Giữa không khí se lạnh của cuối năm, Chuyện Nhà Bánh Xếp (About Family) là bộ phim sẽ sưởi ấm trái tim của chúng ta bằng câu chuyện gia đình thời hiện đại. Nhẹ nhàng, đôi chút thất thường nhưng khắc sâu khái niệm tình thân được lật ngược và tái định hình trong thời hiện đại. Nhưng cốt lõi cuối cùng vẫn không thay đổi – tình thân thật sự và chân thành là thứ ấm áp nhất trên đời.
“Tai nạn” hạnh phúc nhất nhà Ham
Ngược dòng thời gian về lại những năm đầu tiên của thập niên 2000, thời mà chúng ta còn sử một chiếc điện thoại nắp gập ấy, Chuyện Nhà Bánh Xếp bắt đầu với một ngày mở bán bánh xếp của ông Ham Moo Ok (Kim Yun Seok). Những chiếc bánh ngon lành trứ danh đã biến ông Ham thành một triệu phú với khối tài sản khổng lồ.
Nhưng ông vẫn giữ thói tiết kiệm có thể coi là keo kiệt, ăn mặc xuề xòa, cộc tính với người xung quanh. Kể cả với bà Bang, người đã ở bên ông kể từ ngày vợ mất và con trai Ham Moon Seok quy y cửa Phật. Song, sự khó tính của ông chỉ là bức màn che đậy nỗi cô đơn cùng cực ngày đứa con trai duy nhất đoạn tuyệt với hồng trần.
Rồi một ngày, hai đứa trẻ tìm đến ông Ham, nói chúng là con của Ham Moon Seok sinh ra từ tinh trùng anh hiến tặng cho một trung tâm điều trị hiếm muộn. Ông Ham bất ngờ, còn sư trụ trì Moon Seok thì như bị giác ngộ vài lần. Sự việc rắc rối hơn khi hai đứa trẻ cầu cứu ông Ham trước viễn cảnh một trong hai phải làm con nuôi ở nước ngoài.
Tiếng “ông nội” ngọt ngào và trong trẻo của lũ trẻ đã đánh thức khát vọng tình thân trong ông Ham, cộng với nỗi tội lỗi không thể kéo dài hương hỏa cho gia đình. Nhưng hai đứa trẻ này có phải là món quà bất ngờ thượng đế dành cho ông không thì chưa chắc.
Chuyện Nhà Bánh Xếp: Câu chuyện đủ kiểu tình thân
Chuyện Nhà Bánh Xếp từ tốn dìu dắt khán giả qua câu chuyện với dàn nhân vật là trung tâm. Họ thúc đẩy bộ phim bằng những mối quan hệ tơ vò, khó nói nhất là tình cha con giữa Moon Seok và Moon Ok. Hai con người, hai thế hệ với nhân sinh quan cách biệt vài thập kỷ và triết lý Phật giáo là cầu nối giữa họ.
Với tình thân từ trên trời rơi xuống, góc cạnh của hai cha con như được bào mòn dần. Bộ phim nhẹ nhàng chuyển qua lại góc nhìn giữa một người đàn ông trưởng thành trong chiến tranh và khốn khó và chàng thanh niên tiếp nhận các giá trị hiện đại chỉ để từ bỏ hồng trần vì nỗi mất mát quá lớn. Điều đó đồng nghĩa từ bỏ tình cha con.
Đạo diễn Yang lại khéo léo gắn kết lại những mối quan hệ thế tục đã bị cắt đứt giữa họ theo cách nhân văn nhất có thể trong Chuyện Nhà Bánh Xếp, bằng cách để học lại cách thấu hiểu cảm thông và yêu thương không chỉ gói gọn trong hai chữ "dòng họ". Tình thân đến trong nhiều hình dạng, nhưng luôn chân thành và luôn mãnh liệt.
Câu chuyện trong đây rất dễ đoán. Còn mạch phim di chuyển qua lại giữa quá khứ và hiện tại một cách mạch lạc nên dù có twist cũng không quá bất ngờ. Dù vậy, toàn bộ bộ phim không bị dàn trải nhờ những tình huống hài duyên dáng đến đúng lúc. Lúc cần thì những khoảnh khắc kịch tính xuất hiện thúc đẩy bộ phim đến cao trào.
Chuyện Nhà Bánh Xếp về cốt lõi là một bộ phim về tình thân và sự biến hóa của nó theo thời đại, được hiện thực hóa qua câu chuyện đầy drama đời thường xen lẫn tiếng cười và nước mắt, trong lạnh có ấm, được nhấn nhá bằng những khoảnh khắc cảm động đến day dứt.
Chính vì là phim về tình thân nên bộ phim của đạo diễn Yang Woo Seok quy tụ đủ mọi kiểu tình thân trên đời chỉ với một mục đích. Bộ phim là một cuộc khám phá hài hước về mối quan hệ gia đình máu mủ, càng buộc khán giả phải suy ngẫm về giá trị của các mối quan hệ và ý nghĩa cuối cùng của hai chữ gia đình khi nó vượt qua những phân tử ADN.
Triết lý của Chuyện Nhà Bánh Xếp không cao siêu, nhưng rung động đến tận khung hình cuối cùng, để lại những hơi thở ấm áp nhẹ nhàng lại đọng lại khá lâu sau khi phim kết thúc. Chất “melodrama” đặc trưng của điện ảnh Hàn hòa quyện đúng điệu với yếu tố hài và chính kịch. Tất nhiên, diễn xuất từ dàn diễn viên làm bộ phim thêm tròn trịa.
Chuyện Nhà Bánh Xếp: Một bộ phim đơn giản mà tuyệt vời
Chuyện Nhà Bánh Xếp không phải là bộ phim về dịp cuối năm, nhưng lại có tinh thần của dịp cuối năm – thời khắc mà chúng ta hay chiêm nghiệm. Bộ phim lại chân thành và mộc mạc. Thông điệp lại lắng đọng, được truyền tải nhẹ nhàng. Phim có thể không phải một siêu phẩm nhưng vẫn xứng đáng với từ “tuyệt vời”.
Bộ phim đáp ứng hết những tiêu chí lý tưởng, giải trí ý nghĩa, là kiểu phim đủ sâu để thuyết phục khán giả đã chọn nó vừa “cảm” vừa “xem” – một điều dường như ngày càng hiếm trong thị trường phim ảnh ngày nay. Hãy để Chuyện Nhà Bánh Xếp (About Family)sưởi ấm bạn dịp cuối năm này.