Là bộ phim thứ 9 trong sự nghiệp của “quái kiệt” Quentin Tarantino trong vai trò biên kịch và đạo diễn, Chuyện Ngày Xưa ở Hollywood (Once Upon a Time in Hollywood) mang lại cho khán giả cảm giác hoài niệm, cả về bối cảnh của chính bộ phim, lẫn phong cách của Tarantino bởi đã 4 năm rồi kể từ khi The Hateful Eight ra mắt, vị đạo diễn này mới cho ra đời một tác phẩm khác.
Chuyện Ngày Xưa ở Hollywood có thể hơn thua tám lạng nửa cân với The Hateful Eight hoặc Django Unchained, tuy vậy, có lẽ phim chưa đến mức xuất sắc để sánh ngang với Pulp Fiction – bộ phim góp phần làm thay đổi cả nền điện ảnh hay Inglourious Basterds – tác phẩm cho thấy kỹ thuật làm phim tuyệt vời và cách kể chuyện gọn ghẽ, cuốn hút của Tarantino. Chuyện Ngày Xưa ở Hollywood nói riêng và các phim khác của Tarantino nói chung vốn không dành cho mọi đối tượng khán giả. Có người cảm thấy các câu chuyện trong phim của ông quá nhảm nhí, cách kể chuyện lan man và buồn ngủ, nhưng cũng có người rất mê phim của Tarantino và nếu bạn chê phim của vị đạo diễn này trước mặt họ thì hãy chuẩn bị tinh thần đi nhé vì họ chắc chắn sẽ không để bạn yên đâu.
Phim lấy bối cảnh năm 1969, xoay quanh chàng diễn viên Rick Dalton (Leonardo DiCaprio) và người bạn, đồng thời cũng là diễn viên đóng thế lâu năm của anh, Cliff Booth (Brad Pitt) đang phải vật lộn với sự nghiệp xuống dốc. Hollywood đang trải qua nhiều đổi thay và thế hệ “già cỗi” như anh chàng sắp bị thay thế.
Nhiều khán giả mới chưa bao giờ xem phim của Tarantino có thể sẽ thấy lạ lẫm, nhưng phong cách kể chuyện của vị đạo diễn này là kiểu phi tuyến tính đã có từ thời Pulp Fiction và đến Chuyện Ngày Xưa ở Hollywood thì tiếp tục được áp dụng. Lối trần thuật kết hợp hồi tưởng và pha trộn câu chuyện của nhiều nhân vật khác nhau tưởng chẳng có gì liên quan, cuối cùng lại có ảnh hưởng qua lại không ít thì nhiều ở phần cao trào hoặc hậu cao trào.
Chuyện Ngày Xưa ở Hollywood không giống như nhiều tác phẩm trước đó của vị đạo diễn này, khi phim ít yếu tố bạo lực hơn hẳn. Bản thân Tarantino từng chia sẻ rằng phim không tập trung nói về vụ án mạng do băng đảng Mansion gây ra, mà tập trung nói về câu chuyện của một thế hệ diễn viên “già nhất ở Hollywood” và những thay đổi mang tính thời đại ảnh hưởng lên ngành công nghiệp phim ảnh nói riêng và mọi mặt khác của đời sống nói chung. Thông qua nhân vật Rick Dalton, chúng ta có cái nhìn rõ nét, vừa thực tế, vừa có hơi cường điệu về công việc của một diễn viên, về những thách thức và bất cập khi họ bị "đóng khung" vai diễn trong sự nghiệp, không theo kịp sự thay đổi trong phong cách diễn xuất, sự khác biệt quan điểm khi làm việc với đạo diễn...
Chính vì thế mà phim sẽ không có những cô nàng tóc vàng mạnh mẽ lập mưu trả thù như “Kiddo” của Kill Bill (mặc dù các nhân vật tóc vàng vẫn ngập tràn trong Chuyện Ngày Xưa ở Hollywood bởi đây là hình mẫu nhân vật yêu thích của ông), vậy nên cũng sẽ không có các phản diện vừa tuyệt vời lại vừa đáng sợ như Hans Landa của Inglorious Basterds hay Calvin Candie của Django Unchained. Phản diện của Chuyện Ngày Xưa ở Hollywood không hơn gì “một đám hippy vớ vẩn” trông rất buồn cười kể cả khi chúng nói và làm điệu bộ đáng sợ, nhưng cũng chính vì thế mà bộ phim lại là một cách phá vỡ luật lệ khác của Tarantino khi nó đi ngược lại những gì mà chúng ta đã biết trong các phim trước đó của ông.
Dù vậy, Chuyện Ngày Xưa ở Hollywood thoát li hoàn toàn khỏi phong cách quen thuộc của Tarantino. Tính châm biếm, giễu nhại và hài hước đến từ những nhân vật được xây dựng có phần hơi cường điệu (và hơi điên) tiếp tục là một trong những yếu tố hút khách và thú vị. Sự trái ngược trong hành động, trong hoàn cảnh và trong tính cách của nhân vật giúp người xem có những tràng cười thực sự thoải mái.
Hình ảnh một diễn viên trông “bặm trợn” như Rick Dalton lại là con người với trái tim “mong manh yếu đuối” quá ngược ngạo nên mỗi lần nhân vật khóc sướt mướt thì khán giả lại cười không ngớt hoặc như phân cảnh cameo của Lý Tiểu Long do Mike Moh thủ vai, nửa phần tri ân nhưng theo góc nhìn của người viết thì cũng là nửa phần chế nhạo. Phim nào của Tarantino cũng thế, cũng có chất ngông và sự nổi loạn nhất định (chẳng hạn trong phim này là các góc quay tô đậm hình thể và mang tính xác thịt của các nhân vật nữ, một yếu tố dễ khiến chủ nghĩa nữ quyền nổi giận) và cả trong xây dựng nhân vật mặc kệ khán giả và các phong trào xã hội nghĩ gì.
Sử dụng những yếu tố cliché (sáo mòn), những mô tuýp thường thấy trong các thể loại phim đại chúng, sau đó sắp đặt sao cho diễn biến của bộ phim đi ngược lại những mô tuýp đó và chúng ta có thêm một khía cạnh khác trong phong cách của đạo diễn. Đơn cử như cảnh Cliff Booth đến trang trại quay phim năm xưa mình từng làm việc. Tarantino quay và dựng cảnh này với kỹ năng tạo dựng sự kịch tính, cốt để làm cảm xúc khán giả nhập vào cảm xúc của nhân vật chính, chúng ta bắt đầu có những suy nghĩ và mong đợi hệt như nhân vật cho đến khi sự thật được phơi bày thì cả nhân vật (và khán giả) đều “tẽn tò” vì bị đạo diễn đánh lừa.
Chuyện Ngày Xưa ở Hollywood vẫn mang phong cách nhiều thoại, độc thoại và tiếp tục là minh chứng cho thấy khả năng viết thoại của ông. Đối với quy tắc, chuẩn mực của kịch bản phim chặt chẽ được phần đông biên kịch ghi nhớ và “noi theo” thì gần như câu thoại đều phải có chức năng, phải có vai trò và thể hiện được một chi tiết nào đó liên quan đến sự kiện hoặc tính cách nhân vật. Thoại chặt chẽ là thoại không có câu thừa thãi, tình tiết chặt chẽ là tình tiết không thừa thãi.
Nhưng với phim của Tarantino, nhiều đoạn thoại và độc thoại của các nhân vật gần như chẳng có ý nghĩa gì, ngoài chuyện bình luận về thời tiết, về đồ uống, thức ăn, hỏi thăm sức khỏe, hỏi đường, bình luận về người hàng xóm mới chuyển đến... vừa dài dòng, vừa huyên thuyên, nhưng cũng là thứ khiến người ta cảm thấy thú vị vì hiếm ai viết thoại tốt như Tarantino, kể cả khi câu thoại đó thật vớ vẩn (cũng chính vì vớ vẩn nên nó mới buồn cười). Ông thậm chí còn để nhân vật kể lể tình tiết của phim hay suy nghĩ của nhân vật, một đặc điểm và nhiều biên kịch và đạo diễn cho là tối kỵ. Phim cũng có những cảnh quay dài hơi chỉ để cho người xem thấy đơn giản là nhân vật đang lái xe từ điểm này sang điểm khác. Chuyển động của những cảnh quay này, thêm vào đó là sự rộn ràng, gần như không có giây phút nào yên tĩnh quá lâu khiến bộ phim như đang mang cả cuộc sống của Hollywood lên màn ảnh rộng.
Sở hữu dàn diễn viên rất khủng cả về danh tiếng lẫn tài năng diễn xuất, cả Leonardo DiCaprio, Brad Pitt và Margot Robbie... đều thể hiện được rõ nét tính cách nhân vật mà mình hóa thân. Đặc biệt, DiCaprio một lần nữa lại là người chiếm trọn sự chú ý trên màn ảnh khi cảnh nào anh xuất hiện cũng làm khán giả rất thích thú. Chọn những gương mặt nổi tiếng vào cả những vai rất phụ, đôi xuất hiện chỉ vài phút, nói vài câu giao tiếp với nhau, nhưng sự góp mặt của họ đã đủ làm khán giả háo hức và đón chờ. Mặt diễn xuất đương nhiên chẳng có gì phải phàn nàn.
Chuyện Ngày Xưa ở Hollywood sử dụng tông màu vàng làm tông chính, màu đỏ làm tông phụ, giúp bộ phim sở hữu mặt hình ảnh vừa rực rỡ, vừa mang màu sắc vintage, rất hợp với bối cảnh năm 1969 (Chuyện Kinh Dị Lúc Nửa Đêm (Scary Stories to Tell in the Dark) với câu chuyện diễn ra cùng thời đại cũng sử dụng 2 tông này). Các chi tiết nhỏ như bảng chỉ dẫn, bảng hiệu rạp phim, một diễn viên nhí đọc vanh vách mô tả "method acting" (một phương pháp diễn xuất mới được giới thiệu và bắt đầu được áp dụng vào khoảng những năm thập niên 50-60), tin tức trên ti vi đang ra rả về chiến tranh Việt Nam... đều góp phần tạo nên một năm 1969 đầy xáo trộn, với nhiều thay đổi và biến cố bất ngờ.
Màu vàng là màu sắc mang nhiều ý nghĩa, vừa là màu sắc của sự quý phái, ấm áp và trung thành, nhưng cũng là màu của sự phản bội, giận dữ nếu bị lạm dụng quá đà, đồng thời, màu vàng cũng là màu của sự yếu đuối và trẻ con. Gần như tất cả các nhân vật chính trong phim đều có ít nhất 1-2 lần mặc quần áo màu vàng hoặc có 1-2 cảnh gắn với màu sắc này và họ đều có cá tính mà màu vàng đại diện.
Diễn biến bất ngờ của phim tô đậm quan điểm “muốn vượt qua sự mong đợi" của Tarantino. Lúc người xem đang hồi hộp chờ đợi một sự kiện nào đó diễn ra, đạo diễn lại kết thúc cảnh đó một cách “trớt quớt”, còn lúc người xem không ngờ thì lại nhanh chóng lật mở một loạt sự kiện chẳng ai nghĩ tới, khiến người xem vừa buồn cười và như đang tự hỏi “cái quái gì đang diễn ra thế nhỉ?”
Phần âm nhạc, âm thanh tiếp tục là một điểm sáng khác. Phim của Tarantino thường có phần nhạc rất nổi bật, đồng thời âm thanh của tiểu tiết trong phim được khắc họa vô cùng rõ. Bạn sẽ nghe thấy những tiếng động thông thường của đời sống như tiếng rót rượu, tiếng bước chân, tiếng mở cửa, tiếng TV… lớn hơn một chút so với các phim thông thường. Một trong những phong cách cũng rất thú vị của Tarantino.
Mặc dù không thể nói rằng Chuyện Ngày Xưa ở Hollywood là bộ phim thứ 9 xuất sắc của Tarantino, nhưng nó vẫn là phim của Tarantino, mà phim của ông thì lúc nào cũng đáng xem, mặc dù chắc chắn rằng nó không dành cho tất cả mọi người.