Đánh giá phim

[REVIEW] Bố Già (2021)

Bố Già (2021) là câu chuyện về người cha Sang (Trấn Thành). Là cha đơn thân từ khi vợ bỏ đi, ông Sang trở thành chỗ dựa duy nhất cho 2 đứa con Quắn (Tuần Trần), một thanh niên tầm 20 mấy, và Bù Tọt chỉ mới học tiểu học.

Gia đình sống trong một xóm lao động ở Sài Gòn. Hàng xóm của ông Sang còn có ba anh em ruột của ông, lần lượt là Giàu, Phú, Qúy (ông Sang đứng thứ 3, sau chị cả Giàu).

Sài Gòn Giải Phóng

Điều đầu tiên phải nói là Bố Già là một bộ phim khá ổn về mặt chất lượng và nội dung. Nếu không bắt lỗi logic như chuỗi sự việc còn bộc lộ tính sắp xếp không được tự nhiên, phim có thể nói là hay.

Ngoài những cảnh quay rất thực về Sài Gòn, điều tuyệt vời ở phim là Bố Già đã kể được một câu chuyện cô đọng về tình phụ tử, đồng thời miêu tả được sự phức tạp của các gia đình nhiều thế hệ ở Việt Nam. Nhờ vậy mà kịch bản có thêm một tầng chiều sâu. Nhân vật cũng có dịp bộc lộ nhiều màu sắc.

Câu chuyện ở Bố Già nhìn rất điển hình trong thực tế ở xã hội Việt. Mô hình gia đình của thế hệ trước, nhất là nằm trong các thập niên 60 đến nay, đều đông con. Anh em nhiều khi chỉ ở cách nhau vài ngỏ đường.

Quan niệm về máu mủ của thế hệ họ cũng khác một trời một vực với giới trẻ ngày nay. Mâu thuẫn của phim không chỉ nằm ở mối quan hệ cha con, khoảng cách thế hệ, mà còn ở cách anh em một nhà đối đãi lẫn nhau.

PLO

Quắn – đại diện cho quan điểm sống của lớp trẻ, hầu như đã nói lên hết những điều canh cánh trong lòng họ về hai chữ “báo hiếu” (một phân cảnh rất ngầu đối với đa số bạn trẻ là anh chàng này tuyên bố “Ba ở nhà tôi nuôi”). Anh có lý của anh.

Bên cạnh đó, quan điểm của ông Sang cũng không sai. Ông là kiểu phụ huynh hết lòng vì gia đình trong truyền thuyết, chỉ có điều gia đình của ông quá lớn, bao gồm cả anh em. Điều đáng nói là họ khá ỷ lại vào lòng bao dung và hy sinh của anh ba Sang.

Góc nhìn của Bố Già khi tiếp cận những chủ đề này có thể nói là tương đối toàn vẹn và khách quan khi không chọn ưu ái quan điểm của bên nào. Phim đã tế nhị để trống câu trả lời cho nghi vấn này cho chính khán giả. Ngược lại, phim lấy vấn đề này làm tiền đề để xây dựng dàn nhân vật của mình thêm phong phú và phức tạp.

Bách Hóa Xanh

Các nhân vật của Bố Già sẽ không làm người xem cảm thấy dễ chịu. Không ai trong số này phù hợp với tiêu chuẩn con người đức độ tử tế mà xã hội chúng ta coi trọng. Quắn thuộc hội những người mà chúng ta gọi là kẻ theo đuổi sự phù phiếm với nghề Youtuber. Ông ba Sang thoạt nhìn giống như thánh nhân, nhưng cách ông “tự ngược” chấp nhận lối sống ích kỷ của anh em cũng sẽ khiến người xem khó chịu. Ba chị em còn lại của ông Sang thì đủ khuyết điểm như thực dụng, mồm mép, nhu nhược, hỗn hào, bê tha.

Nhưng trong tình huống ngặt nghèo, họ làm sáng lên giá trị gia đình. Dù ở trong cái nghèo, họ đều biết phấn đấu, mưu sinh chân chính. Ngay cả người em ngỗ nghịch nhất của ông Sang là Quý cũng biết quay đầu là bờ. Nên dù họ rất đáng ghét, người xem vẫn có thể đồng cảm với họ.

Bố Già vẫn mắc lỗi về logic. Nhiều chi tiết trong đây không được hợp lý, tỉ như bối cảnh của phim. Sài Gòn trong phim là Sài Gòn của năm 2021, xóm lao động của các nhân vật cũng là của 2021, nên nhiều chi tiết đồ cổ trong đây nhìn khá lạc quẻ.

Các sự kiện cũng không được sâu chuỗi một cách tự nhiên. Nhịp điệu phim dàn trải. Nhưng thông điệp và tính thống nhất của phim vẫn có thể gỡ gạc những điều này.

VNExrpess

Bộ phim này chắc chắn ăn điểm ở khâu thông điệp. Từ đầu đến cuối, ngay cả tên phim, đoạn kết, đều ca ngợi tình cha tuy không hoàn hảo, nhưng vẫn là một trong thứ tình cảm đáng trân trọng nhất trong đời người. Phim cũng làm người xem tâm đắc khi nhắc đến sự ngại ngùng của những đứa con trong việc bộc lộ tình thương với cha mẹ. Thông qua tựa phim Bố Già, phim nhắc nhở người xem cha mẹ đang già đi, không còn được bao nhiều cái ngày mai nữa, nếu không nói lời thương yêu hôm nay, thì còn chờ đến bao giờ.

Nói chung, Bố Già không hoàn hảo, nhưng là một bộ phim đạt chuẩn về nội dung và vô cùng xúc độnh về tình cha con, cũng như đưa ra góc nhìn phức tạp về hai chữ gia đình. Dĩ nhiên phim có những tình huống hài hước. Giọng hài của phim không những không nhảm, mà còn có duyên một cách tự nhiên. Bố Già không chỉ có tính giải trí, mà còn sâu sắc về thông điệp, nội dung.