Lưu ý: Bài viết có chứa spoil, các bạn cân nhắc trước khi đọc bài nha!
Ác Nữ Báo Thù, bộ phim thứ hai đánh dấu sự hợp tác của Kim Ok-bin, Shin Ha-kyung và biên kịch Jeong Byeong-gil, mang cốt truyện ngôn tình ướt đẫm máu chó kinh điển. Nàng từ nhỏ mồ côi ở với sư phụ, được sư phụ cưu mang dạy dỗ, sau đó vì mối thù của phụ thân lúc nhỏ mà sư phụ tìm cách giết nàng trước khi bị chính nàng giết. Sau khi may mắn thoát chết, nàng gặp được ân nhân và gặp chàng. Chàng biết hết mọi thứ liên quan đến nàng, luôn âm thầm quan tâm, chăm sóc nàng và còn cùng nàng có một cái kết thúc trong mơ: cả hai về chung một nhà. Vào chính ngày cưới, nàng nhận nhiệm vụ giết chết một người; người đó chính là sư phụ đã chết của nàng và chắc chắn là nàng không ra tay được, thế rồi sư phụ quay lại giết… giết ai, thôi xem phim thì biết. Chắc chắn đây là một cốt truyện vô cùng vô tận quen thuộc, có thể xem là kinh điển của phim ảnh và tiểu thuyết ngôn tình vài xu.
Nàng tên Sook-hye, là một sát thủ ẩn mình dưới lớp vỏ bọc của diễn viên nhạc kịch có tên Yeon Chae-soo (đáng lẽ là nhớ được cái tên này đâu, là do chàng bên dưới làm cho ấn tượng cái tên đó). Nàng có một cô con gái tên Eun-hye, sống ở căn họ 408.
Chàng tên Jung Hyun-soo, là thành viên trong tổ chức của nàng. Chàng na ná những hoàng tử trong các câu chuyện ngôn tình. Chàng thích nàng ngay từ lần đầu gặp gỡ, bí mật quan sát nàng, thậm chí vì nàng còn làm vài chuyện vớ vẩn, ngu xuẩn không thuốc chữa. Và chàng là người chồng thứ 2 của nàng.
Hắn – được tôi gọi là sư phụ của nàng – chính là người gây ra những bi kịch không đáng có trong cuộc đời nàng, là người dạy nàng tất cả rồi lại cướp hết nó khỏi nàng.
Diễn xuất của các nhân vật nói chung tròn trịa, không có ai nổi bật hơn hai, không có ai dìm chết ai như phim Hollywood dạo này. Dàn diễn viên phụ góp mặt trong phim toàn là người quen. Họ đều làm tốt vai trò được giao của mình, góp một phần không hề nhỏ cho thành công của bộ phim.
Phải nói vai diễn Seok-hye gần ¾ phim là bánh bèo. Nhưng bù lại, những màn rượt đuổi, đấu súng, đánh đấm thật sự quá tuyệt vời, có thể sánh ngang với các phim hành động của Hollywood. Cảm giác cứ hệt như bánh bèo là vỏ bọc của nhân vật, cứ nhận được nhiệm vụ, nhân vật Sook-hye mới được sống với con người thật của mình. Việc Kim Ok-bin có đai đen võ thuật là một lợi thế vô cùng lớn so với nhiều nữ diễn viên hiện tại khi thực hiện hay quay những cảnh mạo hiểm, hành động. Cảm xúc của nhân vật được cô truyền tải hết một cách trọn vẹn. Đặc biệt là những màn đấu tranh tâm lý về sau khi phát hiện ra sự thật. Tôi không nghĩ cô nên được gọi là ác nữ. Những việc cô làm, cố gắng làm, chỉ là muốn bản thân có thể có được một cuộc sống tốt hơn, hoặc là phản ứng lại những gì mà cô bị đối xử. Nếu bạn là cô ấy, bạn cũng sẽ làm như thế mà thôi.
Từng bước chân của nữ chính đều có bóng hình của sư phụ - tức nam chính. Thậm chí vào ngày vui thứ 2 của nàng, hắn cũng nhất định xuất hiện và khuấy đảo nó bằng cách rất riêng của mình (nhưng mọt phim thì biết tỏng nó “riêng” như thế nào). Vai diễn của Shin Ha-kyun phần lớn xuất hiện trong kí ức của nữ chính, là một giấc mộng vô cùng đẹp, và sau đó trở thành ác mộng. Nhưng các bạn cũng đừng mong mỏi quá vì vai này không nổi bật cho lắm nếu đặt cạnh những ông trùm hoặc các nhân vật đình đám trong các bộ phim Hàn Quốc trước đó.
Sung-joon (vai Jung Hyun-soo) có lợi thế là vẻ ngoài điển trai. Biểu cảm khuôn mặt, đặc biệt là ánh mắt giúp anh gần như chiếm trọn điểm trong mắt người xem. Tôi có thể nói rằng anh diễn vai này rất tốt, khá thành công. Những phân đoạn thể hiện cảm xúc với nữ chính, những cảnh say mê ngắm nhìn Sook-hye qua màn hình vi tính, bí mật quan sát và ghi nhận lại những chuyện về nàng làm ta có cảm giác anh là một fan cuồng và hạnh phúc nhất chính là mình và thần tượng của mình ở cạnh nhau. Cái kết dành cho anh dù khiến ta đau lòng nhưng lần nữa chứng tỏ tình cảm anh dành cho nữ chính không chỉ đơn giản chỉ là vì nhiệm vụ.
Kim Seo-hyung trong phim này hiền quá, nhìn không được quen mắt cho lắm, song vẫn phải cổ vũ cho chị vì đã thành công rũ bỏ hình tượng ác nữ bấy lâu mà mình xây dựng. Diễn xuất tròn vai của chị trong hình tượng một người đứng đầu tổ chức: lúc yếu lòng vẫn phải tỏ ra mạnh mẽ, lúc mạnh mẽ càng ra mạnh mẽ hơn nữa. Trong nhiều phân cảnh, tôi ước biên kịch cho hai chị yêu nhau cho rồi, tình bể cả bình.
Biên kịch của Ác Nữ Báo Thù chính là người chấp bút bộ phim đình đám Confession of Murderer. Cá nhân tôi cũng thích phim này nên tôi cũng giữ một tâm trạng khá hào hứng khi đi xem Ác Nữ Báo Thù. Nhưng thật sự có một chút buồn thoáng qua khi phát hiện ra kịch bản đơn giản hơn tôi nghĩ. Nó không phải kiểu độc và lạ như Confession of Murderer mà là giản dị, gần gũi, mô-tuýp quen thuộc về tam giác tình cảm: anh thứ nhất chết, nữ chính đau lòng một thời gian rồi vui vẻ bên cạnh anh thứ hai, sau đó anh thứ nhất đội mồ quay về. May mắn thay, cốt truyện không mới, nhưng được xử lý khéo léo khiến ta không chán mà ngược lại càng say mê hứng thú.
Bình cũ, rượu cũ, hương vị cũng cũ. Tôi không dám nói mình nằm lòng nhiều bộ phim Hàn, nhưng cái nội dung tình cảm của nữ chính và nam chính tôi chắc chắn rằng mình đã xem qua rồi. Nội dung bối cảnh trong phim không có khác xa lắm so với những bộ phim Hồng Kông của thập kỷ trước. Đạo diễn khéo léo chuyển đổi từ nam quyền sang nữ quyền cũng như lồng ghép vào đó một đạo lý: đừng tước đoạt hết của phụ nữ, họ sẽ vô cùng đáng sợ sau đó.
Nhìn chung mạch phim mượt, các câu hỏi đưa ra được trả lời hết. Tuy nhiên, tôi có một câu hỏi được đưa ra: tại sao khi đã phát hiện ra nàng còn sống, sư phụ của nàng lại giết chết chàng và con của hắn trước mặt nàng? Tôi có một câu trả lời cho riêng mình nhưng lại không cảm thấy thuyết phục với chính câu trả lời này.
Có thể nói, Hàn Quốc đang ngày một trở thành Hollywood của châu Á, cộng với việc bộ phim nhận được sự tán thưởng tại liên hoan phim Canes, nên mình khuyến khích các bạn đi xem bộ phim này để xem tìm lý do cho riêng mình. Bộ phim này cũng đưa ra một thông điệp: phụ nữ đáng sợ nhất là khi họ chẳng còn gì để mất cả. Thế nên, đừng có dại dột đụng vào họ!
Thành viên: Tuyết Như