Cá Mập Siêu Bạo Chúa (The Meg) là bộ phim về loài cá mập mới nhất chuẩn bị được ra mắt, tiếp nối những bộ phim kinh điển như Jaws, Deep Blue Sea, Sharknado, … và hàng loạt các bộ phim cùng đề tài khác. Nếu như bạn tìm kiếm trên google những bộ phim về loài động vật dưới nước ăn thịt người này thì sẽ có hàng tá cái tên hiện ra, đủ để cho chúng ta thấy rằng cá mập không phải là một thứ gì đó mới mẻ đối với các nhà làm phim Hollywood. Những tưởng con cá mập thời tiền sử Megalodon sẽ đem lại một làn gió mới, nhưng sau cùng thì người xem nhận ra đó chỉ là một con cá mập bự hơn mà thôi, và dường như bự hơn không đồng nghĩa với việc nó sẽ đáng sợ hơn.
Nội dung của Cá Mập Siêu Bạo Chúa vẫn đi theo đường lối cũ của các bộ phim lấy đề tài về các loài quái vật. Một nhóm các nhà khoa học nghiên cứu về một địa điểm nào đó, phát hiện ra một thế giới hoàn toàn mới, bị một sinh vật lạ tấn công và sau cùng phải ngăn chặn để sinh vật đó không gây nguy hiểm đến thế giới. Và khi loài người không thể tự tay ngăn chặn nó lại, dường như chúng ta luôn nhận được sự giúp đỡ đến từ một thế lực thiên nhiên khác. Thế nhưng, trong phim thì chỉ có loài người tự thân chống lại con cá mập dài gần 20 mét muốn đó là ăn tươi nuốt sống chúng ta. Tuy nhiên, có vẻ như con cá mập thời tiền sử trông có vẻ như chưa thực sự thích thú với thịt người cho lắm.
Khán giả nào có nỗi sợ máu me thì đừng lo lắng bởi vì trong phim không có nhiều người chết và bộ phim chỉ mang nhãn mác PG-13 mà thôi. Cá Mập Siêu Bạo Chúa dường như đã để lỡ mất cơ hội của một cuộc đại tàn sát, một bữa tiệc thịnh soạn dành cho chú cá mập mới thức tỉnh của chúng ta. Lý do có lẽ là vì bộ phim nghiêng về những pha hành động của Jason Staham hơn là những yếu tố kinh dị đến từ một con cá mập với lực của một cú táp có thể lên đến 180,000 newton. Điều này đã khiến đạo diễn Jon Turteltaub thất bại trong việc khiến người xem phải sợ hãi và thay vì phải lo lắng, hoảng loạn trong một thế giới mà dường như bạn sẽ bị ăn thịt bởi một con cá mập khổng lồ bất cứ lúc nào, các nhân vật ở trong phim luôn vui vẻ và không ngại hi sinh bản thân thì phải. Người xem có thể thả mình trôi giữa dòng biển mà không lo bị đớp bởi vì kiểu nào cũng sẽ được Jason Staham hoặc Lý Băng Băng cứu sống.
Ở đầu phim, chúng ta được giới thiệu về trung tâm nghiên cứu Mana One dưới đại dương của Tiến sĩ Zhang (Winston Chao) cùng với đội ngũ nghiên cứu của ông, trong đó có cô con gái Suyin (Lý Băng Băng). Thế giới dưới độ sâu hơn mười ngàn mét ở biển Thái Bình Dương ban đầu xuất hiện rất ấn tượng, với hình ảnh đầy màu sắc và kỳ lạ của những sinh vật tồn tại nơi đây, nhưng thật đáng tiếc khi về sau nó không còn được khai thác nữa. Các nhà làm phim có thể tận dụng thế giới này để giới thiệu những sinh vật tiền sử khác và cho con Meg đối đầu với một sinh vật khổng lồ nào đó chẳng hạn nếu như họ muốn làm một phần phim tiếp theo.
Nhân vật chính Jonas Taylor (Jason Staham) cũng xuất hiện ngay phân cảnh đầu tiên và câu chuyện của anh có lẽ là điểm sáng nhất của bộ phim. Bản thân Jason cũng đã rất xuất sắc trong các pha hành động dưới nước, nhưng việc anh tự thân một mình chiến đấu với con cá mập khiến cho người viết không thể nào không liên tưởng anh với The Rock trong các bộ phim hành động gần đây. Có lẽ vì cả hai người đều mang một cái đầu hói, và cả hai đều bất khả chiến bại khi phải đối đầu với những con quái thú khổng lồ hay toà nhà cao nhất thế giới.
Mối quan hệ giữa Jason và Băng Băng trong bộ phim không hấp dẫn cho lắm, một phần cũng là vì nhân vật của Băng Băng chưa được xây dựng tốt và diễn biến tâm lý của nhân vật này luôn khiến người xem phải thắc mắc tại sao cô ta lại hành động như vậy. Lời thoại của nhân vật Suyin, cũng như của một số nhân vật khác, không được trau chuốt kỹ lưỡng và cùng với việc là một người ngoại quốc nên những câu thoại của Băng Băng có vẻ gượng ép và không tự nhiên. Điểm đáng khen đó là mối quan hệ giữa hai mẹ con Suyin và Meiying, cũng như giữa cô bé và nhân vật của Jason rất dễ thương, tất cả đều nhờ vào sự đáng yêu và láu lỉnh của diễn viên trẻ Shuya Sophia Cai. Nhưng nhắc đến cô con gái Meiying thì người viết lại nhận ra sự lười nhác của biên kịch vì tại sao lại đưa một cô bé mới mấy tuổi lên con tàu khi có nguy cơ sẽ bị tấn công bởi con cá mập ở hồi cuối bộ phim? Chả lẽ Suyin chỉ quan tâm đến việc ngăn chặn con cá mập mà không lo đến an nguy của con gái mình hay sao?
Tuyến nhân vật phụ của phim thì đông mà những chi tiết đáng để lưu tâm chỉ đếm trên đầu ngón tay. Có một phân đoạn về cái chết của một nhân vật mà nhà làm phim muốn gây cảm động đối với khán giả nhưng dường như thất bại bởi vì nguyên nhân dẫn đến cái chết không thực sự thuyết phục và việc xây dựng những chi tiết dẫn đến cái chết đó còn khá sơ sài. Hồi cuối của bộ phim cũng làm người xem phải thất vọng vì plot twist khá dễ đoán và khán giả không thể thấy được vì sao Megalodon lại mang biệt danh kẻ săn mồi to lớn và vĩ đại nhất lịch sử khi nó quá “hiền lành” và không thèm sử dụng hết “nguồn thức ăn” được bày ra trước mặt nó.
Duy có một thông điệp mà bộ phim đã thành công trong việc truyền tải đến khán giả đó là có những thứ loài người chúng ta không nên xâm phạm. Chúng ta cho mình quyền hạn được khai thác và khám phá thiên nhiên, thế nhưng đôi khi chúng ta lại đi quá giới hạn được cho phép và đó là lúc thiên nhiên sẽ đáp trả lại, cụ thể ở đây đó là một con cá mập khổng lồ nặng gần hàng chục tấn. Đó không phải là một thông điệp mới gì vì nó đã xuất hiện trong các bộ phim quái vật gần đây như Godzilla hay Kong, thế nhưng cách mà bộ phim này truyền tải rất tự nhiên và dễ hiểu.
Cá Mập Siêu Bạo Chúa không phải là một bộ phim xuất sắc, có thể nói là tệ so với những bộ phim khác về thể loại kinh dị và lấy đề tài về loài cá mập, nhưng nếu như bạn muốn có một khoảng thời gian giải trí ngoài rạp thì bộ phim này cũng không phải là một lựa chọn gì đó quá tồi tệ.