Cả rạp vui mừng tột độ khi phim kết thúc, không phải vì phim hay mà vì nó quá dở, không vui làm sao được khi không còn bị tra tấn bởi những lời thoại ngu si và những màn diễn xuất tệ hại đến khó tin. Nếu bạn muốn thưởng thức tác phẩm đúng nghĩa xin vui lòng chọn một bộ phim khác ở rạp.
Ác Thú (Boar) kể về một con heo to lớn hoành hành giết hại người dân ở một thị trấn nhỏ tại Australia. Câu chuyện phim là vậy, không còn điều gì đáng chú ý nữa có thể nói về phim này. Có thể không phải là “nhân vật” xuất hiện với thời lượng nhiều nhất nhưng có vẻ con heo rừng to lớn là thứ đáng nhớ duy nhất trong toàn bộ phim, ngoài ra khó lòng để nhớ tên bất kỳ nhân vật nào khác vì đơn giản là không có gì cần thiết để mà nhớ.
Người viết băn khoăn không biết có thể coi đây là một bộ phim có kịch bản hay không vì gần như nó không có một câu chuyện rõ ràng để kể cho khán giả. Khi xem xong phim ta không biết con heo đó lý do gì to bự đến thế, hà cớ gì tấn công người và nếu thật sự nó đáng sợ thì vì sao đến giờ mới lộ diện mà thực hiện việc tàn phá. Các nhân vật trong phim xuất hiện chỉ với mục đích cho đủ người, không có một điểm nhấn. Nói đơn giản là khi có ai đặt câu hỏi “tại sao nhân vật này có trong phim?” thì câu trả lời duy nhất mà ta có thể đưa ra là “để con heo ăn thịt”.
Hàng loạt nhân vật xuất hiện và mất đi mà không để lại bất kỳ ấn tượng nào ngoài những lời thoại vớ vẩn đến khó tin. Những cuộc trao đổi qua lại đó không đào sâu bất kỳ thông tin, chi tiết nào dính dáng đến con heo rừng hay thể hiện cá tính nhân vật hoặc liên quan đến đường dây diễn tiến của chuyện phim. Nếu cắt bỏ hết tất cả lời thoại biến phim này thành phim câm cũng không có vấn đề gì, thậm chí có thể làm phim hay hơn.
Điều quan trọng nhất trong một bộ phim kinh dị là đem đến cho người xem những phút giây sợ hãi. Nếu không làm ai sợ thì sao có thể gọi là “kinh dị”, thế mà con quái vật đó không những không làm ai sợ mà nếu biên tập lại một chút ta sẽ có một bộ phim hài gia đình. Điều tiếp theo là người xem muốn biết nguồn gốc của thứ đáng sợ, lý do nào đưa đến câu chuyện ghê rợn kia. Dù rất kiên nhẫn kỹ càng theo dõi từng chi tiết phim cũng không tài nào tìm ra bất cứ thông tin nào xoay quanh con ác thú cả. Nó cứ như đột ngột xuất hiện diễn mấy trò đáng sợ và cuối cùng bị giết chết để bộ phim có cớ kết thúc.
Những phim lấy đề tài về quái vật thì hẳn nhiên phần kỹ xảo phải được chú trọng đầu tư để cho ra những thước phim chân thật về nỗi kinh hoàng đáng sợ mà con quái vật gieo rắc. Với tiêu chí đó thì người viết tự hỏi không biết vì sao nhà sản xuất không sa thải ngay nhóm thực hiện kỹ xảo sau những thước phim đầu tiên được xử lý. Kéo dài chỉ 96 phút (mà hệt như cuộc tra tấn bất tận!) là hằng hà sa số những cảnh ngớ ngẩn cùng những màn xuất hiện rập khuôn đến nhàm chán của con heo rừng quái vật. Có những lúc người viết hy vọng, dù rất nhỏ nhoi, sẽ có một màn solo giữa gã to con với con heo rừng có chút gì đó ác liệt, gây cấn để cứu vớt cho bộ phim tệ hại này nhưng rốt cuộc lại thêm thất vọng.
Âm nhạc, hiệu ứng âm thanh trong phim cũng không có điểm gì đặc sắc. Kể các khi rất cần sự hỗ trợ của âm thanh để tăng độ kịch tính, đáng sợ cho các cảnh xuất hiện của ác thú cũng không được thực hiện tốt. Nếu không có những tình tiết xuất hiện con quái vật thì hoàn toàn không một khán giả nào nhận ra mình đang xem một phim kinh dị cả. Đây là điều khó hiểu vì có những cảnh rõ ràng có thể xử lý để tăng sự hồi hộp và làm phim đáng xem hơn.
Quay phim và dựng cảnh cũng là một điểm trừ lớn. Những cảnh truy đuổi, trốn chạy quái vật thì thiếu hẳn những góc máy toàn cảnh từ xa đến gần để làm người xem theo dõi diễn biến tình huống. Những cảnh đặc tả cuộc tàn sát thì không có những góc máy cận cảnh để diễn đạt nỗi sợ hãi chân thật của diễn viên. Người viết có cảm tưởng đoàn phim chỉ lười nhác đặt máy quay một chỗ và đơn giản chỉ là quay hết cảnh này đến cảnh khác mà không màng đến việc chuyển cho các máy quay khác làm nhiệm vụ. Có thể do kinh phí đầu tư quá ít nên buộc lòng phải tiết giảm hết mức chi phí đầu tư chăng? Hàng loạt các cảnh trí ở từng lớp cảnh được dàn dựng cẩu thả, sơ sài và giả tạo, không một dấu hiệu nào cho thấy sự nghiêm túc thực hiện một bộ phim ra hồn. Nói thẳng toàn bộ phim như một cuộc “trả bài bị ép buộc” vì đã lỡ ký hợp đồng thực hiện và tất cả chỉ đơn giản là tụ nhau lại vội vã làm cho xong để mà còn về nhà đi ngủ.
Điểm "dễ chịu" nhất là phim này... hoàn toàn không đáng sợ nên sẽ rất hợp với những bạn nào quá nhát để xem các phim kinh dị, vừa tò mò muốn đến rạp thưởng thức một bộ phim gắn mác "Horror" mà không lo nhắm mắt che mặt trong phần lớn thời lượng phim. Kết phim có vẻ tươi sáng mà lại rất sốc, nếu muốn biết sốc thế nào thì các bạn có thể đi xem để rõ, cảnh báo trước là chi tiết đó sốc theo nghĩa tiêu cực mặc cho đó là điều "tốt lành" với gia đình trên phim.
Không cần nhớ tên nhân vật, không cần cả kịch bản (nếu có cũng chỉ rất đơn giản), không cần cả lời thoại, một nhóm người sẵn sàng chết còn một thứ sẵn lòng giết quả là rất tiện lợi. Dẫu biết rằng trong thời kỳ tự do thương mại, các hãng tự chủ trong việc nhập và phát hành phim tại thị trường Việt Nam nhưng người viết rất mong khán giả là “màn chắn cuối cùng” phát đi những tín hiệu mạnh mẽ, cảnh báo cho những đơn vị biết đâu là giới hạn giá trị nghệ thuật người xem có thể chịu đựng được, để các hãng cân nhắc trước khi đặt bút ký các hợp đồng nhập khẩu hay sản xuất phim. Sự dễ dãi của người xem cũng giống như đồng phạm trong việc nuôi sống những tác phẩm kém cỏi chẳng có có chút giá trị giải trí hay nghệ thuật nào.