sản xuất/phân phối/phát hành của công ty Mockingbird Pictures từ phía Việt Nam, cũng như sự xuất hiện của một diễn viên quen thuộc hay xuất hiện trong phim của Trấn Thành ở đoạn mid credit cuối phim?