Bầu trời rực đỏ. Đàn quạ lượn lờ. Trong một buổi tối êm ả tại vùng ngoại ô, ba người mặc áo choàng đen, đã thề sẽ phụng sự Satan, gõ cửa một ngôi nhà trung lưu bình dị, nóng lòng muốn gặp Kẻ Phản Chúa. Và một câu chuyện kinh dị Mỹ nữa chính thức khép lại. Bài học duy nhất chương 8 trong tuyển tập những truyện kinh dị Mỹ truyền tải lần này là Satan chưa bao giờ thua cuộc.
AHS: Apocalypse xoay quanh thời kì hậu tận thế khi Kẻ Phản Chúa xui khiến những môn đệ gây nên chiến tranh hạt nhân. Trong mùa đông hạt nhân chết chóc, một nhóm người trú ngụ ở Tiền đồn 3 – một nơi được xây dựng để cứu nhân loại khỏi sự tuyệt chủng – phải đấu tranh để sinh tồn. Trong khi họ cố gắng tồn tại trong hoàn cảnh thiếu thốn, Kẻ Phản Chúa lại dửng dưng lên kế hoạch thống trị cho riêng mình. Bên ngoài, thế lực ma thuật đang chờ ngày được đối đầu với Kẻ Phản Chúa để cứu chính họ và nhân loại.
Mùa crossover đầy tham vọng
Là một mùa phim kết hợp giữa các mùa AHS: Murder House, AHS: Coven,và một phần của AHS:Hotel, cốt truyện của mùa tám khá đồ sộ. Nhưng chúng ta phải một lần nữa ngã mũ cho tài sáng tạo và sự tham vọng của Ryan Murphy. Vì ông không chỉ đưa các yếu tố của ba phần phim trên vào mùa tám mà còn nhồi nhét các yếu tố từ phép thuật (Coven, phù thủy), tà giáo (Hội Illumati), khoa học kĩ thuật (người máy, vũ khí hạt nhân, viên thức ăn..) cho đến sự xung đột giới vào phim.
Con người sáng tạo những vũ khí tàn phá hàng loạt nên sẽ bị hủy diệt bởi chúng theo đúng với nỗi lo sợ của chính con người. Bất đồng ý kiến và xung đột giới là thứ đã thôi thúc những kẻ tham quyền đến bên và trợ giúp Kẻ Phản Chúa đặt dấu chấm hết cho nhân loại. Phép thuật dĩ nhiên sẽ được dùng để cứu nhân loại một lần nữa.
Mới nghe qua, có thể những điều này thật vô lý, nhưng Ryan Murphy lại làm nó có lý. Những yếu tố trên không những được kết hợp một cách gọn ghẽ và mạch lạc dù thuộc các phạm trù hoàn toàn khác nhau mà còn có vai trò hợp lí sao cho cốt truyện phù hợp với logic. AHS: Apocalypse là đứa con tinh thần được Murphy tạo ra nhờ kết hợp hai yếu tố kì ảo và thực tế.
Kịch bản của Apocalypse dù chứa đựng nhiều yếu tố đến từ ba phần phim không tiếp nối nhau nhưng không hề bị rối. Mạch phim mượt mà. Phân đoạn hồi tưởng có thể làm một số khán giả cảm thấy nhịp điệu chậm rãi của bộ phim hoặc sự không cần thiết của một số nhân vật khi phim diễn biến cao trào. Nhưng không bối cảnh hay nhân vật nào là thừa thải. Ngôi nhà ma ám ở mùa đầu cũng như khách sạn Cortez và các nhân vật của cả hai đều có đất diễn và mang vai trò quan trọng đối với diễn biến phim. Có thể nói đến cuối cùng, họ đều hoàn thành vai trò.
Các phân cảnh này được dàn đều trên khung thời gian của toàn bộ mùa phim chứ không nằm rải rác. Như phân đoạn về ngôi nhà ma ám thì tập trung cho các sự kiện liên quan đến ngôi nhà này thay vì lồng ghép các phân cảnh khác. Vì thế, mà mùa 8 tránh được tình trạng cốt truyện lan man, thừa thải. Tuy nhiên, tôi vẫn thắc mắc việc sử dụng tông nền Gothic cho phim liệu có thật sự cần thiết.
Diễn xuất tài tình
Dàn diễn viên một lần nữa chứng tỏ sự tài tình của vị đạo diễn này khi họ hóa thân thành các nhân vật trong phim. Các diễn viên trong AHS: Apocalypse đều là những gương mặt quen thuộc và kì cựu của loạt phim AHS từ mùa đầu tiên đến nay, trừ chàng trai Cody Fern vào vai Michael Langdon mang vẻ đẹp thiên thần nhưng bản tính tàn ác. Ngoài ra, phim còn có Timothy Kyle Allen (vai Timothy) và Ash Santos (vai Emily) đóng vai trò quan trọng ngầm trong cốt truyện.
Những tưởng việc tái sử dụng các gương mặt quen thuộc và để họ kiêm nhiều vai diễn sẽ trở thành điểm yếu chết người của mùa phim, Apocalypse lại tránh được yếu điểm này nhờ vào diễn xuất cộm cán của dàn diễn viên.
Ví như diễn viên Sarah Paulson phải đảm nhận tất cả là ba nhân vật: Cordelia Foxx – Phù thủy Tối thượng ở mùa AHS: Coven, Billie Dean Howard từ AHS: Murder House và Ms. Venable trong mùa 8. Nhưng cô không gặp bất cứ vấn đề gì khi phải chuyển đổi diễn xuất theo từng nhân vật. Dù có là khán giả không thường xem AHS vẫn có thể nhận biết được sự khác nhau giữa ba người mặc dù có chung một diện mạo. Lời khen ngợi về diễn xuất phải bao gồm cả Cody Fern. Biểu cảm chân thật khiến nhân vật của anh trở thành kẻ đáng sợ nhưng cũng đáng thương nhất trong mùa phim lần này.
Đáng tiếc thay, sau hết thảy cốt truyện sáng tạo, diễn viên tâm đắc, mùa 8 lại vướn phải cái kết không thể xứng tầm với mong chờ của người xem và bản thân mùa phim sau nỗ lực đẩy phim lên cao trào.
Cái kết trầm lắng nhưng đậm phong cách Ryan Murphy
Nhìn chung, phân đoạn kết phim chỉ dừng lại ở mức ổn. Phân đoạn truyền tải được cách giải quyết vấn đề hợp lý và trả lời được những câu hỏi cần thiết. Nhưng nó vẫn thiếu đi tính bạo liệt sau khi dành thời lượng đến 9 tập phim để chứng tỏ Kẻ Phản Chúa quyền năng đến mức nào và gợi mở một trận đối đầu nảy lửa giữa hai phái. Hội Phù thủy cũng không phải đối thủ dễ dàng. Nhưng rồi cuộc chiến cuối cùng chỉ dừng lại ở mức vừa được. Điểm cộng duy nhất là sự hồi sinh của Nữ hoàng Voodoo Marie Laveau của nữ diễn viên Angela Bassett. Tuy nhiên, sự “êm đềm” của đoạn kết có thể là ý đồ của đạo diễn.
Chưa tùng có mùa phim AHS nào làm ta dễ suy đoán cái kết như mùa phim này. Nếu để ý kĩ, người xem dễ dàng đoán ra được phương án giải quyết vấn đề. Vì cách này đã được đề cập rõ ràng xuyên suốt phân đoạn hồi tưởng.
"Satan chỉ có một người con. Nhưng chị em ta là cả một quân đoàn" - Cordelia Foxx, tập Apocalypse Then
Một trong những kinh nghiệm chúng ta rút ra từ những lần theo dõi loạt phim American Horror Story là cha đẻ của chúng chưa từng tạo điều kiện cho khán giả lấy làm thỏa mãn với những cái kết ông đưa ra. Cho dù là cái kết có hậu như hồi sinh những nhân vật được lòng người xem thì ông vẫn chêm vô một hoặc hai điều làm người ta cảm thấy hụt hẫng, bất ngờ. Ví dụ như cái kết của mùa phim đầu – toàn bộ gia đình nhân vật chính đều chết đi. Mùa 8 không phải ngoại lệ.
Mặc dù là cái kết không đáp ứng được sự kì vọng của người hâm mộ, đoạn cuối vẫn làm nên sự trọn vẹn của mùa phim AHS: Apocalypse. Mọi mảnh ghép đều về đến nơi cần về. Như tôi đã nói ở trên, đoạn kết lần này đã có sẵn một chi tiết làm ta phải nghi ngờ toàn bộ mùa phim. Theo tôi, mùa phim lần này chỉ truyền tải một thông điệp làm nên độ kinh dị của loạt phim – Satan chưa bao giờ là kẻ thua cuộc, chỉ có con người ảo tưởng đánh bại được quỷ dữ mà thôi.