Là một bộ phim tâm lý – tình cảm, Ánh Đèn Giữa Hai Đại Dương - The Light Between Oceans thu hút người xem qua những màn diễn biến tâm lý phức tạp của nhân vật và đưa ta vào những câu chuyện buồn đã dẫn đến bi kịch của vợ chồng người gác đèn.
Cốt truyện của phim rất đơn giản, xoay quanh đôi vợ chồng Thomas Sherbourne (Michael Fassbender) và Isabel (Alicia Vikander). Thomas - một chàng lính nhận lời làm người gác ngọn hải đăng Janus ngoài khơi ngôi làng Partageuse bình dị sau Thế chiến I - gặp gỡ Isabel. Cả hai nảy sinh tinh cảm rồi tiến đến hôn nhân.
Vào ngày nọ, một chiếc thuyền lẻ loi chở một người đàn ông đã chết và một đứa trẻ sơ sinh cập vào hòn đảo của hai vợ chồng. Quá mong mỏi có con sau hai lần sảy thai, Isabel đã thuyết phục Thomas làm giả giấy tờ để biến đứa bé thành con gái của cả hai. Bi kịch bắt đầu từ giây phút Thomas đồng ý làm theo yêu cầu của vợ.Nhịp phim chậm rãi và từ tốn. Được quay tại bờ biển Tây Úc, Ánh Đèn Giữa Hai Đại Dương tràn ngập những gam màu chân thật đến từ những dòng ánh sáng tự nhiên và màu sắc thiên nhiên nơi đây. Vì thế mà những cảnh quay của phim đẹp đến hớp hồn. Trái ngược với không khí tươi sáng, gợi tình, những gì bộ phim lột tả lại là những khía cạnh ẩn sâu trong tâm hồn con người. Như chiếc bóng, chúng lập lờ và chỉ lướt qua, chạm khẽ vào các nhân vật trong phim, khiến họ rơi vào cuộc chiến dai dẳng giữa lí trí và tình cảm.
Đầu tiên phải kể đến Thomas Sherbourne. Anh là một quân nhân đã phục vụ trong Thế chiến I. Khi giải ngũ, người ta chỉ thấy một anh hùng quân nhân quay về nhà mà không thấy sự đau khổ dằn vặt mà anh phải chịu đựng. Anh trở nên sống khép kín, lặng lẽ. Đồng ý làm người gác đèn tại một hòn đảo đìu hiu không bóng người, Thomas tìm được một vùng trời yên tĩnh để tự gặm nhắm nỗi đau, nuốt xuống cảm giác tội lỗi những gì mình đã làm trong chiến tranh. Sự cô đơn trên Janus được anh xem như một cái phao để giữ linh hồn mình không chìm xuống đáy biển. Nó chính là phao cứu sinh của anh. Cho đến khi bị buộc tội bắt cóc và giết người, anh không hề biện minh mà chấp nhận tất thảy. Một phần anh muốn bảo vệ vợ mình, nhưng anh cũng coi đây là sự trừng phạt bản thân. Đến khoảng khắc này và cả trong khoảng thời gian hạnh phúc bên vợ con, Thomas chưa một lần buông bỏ được nỗi ám ảnh không nguôi đã dày vò bản thân từ ngày bước khỏi chiến trường.
Michael Fassbender dường như được đo ni đóng giày cho những vai diễn như thế này. Gương mặt góc cạnh là một lợi thế cho anh khi hóa thân thành một Thomas khắc khổ với nỗi lòng đang gào thét. Fassbender rất biết cách thổi hồn vào nhân vật bằng lối diễn xuất thần của chính mình. Như Brandon với nỗi hổ thẹn khôn cùng trong Shame hay Edwin Epp cay độc, tàn ác từ 12 Years of Slave, diễn xuất đầy biến hóa của anh trở thành nét hấp dẫn cho bộ phim với nhịp điệu chậm và dàn đều như Ánh Đèn Giữa Hai Đại Dương. Từ những cái nhíu mày đến cái nhìn xa xăm đầy ám ảnh, từ vẻ hạnh phúc phút chốc biến thành đau khổ khi mất con cho đến sự dằn vặt tội lỗi, Fassbender hoàn toàn biểu cảm vô cùng tự nhiên. Ngay cả giọng nói của anh cũng đầy xúc cảm. Dù diễn xuất không thăng hoa bằng những tác phẩm nặng kí anh đã kinh qua, Michael đã thành công truyền những cảm xúc ấy đến với người xem một cách trọn vẹn. Cộng hưởng với diễn xuất với một diễn viên thực lực khác như Alicia Vikander, diễn xuất của Fassebender càng thêm gai góc và xúc động.
Alicia Vikander vẫn chứng tỏ được thực lực của mình khi đứng cạnh Michael Fassbender. Đôi mắt biểu cảm của cô không hề kém cạnh nam chính. Biểu cảm đa dạng đã khiến người xem cảm nhận được sự biến chuyển từ một cô gái lạc quan cho đến một bà mẹ đau đớn khi mất con, để rồi đầu hàng trước khao khát một đứa con ẵm bồng và ra quyết định vừa ích kỉ nhưng cũng vừa đáng thương.
Nhân vật Isabel là một điểm nhấn thú vị của bộ phim. Mới đầu phim, ai cũng biết cô chính là người sẽ phá vỡ những bức tường mà Thomas dựng lên xung quanh mình. Nhưng không vì thế mà khán giả đánh mất hứng thú khi cô xuất hiện. Bằng lối diễn nhẹ nhàng và nhập tâm, Alicia biến Isabel thành một cơn mưa rào dịu dàng, dai dẳng, lặng lẽ len lỏi vào cõi lòng phức tạp của Thomas. Cũng chính bởi lỗi diễn có thần, Alicia khiến không ai nỡ lòng trách móc được cô, dù cho nhân vật này đã làm chệch đi cuộc sống yên bình của hai gia đình hay bỏ rơi chồng trong lúc anh phải hầu tòa vì tội giết người.
Một người đã sống sót qua chiến tranh. Một người mất cả hai người anh trong chiến tranh. Thế chiến khốc liệt nhưng lại trở thành mối liên kết đầu tiên giũa hai tâm hồn này. Trên mối liên kết đó, cả hai đã mở lòng cho một tình yêu đẹp nảy nở. Tình yêu của cả hai giống như thời tiết tại ngọn hải đăng Janus, lúc êm đềm lúc lại nổi sống gió. Cuộc tình này đã theo cả hai cho đến khi Isabel lìa đời trong nuối tiếc và lương tâm ray rứt vì quyết định của mình.
Sự ăn ý giữa hai diễn viên chính làm phim thoát khỏi sự nhàm chán thường thấy ở thể loại phim tình cảm. Bên cạnh đó, việc cài cắm những chi tiết thời sự bấy giờ khiến bộ phim càng sâu lắng thêm. Tiêu biểu là về thân thế của Lucy – đứa bé lênh đênh trên thuyền nhỏ.
Frank – người đàn ông đã chết trên thuyền nhỏ – nên duyên với một cô gái cùng làng với Isabel là Hannah khiến nhiều người dị nghị vì Thế chiến I chỉ mới kết thúc không lâu. Nỗi đau của chiến tranh khiến nhiều người kì thị, xua đuổi Frank vì gốc gác bản thân, dù anh không hề tham chiến. Một toán người say rượu đã quyết định hành hung anh vì sắc tộc của mình, khiến anh phải bế con gái sơ sinh bỏ chạy trên chiếc thuyền nhỏ. Để rồi thứ anh nhận được là cái chết cô độc giữa biển khơi.
Ngôi làng Partageuse bình dị là thế, nhưng những góc khuất luôn tồn tại lặng lẽ. Đằng sau nhịp sống chậm rãi, bình yên của nơi cửa biển, cái bóng chứa đựng những khía cạnh tăm tối nơi lòng người vẫn âm ỉ tồn tại. Isabel hay Thomas không phải là người duy nhất phải đối mặt với chúng.
Trầm lắng, xúc động, bộ phim đã truyền tải thành công những biến chuyển phức tạp của con người. Bộ phim kết thúc êm đềm như cách nó bắt đầu, nhưng vị đắng nhè nhẹ thì vẫn còn đọng lại.