Ra mắt trong thời điểm Hàn Quốc đang phanh phui những vụ án về tội phạm mạng, Ẩn Danh (Search Out) lên án những kẻ núp sau mạng xã hội nhằm thao túng các nạn nhân đáng thương, đẩy họ tới cái chết. Bộ phim kịch tính, tội phạm do đạo diễn Kwak Jung thực hiện với sự tham gia của các diễn viên gồm Lee Si-eon, Kim Sung-chul, Heo Ga-yoon, Ju Si-hyun và Kim Seo-yeon. Tuy khai thác chủ đề nóng trong xã hội nhưng Ẩn Danh vẫn chưa thật sự thuyết phục người xem.
Nhân vật chính trong Ẩn Danh gồm Joon-hyuk (Kim Sung-chul) đang tìm việc làm, Sung-min (Lee Si-eon) chuẩn bị thi vào ngành cảnh sát và nữ hacker Noo-ri (Heo Ga-yoon). Không cam lòng trước cái chết của nữ sinh cùng nhà trọ, bộ ba quyết định truy ra kẻ đứng sau mọi việc. Đáng tiếc thay, càng đào bới thông tin, họ càng phát hiện ra nhiều vụ tự tử và trở thành mục tiêu bị săn lùng ngược lại. Việc điều tra càng trở nên khó khăn hơn khi kẻ phạm tội có cả mạng lưới đe doạ bộ ba.
Sở hữu một cốt truyện tiềm năng nhưng diễn biến của Ẩn Danh lại rời rạc, tiết tấu chậm và tập trung quá nhiều vào mối quan hệ giữa hai anh em. Có vẻ như đây là bộ phim nhỏ nên cũng không khai thác nhiều về mặt trái của mạng xã hội. Nói về yếu tố kịch tính thì phim cũng không mang lại bất kỳ giây phút hồi hộp nào cả, phần hành động tuy ít mà chỉ được quay qua loa, không tạo cảm giác phấn khích. Về khía cạnh tội phạm thì dường như những kẻ thủ ác trong Ẩn Danh vẫn không đáng sợ như ở ngoài đời và phần điều tra của bộ ba cũng không căng thẳng như các phim khác. Phim cũng có vài điểm sáng nhất định khi các nhân vật quyết tâm làm rõ mọi chuyện đến cùng vì những sinh mạng đáng thương.
Điều khiến người viết thất vọng về bộ phim là từ vấn đề mang tính xã hội, biên kịch chuyển sang tư thù cá nhân. Phản diện trong Ẩn Danh được khắc hoạ là tên sát nhân tâm thần, giỏi thao túng tâm lý những người từng trải qua trầm cảm, hoặc nắm giữ các bí mật quan trọng. Tuy nhiên, giữa phản diện và nhân vật chính lại có mối liên hệ khiến cho toàn bộ câu chuyện trở thành màn trả thù cá nhân, kiểu người hùng chuộc lại sai lầm năm xưa. Cách thức thao túng tâm lý của thủ phạm lại thiên về thôi miên, lợi dụng nỗi đau mà đẩy người khác vào chỗ chết, có vẻ như không phù hợp với thực tế lắm.
Tuy mang tính xã hội nhưng Ẩn Danh lại không dấy lên được nỗi sợ hãi, tác hại của việc để lộ thông tin cho người lạ trên mạng xã hội. Bộ phim mang lại cảm giác chỉ cần ta tò mò, vô ý nghe phải đoạn nhạc thôi miên thì mới dễ đi vào chỗ chết. Trong khi thực tế có biết bao nạn nhân đang chật vật vì bị thao túng thông tin cá nhân, làm những chuyện đau lòng từ ngày này qua tháng nọ. Vấn đề trong phim có vẻ dễ dàng giải quyết trong thời gian ngắn, nhưng thực tế có biết bao nạn nhân phải mang trong mình nỗi đau suốt cả đời.
Điểm sáng hiếm hoi trong Ẩn Danh là phần thể hiện trọn vẹn của các diễn viên. Trong bộ phim không quá khó khăn thì bất kỳ diễn viên nào cũng có thể làm tròn vai, đặc biệt là Heo Ga-yoon vốn trước đó là thần tượng trong nhóm nhạc 4Minute. Phần bối cảnh của phim cũng đơn giản, không để lại nhiều ấn tượng, cảnh hack thông tin có chút lỗi thời. Những yếu tố khác như nhạc nền, góc quay cũng vừa đủ hỗ trợ cho phim, không có điểm nhấn rõ ràng.
Nhìn chung, Ẩn Danh là bộ phim thuộc vào nhóm an toàn, không dở nhưng lại thiếu sự đột phá. Nếu bạn tò mò về sự nguy hiểm của tội phạm mạng tại Hàn Quốc, bạn có thể xem phim để tham khảo, dù trên phim vẫn còn nhẹ nhàng so với ngoài đời thật.