Đã 4 năm kể từ khi cường quốc Wakanda xuất hiện lần đầu tiên ở MCU trong bộ phim Black Panther (2018) cùng với gia đình hoàng gia của Đức Vua T’Challa, chúng ta mới lại được theo dõi phần tiếp theo của câu chuyện về vùng đất này. Sự ra đi đầy nuối tiếc của diễn viên quá cố Chadwick Boseman đã để lại một khoảng trống quá lớn cho dự án đầy tiềm năng này của Marvel Studio và họ cũng phải cẩn trọng trong việc thay thế sức ảnh hưởng của T’Challa đối với MCU cũng như đem đến một bộ phim mang màu sắc tưởng niệm cho cố diễn viên.
Black Panther: Wakanda Forever (Chiến Binh Báo Đen: Wakanda Bất Diệt) ra đời sau rất nhiều chờ đợi của khán giả về một bộ phim mang màu sắc khác biệt, một sự khép lại cho Phase 4 của MCU đang gặp rất nhiều chỉ trích về chất lượng.
Lẽ ra sau sự thống nhất toàn vẹn Wakanda dưới sự lãnh đạo của T’Challa ở phần 1, khán giả sẽ được trải nghiệm nhiều hơn về một đất nước phát triển đến mức siêu thực nhưng vẫn mang hơi thở của Châu Phi hoang dã, nhưng kế hoạch đã bị đảo lộn, bộ phim được khởi đầu với 2 tông màu đen trắng đầy tang thương. T’Challa qua đời vì một căn bệnh lạ và Wakanda bị mất đi Báo Đen bảo hộ của họ. Các cường quốc khắp thế giới thì vì Vibranium mà tìm mọi cách, cả về ngoại giao lẫn ám toán, hòng chiếm lấy nguồn tài nguyên vô giá này. Nữ hoàng Ramonda (Angela Bassett) phải gác lại nỗi đau của mình lại để chèo lái Wakanda qua giai đoạn khó khăn, trong khi Shuri (Letitia Wright) thì giam mình trong phòng thí nghiệm.
Mọi chuyện trở nên phức tạp khi có một cô bé thiên tài Riri Williams (Dominique Thorne), aka Iron Heart của MCU, có khả năng chế tạo ra máy dò Vibranium trong tự nhiên và điều này đã thu hút sự chú ý của Talocan, một vương quốc ẩn sâu dưới đáy biển dưới sự lãnh đạo của Namor (Tenoch Huerta) và cũng có sở hữu lượng Vibranium dồi dào. Namor lo sợ thế giới mặt đất sẽ đổ xô đến đại dương để tìm kiếm thứ kim loại quý hiếm kia và đó là mối đe dọa trực tiếp đến Talocan, anh đã tìm đến Wakanda cho một đề nghị hợp tác để bảo vệ quyền sở hữu Vibranium của hai cường quốc này. Nhưng dã tâm của Namor là hơn thế nữa và hoàng gia Wakanda cảm giác được sự nguy hiểm đó, và sự chạm trán giữa 2 thế lực nắm giữ Vibranium là không thể tránh khỏi.
Đạo diễn Ryan Coogler vẫn giữ được thế mạnh khi truyền tải được nét văn hóa độc đáo của Wakanda, mô phỏng dựa trên các dân tộc Châu Phi trong thực tế, từng hình ảnh, từng âm thanh về cuộc sống và tang lễ của nhà Vua mang đến những trải nghiệm đầy cảm xúc. Với cốt truyện được đẩy theo hướng xoáy vào bất đồng về chính trị, phân chia tài nguyên và mâu thuẫn trong lợi ích của các quốc gia, Black Panther: Wakanda Forever mang màu sắc đen tối, cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Phần phim vượt xa hầu hết các bộ phim trước đây và người viết cho đây là một bước đi tốt của Marvel Studio khi một siêu anh hùng là người bảo vệ cho cả một quốc gia, một dân tộc, thì từng quyết định của họ phải mang nhiều màu sắc bi tráng, sự vĩ đại hơn chỉ là những cuộc giao tranh đơn thuần sức mạnh.
Đối với nhiều khán giả, nội dung này có thể dài dòng lê thê và thiếu điểm nhấn, nhưng nó làm bộ phim có chiều sâu hơn hẳn và cũng có nhiều câu thoại mang ý nghĩa mỉa mai suy nghĩ bá quyền của các cường quốc. Nhưng tổng thể, sự xuất hiện của quá nhiều nhân vật mới, thiếu thời gian phát triển cho từng người để khán giả có thể thấy được sự chuyển biến của họ, lại trở thành con dao hai lưỡi. Hai quốc gia và bộ sậu quyền lực đều không thể hiện được quá nhiều phẩm chất của mình, khiến họ lại trở nên dư thừa khi đến cuối cùng bộ phim lại xoáy vào cuộc đấu giữa Namor và Black Panther mới. Cuộc đấu này lại rất tệ hại khi vốn dĩ ban đầu cả hai bên đều phô trương tiềm lực của mình, siêu cường mạnh nhất mặt đất và dưới biển cả nhưng phần trình diễn khá "đầu voi đuôi chuột".
Nhưng đen tối ở đây cũng là phải mỉa mai tới chất lượng hình ảnh khi Marvel Studio giới thiệu Talocan. Việc dựa trên văn hóa Aztec và thay đổi nguồn gốc của quốc gia này đã khiến nó trở nên thiếu chiều dài lịch sử, cộng với việc chất lượng hình ảnh quá tối để khán giả có thể cảm nhận được sức mạnh của một cường quốc cũng sở hữu Vibranium. Namor gần như gánh toàn bộ sức mạnh cho Talocan và đây là một sự thể hiện tốt cho sức mạnh của dị nhân này trước khi anh có thể đảm nhận vai trò lớn hơn trong MCU.
Các cảnh quay slow-motion khá tốt và hiệu ứng nước bắt mắt nhưng lại chỉ tập trung vào cận chiến, trong khi sức mạnh công nghệ của Wakanda được xếp vào hàng mạnh nhất thế giới. Còn Iron Heart thì chỉ như phiên bản tri ân Iron Man dạng “5 anh em siêu nhân” hay phim hoạt hình nào đấy. Hơn hết, trận đánh của người mạnh nhất hai bên thì đúng là một trò đùa đúng nghĩa. Nhưng về âm thanh thì chất khỏi bàn, phần 1 đã rất tốt phần này còn tốt hơn. Nhạc mang màu sắc Phi Châu, nhạc nền Tolocan, âm thanh chiến đấu hay bài hát cực đỉnh của Rihanna vang lên đều mang một sức truyền tải to lớn.
Sự ra đi của Chadwick Boseman là một mất mát to lớn cho gia đình anh nói riêng và cả MCU nói chung. T’Challa – Black Panther là sự phản chiếu, sự kết nối của Wakanda vào đại gia đình MCU và dù nhà sản xuất đã đưa cả Ramonda và Shuri vào vai trò thay thế anh, dưới sự hỗ trợ của Nakia, M’Baku và cả Okoye, thì vẫn có một khoảng cách rất lớn so với những gì Báo Đen tiềm nhiệm mang đến. Anh là Black Panther và là đại diện mãi mãi của Wakanda đối với khán giả, sự im lặng tuyệt đối trong mỗi đoạn phim Chadwick Boseman xuất hiện là sự tưởng niệm đầy trang trọng của ekip cũng như fan dành cho anh.
Một bộ phim vừa đủ tốt để khép lại Phase 4 đầy thất vọng của MCU, nhưng nó cũng cho thấy rằng Marvel Studio khó có thể ngự trị mãi ở đỉnh cao khi khán giả sẽ ngày càng kì vọng nhiều hơn vào các dự án của họ và họ cần cố gắng hơn nữa để làm mới mình và thoát khỏi đà suy thoái khi cứ mải chạy theo deadline với quá nhiều dự án một năm.