Chicago là bộ phim nhạc kịch mà chắc chắn những ai yêu thích thể loại này không thể bỏ qua. Ra mắt năm 2002, Chicago dựa trên vở nhạc kịch cùng tên, dưới bàn tay nhào nặn của Rob Marshall và có sự tham gia của nhiều diễn viên nổi tiếng như Renée Zellweger, Catherine Zeta-Jones và Richard Gere. Được đề cử 13 giải Oscar, Chicago thắng tổng cộng 6 giải, trong đó có giải Phim hay nhất.
Vậy thì những yếu tố nào đã tạo nên thành công của Chicago?
Nhân vật chính của Chicago là Roxie Hart (Renée Zellweger), một kẻ giết người dễ thương tóc vàng và ngốc nghếch, có ước mơ trở nên nổi tiếng bằng khả năng ca hát và nhảy múa của mình. Sau khi bị bắt và lo sợ bị xử treo cổ, cô tìm đến luật sư Billy Flynn, kẻ có thể bẻ cong công lý bằng miệng lưỡi và chiêu trò của mình. Cuối cùng, trải qua bao sóng gió, Roxie Hart được tự do và cùng với Velma Kelly (Catherine Zeta-Jones), một kẻ giết người khác, cả 2 tìm thấy danh tiếng mà họ cho rằng mình “xứng đáng” được hưởng.
Một trong những lý do đầu tiên và quan trọng nhất giúp Chicago chạm tay được vào tượng vàng Oscar danh giá ở hạng mục cao nhất, là nhờ phần nội dung có lớp lang, thực tế và đầy cay đắng, ẩn sau những màn ca vũ rộn ràng và vui vẻ. Lấy bối cảnh thời đại nhạc Jazz (thập niên 20 đến 30) ở Mỹ, bộ phim khai thác cuộc sống chìm trong sự hào nhoáng, scandal, giả dối, sự suy đồi đạo đức và sự bất công của xã hội có nhiều góc khuất.
Roxie Hart – nhân vật chính của phim và câu chuyện của nhân vật này thật khó làm người ta đồng cảm và thật dễ khiến người ta căm ghét. Có một cuộc sống đơn giản với người chồng dù không giàu có, không đẹp trai, nhưng yêu thương cô ta hết mực, yêu một cách ngu ngốc, mù quáng và bạc nhược, sẵn sàng làm tất cả vì cô ta.
Tuy vậy, Roxie không quan tâm đến điều đó, cô ta cần danh tiếng, cần tiền, vì thế mà sẵn sàng cắm cho chồng mình 3-4 cái sừng, ngủ với một kẻ bán nội thất và tin rằng hắn sẽ giới thiệu cô ta cho câu lạc bộ ca vũ Onyx. Nhân vật Roxie Hart là đại diện cho những kẻ thủ đoạn ở một khía cạnh khó nhận ra: trông có vẻ ngốc nghếch, ngây thơ nhưng tham vọng lớn và sẵn sàng vứt bỏ tất cả, sẵn sàng làm tất cả, kể cả những việc dơ bẩn nhất để có được thứ mình muốn. Nếu so với Velma Kelly – cô nàng trông lúc nào cũng cao ngạo, chảnh chọe, mạnh miệng thì Roxie chắc chắn đáng ghét gấp nhiều lần.
Trong tù, Roxie gặp những người phụ nữ khác với thân thế và nhiều lý do khác nhau để ra tay hạ sát những người đàn ông xung quanh họ. Tôi không cho rằng vì chi tiết này mà chúng ta cho rằng đây là bộ phim nói về nữ quyền. Chicago không phải bộ phim mà người xem có thể gán cho nó cái mác nữ quyền. Chicago phản ánh sự suy đồi đạo đức và sự mục ruỗng của giá trị gia đình tại thời điểm đó.
Lý do giết người của những người phụ nữ ấy có thể rất đơn giản, anh ta làm cô ta khó chịu, anh ta cáo buộc vô lý cô ta ngoại tình, hoặc lý do vô cùng chính đáng là hắn chơi đùa với tình cảm của người phụ nữ đã dành cho hắn hết thanh xuân. Đương nhiên là những người phụ nữ này chẳng hề hối hận vì bàn tay vấy máu của mình. “It was a murder, but not a crime.” Đấy có thể là một vụ giết người, nhưng đấy không phải là tội ác.
“He had it coming, he had it coming. He only had himself to blame.” Đối với những người phụ nữ phía sau song sắt trong Chicago, những kẻ ấy phần nào đã tự chuốc lấy cái kết cho mình.
Ngoại trừ người phụ nữ Hungary bị kết tội oan, nếu để ý kỹ, chúng ta có thể nhìn thấy Roxie Hart khác với những người phụ nữ này như thế nào, và lý do khiến cô ta trở nên đáng sợ hơn tất cả. Họ đều có vẻ gì đó thù hằn trên mặt, vẻ cao ngạo khó chịu hoặc vẻ ngang tàng, bất cần. Đối nghịch với họ, Roxie Hart lúc nào cũng có vẻ ngây thơ, dễ thương, với mái tóc vàng và gương mặt trẻ con. Nhưng ẩn sau đó là sự tham vọng, là sự tham lam danh tiếng không điểm dừng.
Sau khi gặp Billy Flynn, Roxie và hắn ra sức nghĩ ra các chiêu trò để mua chuộc truyền thông, báo giới, bóp méo sự thật và góc nhìn của công chúng. Roxie Hart từ một kẻ giết người, một bước “vụt sáng” thành ngôi sao của Chicago. Tên cô ta xuất hiện khắp nơi, quần chúng còn đua nhau ăn mặc và làm tóc như Roxie, mua búp bê hình Roxie… Thế nhưng, như Billy Flynn nói: “Đây là Chicago,” và Roxie chỉ là “sao dỏm”. Một khi kềnh kềnh báo chí “đánh hơi” được mùi máu (án mạng) ở nơi khác là sẽ bâu vào nơi đấy và ngay lập tức bỏ quên cô ta. Bởi thế mà cô ta buộc phải nghĩ ra nhiều trò khác để thu hút sự chú ý (chả khác giới showbiz Việt Nam hiện nay là mấy).
Một khi cô ta tự do, đồng nghĩa với việc Roxie không còn giá trị đối với truyền thông nữa và danh tiếng của ả vụt tắt. Nhưng với bản tính tham lam và không bao giờ hài lòng với những gì mình có, Roxie không chấp nhận việc mình tự do, nhưng đồng thời cũng không được gì cả.
Chicago đáng lẽ sẽ hoàn hảo nếu happy-ending của phim là Roxie Hart nhận được hậu quả mà mình xứng đáng được nhận. Nhưng như thế thì có lẽ không thực tế tí nào. Ở đời, đâu phải lúc nào công lý cũng được thực thi và những kẻ như Roxie Hart sẽ phải trả giá? Cái kết của phim là hạnh phúc dành cho Roxie, nhưng đồng thời cũng khiến chúng ta phải suy ngẫm bởi trước phiên tòa của cô ta, người phụ nữ Hungary vốn bị oan, nhưng kháng cáo không thành và bị treo cổ. Còn những kẻ như Roxie thì được tự do và tiếp tục cuộc sống hào nhoáng giả dối. Một bộ phim trông có vẻ hài hước và sôi động, nhưng ẩn sau đó là thực tế đáng buồn của xã hội mà thời nào cũng có.
Âm nhạc của phim là điểm nhấn đặc biệt với ca từ hòa quyện vào cốt truyện, vào thoại của nhân vật, cùng vũ đạo hấp dẫn và cho thấy sự đầu tư lớn. Những góc quay hòa quyện giữa âm nhạc và thực tế của câu chuyện khiến mạch phim không bị nhàm. Nhạc phim chủ yếu là các bài nhạc Jazz, nhưng khá dễ nghe và bắt tai. Hóa thân và vũ đạo của các diễn viên quả thực rất đáng nể. Các bài hát như Cell Block Tango, When You’re Good to Mama, We Both Reached For The Gun, Mr Cellophane… có sự xắp xếp bối cảnh và ca từ rất hay.
Đặc biệt là bài We Both Reached For The Gun, khi Billy đóng vai một nghệ nhân múa rối, còn Roxie và báo chí tình nguyện đóng vai con rối để hắn ta điều khiển. Hoặc bài Mr. Cellophane khi Amos – chồng của Roxie vẽ gương mặt như một chú hề và hát bài hát về sự vô hình đến đáng thương của mình trong mắt người vợ. Bài hát ấy cho thấy chính xác Amos là ai và vai trò của anh ta trong đời Roxie: một tên hề.
Hoặc bài Razzle Dazzle của Billy, với khung cảnh đầy màu sắc, tượng nữ thần công lý bị đưa lên cao và phía dưới, những vũ công nhảy múa với nhịp điệu, âm nhạc, tiếng hát át cả hình ảnh thiêng liêng ấy, biểu tượng cho phiên tòa không khác gì trò cười của Billy và Roxie. Và đáng buồn là tất cả mọi người đều tin vào phiên tòa ấy, tin vào công lý trong căn phòng ấy. Hay bài All I Care About cũng của Billy.
Hắn hát rằng chẳng quan tâm đến tiền bạc, danh tiếng, kim cương mà chỉ quan tâm đến “bản năng đàn ông”, đến tình yêu. Nhưng thực tế thì hắn phải có $5000 mới nhận bào chữa cho Roxie. Roxie giở trò mời gọi, nhưng Billy không quan tâm, hắn chỉ nhận vụ của Roxie khi cô có đủ $5000.
Trong số các phân cảnh nhạc kịch đan xen với mạch phim thì ấn tượng nhất là khi cô gái người Hungary bước lên đàn treo cổ, song song trong tưởng tượng là khi cô mặc bộ trang phục múa ballet thiên nga trắng và bước lên sân khấu biểu diễn, đối diện dây thòng lọng trước mặt. Khi cô nhảy xuống, tượng trưng cho cái chết của một người vô tội, đám đông đắm mình trong ánh đèn đỏ, đứng lên vỗ tay và reo hò như vừa được xem một màn trình diễn tuyệt hảo. Đây có thể nói là phân cảnh vô cùng đắt giá của Chicago.
Chicago là phim nhạc kịch đầu tiên sau 30 năm kể từ Oliver! (1968) đoạt giải Oscar Phim hay nhất. Chicago, cùng với Moulin Rogue! và 8 Mile, là 3 bộ phim giúp thể loại nhạc kịch có cơ hội sống dậy, kéo theo sau là nhiều phim nhạc kịch hấp dẫn khác được ra đời/remake là Phantom of the Opera, Dreamgirls, Sweeney Todd: The Demon Barber of Fleet Street, Mamma Mia!, Nine, Les Misérables… Đến thời điểm hiện tại, vẫn chưa bộ phim nhạc kịch nào khác có thể tiếp bước Chicago giành giải thưởng danh giá này.
Phim nhạc kịch đối với khán giả Việt Nam vẫn còn là thể loại khá kén người xem, nhưng nếu đặc biệt thích thể loại phim kết hợp ca vũ, Chicago nhất định là phim mà bạn phải thưởng thức một lần trong đời.