Đánh giá phim

[REVIEW] Carter (Netflix) - Bom tấn hành động xứ Hàn tràn ngập cảnh bạo lực với xác sống

Những năm gần đây Netflix Hàn Quốc dường như bị ám ảnh với dòng phim zombie và Carter - tác phẩm mới nhất lên sóng cũng chẳng là ngoại lệ. Được đạo diễn và đồng biên kịch bởi Jung Byung Gil cùng với Jung Byeong Sik, Carter cũng lấy bối cảnh khi đại dịch bùng phát từ Khu phi quân sự Hàn Quốc, nơi virus đang biến các nạn nhân thành quái vật hoang dã với đầu rụng hết tóc.

“ScreenRant”

Triều Tiên và Hoa Kỳ là hai đất nước đã bị tàn phá bởi loại virus này. Nam chính Carter (Joo Won) phải tiến hành một nhiệm vụ giải cứu, đóng vai trò là tìm kiếm phương pháp chữa trị cho đại dịch này khi đưa cô bé tên là Jung Ha Na (Kim Bo Min) đến nơi được yêu cầu.

Đoạn đầu phim, khán giả có thể thấy rằng Carter không có bất kỳ ký ức nào về việc anh là ai. Các bộ phận trên cơ thể Carter được vũ khí hóa và đầu bị cài một thiết bị âm thanh mà chỉ anh mới có thể nghe thấy, hướng dẫn trong suốt nhiệm vụ của mình. Carter không biết liệu anh ta có thể tin tưởng hay không và có một quả bom được gài bên trong răng anh và khoảng ba cơ quan chính phủ khác nhau với hàng trăm đặc vụ dường như muốn anh bay màu.

“ScreenRant”

Với bối cảnh đại dịch zombie quá là nhàm chán cộng thêm cốt truyện cũ rích: một đặc vụ được phái đi cứu nhân vật nhỏ tuổi, Carter gây nhàm chán cho khán giả ngay từ những giây phút đầu tiên. Sáng tạo lớn nhất của Jung Byung Gil cho Carter chính là cách quay mang lại cảm giác như one-shot. Một trong những ví dụ sớm nhất về kỹ thuật làm phim này là Rope, nơi Alfred Hitchcock dự định làm một bộ phim mà không có bất kỳ đoạn cắt nào. Tuy nhiên vì nhiều hạn chế, kỹ thuật này đã được vay mượn và cập nhật với kỹ thuật ghép CGI trong các bộ phim như Irréversible, Birdman, 1917 One Shot.

Tuy nhiên, cách mà Byung Gil và ê-kíp thực hiện Carter thì thực sự quá tệ hại. Với nhịp độ gấp gáp, phim kéo dài đến tận 2 tiếng đồng hồ nhưng đổi cảnh chóng mặt và các góc máy quay quá nhanh khiến người xem thực sự có cảm giác như Carter chỉ là một bản chỉnh sửa sơ sài của bộ phim mà thôi. Nếu xem kỹ, bạn có thể thấy rằng bóng của một chiếc máy ảnh lù lù xuất hiện như bằng chứng rõ ràng cho kỹ thuật ghi hình siêu tệ của bộ phim này.

“ScreenRant”

Chẳng hiểu sao hồi 5 năm trước, Jung Byung Gil đã áp dụng kỹ thuật này cho The Villainess (2017) nhưng tác phẩm có chất lượng thực sự đáng ngạc nhiên và nhanh chóng gây bão không chỉ ở Hàn Quốc mà còn trên toàn châu Á. Trên thực tế, bộ phim đó cũng đã truyền cảm hứng cho John Wick: Chapter 3. Bộ phim giống như một chuỗi hành động kéo dài 2 giờ và rất ít thời gian chết. Carter như một cỗ máy, chém và bắn theo cách của mình qua nhiều cuộc rượt đuổi bằng xe máy, ô tô và các cuộc đấu súng giữa không trung. Ở một phân đoạn anh treo lơ lửng từ một cây cầu dây đang tan rã với zombie tấn công từ cả hai phía. Dẫu biết thể loại hành động xem không cần logic nhưng Carter của Jung Byung Gil thực sự ở một level phi lý khác. 

“ScreenRant”

Giống như nhân vật chính, khán giả hầu như không có thời gian để thở hay điều tiết mắt để theo kịp các diễn biến quá nhanh. Ngoài những điểm trừ lớn, Carter chỉ có một điểm cộng nhỏ đó là diễn xuất tuyệt vời của Joo Won cũng như sự lăn xả hết mình mà anh dành cho nhân vật Carter. Cô bé Kim Bo Min cũng là nhân tố khiến người xem thích thú và có tương tác cực kỳ ăn ý với Joo Won.

“ScreenRant”

Carter chắc chắn là một trong những bộ phim tệ nhất của năm và một trong những bộ phim hành động tệ nhất mọi thời đại mà Jung Byung Gil nên lãng quên. Chẳng hiểu sao với số tiền lớn mà Netflix bỏ ra, đạo diễn xứ Hàn lại có thể đánh cược vào cách quay dở tệ và quá chóng mặt như vậy? Những tác phẩm hành động gần đây của Netflix như Red Notice, The Gray Man dường như là một bước lùi về mặt phát triển của thể loại. Sau sự thất bại của Carter, để xem ông lớn phát trực tuyến còn đổ tiền vào dự án đầu voi đuôi chuột như thế này nữa không?