Gia đình có một bà chị dâu là goá phụ và 4 cô em chồng. Mới nghe thôi là đã thấy mùi drama sóng gió. Đã thế trong bộ phim điện ảnh Chị Dâu 4 “bà cô bên chồng” này bà nào cũng đanh đá, miệng lưỡi ghê gớm, hơn thua nhau từng chút một.
Một câu chuyện đậm chất Việt
Phụ nữ thế hệ trước thường rỉ tai nhau lấy chồng nên tránh lấy con trưởng hoặc gia đình có đông chị em gái. Vậy mà bà Hai Nhị (Việt Hương) lại vớ ngay được cái combo “độc đắc” này. Bà là dâu trưởng của một gia đình có đến 4 chị em gái. Đã thế chồng bà – người đàn ông duy nhất trong gia đình này lại "ra đi" trước bà một bước.
Bốn cô em chồng này mỗi người một tính. Nhưng có một điểm chung là ít nhiều đều không ưa bà chị dâu Hai Nhị - chủ tiệm vàng giàu có. Theo họ chị dâu trưởng có đam mê “làm hình ảnh”, phô trương, “dài tay”. Và lần giỗ này Hai Nhị đúng thật đã làm một cái giỗ rình rang nhất, mời cả làng đến và tuyên bố sẽ sửa lại nhà từ đường.
Năm người phụ nữ sống riêng nhưng khi có giỗ lại tụ họp về nấu nướng, hương khói cho cha mẹ đã khuất. Tuy nhiên đa phần việc tay chân đều do Năm Thu và Út Như làm. Bà Hai Nhị đi tiếp khách khứa. Cô Ba Kỳ thì dạo khắp nơi chê trách đám giỗ to. Cô Năm Thu tiện thể đâm chọt thêm cho thỏa đam mê.
Đám giỗ - nơi mọi mâu thuẫn lên cao
Đám giỗ là một nét văn hóa đặc biệt của người Việt. Đây không chỉ là dịp để tưởng nhớ người đã khuất mà còn là lúc họ hàng, bạn bè, xóm giềng tụ hội chia sẻ những câu chuyện gia đình, con cái. Nói nôm na là một cách để thắt chặt tình làng nghĩa xóm.
Tuy nhiên, đám giỗ cũng thường kéo theo những cuộc ăn nhậu quên trời đất. Và đôi khi là những cuộc ẩu đả, to tiếng không mong muốn. Nói cách khác, đây là dịp phơi bày nhiều nét tính cách của người Việt, cả tốt lẫn xấu.
Câu chuyện phim xoay quanh đám giỗ của gia đình 4 chị em gái và một người chị dâu. Bà chị dâu Hai Nhị cố gắng làm một cái đám giỗ thật to, mời gần như cả làng đến tham dự rồi tuyên bố sẽ sửa lại nhà từ đường. Mà người nhiều thì việc nhiều, những người phụ nữ trong nhà cũng “đầu tắt mặt tối” theo đám giỗ.
Theo như lời của Ba Kỳ - người đã quen với nếp sống tại thành phố thì việc làm giỗ to là không cần thiết, chỉ tổ mệt người. Giỗ thì chỉ cần làm một mâm cúng cho cha mẹ là được rồi.
Ý kiến này nhận được sự đồng tình của cô Năm Thu thích tạo drama. Còn hai cô Tư Ánh và Út Nhị thì tất bật với việc nấu nướng, dọn dẹp nên cũng đâm ra ghét bà chị dâu.
Đã thế bà Hai Nhị lại chẳng hỏi ý kiến chị em gái nào trong nhà. Tự ý tuyên bố với người làng là sẽ sửa lại cái nhà từ đường trăm năm tuổi. Chính điều này như một giọt nước tràn ly, đẩy mâu thuẫn của 5 người phụ nữ lên đỉnh điểm. Và đám giỗ trở thành một buổi “luận tội” đúng nghĩa. Khi ai cũng là người đúng trong câu chuyện của mình.
Khi ta cười rồi khóc với các nhân vật
Điện ảnh và truyền hình Việt đã khai thác rất nhiều đề tài mẹ chồng – nàng dâu. Tuy nhiên mối quan hệ chị dâu – em chồng lại ít được đề cập đến. Thực tế đây lại là một mối quan hệ phức tạp, chứa đựng nhiều xung đột ngầm. Và thực tế là khó có hồi kết. Vậy làm thế nào những xung đột của 5 người phụ nữ trong Chị Dâu lại có thể hóa giải được?
Dù có bề ngoài có giỏi giang, thành đạt đến mấy những người phụ nữ trong Chị Dâu vẫn có những khổ đau được chôn kín. Mà đến buổi “luận tội” tất cả được bung xõa ra. Trong đó căng thẳng nhất là màn đốp chát của bà chị dâu Hai Nhị và bà cô Ba Kỳ.
Bà Hai Nhị tuy luôn được mọi người khen giỏi giang, tháo vát nhưng luôn bị ám ảnh trước trọng trách làm dâu trưởng, đặc biệt là khi chồng bà qua đời. Tuy chủ trương làm đám giỗ to nhưng bà cũng mệt mỏi không kém gì những chị em khác trong nhà. Nhưng theo bà thì: “không mời người ta sẽ trách, người ta thương quý mới đến dự đám giỗ nhà mình.”
Bà muốn giữ lại nhà từ đường, sửa chữa cho khang trang hơn là để con cháu có nơi để lui về, để biết nguồn gốc, tổ tiên. Để cô Tư Ánh có chỗ ở tử tế hơn. Và bà sẵn sàng bỏ tiền túi của mình ra tự lo liệu tất cả.
Cô Ba Kỳ nhìn vẻ ngoài kiêu kỳ, thành đạt, hay tỏ vẻ khó chịu. Nhưng thực chất lại có nỗi đau không thể chia sẻ với ai về gia đình mình. Chứng nghiện rượu của cô ngày càng nặng, mối quan hệ với con gái cũng căng thẳng hơn.
Cô Ba Kỳ luôn muốn kiểm soát, nhưng những thứ quan trọng trong đời cô lại đang dần vượt quá tầm tay cô. Đến cả chuyện sửa nhà, cô cũng không hay không biết gì cả. Đó là lý do khiến cô bùng nổ, cãi nhau to với chị dâu.
Nghe thì chồng chất bi kịch, nhưng Chị Dâu đã xử lý tốt câu chuyện của các chị em, không sa đà vào các tình tiết melodrama câu nước mắt. Như đoạn cãi nhau của vợ chồng cô Ba Kỳ. Tuy câu chuyện thực tế có sắc màu bi kịch nhưng cũng khiến người ta cười ra nước mắt.
Hay những mảng miếng hài do của cô Năm Thu. Cứ ai nói gì cô là cô nhảy dựng lên bốp chát lại. Tuy là người đứng lên lên án bà chị dâu hăng hái bậc nhất nhưng khi đối diện với Hai Nhị thì cô lại “ngoan xinh yêu” đến lạ.
Thực chất mâu thuẫn của bà Hai Nhị và những cô em chồng là mâu thuẫn giữa truyền thống và hiện đại. Bà Hai Nhị là hiện thân cho hình ảnh dâu trưởng kiểu mẫu, của những giá trị truyền thống. Còn những cô em chồng, cụ thể là cô Ba Kỳ là đại diện cho sự tân tiến, hiện đại. Và chẳng có ai sai, cũng như đúng tuyệt đối ở đây cả.
Tuy nhiên Chị Dâu không phải là không có khuyết điểm. Phim chưa đào sâu lắm vào các nhân vật. Đặc biệt nhân vật bà Hai Nhị có phần hoàn hảo, một chiều quá. Dù đạo diễn Khương Ngọc nói rằng anh viết nhân vật này dựa vào hình mẫu một người họ hàng. Nhưng những điều mà Hai Nhị đã hy sinh cho gia đình nhà chồng quả thực hiếm gặp ngoài thực tế.
Dàn diễn viên thực lực
Chị Dâu khó lòng mà hấp dẫn đến thế nếu không có sự thể hiện của các nữ diễn viên thực lực: Việt Hương, Hồng Đào, Đinh Y Nhung, Lê Khánh. Đến cả Ngọc Trinh, cũng rất hợp vai với nhân vật Út Như.
Bối cảnh của Chị Dâu chủ yếu diễn ra trong một ngôi nhà. Phim dày đặc thoại nhưng vẫn hấp dẫn. Nhờ vào kịch bản chắc tay, đậm chất Việt, cũng như diễn xuất ấn tượng của các nữ diễn viên.
Nổi bật nhất phim là Hồng Đào và Việt Hương, 2 người có nhiều đất diễn hơn kha khá so với những nhân vật khác. Cũng là 2 nhân vật chất chứa nhiều ẩn ức nhất. Phân đoạn đối thoại gần cuối phim của Hai Nhị và Ba Kỳ quả thực quá cảm xúc và cuốn hút.
Lê Khánh là người “gánh” mảng hài trong phim. Cô tiếp tục thể hiện được nét hài duyên dáng với những màn “đốt nhà” của Năm Thu. Vai Tư Ánh của Đinh Y Nhung hơi ít đất diễn nhưng cô vẫn thể hiện được nét u uất, nỗi khổ tâm của nhân vật. Ngọc Trinh cũng có sự trở lại ấn tượng với vai diễn cô Út Như xinh đẹp, vớ phải ông chồng nợ nần nhưng… kiên quyết không bỏ chồng.
Cả 5 người yêu nhau lắm cắn nhau đau. Làm tổn thương nhau, rồi lại chữa lành cho nhau – điều rất dễ bắt gặp ngoài đời thật. Hơn 90% thời lượng Chị Dâu đem đến cho khán giả nhiều tình tiết hài hước, sâu cay, hấp dẫn. Và sự xúc động, chữa lành, ấm áp tình thân ở những phút cuối cùng. Chị Dâu có một câu chuyện trọn vẹn, chỉn chu, chứa đựng thông điệp gia đình quý giá. Xứng đáng đứng trong danh sách những phim Việt hay nhất năm 2024.