American Horror Story: 1984 (AHS: 1984) kể về kì nghỉ thảm họa của một nhóm thanh thiếu niên tại một trại hè có quá khứ đẫm máu nằm trong cánh rừng ngoại ô Los Angeles (LA). Họ đến đây để trở thành các nhân viên hướng dẫn trại và tìm chốn an toàn khi mà LA đang hỗn loạn vì những vụ giết người liên hoàn (vụ án có thật ở LA vào những năm 80). Dĩ nhiên, trong vũ trụ của Murphy, chuyến đi đã thành công cốc khi một tên sát nhân nổi tiếng khác tìm về khu trại để hoàn thành cơn cuồng sát hắn gây nên chục năm trước.
AHS: 1984 chứa đựng phong cách quen thuộc được Murphy đem vào các phần trước đó của American Horror Story, gồm: đủ các tông màu, sự đồng bóng, tiếng cười, các nhân vật mỗi người một tính cách, và những cảnh kinh dị điển hình. Nhưng lần này, đến thời điểm hiện tại, phần phim mới đã không còn lối kể chuyện dài dòng và nhịp phim chậm rãi nữa.
Ba tập đầu tiên có mạch phim nhanh, nhưng không vội vã, và nội dung được chia làm ba phân đoạn rõ ràng. Tập pilot đóng vai trò làm đoạn mở đầu, cung cấp khá đầy đủ thông tin và bối cảnh. Bên cạnh đó, tập phim đầu cũng đem về cảm giác hoài niệm cho người xem khi tái hiện bầu không gian đặc trưng của những năm 80. Tập 2 là tập chuyển tiếp, khắc họa tâm lý nhân vật, và có chứa những chi tiết foreshadow điển hình. Tập 3 có vẻ như là đoạn đầu của màn cao trào.
Đến với AHS: 1984, các tín đồ kinh dị, đặc biệt hâm mộ thể loại slasher, không thể không bồi hồi nhớ về những bộ phim cùng thể loại kinh điển trước đây, như Friday the 13th, I Know What You Did Last Summer, Scream… và thích thú trước mô hình final girl điển hình. Tuy nhiên, cảm giác hoài niệm không thể làm nên sư hay ho ở bất cứ phim nào. Cái mà AHS: 1984 thực sự đem đến cho người xem qua 3 tập phim đầu là những cảnh chém giết mang tính thỏa mãn lạ lùng và những bí ẩn đủ khả năng giữ chân người xem.
Murphy hiếm khi thỏa hiệp với một chủ đề duy nhất. Các phần phim trước là bằng chứng rõ nhất cho lối suy nghĩ khác thường của ông. AHS: 1984 không phải ngoại lệ. Bên cạnh các nhát dao dứt khoát và tàn bạo đâm vào nạn nhân, Murphy cho sự huyền bí quay lại phim một cách thật tế nhị thông qua Jonas Shevoore (Lou Taylor Pucci), nhân vật được cho là hồn ma, hoặc một người du hành thời gian, từ vụ thảm sát diễn ra gần một thập kỷ trước khi bộ phim bắt đầu. Yếu tố sùng đạo gợi lên một tâm thần bất ổn của Margaret Booth (Leslie Grossman) cũng xuất hiện ở phim, làm người xem hiếu kỳ về bà chủ trại luôn nói về sứ mệnh cứu rỗi các thiếu niên khỏi tội lỗi. Như một thông lệ ở American Horror Story, tội lỗi trong quá khứ, bí mật, sự phản bội, và âm mưu sâu xa tiếp tục làm các gia vị thú vị cho phần phim mới này.
Bất ngờ nhất của bộ phim đến từ diễn viên Emma Robert. Ngay cả những ai đã xem qua trailer lẫn teaser cũng không thể đoán được chút gì về nhân vật Robert đảm nhận ở phần 9 cho đến khi xem phim. Với AHS: 1984, Robert giảm thiểu sự mãnh liệt trong lối diễn xuất ở các phần trước, biểu cảm ở ánh mắt cũng dịu đi, và chất giọng không còn ở tông cao mà trầm xuống một chút. Lần này, cô nàng có ngoại hình như được đo ni đóng giày cho kiểu nhân vật cá tính mạnh nhưng xấu tính lại vào vai Brooke Thompson hiền lành và có phần nhạt nhẽo nếu đứng cạnh Montana Duke (được Billie Lourd thủ vai) sôi nổi hơn. Nhưng đây là một sự thay đổi đáng hoan nghênh. Brooke Thompson dường như được xây dựng để đánh đố khán giả về người sống sót cuối cùng thường thấy ở một bộ phim kinh dị slasher hoặc ít nhất là giữ vai trò plot-twist quan trọng.
Tựu trung, 3 tập phim đầu đã để lại ấn tượng khá tốt cho người xem qua nhịp phim vừa đủ nhanh, khâu hình ảnh hoài niệm, tình tiết dồn dập, và những nghi vấn gây tò mò. Nếu các tập tiếp theo có thể giữ vững tinh thần như 3 tập đầu này, thêm một cái kết xứng đáng, khía cạnh luôn gây trở ngại cho các bộ não đằng sau American Horror Story, AHS: 1984 có khả năng trở thành phần phim hay nhất của Vũ trụ Chuyện kinh dị Mỹ từ trước đến nay.