Án Mạng Lầu 4, bộ phim mới nhất của đạo diễn Nguyễn Hữu Tuấn, chắc chắn đem một hương vị mới lạ đến điện ảnh Việt. Đó là chủ đề mà rất ít phim Việt nào chịu khai thác. Ở đây, ý tưởng là có và tinh thần học hỏi rất rõ ràng, bộ phim đầy tiềm năng này có thể mở ra một thể loại mới cho điện ảnh Việt Nam.
Án Mạng Lầu 4: Tai bay vạ gió
Án Mạng Lầu 4 bắt đầu với công cuộc dọn nhà vô cùng bận rộn của hai vợ chồng Thắng (Trương Thế Vinh) và Đình Đình (Lương Bích Hữu). Cả hai đang chuẩn bị cho chuyến bay đến Winnipeg, Canada để bắt đầu một cuộc sống mới. Trong phòng ngủ đã trống hơn phân nửa của họ, một đứa bé đang say ngủ.
Đó không phải con của cả hai, mà là đứa trẻ hàng xóm cạnh nhà gửi vội để làm công chuyện. Khi một cơn gió mạnh lùa vào nhà, xô cửa phòng ngủ đóng mạnh làm vỡ cả kính, nhưng đứa bé vẫn không phản ứng khiến Thắng bàng hoàng. Rồi anh nhanh chóng nhận ra, đứa trẻ đã tắt thở.
Lịch chiếu Án Mạng Lầu 4 của tất cả rạp trên toàn quốc đã được cập nhật tại Moveek
Án Mạng Lầu 4 là bộ phim được remake từ dự án Melbourne của điện ảnh Iran, ra mắt vào năm 2014. Án Mạng Lầu 4 là phiên bản được Việt hóa, nhưng yếu tố cốt lõi vẫn được giữ nguyên.
Nên không ngoa khi nói bộ phim chắc chắn đã đem một cột mốc khác lạ vào điện ảnh Việt Nam, nhất là khi sự phức tạp của vấn đề đạo đức không phải là chủ đề thường xuyên của phim Việt. Nỗ lực của Án Mạng Lầu 4 rất đáng ghi nhận, nhưng chặng đường đến một bộ phim lý tưởng vẫn còn dài.
Song đề đạo đức gai góc, nhưng…
Lựa chọn remake một bộ phim chưa bao giờ là lựa chọn dễ dàng trong bối cảnh điện ảnh Việt Nam đang khao khát những ý tưởng gốc mang tính đột phá. Nhưng chúng ta vẫn là một nền điện ảnh non trẻ và remake là cách hiệu quả nhất để học hỏi những điều mới. Điều đó đã đúng với Án Mạng Lầu 4.
Ban đầu, Án Mạng Lầu 4 có thể bị lầm tưởng là một bộ phim trinh thám phòng kính giật gân nhưng chắc chắn không có gì mới. Đứa con tinh thần mới nhất của đạo diễn Nguyễn Hữu Tấn đã khiến người xem ngạc nhiên với câu chuyện trong đây. Đây là kiểu phim tiếp cận và đào sâu cái chúng ta gọi là “dilemma” (song đề), dùng để chỉ những vấn đề tiến thoái lưỡng nan. Trong đó, đúng và sai không còn rõ ràng, mọi thứ sẽ dần trở nên phức tạp và thách thức.
Đó là một quyết định đúng đắn. Vì Án Mạng Lầu 4 hiện lên khá ấn tượng. Đây là bộ phim giật gân, nhưng giật theo kiểu tra tấn tâm lý của nhân vật khi họ liên tục đón khách với một đứa trẻ đã chết đang nằm trên giường ngủ của hai vợ chồng. Căn hộ Thắng và Đình Đình gắn bó nhiều năm giờ trở thành ngục tù ngột ngạt.
Câu hỏi ai chịu trách nhiệm lơ lửng trong không khí đã chùng xuống trầm trọng. Giấc mơ của cả hai dần dần nát vụn nếu họ không đấu tranh. Nhưng nếu chọn đấu tranh, họ hoàn toàn có thể tưởng tượng hậu quả từ những quyết định của mình. Và con đường đạo đức lý tưởng cũng để lại hậu quả thật kinh khủng.
Mọi thứ rơi vào tuyệt vọng đến mức viễn cảnh một kẻ sát nhân có thể ra vào nhà họ một cách vô hình và tự nhiên trở thành một viễn cảnh được thèm muốn. Vì ít nhất trong đó, trách nhiệm có thể được luân chuyển và tội lỗi không còn gặm nhấm họ.
Cập nhật ngay lịch chiếu Án Mạng Lầu 4 tại Moveek để không bỏ lỡ bộ phim đặc sắc nhất của điện ảnh Việt trong tháng 5
Án Mạng Lầu 4 là một thước phim tối giản, không ồn ào huyên náo. Sự đắt giá của nó nằm ở những khoảng lặng nơi hai con người phải đấu tranh tư tưởng và nhìn nhận lại các giá trị nhân sinh quan của bản thân trong tình huống tai họa này, ở những chi tiết nhấn nhá mơ hồ khiến người xem tự cảm nhận và lý giải, và ở những lúc mà sự lý tưởng được ca tụng bị đạp khỏi bệ thờ để được mổ xẻ và soi xét, cân đo đong đếm với chủ nghĩa thực dụng.
Mặc dù được giới thiệu như một phim trinh thám, và có phân đoạn cho thấy một chút nhấn nhá của trinh thám, Án Mạng Lầu 4 nhanh chóng trở lại quỹ đạo chính của nó để đánh mạnh vào yếu tố tâm lý. Song, đây lại là vấn đề lớn nhất mà phim gặp phải.
Ý tưởng là có ở đây. Cú twist thực sự gây sốc, thậm chí là phim còn khéo léo để hình ảnh lên tiếng thay vì dùng lời thoại giải thích như bao phim Việt khác mắc phải. Tuy nhiên, trong công thức này, có vẻ như sự kịch tính gấp gáp đúng điệu lại bị bỏ quên.
Án Mạng Lầu 4 chỉ kịch tính và gấp gáp ở đoạn đầu. Sau đó, phim không thể nêu bật sự cân não và ám ảnh được mong đợi ở một bộ phim như thế này. Đúng hơn là bất chấp phim có ý định ấy, thì ngôn ngữ điện ảnh không truyền tải được điều đó do sự rối loạn nhịp điệu và tiết tấu. Và đó là một điều đáng tiếc.
So với đề tài mà nó đưa ra, Án Mạng Lầu 4 không tạo được cú huých đủ mạnh mẽ ở khúc sau để đẩy câu chuyện lên một cao trào nghẹt thở. Để rung cảm trước quyết định của cặp đôi, người xem cần phim phải dữ dội, thậm chí là tàn nhẫn trong cách phim mô tả nhân vật. Vậy mà bộ phim lại chọn đường lối an toàn.
Mọi thứ trong đây quá “hiền”, nhất là cuộc đấu tranh nội tâm diễn ra sau đó. Thật khó để thấu hiểu và đồng cảm với nhân vật khi bản thân khán giả không cảm nhận được sức nặng từ khao khát và nỗi sợ hãi tê liệt khi phải đánh đổi của họ.
Tuy là thế, Án Mạng Lầu 4 vẫn có một số các khung cảnh đắt giá mang nhiều tầng ý nghĩa và cái kết đúng với tinh thần song đề, khiến người xem cân đo và nghiền ngẫm về bản chất con người. Song, người viết mong đợi một khoảnh khắc phim có thể thực sự khiến người ta chết lặng và ám ảnh.
Án Mạng Lầu 4 dành cho ai?
Án Mạng Lầu 4 có phải là một bộ phim dở? Câu trả lời là không. Đây là dự án chỉn chu với nhiều tâm tư. Theo đó là một câu chuyện ý nghĩa về cách chúng ta nhìn nhận đạo đức và nhân tính trong trường hợp bi kịch. Có thể nói chiếc áo song đề như thế này cần một chút chỉnh sửa nữa để vừa vặn với điện ảnh Việt Nam.
Án Mạng Lầu 4 còn một số thiếu sót đáng tiếc, nhưng nỗ lực thực hiện tiền đề trong đây là đáng ghi nhận. Bộ phim này sẽ hợp với ai muốn chứng kiến một bộ phim Việt dám thử những gì mới lạ trong thị trường đã có quá nhiều thể loại tình cảm, xã hội.