Trong thế giới tương lai, robot trở thành một phần thiết yếu lẫn tất yếu trong cuộc sống loài người. Từ những cổ máy có vỏ bọc bằng kim loại bóng loáng, robot ngày càng được nâng cấp sao cho giống với con người thực thụ, chỉ trừ quyền tự do và nhân tính. Rắc rối kéo đến khi một người máy kiểu mới Arisa bỗng nhận thức được những quyền lợi và cảm xúc lâu nay được mặc định chỉ dành cho những chủ nhân có máu thịt.
Không thể phủ nhận, bộ phim khá giống với những phim khoa học viễn tưởng khác như Ex-Machina và Terminator. Trải dài hơn 16 tập phim, mỗi tập lại có đến 50 phút trình chiếu, nhịp phim chậm rãi, ngôn ngữ chính lại là tiếng Nga, bối cảnh Nga lạ mắt, bộ phim có thể khiến nhiều người dễ chán nản hoặc ít nhất là dè dặt thử nghiệm nếu không có đam mê mạnh mẽ với thể loại khoa học-viễn tưởng. Tuy nhiên, bộ phim vẫn có nét cuốn hút riêng.
Better Than Us dành ra khoảng 5 tập đầu để đưa khán giả xem qua thế giới tương lai không xa để phần nào khắc họa mối quan hệ rối rắm giữa người và máy móc. Ở đây, con người đã trở thành chủ nhân của những nô lệ không biết kêu ca, đòi hỏi quyền lợi, phục tùng tuyệt đối. Tuy nhiên, không phải ai cũng thích thú với ý tưởng trên. Tổ chức Liquidator luôn tìm cách phá hủy nền công nghiệp người máy tỷ đô để ngăn chặn những cổ máy ngày càng hòa nhập với xã hội con người. Những tập phim còn lại đưa người bước vào vòng xoáy âm mưu, tội ác và tình cảm gia đình lẫn tình yêu giữa người-người-máy với nhau. Điểm chung của những tuyến truyện là người máy Arisa với những điểm bất thường đáng quan ngại. Cô người máy hiện đại đã giết người, có ý nghĩ riêng, biết nói dối, tư duy chiến lược, và đem lòng yêu người chủ từ trên trời rơi xuống.
Thời lượng dài và nhịp phim chậm rãi cho phép phim mô tả chi tiết hơn mối quan hệ giữa người và máy, giữa người với người, và vẽ nên bức tranh xã hội tương lai không xa, thay vì chỉ khai thác một khía cạnh như cảm xúc của người máy hay mối xung đột giữa con người và các tạo vật của họ. Màn tung hứng nhịp nhàng nhiều tuyến truyện biến Better Than Us từ một bộ phim khoa học-viễn tưởng đơn thuần trở thành một hành trình phá án hình sự, tình cảm, và đi tìm gia đình đầy ý nghĩa của cả hai chủ thể con người và người máy. Đồng thời, mạch phim đòi hỏi sự kiên nhẫn còn chừa ra nhiều chỗ trống để xây dựng dàn nhân vật đa chiều và gần gũi với khán giả và những biến chuyển tâm lí phức tạp dần về sau.
Người xem sẽ không tài nào quyết định được nên dành cảm tình cho nhân vật nào. “Nhân tính” của Arisa (Paulina Andreeva) có thể khiến nhiều người khó chịu, có thể do cô người máy bộc lộ những cảm xúc quá “người”, điển hình là khả năng đồng cảm. Tiếp đến, Georgy N. Safronov (Kirill Käro), một cựu bác sĩ bị mất việc do những kẻ quyền thế, đang chật vật hàn gắn gia đình. Anh ta rõ ràng là nhân vật chính diện, nhưng hành động thỏa thuận với ác quỷ và liên tục phủ nhận tính người của Arisa làm người xem ác cảm phần nào với nhân vật này. Ngay cả phản diện chính của bộ phim Viktor Toropov (Aleksandr Ustyugov) cũng có những nỗi khổ dễ khiến người ta mủi lòng.
Ta không thể bỏ qua những người máy – chủ thể làm nổi bật triết lí ngầm trong phim. Những con robot được chủ nhân gọi vắng tắt là Bots hiện hữu khắp nơi trong thế giới tương lai. Chúng trở thành tiếp viên, thư kí, người trông trẻ, trợ lý, chăm sóc người già, và cả búp bê tình dục.
Một robot được “giáo dục” ba điều luật cơ bản của người máy – không hại con người, không chửi tục, và không bất tuân mệnh lệnh. Trong khi bên kia lại là những kẻ dối trá, lọc lừa, tàn nhẫn, và làm loạn. Better Than Us, tựa gốc tiếng Nga nếu được dịch theo nghĩa đen sẽ là “Better Than Human”, đã cho thấy mối tương phản rõ rệt giữa hai cá thể người máy và con người, xoáy vào câu hỏi “làm thế nào để đo được nhân tính” thường thấy ở những bộ phim cùng thể loại. Đáng tiếc là bộ phim đã để người xem tự quyết định thay vì nêu lên một nhận định cụ thể.
Tuy vậy, những phân cảnh khắc họa mối tương tác giữa người và máy trong phim vẫn khiến người xem cảm nhận được phần nào tình cảm gắn bó và lòng trắc ẩn của loài người dành cho những cỗ máy ngây ngô. Dĩ nhiên, bên cạnh đó còn là sự ngạo mạn, thậm chí bạo lực, dù vô tình hay hữu ý, đến từ những kẻ coi tạo vật của nhân loại là công cụ hay kẻ thù.
Mặc dù là bộ phim mang phong cách cyberpunk, Better Than Us không tập trung lắm vào tạo dựng một thành phố tràn ngập công nghệ như Blade Runner 2048, mà lấy bối cảnh trực tiếp tại thủ đô xứ bạch dương, phần vì ngân sách, phần vì bộ phim chọn thời điểm năm 2029, tức chỉ cách 10 năm so với thời điểm hiện tại. Nên thế giới của Better Than Us luôn có nét cũ kĩ pha lẫn những nét hiện đại của công nghệ, như những chiếc xe vẫn dùng xăng chạy trên đường phố có hàng chục drone bay qua bay lại làm nhiệm vụ quan sát và điều hành giao thông.
Bù lại, phim khá chăm chút trong khâu hình ảnh các người máy. Thay vì chọn CGI cho toàn bộ người máy, đội ngũ làm phim đã chọn kết hợp kỹ xảo lẫn người thật để đưa lên màn ảnh những loại người máy khác nhau, cũng như làm các biểu cảm của chúng chân thật hơn. Điều này khiến các thước phim trở thành những lời tiên đoán về xả hội loài người, nhất là trong bối cảnh thế giới thực đang bước vào giai đoạn bùng nổ của công nghệ AI (Trí tuệ nhân tạo). Có thể đây cũng là ý đồ của đội ngũ làm phim khi chỉ cho Better Than Us đi trước thời đại chỉ có một thập kỷ.
Nhìn chung, Better Than Us có khả năng gặp nhiều trở ngại khi tiếp cận với bộ phận khán giả với thời lượng và ngôn ngữ, cũng như dàn diễn viên xa lạ. Nhưng với những ai chịu bỏ thời gian, bộ phim vẫn đem đến những trải nghiệm thú vị từ nền điện ảnh nước Nga.